Cửa sổ thần linh và "trần nhà đẫm máu" tại chùa Genko

Bài: NatsumeJun 12, 2021

Chùa Genko thu hút du khách bởi câu chuyện về kiến trúc đặc biệt bên trong nơi tôn nghiêm này, đằng sau đó là những bài học nhân sinh quan sâu sắc.

Là một ngôi chùa nhỏ nằm ở phía tây bắc Kyoto, ban đầu, chùa Genko (源光庵) được xây dựng làm nơi ẩn cư cho vị sư trụ trì Tu viện Daitoku-ji, thuộc Trường phái Thiền Rinzai, vào năm 1346. Đến năm 1694, Manzan Dohaku Zenji, một thầy tu thuộc phái Soto đến từ chùa Daijo-ji (tỉnh Ishikawa ngày nay) đã đảm nhận vị trí trụ trì của Genko. Kể từ ấy, nơi đây trở thành ngôi chùa của thiền phái Soto.

Nếu có dịp ghé thăm Kyoto, ngoài hai ngôi chùa nổi tiếng là Kinkaku-ji và Kiyomizu-dera, bạn hãy thử tìm đến chùa ngôi chùa có tuổi đời hàng thế kỷ này để tâm hồn được lắng đọng và chiêm ngưỡng những kiến trúc mang trong mình câu chuyện ý nghĩa, thiêng liêng. 

chùa genko
Chùa Genko nhìn từ bên ngoài. Ảnh: genkouan
chùa genko
Khuôn viên bên trong chùa Genko. Ảnh: Discovery Kyoto

Cửa sổ của thần linh

Điểm nổi bật của ngôi chùa này là hai cửa sổ hình tròn và hình vuông, lần lượt được gọi là “悟りの窓 - satori no mado” và “迷いの窓 - mayoi no mado”:

- “Satori no mado” (Cửa sổ giác ngộ) với hình tròn đại diện cho vũ trụ và một cuộc sống giác ngộ vượt qua nỗi đau của trần thế, ngụ ý sự trưởng thành, hoàn thiện trong mỗi con người.

- “Mayoi no mado” (Cửa sổ hỗn loạn) với hình vuông bốn góc ngụ ý cho cuộc sống của con người và sự không hoàn hảo của nó: sinh, lão, bệnh, tử. Cuộc sống luân hồi, kiếp người nhiều đau khổ.

chùa genko
"Cửa sổ của thần linh". Ảnh: genkouan

Du khách khi đến đây thường thích ngồi trước cửa sổ, trên tấm chiếu Tatami, lắng nghe âm thanh của lá cây, tiếng chim hót. Bầu không khí tạo cảm giác bình yên để suy ngẫm về quá khứ và tương lai. Từng mùa trong năm lại vẽ nên những cảnh sắc tuyệt vời khác nhau trên hai khung cửa sổ.

Trần nhà Chitenjo (血天井)

Còn được gọi là “trần nhà đẫm máu”, đây cũng là điều thu hút những vị khách yêu thích khám phá lịch sử. Lý do cho tên gọi này đó là trần nhà được làm từ ván của lâu đài Fushimi. Trong thời Chiến quốc (1600), một trận chiến lớn đã diễn ra và sứ mạng bảo vệ lâu đài được giao cho Samurai Torii Mototada cùng quân đội của ông. Khi nhận thấy không còn cơ hội chống trả, Torii cùng quân lính đã thực hiện nghi thức tự sát (Seppuku). Sự hy sinh quên mình của ông sau này được biết đến như một tấm gương tuyệt vời về lòng trung thành và danh dự của Samurai.chùa genko
Trần nhà còn lưu lại vết chân của những Samurai anh dũng. Ảnh: genkouan

Sau khi đánh bại kẻ thù và trở thành tướng quân, Tokugawa Ieyasu (1543-1598), người sáng lập Mạc phủ Tokugawa, đã ra lệnh mang những tấm ván này đến lắp đặt tại trần của ngôi chùa Genko. Người ta cho rằng điều này sẽ giúp xoa dịu linh hồn của những chiến binh đã chết trong trận Fushimi và cầu nguyện cho hòa bình quốc gia. Nếu có dịp đến ngôi chùa này, nhìn lên trần, bạn sẽ thấy những dấu chân, dấu tay đẫm máu của những chiến binh đã tử nạn trong cuộc chiến cách đây hơn 400 năm.

Ngoài ra, khi đến với Genko, du khách cũng có thể tìm thấy mốt số tài sản văn hóa đặc biệt khác:

chùa genko
Nơi thờ phượng Đức Phật Thích Ca cùng Reishi Kannon Bosatsu, vị Bồ tát từ bi của Phật giáo. Ảnh: genkouan
vườn Genko
Khu vườn Nhật Bản, tương truyền trong khu vực này có một cái giếng được gọi là "Chigoi" hay "Giếng cho trẻ em". Nước từ giếng này đã cứu sống nhiều người trong thời kỳ đói kém. Ảnh: matcha, genkouan
chùa genko
Fusuma (cửa trượt truyền thống) với bức họa được vẽ bởi họa sĩ lừng danh Sekkei Yamaguchi. Ảnh: Matcha

Xem thêm: Thiền ngữ - những bài học sâu sắc về cõi nhân sinh

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU