Nằm ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, Miyagi là một địa phương nổi tiếng về hải sản và lúa gạo trên cả nước. Vùng biển Miyagi là nơi giao nhau của 2 dòng hải lưu nóng – lạnh, chính sự ưu ái từ thiên nhiên này đã mang đến cho Miyagi vô vàn các loài cá tôm phong phú có chất lượng hảo hạng. Để đến với Miyagi, bạn có thể bắt chuyến bay từ Việt Nam đến Tokyo rồi chuyến tiếp đến sân bay Sendai. Thời gian từ Tokyo đến sân bay Sendai chỉ mất khoảng 60 phút, ngắn hơn cả so với từ TP.HCM ra Hà Nội, nên bạn sẽ có cảm giác Miyagi thật gần gũi và thân thuộc. Từ cửa sổ máy bay, khi bạn nhận ra những đám mây trắng dần trôi khuất và nhường chỗ cho mảng đại dương xanh ngắt của Miyagi, đó cũng là lúc bạn hãy chuẩn bị tinh thần để bước vào cuộc hành trình thật khó quên này.
Matsushima - Tuyệt cảnh Phù Tang
Thuộc bộ ba Nhật Bản Tam Tuyệt Cảnh (Nihon Sankei) danh tiếng, vịnh biển Matsushima với 260 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ đã tạo nên một vùng cảnh sắc quyến rũ, ngoạn mục. Thi sĩ Matsuo Basho đã từng nói đại ý: “Không lời nói hay cảm xúc nào có thể miêu tả trọn vẹn danh thắng Matsushima”. Và bài Haiku của ông chỉ thế này: “Matsushima ya! A-ah Matsushima, ya! Matsushima, ya!”.
Với kết cấu đá vôi tương tự vịnh Hạ Long, những hòn đảo ở Matsushima được nước biển bào mòn, tạo nên các tác phẩm điêu khắc với đủ hình thù khác biệt, đôi khi chỉ là phiến đá mang lát cắt kỳ lạ như đảo Niojima – tựa như đầu của một sinh vật biển nhô lên khỏi mặt nước, Takashima, Misagojima, hay hòn đảo Yoroijima với đường cong hình con sóng, đến những khối đá lớn với các hốc trổ ngoạn mục xuyên tâm như Kanejima – hòn đảo có bốn lỗ hổng xuyên qua đá, hay Takashima,...
Hành trình lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Matsushima là du hành trên những con thuyền ngoạn cảnh ra vịnh biển, chứng kiến những diệu kỳ của tạo hoá, và lắng nghe những tích truyện thú vị trong văn học, hội họa, lịch sử của kỳ quan quyến rũ Matsushima này.
Vườn Thiền ở Entsuin
Hình thành từ năm 1646, chùa Entsuin nổi tiếng toàn vùng Tohoku là ngôi chùa Phật giáo thuộc hệ phái Rinzai (Lâm Tế) do thiền sư Eisai sáng lập. Từ cánh cổng dẫn vào khuôn viên, trước khi đến quần thể chính của chùa Entsuin cổ kính, con đường men vách núi mở ra một kho tàng điêu khắc thú vị, với hệ thống hang động tạc thẳng vào đá, trên đó là vô số các tượng Phật lớn nhỏ được thể hiện theo nghệ thuật điêu khắc đặc biệt của thời kỳ Kamakura (1192 – 1333), đánh dấu sự hưng thịnh một thời của Phật giáo Thiền tông trên đất Nhật.
Khu vườn rêu xanh bên hồ nước có thiết kế hình trái tim, đặc biệt là vườn hồng ngay cạnh Đại Bi Đình (Daihitei) gợi nên vẻ đẹp đậm nét Châu Âu, kế đó là vườn dương liễu lả lướt buông mình theo gió,... Sự đa dạng trong nghệ thuật vườn cảnh tạo nên một vẻ đẹp lãng mạn, thâm nghiêm và sức hấp dẫn rất riêng cho Entsuin.
Sự xuất hiện dấu ấn Tây Âu ở Entsuin với các họa tiết trang trí nội thất theo phong cách Tây Âu như trái tim, kim cương, hoa hồng,... kết hợp cùng vẻ đẹp của kiến trúc Nhật Bản, tạo nên một công trình đặc biệt mà nay đã trở thành Di sản văn hoá quan trọng toàn nước Nhật. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày có đến hơn 2.000 du khách tìm đến để chiêm nghiệm vẻ đẹp diễm lệ mà thanh tịnh, thâm nghiêm ấy ở Entsuin.
Công viên cáo độc nhất vô nhị trên thế giới
Nằm ở độ cao 590m trên núi Zao, “Zao Kitsune Mura” là nơi duy nhất mà bạn có thể tiếp xúc với loài vật được xem là biểu tượng quan trọng trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Ở đây có khoảng 250 chú cáo thuộc 6 loài khác nhau như cáo lông vàng Kita-kitsune hay cáo tuyết Platinum-kitsune, trong đó có trên 100 con được thả rong trong khuôn viên. Hiện làng cáo Zao đón khoảng 100.000 khách tham quan mỗi năm.
Bà chủ làng Cáo cho biết, “Cáo vốn là loài vật hoang dã, bản tính không thể thuần hóa và không quấn quýt người như chó hay mèo. Ngoài ra, tỷ lệ sinh ít ỏi cùng với tập tính hay ăn thịt con và những tác động môi trường khác khiến cho việc nhân giống loài vật này rất vất vả. Đây là cơ sở hoạt động hoàn toàn bằng tư phí và tôi rất vui khi hằng nằm lại có nhiều khách đến đây chơi đùa với chúng hơn”.
Nếu đến thăm làng cáo, bạn lưu ý không nên mặc trang phục rườm rà, đặc biệt là giày có phần trang trí lủng lẳng vì cáo sẽ nghĩ đó là chuột và vồ cắn chân bạn. Tuyệt đối không nên chạm vào cáo vì chắc chắn bạn sẽ bị cắn. Ngoài ra, chỉ được cho chúng ăn tại khu vực quy định.
Thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm làng cáo là vào mùa thu – đông. Khi đó, loài vật của xứ lạnh này sẽ phô bày bộ lông xù tuyệt đẹp và bạn sẽ có cơ hội bắt gặp hình ảnh cả bầy nằm phì phò trong hốc cây rất đáng yêu.
Để đến đây, bạn có thể bắt chuyến xe buýt của Miya Kanko Bus khởi hành từ ga Sendai. Giá vé vào cửa: 1.000 yên/học sinh trung học trở lên (khoảng 200.000VND). Xem chi tiết và thời gian hoạt động tại đây.
Phút thần tiên tại lữ quán Sanjiro Onsen
Nguồn nước khoáng dưới chân núi Zao là đặc sản của văn hoá Onsen theo lối truyền thống ở tỉnh Miyagi, mà đại diện là Sanjiro - lữ quán (Ryokan) Onsen tiêu biểu nhất toàn vùng với hơn 300 năm lịch sử. Sanjiro có 23 phòng, được xây dựng từ thời kỳ Edo (1603 – 1868), phong cách kiến trúc truyền thống đặc trưng với chất liệu gỗ tạo nên sự ấm cúng, tinh tế.
Từ 7 giờ sáng mỗi ngày, ở căn phòng Washitsu, chủ nhân của Sanjiro sẽ thong thả pha trà, trò chuyện và phục vụ lữ khách như những người bạn. Chuỗi phòng tắm trong nhà của lữ quán Sanjiro được thiết kế để có hướng nhìn hòa vào thiên nhiên.
Tối đến, bữa tiệc Washoku theo phong cách hội nghị Kaiseki Ryori mang đủ hương vị tinh tế cùng sự trình bày khéo léo, cầu kỳ, bắt mắt trong không gian lãng mạn của chuỗi phòng ăn được thiết kế chuẩn mực, luôn là một trong những điều khiến lữ khách mong đợi khi dừng chân tại nơi này.
Minami Sanriku Hotel Kanyo – ngôi nhà thân ái
Nằm bên vịnh biển Shizugawa, Kanyo là một khách sạn bề thế với lịch sử lâu đời nhất vùng, và cũng từng phải hứng chịu những con sóng cao đến hơn 15 mét trong đợt sóng thần khủng khiếp năm 2011. Khi cơn đại họa ập đến, sự vững chãi của công trình cùng lòng quảng đại của chủ nhân đã biến Kanyo thành ngôi nhà chung, cưu mang cư dân Minami Sanriku vượt qua cơn hoạn nạn.
Hơn 1.000 người đã được chủ nhân Kanyo cưu mang, hỗ trợ liên tục trong 2 tháng ròng trước khi nhận được sự hỗ trợ từ những nhà hảo tâm khác. Chủ nhân Kanyo tâm sự: “Hồi thập niên 60, cha tôi đã từng phải đối mặt với sóng thần, và cứ mỗi lần như thế, ông lại dạy chúng tôi cách ứng phó với thảm họa, đặc biệt là sự chia sẻ với người hoạn nạn”.
Trong nhiều ngày sau cơn đại địa chấn, với 244 phòng nghỉ, Kanyo đã cung cấp nơi lưu trú và các dịch vụ miễn phí như nhà ăn tập thể, nhà trẻ, thư viện,.. cho những cư dân đến trú ngụ tại lữ quán. Toàn bộ nhân viên của khách sạn cũng được giữ lại làm việc, được trả lương đầy đủ và trở thành những người hỗ trợ đắc lực giúp các nạn nhân sóng thần đang lưu trú tại Kanyo suốt thời gian đó.
Nói về nghĩa cử đặc biệt ấy, chủ nhân Kanyo giãi bày ngắn gọn: “Việc làm của tôi hôm nay chỉ là thực thi lại những gì tôi đã học được từ ông và cha. Tôi hy vọng những thế hệ sau cũng sẽ có được tinh thần đó để sẵn sàng phục vụ mọi người khi họ cần được giúp đỡ”.
Món hàu ở Sanriku Kakigoya Gorogoro Ichiba
Khôi phục kỳ diệu sau thảm hoạ, những nông trại nuôi hàu ở Miyagi phát triển với quy mô chặt chẽ, kỹ thuật nuôi trồng cải thiện giúp hàu ở đây trở thành đặc sản có độ tươi ngon, ngậy ngọt đặc biệt nhất Nhật Bản. Đây là tỉnh đầu tiên ở Nhật nhận được chứng chỉ quốc tế ASC cấp cho những vùng hàu đáp ứng tiêu chuẩn nuôi có trách nhiệm, đảm bảo an toàn môi trường, hệ sinh thái, chế biến,...
Ở Sanriku Kakigoya Gorogoro Ichiba – một tiệm phục vụ hàu tự chọn (buffet hàu) tại Miyagi, khách có thể ăn hàu thỏa thích với giá trọn gói là 2.980 yên (khoảng 600.000VND). Hàu được hấp trong một xửng nhỏ tại bàn ăn, trong khoảng 15 phút, khi lớp vỏ cứng đanh hé miệng thì cũng là lúc món ngon đã sẵn sàng để thưởng thức.
Dùng dao tách nhẹ để lộ ra toàn thân hàu căng mọng, nhỏ vào vài giọt nước tương hoặc nước xốt Ponzu, cắn một miếng ngập răng để cảm nhận đủ vị ngọt, béo, ngậy, của thịt hàu, cùng chua thanh, mặn mòi của nước chấm. Quả thực là ngon khôn tả!
Chợ sáng Sendai
Chỉ cách nhà ga Sendai 5 phút đi bộ, chợ sáng Asaichi hoạt động từ những năm 40 đến nay vẫn là địa điểm mua sắm hấp dẫn với người địa phương và cả du khách. Con đường dài hơn trăm mét, chỉ như một hẻm nhỏ nhưng có đến 71 cửa hàng bán hai loại sản phẩm chính là hải sản và rau củ quả theo mùa. Người Sendai gọi chợ sáng Asaichi là “bếp ăn gia đình” bởi đó là nơi thuận tiện nhất của thành phố để tìm mua những nguyên liệu tươi ngon cho bữa cơm mỗi ngày.
Với du khách, các tiệm mì, hải sản, cơm,... sẽ đem lại bữa sáng hấp dẫn bên cạnh sự nhộn nhịp của buổi họp chợ mang đậm dấu ấn của vùng Sendai. Đêm xuống, Sendai có những món ngon khác thuộc dòng ẩm thực được chế biến từ hải sản, nhờ lợi thế nằm không xa các cảng cá chính của toàn vùng Miyagi như Ishinomaki, Shiogama, hay Kesennuma,...
Tại tiệm Tsuda Sengyoten ở Kokubuncho, bạn sẽ được ăn Sashimi theo một cách đặc biệt. Món Sashimi tổng hợp với cá hồi, cá chẽm, cá hồng, tôm sống Ebi, cầu gai, cồi sò quạt,... sẽ được bày trên phần xương sống cá ngừ vẫn còn dính thớ thịt bắt mắt. Thực khách sẽ dùng thìa nhỏ nạo phần thịt đỏ au dính từ xương cá ngừ để thưởng thức trọn vẹn hương vị biển cả, bởi phần cá này được cho là có độ ngọt, dai khác hẳn những lát cắt cá ngừ thông thường.
Lê Mai, Nguyễn Đình/ kilala.vn
Sân bay Sendai tại thành phố Natori tỉnh Miyagi là sân bay duy nhất ở vùng trung tâm phía Đông Nhật Bản, là trạm dừng quen thuộc cho những du khách muốn lên phía Bắc hay trở về thủ đô với 2 chuyến bay của hãng ANA và hơn 80 chuyến Shinkansen đến Tokyo mỗi ngày. Tra cứu chuyến bay tại: