Thành Osaka - cao 58m nằm giữa những tòa nhà chọc trời hiện đại và công viên tấp nập, là một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng và được yêu thích nhất của Osaka.
Thành Osaka được xây dựng khi nào?
Lâu đài Osaka hay Thành Osaka được xây dựng hơn 500 năm trước bởi Toyotomi Hideyoshi, người đã thống nhất Nhật Bản sau nhiều năm chiến tranh. Tên gọi nguyên bản của nơi đây là Ozaka-jo.
Câu chuyện bắt đầu vào thế kỷ 16 và với hai nhân vật lịch sử quan trọng: Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi. Nobunaga là một Daimyo (lãnh chúa phong kiến) hùng mạnh, đang cố gắng thống nhất Nhật Bản dưới thời đại của mình. Ông nhận được nhiều thành công nhờ vào sự hỗ trợ của Toyotomi Hideyoshi.
Sau một cuộc đảo chính khiến Nobunaga chết, Hideyoshi thế chỗ và hoàn thành việc thống nhất các thị tộc đối thủ của Nhật Bản thành một và xây dựng thành trì được gọi là Lâu đài Osaka (Thành Osaka) để kỷ niệm. Nơi đây cũng chính là nơi sinh sống của Hideyoshi.
Thành Osaka được xây dụng trên nền chùa Ishiyama Hongan-ji, bao quanh bởi những con hào để bảo vệ và củng cố quyền lực của người sinh sống bên trong. Có thể nói lâu đài Osaka là biểu tượng của sự vinh quang, có 5 tầng ở bên ngoài và 8 tầng bên trong. Vàng được trang trí hai bên và phòng trà của Hideyoshi được bao phủ hoàn toàn bằng vàng.
Sau cái chết của Hideyoshi vào năm 1615, lâu đài đã bị Tướng quân Tokugawa Ieyasu đốt cháy thành tro. Mặc dù Lâu đài Osaka được xây dựng lại vào những năm 1620, nhưng nó đã bị sét đánh hai lần và bị thiêu rụi một lần nữa vào năm 1660 và 1665.
Nó lại bị hư hại trong các cuộc bạo loạn thời Minh Trị và các trận đánh bom trong Thế chiến II. Cuối cùng, vào những năm 1990, chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho việc khôi phục hoàn toàn lâu đài để trả lại vẻ huy hoàng ban đầu và bổ sung thêm thang máy.
Ngày nay, Thành Osaka mang lại cho người dân cảm giác tự hào và khiến du khách kinh ngạc. Lâu đài là di tích rực rỡ, thể hiện khả năng ghi nhớ và xây dựng lại của người Nhật.
Ngày nay, cả tám tầng của Thành Osaka đều sừng sững và kiêu hãnh, bao quanh bởi hào nước và những bức tường đá. Mặc dù bên ngoài đã được xây dựng lại giống với nguyên bản nhưng bên trong Thành Osaka hiện là một bảo tàng nơi du khách có thể tìm hiểu về lịch sử của lâu đài và thành phố. Bạn thậm chí có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ độ cao 50m.
Hiện tại, lâu đài Osaka được xếp vào Tam đại danh thành của Nhật Bản cùng với lâu đài Nagoya và lâu đài Kumamoto, và được bảo tồn kỹ lưỡng để giữ mãi dáng vẻ oai hùng và tráng lệ của tòa thành cho thế hệ sau.
Bên trong Thành Osaka có gì?
Hơn 2,5 triệu người đến thăm Lâu đài Osaka mỗi năm. Đây là điểm thu hút du khách lớn nhất ở Osaka và có tên trong tất cả các danh sách “lâu đài đẹp nhất Nhật Bản”.
Nhiều khu vực cũng bị cháy trong thời Minh Trị Duy tân và các vụ đánh bom trong Thế chiến II. Mặc dù vậy, 10 tài sản văn hóa quan trọng vẫn nằm trong thành lũy chính và bên ngoài của lâu đài. Trong số này có Cổng Sakuramon, Cổng Otemon, năm tháp canh bao gồm Tháp pháo Tamon, hai nhà kho và mái nhà trên giếng Kinmeisui. Tất cả những thứ này đều là những cấu trúc ban đầu không bị hư hại bởi các đám cháy khác nhau xảy ra tại Lâu đài Osaka.
Một số kiến trúc này được mở cửa cho công chúng trong thời gian giới hạn. Vào năm 2019, du khách có thể xem bên trong Tháp pháo Tamon và Tháp pháo Sengan, cũng như kho thuốc súng Enshogura vào cuối tuần và ngày lễ
Bức tường đá hùng vĩ của Otemon
Điểm nổi bật của Lâu đài Osaka là những bức tường đá và hào nước. Thành Osaka dù được xây dựng lại vào Thời đại Showa, nhưng những bức tường đá và hào nước vẫn được giữ nguyên từ thời Tokugawa. Các bức tường, được làm bằng đá tốt được mang đến từ nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản, có quy mô đáng kinh ngạc.
Đặc biệt, điều đầu tiên bạn sẽ nhận thấy ở cổng Otemon là bức tường đá gần đó. Nhìn vào Otemon từ Osakajo Otemae Shibafu Hiroba (Quảng trường bãi cỏ Osaka), bạn có thể thấy những viên đá được đặt trên các bức tường bên trái và bên phải của con hào bên ngoài khá khác nhau. Có vẻ như phía bên trái hướng tới cổng được xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên trong khi phía bên phải có trật tự hơn.
Cả hai đều là những bức tường đá của thời Tokugawa, nhưng phía bên trái là của tòa nhà khi nó được xây dựng ban đầu, còn phía bên phải được xây dựng sau đó khoảng 7 đến 8 năm.
Lý do dẫn đến sự khác biệt này là việc xây dựng thành Osaka kéo dài 10 năm, và trong thời gian đó, công nghệ xây dựng các bức tường đá đã phát triển vượt bậc, do đó có sự khác biệt trong cách xếp đá.
Đến gần cổng Otemon, bạn sẽ nhận thấy một khớp có hình dạng phức tạp trên cây cột bên phải. Người ta cho rằng đó là dấu vết của việc sửa chữa một cây cột cũ từ thời đại Taisho, nhưng ngay cả ở Nhật Bản, đây là nơi duy nhất nó được thực hiện theo cách này.
Không ai hiểu cấu trúc này, và nó đã được coi là một bí ẩn trong nhiều năm; tuy nhiên, vào năm 1979, một tờ báo đã tiết lộ rằng chỉ có một người thợ mộc duy nhất ở Thành phố Kobe tìm ra cấu trúc của nó. Nó gần như là nó được cố tình bỏ lại từ quá khứ để chờ chúng ta giải đáp, bởi công nghệ phục hồi của thời đại Taisho rất phức tạp.
Cổng Sakuramon
Cổng Sakuramon lớn được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1626 trong thời kỳ đầu Edo. Tuy nhiên, nó đã bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 1868 và được xây dựng lại vào năm 1887 bởi quân đội Nhật Bản.
Bạn có thể thắc mắc tại sao cánh cổng lại có tên là Sakuramon? Vì “Sakura” có nghĩa là hoa anh đào nên người ta cho rằng cái tên đẹp đẽ này xuất phát từ hàng cây anh đào được trồng gần cổng khi Toyotomi xây dựng Lâu đài Osaka vào cuối thế kỷ 16.
Bạn sẽ nhận thấy những tảng đá khổng lồ ở hai bên Cổng Sauramon, được gọi là Ryukoishi, có nghĩa là đá rồng và hổ. Tương truyền rằng khi trời mưa, hình ảnh rồng và hổ sẽ xuất hiện trên đá.
Khi bạn đi qua Cổng Sakura, lối vào bên trong tòa thành, bạn sẽ thấy viên đá nguyên khối lớn nhất trong lâu đài có tên gọi Takoishi. “Diện tích bề mặt dường như có 36 tấm chiếu tatami. Nó rộng hơn căn hộ một phòng ngủ”, một người phải thốt lên khi được chiêm ngưỡng viên đá.
