Nagasaki - Thành phố thân hữu của Việt Nam

Bài: Mayu Senda/ Hợp tác: Tỉnh Nagasaki/ Biên dịch: Lê MaiJul 4, 2017

Thời kì Nhật Bản bế quan tỏa cảng với nước ngoài, Nagasaki vốn là bến cảng duy nhất ở thời đó đã bùng lên phát triển vô cùng mạnh mẽ. Sự du nhập và giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau đã hình thành nên những con phố mang dấu ấn riêng biệt và trở thành sức quyến rũ lôi kéo du khách đến với thành phố này. Vén lại bức màn lịch sử, có thể thấy thật ra mối giao thương giữa Việt Nam và Nagasaki đã bắt đầu từ thời xa xưa và tình hữu nghị đó vẫn kéo dài cho đến tận bây giờ.

Tại Nagasaki có một hòn đảo không người, tên gọi “Gunkanjima”,thu hút rất nhiều sự quan tâm kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hòn đảo này có tên chính thức là Hashima, là một hòn đảo nhỏ với chiều dài khoảng 480m nằm ngoài khơi bán đảo Nagasaki. Kể từ khi những mỏ than có chất lượng cao được khai quật, từ năm 1890 đến năm 1974, nơi đây đã phát triển như một thành phố mỏ với thời kì có trên 500 người từng sinh sống tại đây. 

Mặc dù đảo được xây dựng để khai thác than nhưng bên cạnh nơi sinh hoạt, trên đảo còn có cả bệnh viện, trường học, đền Thần đạo, rạp chiếu phim như một thành phố thông thường. Khi ngành công nhiệp dầu mỏ giành quyền làm chủ thị trường, mỏ than bắt đầu suy yếu, người dân cũng kéo nhau rời khỏi đảo và hòn đảo chính thức trở thành đảo không người từ năm 1974. 

Những tòa nhà xây dựng trên đảo thời bấy giờ được giữ nguyên, trở thành các phế tích mà nhìn từ xa hòn đảo trông như chiếc chiến hạm - Gunkan - nên sau này đảo mới có tên gọi như vậy. Bước lên hòn đảo này, thời gian dường như đang dừng lại, cảnh vật xung quanh tái hiện sống động những ngày xưa cũ. Có lẽ đó là những lí do mà Gunkanjima thu hút rất nhiều du khách đến đây tham quan.

thành phố Nagasaki quyến rũ

nagasaki

Gunkanjima - Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Thông tin lưu thông

Hà Nội ⇔ Fukuoka (4 tiếng lượt đi, 4 tiếng rưỡi lượt về): 2 chuyến bay thẳng/tuần (T3, T7). Từ tháng 8, mở rộng 4 tuyến/tuần (T2, T3, T6, T7)
TP.HCM ⇔ Fukuoka (khoảng 5 tiếng): 2 chuyến bay thẳng/tuần (T5, CN)
Fukuoka ⇔ Nagasaki: sử dụng tàu JR Tokkyu Kamome hoặc xe buýt đêm Kyushugo (khoảng 2 tiếng) 

※Để đến sân bay Nagasaki: sử dụng các tuyến bay quốc nội từ sân bay Haneda, Tokyo, sân bay Quốc tế Kansai hay sân bay Itami, Osaka.

nagasaki


Một trong “Tân Tam đại dạ cảnh” của Thế giới - Cảnh đêm Nagasaki

Cùng với Monaco và Hồng Kông, cảnh đêm ở Nagasaki được bầu chọn là một trong “Tân Tam đại dạ cảnh” của Thế giới. Từ đài quan sát trên núi Inasa, bạn có thể chiêm ngưỡng một Nagasaki về đêm lấp lánh và lung linh như một chiếc hộp châu báu.Bến cảng Nagasaki được gọi là “Cảng Tsuru” do có hình dáng như một chú hạc (Tsuru) đang tung cánh, kết hợp với những dãy núi nhấp nhô trùng điệpdệt nên khung cảnh về đêm đặc sắc, quyến rũ mà không nơi nào có được. Nếu nói về hệ thống đèn chiếu sáng trang trí, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên HUIS TEN BOSCH của thành phố Saebo. Tại công viên chủ đề Hoa và ánh sáng với những con phố tái hiện đất nước Hà Lan, hằng đêm đều có màn trình diễn ánh sáng vô cùng huyền ảo như đang ở trong giấc mơ. Những cảnh đêm mê hoặc lòng người này sẽ đem đến cho bạn kí ức tuyệt vời nhất của chuyến đi đến Nagasaki.

nagasaki

Một trong "Tân Tam đại dạ cảnh" của thế giới -  Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Huis Ten Bosch rực rỡ về đêm

Huis Ten Bosch rực rỡ về đêm - Ảnh: ©HUIS TEN BOSCH

“Lời tuyên thệ” và “Nguyện ước” hòa bình - Công viên hòa bình

Buồi trưa ngày 9/8/1945, lúc 11 giờ 2 phút, quả bom nguyên tử đã được thả xuống Nagasaki, lấy đi sinh mạng của biết bao con người. Công viên hòa bình là nơi cầu nguyện cho sự yên nghỉ của những nạn nhân và là nơi cầu chúc cho hòa bình trên toàn thế giới. Đài tưởng niệm trong công viên là một biểu tượng của hòa bình, thể hiện tình yêu thương tràn đầy và lòng thương xót vô bờ. Đài phun hòa bình là nơi tôn vinh những làn nước trong ngần và xua tan những cơn khát như thiêu đốt nhằm góp phần xoa dịu những người đã khuất. Tại bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki, một phần của tòa nhà bị đánh bom cùng các hình ảnh, tư liệu được trưng bày và triển lãm nhằm lên án sức phá hủy khủng khiếp của bom nguyên tử. Vào ngày 9/8 hằng năm, các nghi lễ cầu nguyện cho hòa bình sẽ được tổ chức. Đã 70 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, những nhân chứng còn sót lại trong thảm họa khi ấy cũng đã dần mất đi, tuy nhiên, ở bảo tàng này, những kí ức kinh hoàng về chiến tranh vẫn sẽ được lưu lại để nhắc nhở mọi người trên thế giới hãy dừng ngay những cuộc chiến vô nghĩa.

bức tượng Công viên hòa bình

Bức tượng cầu chúc cho hòa bình có chiều cao 9,7m - Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

đài tưởng niệm hòa bình Nagasaki

Đài tưởng niệm hòa bình - Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Những hòn đảo trôi nổi ngoài biển xanh - Đảo Kujuku

Tên gọi Kujuku (九十九) có nghĩa là “99”, là từ mang hàm ý chỉ số lượng rất nhiều trong tiếng Nhật. Trong phạm vi từ cảng Saebo kéo dài đến 25km về phía Bắc, có đến 208 hòn đảo nằm rải rác (trong đó có 4 đảo có người sinh sống), dạo quanh các hòn đảo này bằng du thuyền sẽ đem đến cho bạn cảm giác hồi hộp như đang trong một chuyến thám hiểm vậy. Mỗi hòn đảo đều có tên gọi riêng và những câu chuyện thú vị, thu hút sự tò mò của nhiều du khách. Hãy tận hưởng một ngày vui chơi thỏa thích khi tham gia các hoạt động hàng hải, tham quan thủy cung hay thưởng thức món ngon tại nhà hàng các bạn nhé!

những hòn đảo Kujuku

Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Chào mừng bạn đến với “Địa ngục” - Unzen Onsen

Đây là suối nước nóng nổi tiếng và mang giá trị lịch sử quý giá mà tỉnh Nagasaki rất tự hào.Do nằm trên cao nguyên mát mẻ nên vào thời Minh Trị, nơi đây thường đông đúc người nước ngoài đến nghỉ mát vào mùa hè. Ở khu vực lân cận, có địa điểm được mệnh danh là 30 nơi ở “Địa ngục”. Từ những khe đá, suối nước nóng phun trào cùng với khí ga, xung quanh bốc lên mùi của lưu huỳnh. Khí ga này hình thành bởi dòng mắc ma dưới đáy biển, trôi lềnh bềnh trong không khí, u ám và kì bí như dưới hỏa ngục. Tuy nhiên, dòng khí nóng ở đây khi dùng để hấp trứng sẽ cho nên những quả trứng hấp rất ngon, khiến bạn xuýt xoa mãi không thôi.Tại công viên Unzen, nơi bao gồm cả suối nước nóng Unzen và “Địa ngục” Unzen, vào mùa xuân sẽ có hoa đỗ quyên, mùa thu sẽ có lá đỏ, là một nơi có thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Năm 1934, nơi này được chỉ định là công viên quốc gia đầu tiên của Nhật Bản. Vừa chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, vừa đắm mình trong làn suối nước nóng, hãy tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn thoải mái tại đây các bạn nhé!

suối nước nóng Địa ngục tỉnh Nagasaki

“Địa ngục” Unzen - Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Onsen ở Nagasaki

Onsen ở đây có 2 loại nước: trong vắt và màu trắng đục - Ảnh: ©Unzen Fukudaya

lá đỏ vào mùa thu ở NagasakiKhung cảnh lá đỏ vào mùa thu rất trữ tình - Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Champon

Đây là món mì với nước dùng được hầm từ xương heo và thịt gà, ăn kèm với thịt, hải sản cùng rất nhiều loại rau củ xếp bên trên. Người ta cho rằng, món ăn này bắt đầu xuất hiện vào khoảng những năm 1900, khi mà những đầu bếp ở Nagasaki vì muốn du học sinh có được bữa ăn vừa rẻ lại vừa đầy đủ chất dinh dưỡng nên đã chế biến ra món ăn này.

mì Champon

Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Thịt bò Nagasaki Wagyu

Đây là giống bò Wagyu được nuôi trong điều kiện khí hậu ôn hòa, hè mát, đông ấm áp của Nagasaki.Với lượng mỡ cân bằng, giống bò này có thớ thịt rất mềm, thích hợp làm bít-tết hoặc nhúng lẩu Shabu-shabu.

thịt bò Nagasaki Wagyu

Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Mối giao hảo giữa Việt Nam và Nagasaki

Những cô dâu đến từ Việt Nam

Từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 17, con tàu mang tên Shuinsen - Chu Ấn Thuyền - được cấp phép đi lại và giao thương giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Vào thời đó, có một thương nhân tên Sotaro Araki cũng leo lên những con thuyền ấy để thực hiện các chuyến buôn bán của mình. Nhận được sự tín nhiệm sâu sắc của đất nước An Nam (tên nước Việt Nam vào thời này), nằm 1691, ông được nhà vua gả cho cô con gái nuôi về làm vợ. Người vợ sau khi về làm dâu ở Nagasaki đã trở nên thân thiết với người dân trong vùng và được mọi người gọi bằng cái tên “Anio san”. Giải thích về cái tên này, khi mọi người nghe thấy tiếng cô gái gọi chồng “Anh ơi”, đã nghe ra thành “Anio” nên xuất hiện tên gọi này. Từ khi theo chồng, công chúa Anio chưa từng về thăm nhà một lần, cô sống với phu quân ở Nagasaki cho đến cuối đời. Đôi vợ chồng được chôn cất cùng nhau trong một ngôi mộ ở tỉnh Nagasaki. Tại lễ hội truyền thống Nagasaki kunchi được tổ chức vào tháng 10 hằng năm, cứ 7 năm 1 lần, những em bé đóng vai Sotaro Araki và nàng Anio sẽ ngồi trên chiếc thuyền Shuinsen và tham gia vào các lễ rước.

lễ hội truyền thống Nagasaki

Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

Ngày Việt Nam ở Nagasaki

Ngày 25/6/2014, sự kiện mang tên “Vietnam day in Nagasaki”đã được tổ chức tại thành phố Nagasaki. Nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư và kinh doanh giữa 2 nước, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng đã đến tham dự. Nội dung sự kiện gồm có hội thảo về nền kinh tế và đầu tư của Việt Nam, triển lãm các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt, tiết mục ca múa nhạc truyền thống của các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. “Vietnam day in Nagasaki” bày tỏ mong muốn tiếp tục thắt chặt mối giao hảo vốn đã có từ lâu đời giữa Việt Nam và Nagasaki.

ngày Việt Nam ở Nagasaki

Vietnam day in Nagasaki

Ảnh: ©Nagasaki Prefecture

festival việt - nhật

Sự kiện gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. Tại sự kiện sẽ có rất nhiều gian hàng giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, thông tin việc làm, du học Nhật Bản, du lịch, ẩm thực, … Ngoài ra, dự kiến còn có quầy thông tin, giới thiệu du lịch tỉnh Nagasaki và gian hàng ẩm thực Nagasaki.

Thời gian: 28 - 30/8/2015 (T6 - CN)
Địa điểm: Khu vực công viên Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng
BTC: Sở Ngoại vụ TP. Đà Nẵng
Chỉ đạo: Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng
Hợp tác: Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản

Bài: Mayu Senda/ Hợp tác: Tỉnh Nagasaki/ Biên dịch: Lê Mai

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU