Bắc qua sông Nishiki ở Tỉnh Yamaguchi, Kintaikyo (tiếng Nhật: 錦帯橋 – Cẩm Đới Kiều) hay Cầu Kintai là một địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử của Thành phố Iwakuni.
Kintaikyo là một cây cầu đi bộ hình vòm với tổng chiều dài 193,3m, rộng 5m, có các trụ cao 6,6m. Cầu được xây dựng chỉ bằng gỗ ghép và có ba vòm trung tâm được đặt trên các trụ đá mà không có giàn đỡ các vòm từ bên dưới. Thiết kế của Kintaikyo là một cấu trúc hiếm thấy trên thế giới và được đánh giá là hoàn hảo từ quan điểm kỹ thuật xây cầu hiện đại.
Cùng với Núi Shiroyama cao 200m với Lâu đài Iwakuni trên đỉnh, khung cảnh Cầu Kintai cùng Sông Nishiki được chỉ định là danh lam thắng cảnh quốc gia.
Cây cầu chống lũ
Với vẻ thơ mộng trữ tình như hiện tại, hẳn Kintaikyo dễ khiến nhiều người lầm tưởng cây cầu được xây dựng để tô điểm cho Thành phố Iwakuni. Nhưng thực tế, ban đầu Kintaikyo được thiết kế với mục đích giúp cầu trụ vững, không bị cuốn trôi trong lũ lụt.
Vào đầu thời Edo (1603-1868), vùng Iwakuni được đặt dưới sự kiểm soát của dòng họ Kikkawa, những thuộc hạ của gia tộc Mori cai trị miền Choshu (tỉnh Yamaguchi ngày nay).
Kikkawa Hiroie, lãnh chúa đầu tiên của vùng đã sử dụng sông Nishiki làm hào bên ngoài lâu đài mà ông đã xây dựng trên đỉnh núi Shiroyama vào năm 1608. Các cơ quan hành chính của gia tộc được đặt ở chân đồi tại Yokoyama, nơi Hiroie cũng xây dựng dinh thự của mình và những chư hầu.
Tọa lạc trên núi cao giúp lâu đài dễ dàng phòng thủ, nhưng phía bên kia sông không có chỗ cho doanh trại của các thuộc hạ cấp thấp. Thay vào đó, họ tập trung ở phía đông của con sông, trong thị trấn lâu đài.
Vì vậy để đến nơi làm việc, những người này phải băng qua lòng sông rộng 200m. Tuy nhiên, bất cứ khi nào có lũ lụt, dòng nước dữ dội thường cuốn trôi cây cầu bắc qua sông, buộc họ phải qua sông bằng phà.
Lịch sử hình thành Kintaikyo
Cuối cùng, lãnh chúa thứ ba của miền, Kikkawa Hiroyoshi đã quyết định xây dựng một cây cầu có khả năng chống chọi với lũ lụt.
Ông nảy ra ý tưởng sử dụng thiết kế hình vòm không có giàn, nhưng kỹ thuật xây dựng cầu thời bấy giờ chỉ cho phép thực hiện những nhịp cầu ngắn. Khi đang tìm giải pháp cho vấn đề, một nhà sư người Trung Quốc định cư ở Nhật Bản đã cho ông xem bức tranh Tây Hồ ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Bức tranh mô tả một cây cầu năm vòm không có giàn, bắc qua bốn đảo nhỏ trên một đường thẳng. Điều này đã gợi cho Hiroyoshi ý tưởng xây dựng một cây cầu hình vòm đứng trên các trụ đá thay cho các đảo nhỏ.
Cây cầu đầu tiên được hoàn thành vào năm 1673, nhưng chỉ một năm sau đó đã bị lũ cuốn trôi. Cầu nhanh chóng được xây dựng lại với các trụ đá được cải tiến chắc chắn hơn và cứ định kỳ lại được tái thiết. Cây cầu tồn tại trong 276 năm trước khi bị phá hủy vào năm 1950 khi cơn bão Kijia tấn công Iwakuni.
Theo yêu cầu mạnh mẽ của người dân địa phương, cầu đã được xây dựng lại vào năm 1953. Trước đó, từng có những đề xuất xây cầu Kintai bằng bê tông nhưng vấp phải sự phản đối của người dân.
Khi tái thiết, các trụ đá của cầu được làm cao hơn 1m, đồng thời gia cố bằng thép và bê tông với phần móng chìm sâu 10m xuống lòng sông nhưng cấu trúc các dầm ngang vẫn không thay đổi so với thời điểm ban đầu xây dựng cầu.
Đầu những năm 2000, Kintaikyo được đưa vào dự án cải tạo để có được vẻ đẹp như hiện tại. Vì việc xây dựng lại tốn một khoản chi phí rất lớn, nên ngày nay để đi bộ qua cầu Kintai, mọi người phải trả phí khoảng 300 yên (khoảng 5.000 VND).
Những địa điểm lịch sử và khung cảnh tuyệt đẹp xung quanh Kintaikyo
Băng qua Kintaikyo, có thể đến được Công viên Kikko thuộc Quận Yokoyama, nơi ẩn chứa nhiều công trình lịch sử của miền Iwakuni, bao gồm tàn tích chỗ ở của gia tộc Kikkawa. Ngoài ra còn còn có Bảo tàng Lịch sử Kikkawa và Bảo tàng Iwakuni Chokokan, nơi lưu giữ các tài liệu lịch sử và tác phẩm nghệ thuật.
Liền kề với Công viên Kikko là Công viên Momijidani, trước đây từng là nơi tọa lạc của nhiều ngôi đền với tàn tích vẫn còn có thể nhìn thấy cho đến ngày nay.
Một điểm thu hút khác của thành phố, Lâu đài Iwakuni có thể được nhìn thấy từ cầu. Nếu muốn đến với tòa thành được xây dựng năm 1608 này, du khách phải di chuyển bằng cáp treo.
Dưới thời kỳ Edo, Iwakuni có quyền tự quản và thậm chí còn được chính quyền trung ương xem gần như là một lãnh thổ riêng biệt, mặc dù dòng họ Kikkawa luôn coi mình là chư hầu của gia tộc Mori.
Theo sắc lệnh quy định mỗi lãnh địa chỉ có một lâu đài, vào năm 1615, chỉ 7 năm sau khi được xây dựng, Lâu đài Iwakuni bị dỡ bỏ. Tòa lâu đài ngay nay là công trình được xây dựng lại vào năm 1962. Vào thời điểm Kintaikyo phiên bản đầu tiên được hoàn thành, pháo đài chính của lâu đài đã không còn tồn tại. Chỉ đến thời hiện đại, khung cảnh cây cầu và lâu đài phía xa mới ra đời.
Ngày nay, địa điểm này là bối cảnh cho nhiều hoạt động như ngắm hoa anh đào, bắn pháo hoa, câu cá bằng chim cốc. Khi thủy triều rút, bạn có thể đi bộ dưới chân cầu, ngắm nhìn mặt dưới và chạm tay vào những trụ đá của cây cầu lịch sử.
kilala.vn