Công viên Thành Osaka
Thành Osaka được bao quanh bởi một công viên rộng lớn, Công viên Thành Osaka hay Osaka-jo Koen như cách gọi trong tiếng Nhật. Công viên có diện tích khoảng 2 km2 và là nơi lý tưởng để thoát khỏi tiếng ồn của thành phố và đô thị.
Đi dạo, chạy quanh hào nước bên ngoài hoặc tham gia cùng người dân địa phương trong một trận bóng đá hoặc bóng chày trên những cánh đồng rộng lớn ở phía đông bắc của công viên là một trải nghiệm thú vị.
Công viên có rất nhiều cây anh đào, mơ và mận tuyệt đẹp, làm cho công viên thay đổi thành một biển màu sắc tuyệt đẹp trong cả mùa xuân và mùa thu. Công viên là một trong những điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng nhất ở Osaka trong mùa hoa anh đào (thường diễn ra vào đầu tháng Tư).
Người dân địa phương đến Công viên để tham gia hoạt động Hanami - thưởng hoa anh đào, tận hưởng thời tiết trong không gian ngập tràn sắc hồng của hoa. Chính vì thế, trong thời gian Hoa anh đào nở, tại công viên có rất nhiều người bán đồ ăn và đồ uống đường phố để phục vụ người dân đến đây, và đôi khi có những người chơi trống Taiko giúp không gian trở nên sôi động hơn.
Công viên cũng rất đẹp và đầy màu sắc vào tháng 11, khi những tán lá đỏ, vàng của mùa thu xuất hiện rợp trời.
Đền Hokoku
Nếu bạn đi qua cổng chính, bạn sẽ thấy một "hào khô", không chứa nước kể từ khi bắt đầu xây dựng lâu đài.
Nguyên nhân là vì thành Osaka nằm ở rìa phía bắc của vùng cao nguyên Uemachi Daichi, vì vậy có vẻ như rất khó để có nước chảy đến đây.
Dù không có nước nhưng đây vẫn là một địa điểm chụp ảnh tuyệt vời khi hoa anh đào nở rộ. Vào mùa xuân, không gian nơi đây có màu hồng nhạt và vào mùa thu, bạn có thể thấy sự tương phản tinh tế giữa những tán lá mùa thu và những con hào.
Ngay bên kia con hào là Tháp Lâu đài, nhưng trước đó bạn sẽ đi ngang ngôi đền Hokoku (Hokoku Jinja), nơi tưởng niệm Toyotomi Hideyoshi, nằm trong khu vực Công viên Lâu đài Osaka. Ngày nay, nơi đây trở nên phổ biến trong giới trẻ. Nhiều người trong số họ đến đây để cầu mong thành công trong công việc và hôn nhân.
Tháp lâu đài
Quay trở lại Cổng Sakura, du khách sẽ đến được Tháp Lâu đài Osaka – biểu tượng của thành phố Osaka nói riêng và cả Nhật Bản nói chung. Một tòa tháp trắng uy nghi, lộng lẫy nằm trên bức tường đá cao.
Trên tầng thượng là một tác phẩm điêu khắc Shachihoko bằng vàng (một sinh vật trong văn hóa dân gian Nhật Bản với đầu hổ và mình cá), và trên bức tường đen là một con hổ vẽ bằng vàng.
Nơi đây có bảo tàng cung cấp nhiều thông tin về lịch sử lâu đài và Toyotomi Hideyoshi .
Bảo Tàng Lâu Đài Osaka
Bên trong lâu đài tám tầng có một nơi có chức năng như một viện bảo tàng. Nó có một thang máy để mọi người có thể dễ dàng di chuyển.
Bảo tàng lưu giữ hơn 10.000 hiện vật lịch sử như kiếm samurai, áo giáp và các loại vũ khí khác nhau. Tại đây, bạn cũng có thể thấy một màn hình gấp khổng lồ kể câu chuyện về Cuộc chiến mùa hè năm 1615 đã phá hủy Thành Osaka ban đầu.
Trên tầng hai, bạn có thể thấy các vật phẩm lịch sử khác nhau được trưng bày như một con hổ vàng và một bản sao của vật trang trí trên mái nhà bằng vàng Shachihoko.
Tại đây, bạn cũng có thể thử các bản sao của mũ và áo khoác ngoài của các chiến binh samurai, thậm chí là bản sao của chiếc mũ màu đen có hai chiếc sừng lớn bằng vàng, do chính Toyotomi Hideyoshi đội.
Đài quan sát
Một đài quan sát tọa lạc ở tầng tám, từ đó du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Osaka và các vùng lân cận. Du khách thường đi lên đài quan sát trước và sử dụng cầu thang bộ để đi xuống các tầng thấp hơn của pháo đài. Điều này có thể đồng nghĩa với việc phải xếp hàng dài chờ thang máy đi lên. Tốt nhất bạn nên bắt đầu bằng việc xem các hiện vật ở tầng một và đi lên cầu thang lên từng tầng kế tiếp trước khi lên đến đỉnh tháp canh. Sau khi tận hưởng khung cảnh tuyệt vời từ trên đỉnh, bạn có thể đi xuống bằng thang máy.
Vườn Nishinomaru
Vườn Nishinomaru là một khu vườn trồng 600 cây hoa anh đào, một quán trà, Nhà khách Osaka cũ và tầm nhìn tuyệt đẹp ra tháp lâu đài từ bên dưới. Không giống như hầu hết phần còn lại của khuôn viên lâu đài, khu vườn yêu cầu phí vào cửa.
Nên ghé thăm Thành Osaka mùa nào?
Đối với khách du lịch việc lựa chọn thời điểm để đến thăm một nơi nào đó là điều quan trọng. Bạn có thể ghé thăm Thành Osaka vào bất kì thời điểm nào trong năm, tuy nhiên đẹp nhất sẽ là mùa hoa anh đào và mùa thu để có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của nơi đây.
Cách di chuyển đến Thành Osaka
Từ lâu đài Osaka có tất cả 8 ga gần nhất. Trong đó, thuận tiện nhất là 2 cách đi như sau.
Xuất phát từ ga Osaka - chọn ga đến là Osakajokoen, thời gian đi mất khoảng 10 phút.
Hoặc để đi đến tòa tháp canh lâu đài Osaka - ga gần nhất là ga Tanimachi Yonchome: Ga này khá gần với cổng chính của lâu đài. Ngoài ra, ga Tanimachi Yonchome cũng gần với Bảo tàng lịch sử Osaka - một trong những địa điểm du lịch nên ghé qua.
Những điều cần lưu ý khi đến Thành Osaka
- Tháp Canh là địa điểm tham quan mà bạn cần phải đến khi tham quan tòa lâu đài.
- Vì nơi đây là một địa điểm lịch sử lâu đời nên dù không có quy định khắt khe thì du khách cũng nên hạn chế đùa giỡn hoặc dùng những từ ngữ không phù hợp. Đồng thời nên mặc những trang phục lịch sự, dễ dàng di chuyển.
Thời gian hoạt động
Tháp lâu đài
- Thời gian mở cửa: 09h00 – 17h00 (giờ nhận khách cuối cùng là 16h30).
- Thời gian đóng cửa: 28/12 – 01/01 hàng năm.
- Vé vào cổng: Đi dạo trong khuôn viên lâu đài là miễn phí, nhưng một chuyến viếng thăm bảo tàng có giá 600 yên (khoảng 96.000 đồng).
Vườn Nishinomaru
- Thời gian mở cửa: 09h00 – 17h00, từ tháng 11 – tháng 2 mở cửa đến 16h30, trong mùa hoa anh đào mở cửa đến 21h00.
- Thời gian đóng cửa: Thứ Hai (hoặc ngày tiếp theo nếu thứ Hai là ngày lễ quốc gia), 28/12 - 04/01.
