Cầu Tsuru-no-mai: Nơi hạc sải cánh

Bài: AndanteOct 16, 2023

Cầu Tsuru-no-mai bắc qua hồ Tsugaru Fujimi ở thị trấn Tsuruta sở hữu hàng trăm "khuôn mặt" khi mỗi giờ, mỗi mùa lại khoác lên mình những diện mạo mê hoặc khác nhau.

Vũ điệu của chim hạc

Tsuru-no-mai (鶴の舞) - điệu múa của chim hạc - là tên của cây cầu dài 300m bắc qua Hồ Tsugaru Fujimi (tên chính thức: Hồ Mawarizeki Otameike) tại thị trấn Tsuruta, tỉnh Aomori. Nơi này cũng nắm giữ danh hiệu cây cầu gỗ ba nhịp dài nhất xứ Phù Tang.

Có hình dạng giống như một chú chim hạc đang sải cánh, Tsuru-no-mai hòa quyện hoàn hảo với khung cảnh ven hồ, tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ, làm say đắm lòng người. Cây cầu là biểu tượng của Tsuruta, thị trấn nổi tiếng với loài hạc mũ đỏ và giao lưu văn hóa quốc tế. Vì chim hạc là loài vật biểu trưng cho may mắn và trường thọ, người ta tin rằng những ai đi qua cầu này sẽ có được cuộc sống dài lâu.

cầu gỗ tsuru no mai aomori
Cây cầu Tsuru-no-mai in bóng trên mặt hồ. Ảnh: c-ctrip.com

Dù cấu trúc bằng gỗ gợi lên hình ảnh về một Nhật Bản truyền thống nhưng cây cầu này thực tế mới chỉ được xây dựng vào năm 1994, mục đích là để theo dõi và kiểm tra tình trạng nước trong hồ.

Cầu được xây từ 700 cây bách Aomori có tuổi đời hơn 150 năm, áp dụng kỹ thuật kiến trúc gỗ truyền thống của Nhật Bản nhằm duy trì sự hài hòa với môi trường tự nhiên và cảnh quan xung quanh.

Cứ mỗi 100m, tức cuối mỗi nhịp cầu, sẽ có một chòi nghỉ chân Azumaya, có thể được sử dụng để nghỉ ngơi và tổ chức các sự kiện quy mô nhỏ. Vì thế Tsuru-no-mai trở thành địa điểm giải trí và thư giãn được người dân địa phương yêu thích.

cầu tsuru no mai
Phía xa là bóng Núi Iwaki hùng vĩ. Ảnh: drivejapan.co.jp

Hồ Tsugaru Fujimi, nơi cây cầu tọa lạc, có lịch sử từ năm 1660 khi lãnh chúa đời thứ tư của phiên Tsugaru - Nobumasa Hirosaki cho người đắp đê để tạo thành hồ chứa nước, phục vụ cho kế hoạch tạo ra cánh đồng lúa mới.

Tên của hồ, tạm dịch là "khung cảnh Núi Phú Sĩ", không phải chỉ ngọn núi thiêng mang tính biểu tượng của Nhật Bản mà là ám chỉ Núi Iwaki gần đó, thường được gọi với biệt danh “Tsugaru Fuji” vì vẻ đẹp tương đồng với núi Phú Sĩ.

hồ tsugaru fujimi
Ảnh: medetai tsugaru

Địa điểm tâm linh và du lịch nổi tiếng

Sự xuất hiện của Tsuru-no-mai trong một đoạn quảng cáo của nhà điều hành xe lửa JR East vào năm 2016 đã khiến cây cầu trở thành điểm thu hút khách du lịch. Du khách khi đến đây không khỏi trầm trồ, thán phục trước vẻ duyên dáng của cây cầu gỗ giữa khung cảnh hùng vĩ và thơ mộng của hồ cùng ngọn núi Iwaki phía xa.

