Lâu đài Himeji - Tòa lâu đài tuyệt mỹ nhất Nhật Bản
Bài: Mayu Senda/ Ảnh: Himeji City/ Biên dịch: Lăng ViMar 6, 2018
Dáng vẻ màu trắng tuyệt mỹ của lâu đài được ví như một thân diệc trắng đang sải rộng đôi cánh. Tọa lạc ở thành phố Himeji, tỉnh Hyogo, tòa lâu đài Himeji còn được gọi bằng biệt danh “Shirasagi” (Bạch Lộ) - tức “Chim diệc trắng”. Những lâu đài vẫn còn giữ nguyên tòa tháp canh của thời bấy giờ, nếu tính cả lâu đài Himeji thì trên toàn nước Nhật cũng chỉ có 12 tòa. Trong khi nhiều tòa thành đã được kiến thiết lại trong thời gian gần đây, thì khung kiến trúc chính của lâu đài Himeji hầu như vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.
Dáng vẻ màu trắng tuyệt mỹ của lâu đài Himeji được ví như một thân diệc trắng đang sải rộng đôi cánh (Ảnh: Himeji City)
Lịch sử của lâu đài Himeji khởi đầu từ năm 1333, khi một tướng sĩ tên Norimura Akamatsu cho xây dựng pháo đài trên đồi Himeyama - ngọn đồi mà lâu đài Himeji hiện đang tọa lạc. Sau khi hoàn thành, tòa lâu đài đã được cai quản qua nhiều đời tướng lĩnh. Vào thời kì Terumasa Ikeda nắm toàn quyền kiểm soát lâu đài, một cuộc đại trùng tu đã diễn ra. Năm 1609, cấu trúc hiện tại của lâu đài Himeji hình thành. Kì lạ thay, trong dòng chảy lịch sử xuyên suốt hơn 400 năm sau đó, lâu đài Himeji chưa một lần bị biến thành chiến trường, chưa một lần phải đối mặt với tai kiếp chiến tranh thời Cận đại, thậm chí cũng chưa từng bị tàn phá bởi hỏa hoạn. Đây là một trong những công trình kiến trúc gỗ tuyệt mỹ nhất Nhật Bản, được bảo tồn lâu dài trong tình trạng tốt và được đánh giá là di sản quý báu thể hiện kiến trúc đặc trưng của lâu đài Nhật Bản. Năm 1993, lâu đài Himeji được công nhận là Di sản Thế giới và trở thành Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên tại Nhật Bản cùng với công trình Quần thể kiến trúc Phật giáo khu vực chùa Horyuji, tỉnh Nara.
Lâu đài Himeji nhìn từ không trung. Nhờ cấu trúc phức tạp như mê cung, cơ quan và hệ thống bẫy được cài đặt khắp nơi mà quân địch không thể tiếp cận tháp canh. Đây cũng là một trong những lý do giúp lâu đài tránh được khói lửa chiến tranh (Ảnh: Himeji City)
Biệt danh “Shirasagi” của lâu đài bắt nguồn từ kỹ thuật xây dựng đặc biệt gọi là “白漆喰総塗籠造/Shiro-shikkui sonuri gomezukuri”. “漆喰/Shikkui” là kỹ thuật sơn tường bằng hỗn hợp vữa trộn với hồ, cây gai cắt nhuyễn rồi nhào với nước, được áp dụng trong những ngôi nhà truyền thống Nhật Bản. “白漆喰/Shiro-shikkui” tức là sử dụng kỹ thuật Shikkui với các loại vữa trắng không pha màu. “総塗/Sounuri” nghĩa là sơn toàn bộ, ngoại trừ phần mái nhà. “籠造/Gomezukuri” tức là áp dụng kỹ thuật Shikkui lên vật liệu gỗ để làm tăng độ bền chắc. Những tòa nhà được xây dựng bằng kỹ thuật Shikkui vốn có khả năng chống nước, chống lửa và chống đạn. Màu trắng tuyệt mỹ cùng lịch sử tồn tại kéo dài hơn 400 năm của lâu đài Himeji sẽ không được ca ngợi như vậy nếu không có kỹ thuật này.
Tháng 3 năm 2015, lâu đài Himeji mở cửa lại sau 5 năm rưỡi tiến hành cuộc trùng tu quy mô lớn. Khoảng 15.000 nhân công đã tham gia vào những công việc như sửa chữa mái nhà, sơn phết lại bằng Shiro-shikkui,... Do Shiro-shikkui được trát lên khoảng nối giữa những viên ngói trên phần mái nên ngay sau khi hoàn thành, màu sắc trở nên quá trắng của chúng đã trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi. Nhưng sau 4 - 5 năm nữa, tác động của mưa gió, bụi bẩn và nấm mốc sẽ khiến màu trắng sạm lại và quay về sắc màu nền nã hơn. Lần trùng tu tiếp theo chắc chắn vẫn còn ở xa xôi phía trước. Khi tòa lâu đài Himeji trắng muốt tái xuất hiện, không biết chúng ta sẽ đang đón thời đại nào đây?
Vị thần hộ mệnh, thần xã Osakabe được thờ phượng trên tầng cao nhất của lâu đài Himeji. Thần xã đã được thờ phượng từ trước khi lâu đài Himeji được xây dựng, từng bị di dời một lần nhưng do liên tiếp gặp những chuyện không may, người ta đã phải đặt nó lại vị trí cũ (Ảnh: Himeji City)
“Ro no watariyagura”, dãy hành lang kết nối các tháp canh nhỏ với nhau. Do hành lang sẽ bị hư hỏng khi có người qua lại nên ngày thường không được mở cửa tham quan. Du khách chỉ có thể chiêm ngưỡng nó vào những dịp mở cửa đặc biệt mùa xuân và mùa thu (Ảnh: Himeji City)
Khung cảnh nhìn từ Daitenshu - tòa lâu đài chính. Người xưa có lẽ đã quan sát tình hình quân địch tấn công từ vị trí này (Ảnh: Himeji City)
Thuyền ngoạn cảnh trên con hào bao quanh tòa thành rất được yêu thích. Vào mùa hoa anh đào nở, thuyền chở khách mỗi ngày (Ảnh: Himeji City)
Mayu Senda/ kilala.vn
Bài viết được tài trợ bởi ASEAN-Japan Centre, một Tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1981 bởi Nhật Bản và các quốc gia thành viên ASEAN. Với chủ trương thúc đẩy thương mại, du lịch, giao lưu giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, tổ chức đã có nhiều hoạt động như Triển lãm sản phẩm các quốc gia Châu Á, Hội nghị kinh doanh, Hội thảo về nhiều vấn đề khác nhau, Workshop, Đào tạo nguồn nhân lực, Sự kiện văn hóa, xuất bản nhiều ấn phẩm hay hỗ trợ thông tin.