- Vé vào cổng: 200 yên (khoảng 32.000 đồng) vào thời điểm bình thường, 230 yên (khoảng 36.000 đồng) vào mùa hoa anh đào.
Xung quanh Thành Osaka có gì thú vị?
Cầu Gokurakubashi
Cây cầu Gokurakubashi bằng gỗ tuyệt đẹp sẽ đưa bạn băng qua con hào bao quanh Thành Osaka. Cầu Gokuraku nối khu vực bên ngoài của lâu đài - Ninomaru Bailey, và khu vực bên trong của lâu đài - Yamazato-maru Bailey.
Ngay trước khi bước vào Cầu Gokurakubashi, bạn sẽ thấy tượng đài “Địa điểm của Yamazato-maru” đánh dấu nơi người sáng lập Thành Osaka - Tướng quân Toyotomi Hideyoshi, đã tự sát.
Từ “Gokuraku” xuất phát từ Phật giáo và có nghĩa là “thế giới hòa bình”. Người ta tin rằng tên của cây cầu bắt nguồn từ ngôi chùa Phật giáo Hongan-ji tọa lạc tại đây, trước khi Thành Osaka được xây dựng.
Đi qua cầu, rẽ phải, tản bộ dọc theo hào nước, bạn có thể có cơ hội chiêm ngưỡng chiếc thuyền vàng Gozabune.
Gozabune là một chiếc thuyền du lịch nơi bạn có thể thực hiện một chuyến đi thuyền thú vị kéo dài 20 phút quanh lâu đài. Chiếc thuyền là bản sao chép của Hooh Maru của Hideyoshi, một tàu chiến Nhật Bản. Tàu hoạt động hàng ngày từ 10h00 sáng đến 16h30 (giờ khởi hành cuối cùng). Vé có thể được mua tại quầy vé nằm ở phía Tây Bắc của cầu Gokuraku. Giá vé: 1500 yên (khoảng 240.000 đồng/người lớn), 750 yên (120.000 đồng/trẻ em).
Quán cà phê và tiệm bánh Boulangerie Gout
Gout (phát âm là “goo” theo tiếng Pháp) là một trong những tiệm bánh ngon nhất ở Osaka. Tại đây bạn có thể mua tất cả các loại bánh ngọt mới nướng, bánh sừng bò, bánh mì baguette, bánh mì sandwich, bánh ngọt, cà phê, trà và nước trái cây. Họ cũng có chỗ ngồi bên trong nếu thời tiết không thuận lợi cho việc dã ngoại.
Mua gì đó để ăn uống và mang theo đến Công viên Thành Osaka để tổ chức một buổi dã ngoại nhỏ nếu thời tiết cho phép, là một ý kiến không tồi. Bạn có thể đi tàu đến Ga Tanimachi 6-chome thay vì Ga Tanimachiyonchome nếu bạn muốn dừng lại ở Gout Bakery trước khi tiếp tục đến Thành Osaka
Jo-Terrace Osaka
Một số tuyến tàu và xe buýt chạy gần đó cung cấp nhiều lựa chọn để đến Công viên Lâu đài Osaka; một trong những cách phổ biến nhất để đến công viên ngày nay là qua Ga Osakajo Koen.
Jo-Terrace Osaka, một trung tâm thương mại được khai trương vào năm 2017, kết nối với nhà ga và cung cấp một tuyến đường trực tiếp đến công viên. Cơ sở này cung cấp nhiều lựa chọn địa điểm ăn uống, vì vậy đây là nơi lý tưởng để ăn trưa hoặc ăn tối sau khi tham quan Thành Osaka. Ngoài ra còn có một điểm nghỉ ngơi với hình minh họa của các lãnh chúa, quý bà và chiến binh Nhật Bản dưới những chiếc ô màu đỏ tươi được sử dụng cho các buổi tiệc trà ngoài trời, nơi du khách có thể chụp ảnh lưu niệm.
kilala.vn