Chưa hết, khung cảnh của Tsuru-no-mai thay đổi liên tục theo giờ và theo mùa. Từ giờ khắc bình minh cho đến khi hoàng hôn buông xuống, cây cầu hiện lên với những diện mạo khác nhau tương ứng với sự biến chuyển của khung cảnh thiên nhiên xung quanh.

hoàng hôn
Hoàng hôn như rót mật tại Hồ Tsugaru Fujimi. Ảnh: en-tsuruta.com

Vào mùa xuân, du khách có thể chiêm ngưỡng cây cầu giữa khung cảnh hoa anh đào nở rộ, khi thu sang lại được tô điểm bởi những tán lá đỏ thẫm. Cây cầu đặc biệt thu hút vào mùa đông khi ẩn hiện giữa tuyết trắng tinh khiết và thêm phần ma mị khi được chiếu sáng bởi những ánh sao đêm.

mùa thu nhật bản
Cây cầu Tsuru-no-mai khi vào thu. Ảnh: drivejapan.co.jp

tỉnh aomori

Cây cầu vào mùa đông ở xứ tuyết Aomori. Ảnh: kingdom-of-winter-trip-tohoku.jp

Bên cạnh đó, còn có một câu chuyện thú vị về những con số liên quan đến Tsuru-no-mai: Cây cầu dài 300m và rộng 3m, với các cột trụ có đường kính 30cm, được làm từ 3.000 khúc gỗ và 3.000 tấm ván. Số 3 thực sự xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Một đường thẳng nối cây cầu với Kannon Hakkakudo, một ngôi chùa hình bát giác thờ Phật Quán Thế Âm, nằm trong khuôn viên của Công viên Hồ Fujimi gần đó. Nhiều mối liên hệ của cây cầu với số 3, con số được coi là tốt lành ở Nhật, đã tạo ra niềm tin phổ biến rằng nó là một phần của “con đường thần bí” dẫn đến Bồ Tát.

Và không chỉ mang biểu tượng của chim hạc may mắn, địa điểm này còn có mối liên hệ với một loài vật khác. 

Cũng như hạc, rùa được tôn kính như một loài vật mang lại hạnh phúc và điềm lành, tượng trưng cho tuổi thọ. Ở Trung Quốc, rùa là sứ giả của Núi Bồng Lai, nơi được mệnh danh là vùng đất của tuổi trẻ và cuộc sống vĩnh hằng. Và Tsugaru Fujimi khi nhìn từ trên cao có hình dạng giống một con rùa, còn cây cầu Tsuru no Mai nằm ngay trên cổ rùa, như thể chú rùa đang đeo một chiếc vòng cổ.

Chính vì những lý do trên, ngày nay cây cầu đang thu hút sự chú ý như một địa điểm tâm linh để cầu xin may mắn và sự trường thọ.

bản đồ
Khung cảnh hồ từ trên cao có hình một chú rùa. Ảnh: Google Maps

Sau khi tham quan cây cầu, du khách có thể đi bộ đến Công viên Hồ Fujimi, nơi có sân chơi cho trẻ em, khu dã ngoại, khu câu cá, chèo thuyền..., rất phù hợp để các thành viên trong gia đình dành thời gian bên nhau. Cây cầu còn nối với Công viên Hạc Hoang dã (Tanchozuru Shizen Koen), tại đây có nhiều cá thể hạc mũ đỏ (sếu đầu đỏ) đang được nuôi dưỡng.

Tanchozuru Shizen Koen
Ngắm hạc mũ đỏ tại Tanchozuru Shizen Koen. Ảnh: medetai tsuruta
kilala.vn

Cầu Tsuru-no-mai

  • Địa chỉ: Mawarizeki Osawa, thị trấn Tsuruta, quận Kitatsugaru, tỉnh Aomori
  • Vé vào cổng: miễn phí
  • Di chuyển: 15 phút bằng xe hơi từ Ga Tsuruda thuộc Tuyến JR Gono

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU