Các địa danh linh thiêng ở Nhật Bản

Bài: Mayu Senda / Hợp tác: Công ty TNHH TM Du lịch và Dịch vụ Sông Hàn / Biên dịch: Lê MaiDec 30, 2017

Một năm mới sắp đến. Khắp nơi tại Nhật Bản, mọi người đã rục rịch đón xuân. Giống với mọi năm, họ sẽ lại thỉnh cầu Thần linh một năm tròn đầy hạnh phúc. Từ ngàn xưa, người Nhật đã thể hiện lòng tin tưởng vào các vị Thần qua nhiều hình thức khác nhau. Từ đó xuất hiện những ngôi đền Thần xã, các câu chuyện Thần thoại hay đặc biệt hơn là những vùng đất được xem là nơi trú ngụ của Thần thánh mà cho đến ngày nay vẫn được các địa phương gìn giữ cẩn trọng. Sự thần bí nhuốm một chút huyền hoặc của những vùng đất linh thiêng này có thể khiến bất kì ai rợn sống lưng khi đặt chân đến. Người Nhật tin rằng, tại những nơi này trú ngụ sức mạnh Thần linh to lớn, có khả năng biến lời thỉnh cầu thành hiện thực và mang đến phúc lành. Cùng dạo quanh các vùng đất thiêng ở Nhật Bản, rước lộc vào người để có thể trở thành người mà bản thân mong muốn và có những bước khởi đầu thật tốt đẹp cho một năm mới tràn đầy hạnh phúc.
các địa danh linh thiêng ở Nhật Bản
Bình minh trên đỉnh núi Phú Sĩ - Ảnh minh họa: genki/PIXTA

Những điều lưu ý khi đặt chân đến những nơi linh thiêng

  • Giữ trật tự để tỏ lòng tôn kính đối với Thần linh
  • Cổng Torii được xem như ranh giới giữa thế giới của con người và Thần linh. Trước khi vào cổng nên cúi đầu chào 1 lần, người đang đứng ở phía tay phải của lối đi thì bước chân phải vào đầu tiên, người đang đứng ở phía tay trái thì bước chân trái vào đầu tiên.
  • Ngay giữa lối đi chính dẫn vào đền thờ là lối đi của Thần linh, khách tham quan nên đi sang 2 bên.
  • Để thanh tẩy cơ thể trước khi vào khi nơi thờ phượng, tại mỗi đền thờ đều có một bồn nước sạch. Hãy dùng gàu múc nước rửa theo thứ tự: tay trái→tay phải→rót nước vào lòng bàn tay trái rồi súc miệng→tay trái→tay cầm gàu.
  • Cách thức cầu nguyện ở đền Thần đạo: rung chuông→cúi chào 2 lần→vỗ tay 2 lần→nhắm mắt và chắp tay cầu khấn→cúi chào 1 lần 
  • Có những khu vực nghiêm cấm chụp hình nên cần kiểm tra kỹ càng trước khi chụp

Núi Phú Sĩ

Kể từ khi được công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2013, ngọn núi được xem là biểu tượng của xứ Phù Tang ngày càng thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Với chiều cao 3.376m, ngọn núi cao nhất tại Nhật Bản là điểm đến mơ ước của nhiều du khách nước ngoài. Vào những ngày trời quang đãng, có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ từ thành phố Tokyo cách đó 100km. Từ ngàn xưa, hình tượng núi Phú Sĩ đã xuất hiện trong nhiều câu chuyện Thần thoại, thơ Hòa ca hay các tác phẩm hội họa và là ngọn núi được tôn kính nhất trong tín ngưỡng thờ núi Sangaku Shinko. Hình dáng cân xứng tuyệt đẹp của núi Phú Sĩ “quyến rũ” không ít du khách đến đây.

Núi Phú Sĩ
(Ảnh minh họa: あっしゅ/PIXTA)

Đền thờ Fujisan Hongu Sengen-taisha tọa lạc trên núi Phú Sĩ là “Tổng hành dinh” của 1.300 ngôi đền Sengen trên khắp nước Nhật. Vào năm 27 trước Công nguyên, kinh hãi trước đợt phun trào dữ dội của ngọn núi, người dân nơi đây đã xây dựng nên ngôi đền nhằm chế ngự sự giận dữ của Thần linh. Sau khi những đợt phun trào kết thúc, nỗi sợ hãi biến thành tâm ý thờ phượng. Tâm ý này dần lan rộng khắp cả nước, khiến mọi người đổ về núi Phú Sĩ hành hương. 

Ngày nay, núi Phú Sĩ vẫn thu hút nhiều nhà leo núi trong và ngoài nước (dụng cụ leo núi có thể thuê nên rất thuận tiện). Khoảng thời gian trong năm có thể leo núi Phú Sĩ là vào mùa hè, từ tháng 7 đến đầu tháng 9, nhưng để lên đến đỉnh núi không hề đơn giản. Dù là vào mùa hè nhưng càng lên cao, nhiệt độ càng xuống thấp và không khí trở nên loãng hơn. Do đó, người leo núi cần phải có thể lực tốt và được trang bị chu đáo. Tuy nhiên, khung cảnh bạn có thể chiêm ngưỡng từ đỉnh ngọn núi cao nhất Nhật Bản này, đặc biệt là khi mặt trời e ấp ló dạng, chắc chắn sẽ khiến bất kì ai cũng phải choáng ngợp. Được chứng kiến tận mắt khung cảnh hùng vĩ tựa như đang ở chốn thần tiên, giá trị quan của bạn về cuộc sống này cũng có thể sẽ thay đổi. Do đó, thay vì thưởng lãm núi Phú Sĩ từ đằng xa, hãy thêm cho mình một lựa chọn mang tính thử thách, đó là “leo núi”.

Núi Phú Sĩ úp ngược

Là hình ảnh phản chiếu của núi Phú Sĩ xuống mặt nước hồ trong như gương. Có thể bắt gặp “Núi Phú Sĩ úp ngược” tại hồ Kawaguchi (tỉnh Yamanashi), hồ Tanuki (tỉnh Shizuoka).

ảnh phản chiếu núi Phú Sĩ

(Ảnh minh họa: photop/PIXTA)

Núi Phú Sĩ đỏ

Khi những tia nắng sớm mai ló dạng cũng là lúc núi Phú Sĩ được sắc đỏ nhuộm kín. Tương truyền rằng, ai nhận được bức tranh núi Phú Sĩ đỏ được thai phụ vẽ trong lúc chuyển dạ sẽ được Trời ban cho quý tử.
Núi Phú Sĩ đỏ
(Ảnh minh họa: tosibou/PIXTA)

Viên kim cương Phú Sĩ

Khi vị trí Mặt trời vừa chồng khít lên đỉnh núi Phú Sĩ, tia sáng rọi qua đỉnh núi trở nên lấp lánh như một viên kim cương. Còn nếu Mặt trăng kết hợp với núi Phú Sĩ sẽ tạo thành hiện tượng “Viên ngọc trai Phú Sĩ”.

viên kim cương Phú Sĩ
(Ảnh minh họa: yoshiki/PIXTA)

Izumo-taisha, nơi tụ họp của các vị Thần Nhật Bản

điện Kagura của Thần xã
Điện Kagura của Thần xã Izumo-taisha. Ảnh: Shimane Prefecture Tourism Promotion Division 

Người Nhật gọi tháng 10 Âm lịch là “Kanna-zuki” (神無月 - Thần Vô Nguyệt), tức “Tháng không có Thần”. Sở dĩ có tên gọi trên vì người Nhật cho rằng, cứ khoảng thời gian này hằng năm, 8 triệu vị Thần trên khắp Xứ sở Hoa anh đào sẽ cùng tụ họp tại Thần xã Izumo-taisha, thuộc tỉnh Shimane để tham gia Đại hội được tổ chức mỗi năm 1 lần, khiến cho những nơi khác thiếu vắng sự hiện diện của các vị Thần này. Ngược lại, đối với người dân khu vực Izumo, nơi các vị Thần tụ họp, lại gọi tháng 10 bằng tên “Kamiari-zuki” (神在月 - Thần Tại Nguyệt), tức “Tháng có Thần”. Thần xã Izumo-taisha thờ phượng vị Thần lập quốc Okuninushi no Okami - vốn xuất hiện trong rất nhiều câu chuyện Thần thoại, tiêu biểu là ghi chép biên niên cổ nhất còn sót lại của Nhật Bản - “Cổ sự ký”. Vị thần này còn nổi tiếng về việc kết duyên nên người ta còn cho rằng, trong buổi Đại hội tháng 10 Âm lịch cũng sẽ nhắc đến vấn đề se duyên chốn nhân gian. Trong thời gian này, Thần xã Izumo-taisha sẽ vô cùng bận rộn để tổ chức lễ hội “Kamiari-matsuri” với những nghi thức rước Thần, tiếp đón họ trong 7 ngày và cuối cùng là cung tiễn Thần. Cứ 60 năm một lần, Chánh điện sẽ được khôi phục lại, lần gần đây nhất là vào năm 2013. Bên cạnh mục đích bảo tồn di tích, tiếp nối và duy trì các kỹ thuật xây dựng, việc khôi phục Chánh điện còn là hình thức “làm tươi mới” lại sức mạnh Thần linh. Người Nhật tin rằng, chỉ cần đặt chân đến nơi linh thiêng này, bạn sẽ nhận được sự hậu thuẫn to lớn từ các vị Thần.

Câu chuyện Thần thoại nổi tiếng “Chú thỏ trắng vùng Inaba”

Bối cảnh câu chuyện là khi Thần Okuninushi no Okami cùng 80 người anh đến gặp nàng công chúa xinh đẹp nước Inaba. Trên đường đi, họ gặp một chú thỏ trắng vừa khóc lóc vừa kể lể: “Do muốn vượt biển nên tôi đã đánh lừa bọn cá mập. Khi biết mình bị lừa, chúng đã rứt hết lông của tôi ra”. Trong khi những người anh xấu tính nói dối về cách trị thương, thần Okuninushi no Okami lại tận tình chỉ cách cứu chữa giúp chú thỏ trở lại vẹn nguyên như ban đầu. Không ai biết rằng, chú thỏ trắng chính là sứ giả của công chúa. Cảm động trước tấm lòng nhân ái của Thần Okuninushi no Okami, công chúa đã bằng lòng kết duyên vợ chồng. 

cổng Torii tại Thần xã Izumo-taisha

Một trong 4 chiếc cổng Torii tại Thần xã Izumo-taisha. Nếu bạn viếng đầy đủ 4 chiếc cổng Torii này, hạnh phúc sẽ đến với bạn. (Chơi chữ “四逢わせ”, tức 4 lần gặp gỡ, đồng âm với từ “Hạnh phúc”). Ảnh: Shimane Prefecture Tourism Promotion Division 

bãi biển Inasa no Hama

Bãi biển Inasa no Hama cách Thần xã Izumo-taisha không xa cũng là một trong những nơi rước Thần trong tháng “Kamiari-zuki”.  Ảnh: Shimane Prefecture Tourism Promotion Division 

Tuyệt phẩm vùng Izumo

tuyệt phẩm vùng Izumo

(Phải) Izumo Zenzai: Izumo là nơi khai sinh món chè đậu đỏ Zenzai. Thêm một ít bánh dày Mochi vào và thưởng thức thôi!
(Trái) Izumo Soba: tận dụng cả vỏ kiều mạch, mì Soba của Izumo có màu đậm hơn và ngào ngạt hơn.

Kumano

Tại bán đảo Kii nằm ở phía Nam Kyoto, có 3 đền thần được gọi là “Kumano Sanzan” - Hùng Dã Tam Sơn, tức “3 ngọn núi ở Kumano”, gồm có Kumano Hongu-taisha, Kumano Hayatama-taisha và Kumano Nachi-taisha. Tất cả các con đường hành hương đến tam đại thần xã này được gọi là “Kumano Kodo” - Hùng Dã Cổ Đạo. Trong đó, 3 con đường Nakahechi, Ohechi và Kohechi dù được xây dựng từ hàng trăm năm trước nhưng cho đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, đóng góp một phần không nhỏ vào việc phát triển tôn giáo ở Nhật Bản, nên đã được công nhận là Di sản Thế giới.  

Năm 1090, nhân dịp Thái thượng hoàng Shirakawa viếng thăm thánh địa cổ lai Kumano, các quý tộc ở Kyoto đã tổ chức cuộc hành hương đến vùng đất này, gọi là “Kumano-mode”. Đến thời Muromachi, phong tục này lan rộng đến tầng lớp võ sĩ và dân thường, dòng người từ khắp nơi đổ về, lũ lượt nối đuôi nhau đến Kumano hành hương. 

thác Nachi no Taki
(Ảnh minh họa: mt223/PIXTA)

Nằm trên cung đường Nakahechi dẫn đến Thánh địa, thác Nachi no Taki là danh lam được nhiều người hành hương ghé qua nhất. Sự dữ dội của dòng nước khi đổ thẳng xuống từ độ cao 133m chắc chắn sẽ khiến bạn choáng ngợp. Ngọn thác này được biệt cung của Kumano Nachi-taisha - đền Hirou - thờ phượng như một vị thần. Do đó, ngôi đền này không xây dựng Chánh điện mà người đến viếng sẽ hành lễ ở trước thác Nachi no Taki. 

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, Kumano Sanzan vẫn là nơi khiến bao dòng người đổ xô về. Trên con đường mà “những người muôn năm cũ” từng đặt chân đến, giờ đây lại in dấu chân của chúng ta - những thế hệ con cháu sau này. Sau ngần ấy năm, cảnh vật vẫn không hề thay đổi, ngay cả tấm lòng cung kính hướng về Thần linh vẫn hừng hực nơi trái tim mỗi người dân Nhật Bản. Đây chẳng phải là một kỳ tích hay sao!

Bản đồ Kumano

bản đồ Kumano

Nakahechi... “Cung đường vàng” trong các Kumano Kodo, là “xương sống” kết nối tam đại thần xã với nhau.

Ohechi... Ôm theo bờ biển, cung đường mang đến cho những người hành hương cảnh vật ven biển tuyệt đẹp, thu hút rất nhiều nghệ sĩ tìm đến.

Kohechi... Là một con đường núi khá hiểm trở, nối liền Kumano Hongu-taisha với Thánh địa Phật giáo Koyasan.

Những điểm ngắm cảnh ở Nakahechi

Thần xã Kumano

Là ngôi đền cổ kính nhất còn sót lại trong số các ngôi đền nằm trên con đường hành hương Kumano Kodo.

ngôi đền cổ kính Kumano

Hyakkengura

Địa điểm ngắm cảnh, mở ra bức tranh núi đồi trùng điệp vô cùng hùng vĩ. Nơi đây còn có đặt một bức tượng Địa tạng Bồ tát.

Địa tạng Bồ tát Kyakkengura

Kumano Kodo

Con đường hành hương với những phiến đá lát tuyệt đẹp

con đường hành hương kumano kodo

Miharashidai

Đài quan sát nhìn từ núi Nachi với khung cảnh thiên nhiên bạt ngàn đầy vẻ thần bí. 

đài quan sát núi Nachi

Takachiho - Vùng đất của sự khai sinh, nơi Thần linh giáng thế

Vùng Takachiho thuộc tỉnh Miyazaki được truyền tụng là nơi linh thiêng nhất khu vực Kyushu. Tương truyền rằng, để cai quản trần gian - lúc này vẫn còn đang nhiễu nhương - thần Ninigi no Mikoto đã giáng thế xuống một vùng đất, đó chính là Takachiho. Từ đó nơi đây được gọi là “Quê hương của những câu chuyện Thần thoại” với nhiều địa danh gắn liền với các tích truyện Thần linh cổ xưa.

nơi linh thiêng nhất khu vực Kyushu

Một trong những danh lam ở nơi linh thiêng này là hẻm núi Takachiho (Takachiho-kyou), được hình thành sau khi dòng nham thạch từ đợt phun trào của núi Aso thuộc tỉnh láng giềng Kumamoto bị nguội đi, cộng với sự xâm thực của dòng sông nơi đây. Ở hẻm núi dài hơn 7km này, có những đoạn mà bức tường đá 2 bên đạt đến độ cao 100m. Khi lướt thuyền dạo chơi trên mặt nước sống yên tịnh, bạn sẽ bắt gặp dòng thác Manai hiền hòa đổ xuống từ độ cao 17m. Sự hiện diện của dòng thác này được xem là biểu tượng của vùng Takachiho. Người Nhật còn cho rằng, thác Manai vốn chảy ra từ nguồn nước do Thần linh tạo ra cho mảnh đất cằn cỗi này. Nếu nhìn từ dưới lên, quả thật trông như suối nguồn đổ xuống từ thiên thanh.

Ở Takachiho, dường như Thần linh hiện hữu ở khắp mọi nơi, như hang động Amano Yasugawara - nơi hội họp của các vị Thần linh hay đền Kunimigaoka - nơi Thần đứng trông coi cõi nhân gian. Chỉ cần hít một hơi thật sâu, sức mạnh tâm linh sẽ lan tỏa khắp cơ thể, tâm hồn tự nhiên cũng khoan khoái hơn.

Hang động Amano Yasugawara

Là nơi các vị Thần tổ chức hội họp. Người Nhật cho rằng, để những lời cầu khấn thành hiện thực, hãy thành tâm nghĩ về điều đó và chồng các hòn đá lên nhau. Do đó, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng thú vị và kì lạ với các cột đá be bé khắp mọi nơi trong hang động này.

hang động Amano Yasugawara

Thần xã Takachiho

Người ta cho rằng ngôi đền này đã được xây dựng từ 1.900 năm trước. Trong khuôn viên ngôi đền, có 2 cây tuyết tùng kết chặt thân vào nhau, được gọi là cây “Meoto-sugi”, tức “cây Phu Thê”. Nếu vợ chồng hay các cặp đôi vừa đan chặt tay nhau vừa đi vòng quanh cây Phu Thê 3 lần thì nhà cửa trong ấm ngoài êm, đường tình duyên cũng trở nên suôn sẻ.

ngôi đền Takachiho

Địa danh Kunimigaoka

Từ mùa thu đến mùa đông, nếu may mắn, bạn sẽ bắt gặp “biển mây” (雲海 - Unkai) vào lúc sáng sớm. Cả một bể mây keng dày, lồng ghép vào khung cảnh được dệt nên bởi những tia nắng sớm mai tạo nên bầu không khí nhuốm màu huyền hoặc, khiến ta phải thốt lên “Phải chăng Thần linh là có thật!”.

địa danh Kunimigaoka

Những địa danh linh thiêng khác ở Nhật Bản

Hồ Akan / Hokkaido

Nằm ở khu vực phía Đông tỉnh Hokkaido. Nơi đây còn được biết đến như là nơi sinh sống của Marimo - loài tảo lục được xem là “Tượng đài thiên nhiên đặc biệt” của Nhật Bản. “Hòn đảo” Yaitai-jima ở giữa hồ, nơi thờ phượng Long thần (Ryujin-sama) và khu vực sâu nhất với mực nước 44m - “Akan-ko no Heso” (tức “Cái rốn hồ Akan) cũng là 2 địa điểm linh thiêng ở đây.

Hồ Akan / Hokkaido
Ảnh minh họa: JNTO

Núi Osore / Aomori

Nằm trên bán đảo Shitakita, núi Osore còn có tên gọi dị thường là “Lối vào thế giới bên kia” bởi những khối đá bảng lảng mùi lưu huỳnh ngai ngái. Cách đây 1.100 năm, người Nhật đã cho xây cất chùa chiềng bởi sự linh ứng của mảnh đất này. Kể từ khi phương ngữ “Itako”, ý chỉ việc có thể nghe được tiếng nói người đã khuất, được lan truyền, có rất nhiều người tìm đến vùng núi linh thiêng này.

Núi Osore

Hồ Biwa / Siga

Là hồ có diện tích lớn nhất Nhật Bản. “Hòn đảo” Chikubu-jima ở giữa hồ từ ngàn xưa đã được xem là “Đảo của Thần linh”. Mặc dù chỉ có chu vi khoảng 2km nhưng trên đảo có cả chùa Hogon và Thần xã Chikubujima, hằng năm tiếp đón nhiều lượt du khách đến cúng bái.

hồ Biwa

Ảnh minh họa:  C7/PIXTA

Núi Ishizuchi / Ehime

Là tên gọi chung của quần thể núi Tengudake, Misen và Nansenbo. Núi Ishizuchi còn là một trong những ngọn núi của tín ngưỡng thờ núi Sangaku Shinko, được người dân thờ phượng như một vị Thần. Tại đỉnh núi Misen là đền Chojo-sha của Thần xã Ishizuchi-jinja. Với độ cao 1.892m, núi Tengudake là ngọn núi cao nhất phía Tây Nhật Bản với phong cảnh khi nhìn từ đỉnh núi vô cùng hùng vĩ.

núi Ishizuchi

Ảnh minh họa: JNTO

Đảo Yakushima / Kagoshima

Là nơi có những cây tuyết tùng Yaku-sugi trên 2.000 năm tuổi đứng sừng sững. Hệ sinh thái trên đảo vẫn được bảo tồn nguyên vẹn từ thời cổ đại nên vô cùng phong phú và đã được công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1993.

đảo Yakushima / Kagoshima

Ảnh: Kagoshima Prefectural Tourist Federation/JNTO


Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU