Du khách phát sốt vì vẻ đẹp hoa Tulip Nhật Bản

Bài và ảnh: Thiên AnMay 29, 2018

Công viên hoa Tulip Kamiyubetsu ở Mombetsu, Hokkaido là vùng trồng hoa Tulip lớn thứ 2 tại Nhật Bản sau cánh đồng hoa Tonami ở Toyama. Được xưng tụng là nữ hoàng tình yêu, hiện thân của vẻ đẹp và sự hoàn hảo, Tulip vào mùa hoa nở có thể hút hồn mọi lữ khách ghé thăm. Mùa hoa anh đào đã đi qua, đây là lúc du khách "phát cuồng" vì vẻ đẹp "không tì vết" của hoa Tulip Nhật Bản. 

hoa tulip ở Kamiyubetsu

Xe điện Chupiddo đưa du khách tham quan toàn cảnh đồng hoa Tulip Kamiyubestsu trong thời lượng 15 phút (Ảnh: Thiên An)

Hoa Tulip – Uất kim hương có ở khắp vùng Trung Á, Tiểu Á, và được du nhập vào Châu Âu trong thế kỷ 16 dưới thời đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Nguyên do khiến Tulip nổi tiếng toàn cầu một phần nhờ cơn sốt kinh hoàng mà chúng gây ra cho nền kinh tế Hà Lan vào thời điểm 1636 - 1637, được định danh là “Hội chứng Tulip” (Tulip Maniar), khi giá trị giao dịch của một củ Tulip quy đổi theo giá trị ngày nay lên đến 100 nghìn đôla Mỹ.

Cơn sốt này nhanh chóng giảm nhiệt và để lại một vết thương lớn trong nền kinh tế Hà Lan. Thế nhưng vẻ đẹp của Tulip vẫn say đắm lòng người, và loài hoa này tiếp tục lan ra khắp mọi miền thế giới, trong đó có Nhật Bản.

hoa tulip ở Kamiyubetsu

Việc quy hoạch và trồng Tulip theo những giống riêng tạo thành một phong cảnh ngoạn mục cho vùng Mombetsu (Ảnh: Thiên An)

Ở Nhật Bản, người ta cho rằng những giống hoa Tulip đầu tiên được nhập khẩu từ Pháp, Hà Lan và gieo trồng vào năm 1863 ở khắp các vùng Yokohama, Chiba, Niigata, Toyama... Đến sau Thế chiến thứ II, nhằm mục đích nâng cao thu nhập cho người dân bản địa, những người lính Lê dương ở vùng Kamiyubetsu đã quyết định nhập về từ Hà Lan 22 giống Tulip với tổng số lượng lên đến 60.500 củ giống và chia đều cho 54 hộ dân gieo trồng để xuất khẩu.

đồng hoa Tulip ở Kamiyubetsu

Đồng hoa Tulip ở Kamiyubetsu khoe sắc bên cạnh cối xay gió và tòa nhà Bảo tàng Dân tộc JRY mang kiến trúc hoạt hình độc đáo (Ảnh: Thiên An)

Việc xuất khẩu Tulip có những tín hiệu đầy khả quan khi trong giai đoạn 1955 – 1964, Tulip của vùng Kamiyubetsu lần lượt xuất hiện tại các thị trường lớn Vancouver (Canada), Seattle, San Francisco (Mỹ). Tuy nhiên về sau, do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường hoa nhập từ Châu Âu, đặc biệt từ Hà Lan, việc kinh doanh Tulip nhập từ Kamiyubetsu dần xuống dốc và lụi tàn.

đồng hoa Tulip ở Kamiyubetsu

(Ảnh: Thiên An)

Mặc dù vậy, người yêu hoa ở Kamiyubetsu vẫn tiếp tục trồng Tulip trên những thửa ruộng ban đầu, bởi vẻ đẹp của Tulip khi vào mùa hoa nở gây được nhiều sự chú ý từ lữ khách đi ngang Kamiyubetsu. Năm 1982, việc trồng Tulip được quy hoạch lại với mục đích chính không phải để kinh doanh mà nhằm hấp dẫn khách du lịch đến vùng Mombetsu. Cánh đồng Tulip nằm ven trục đường giao thông quốc gia 242 liên tục được mở rộng theo từng năm, và ngày càng nổi tiếng, trở thành điểm tham quan du lịch tự phát.

hoa Tulip ở Kamiyubetsu

(Ảnh: Thiên An)

Năm 1987 đánh dấu sự khánh thành của nhiều công trình mới như bãi đỗ xe, cối xay gió, Bảo tàng Dân tộc JRY, cũng như sự kiện khai mạc hội chợ hoa Tulip đầu tiên. Đến 1/4/1988, vùng đất trồng hoa được công nhận chính thức là Công viên hoa Tulip Kamiyubetsu. Với diện tích hiện lên đến 12,5 hecta, đây là vùng trồng hoa Tulip lớn thứ 2 tại Nhật Bản sau cánh đồng hoa Tonami ở Toyama.

Công viên hoa Tulip Kamiyubetsu là công viên độc đáo ở Nhật bởi chỉ mở cửa vào đúng mùa Tulip nở (từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6), thời gian còn lại trong năm dành cho mùa đông băng tuyết khắc nghiệt của Hokkaido và công đoạn làm đất, ươm giống đợi Tulip vào mùa. Đến Kamiyubetsu vào đúng thời điểm may mắn này, lữ khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước một rừng Tulip gồm hơn 1,5 triệu bông Tulip thuộc 220 chủng loại khác nhau đồng loạt khoe hương sắc.

hoa Tulip ở Kamiyubetsu

Giống Tulip "Pink Star" thuộc nhóm Double Late được lai ghép từ năm 1992 ở Kamiyubetsu (Ảnh: Thiên An)

Những giống Tulip cơ bản của Kamiyubetsu gồm 150 loại, và hàng năm nghệ nhân làm vườn sẽ lai tạo thêm các giống mới. Năm 2016 có đến 73 giống Tulip mới được lai ghép để tạo ra các cánh hoa mang màu sắc đặc dị, với gam màu phổ thông từ đơn sắc như đỏ, vàng, tím, hồng, trắng, cánh đơn, đến các giống hoa đa sắc, phối từ nhiều màu như vàng – xanh, đỏ sọc tím, đỏ – cam,... cánh kép, cánh tua, xoắn; các kiểu dáng có dáng trứng, dáng nụ, dáng chén, dáng xòe,...

hoa tulip ở Kamiyubetsu

Giống Tulip trứ danh "Huis Ten Bosch" với lớp cánh xoăn kỳ lạ (Ảnh: Thiên An)

Màu sắc và dáng cánh lai tạo của những giống Tulip hàng năm thể hiện tài nghệ của người ươm hoa ở Kamiyubetsu. Tên gọi của các giống hoa mới cũng thú vị, như bước ra từ thế giới hoạt hình với “Lion King”, “Mickey Mouse”, “Zombie”, hay thơ mộng với “Yellow Baby”, “Flight Jaume”,... Những giống hoa ấy luôn là tâm điểm chiêm ngưỡng mỗi khi hội chợ Tulip khai mạc (1/5 hàng năm và kéo dài đến tháng 6 khi hoa bắt đầu tàn).

Thiên An/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU