Castle stay - xu hướng chi hàng trăm triệu để ở trong lâu đài

Nguồn: NipponDec 22, 2022

Nhắm đến thị trường ngách đầy tiềm năng dành cho các khách hàng giàu có, Nhật Bản đang đẩy mạnh dịch vụ Castle stay – nghỉ dưỡng trong lâu đài, để phát triển thị trường và tái tạo khu vực.

Tại nhiều nước châu Âu, khái niệm ở tại lâu đài cổ đã khá quen thuộc và được nhiều người lựa chọn để trải nghiệm phần nào không khí, nếp sống của những quý tộc xưa. Cụ thể, ở Tây Ban Nha, một chuỗi khách sạn thuộc sở hữu nhà nước có tên Paradores đã vận hành gần 100 tòa nhà lịch sử (lâu đài, cung điện, tu viện...) được tu bổ lại để dùng cho dịch vụ lưu trí cao cấp với các điểm tham quan lịch sử hàng đầu. Những cơ sở này đón khoảng 1,4 triệu du khách hàng năm như một trong số các điểm đến du lịch của quốc gia.

đại sứ San Mario và phu nhân

Đại sứ San Marino tại Nhật Bản Manlio Cadelo và vợ mặc áo giáp samurai trong thời gian họ ở lâu đài. Ảnh: Kyodo News

Và thời gian gần đây, Cơ quan du lịch Nhật Bản (JTA) cũng đang cung cấp việc hỗ trợ, tìm kiếm các tài sản để trợ cấp, theo chính sách sử dụng các tài sản lịch sử như lâu đài và đền thờ cho khách du lịch lưu trú. Đã có những lâu đài được đi vào sử dụng như lâu đài Hirado, ở Hirado, Nagasaki, cung cấp dịch vụ lưu trú qua đêm miễn phí trên cơ sở thử nghiệm vào tháng 05/2017. Sau đó, vào tháng 09/2019 đại sứ Cộng hòa San Marino tại Nhật - ông Manlio Cadelo và phu nhân đã được mời lưu trú trong tòa tháp lâu đài bằng gỗ ở Shiroishi, tỉnh Miyagi.

Hiện tại, chỉ mới có hai lâu đài đang có sẵn dịch vụ cung cấp chỗ ở là lâu đài Hirado và lâu đài Ozu.

Lâu đài Hirado – trải nghiệm vẻ đẹp cổ điển

Tòa lâu đài được xây dựng trên đỉnh của bán đảo đối diện vịnh Hirado, tỉnh Nagasaki và được bao quanh bởi biển. Đây từng là nơi ở của gia tộc Matsura và có tên gọi khác là lâu đài Kameoka.

lâu đài Hirado

Lâu đài Hirado nằm trên bán đảo nên được bao quanh bởi biển. Ảnh: Noroshi

Từ tháng 04/2021, Hirado được mở cửa, trở thành nơi lưu trú trong lâu đài đầu tiên tại Nhật cho khách du lịch. Khách sẽ ở trong tháp canh hai tầng dành cho 2 người với giá từ 670.000 yên/đêm (khoảng 119 triệu đồng). Chi phí này bao gồm bữa tối kiểu Pháp với các nguyên liệu địa phương và bữa sáng thịnh soạn kiểu Nhật do nhân viên chuẩn bị trong nhà bếp của dãy phòng và trải nghiệm sự sang trọng với tư cách là một “lãnh chúa đặc biệt”.

tháp lưu trú

Tháp canh, nơi du khách lưu trú. Ảnh: Noroshi

Thiết kế nội thất kết hợp sự cách điệu của Trường phái Rinpa từ cuối thời Momoyama (đầu thế kỷ XVII), với những bức tranh tường về bướm và hoa anh đào. Các dịch vụ bổ sung tùy chọn bao gồm màn trình diễn Hirado Kagura, một điệu múa dân gian trong nghi lễ được chỉ định là tài sản văn hóa phi vật thể quốc gia và dịch vụ xe limousine cho hành trình kéo dài hai giờ từ Sân bay Fukuoka.

trải nghiệm

Không gian bên trong sau khi được cải tạo (trái) và những hoạt động dành cho du khách lưu trú (phải). Ảnh: Noroshi

Theo Kurakake Seiya, giám đốc đại diện của công ty quản lý Noroshi, “Khi chúng tôi quảng cáo cho những người tham gia trải nghiệm ở lại một đêm, câu chuyện đã được BBC và các phương tiện truyền thông nước ngoài khác đưa tin. Kết quả là đã nhận được nhiều yêu cầu lưu trú và một nửa trong số 7.500 đơn đăng ký đến từ nước ngoài. Và đó là lúc chúng tôi nhận ra được sức hút to lớn của loại hình này.”

Giấc ngủ trị giá 1 triệu yên/đêm tại lâu đài Ozu

Lâu đài Ozu hay còn được gọi là Lâu đài Jizogatake tọa lạc tại Ozu, tỉnh Ehime. Trong thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912), nơi đây bị bỏ hoang, chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và thiên tai khiến lâu đài xuống cấp nhanh chóng. Đến năm 1888, nhận thấy khu vực thành trì của lâu đài có nguy cơ sụp đổ, chính quyền quyết định phá hủy nó, nhưng đến năm 2004 thì lại phục dựng lại chính xác. 

Từ tháng 07/2020, lâu đài Ozu bắt đầu được sử dụng cho mục đích kinh doanh ngay trong đại dịch. Tính đến tháng 10/2020, nơi đây đã đón tiếp 11 cặp đôi. Từ đó đến nay, lâu đài luôn duy trì thời gian hoạt động của mình là từ tháng 03 – tháng 11 hàng năm và chỉ đón tối đa 30 cặp đôi (không nhận khách đi 1 mình).

lâu đài Ozu

Toàn cảnh lâu đài Ozu. Ảnh: Nippon

Trên các thông tin quảng cáo của mình, lâu đài Ozu nhấn mạnh thông điệp “Sống như lãnh chúa với giá 1 triệu yên/đêm”, đây là mức giá tối thiểu dành cho 2 người. Khi đồng yên bắt đầu rớt giá, lâu đài lại càng nhận được nhiều yêu cầu đặt phòng đến từ các cặp đôi nước ngoài.

Ngoài các cơ sở lưu trú trong tháp, du khách có thể thưởng thức bữa tối sang trọng trong tháp canh liền kề và bữa sáng trong phòng riêng ở biệt thự Garyu Sanso gần đó, nơi cũng được chỉ định là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia.

nghi thức chào đón

Hoạt động chào đón du khách lưu trú. Ảnh: Nippon

Theo Yoshida Satoru của Value Management, công ty tổ chức các kế hoạch lưu trú: “Chúng tôi đặt mức giá hàng triệu yên để thu hút sự chú ý, sau đó thiết kế các dịch vụ và trải nghiệm phù hợp. Vì đại dịch COVID-19, cho đến nay, khách của chúng tôi đều là người Nhật. Nhiều người trong số họ đã đặt câu hỏi về chi phí nhưng ngạc nhiên là bình luận rằng nó có vẻ quá rẻ, và tự hỏi liệu chúng tôi có thu được lợi nhuận từ dịch vụ này hay không”.

Yoshida cho biết thêm rằng việc kinh doanh dựa trên nền tảng truyền thống địa phương và cảnh quan thị trấn là một chiến lược quan trọng vì sẽ giúp gia tăng độ nhận diện của mọi người đối với các địa phương. Do đó, không chỉ đơn giản là trải nghiệm mà còn là nỗ lực sử dụng, bảo tồn, truyền tải các tài sản văn hóa.

Cắm trại tại lâu đài

Nếu bạn cảm thấy mức giá để ở trong lâu đài quá cao thì có thể lựa chọn phương án cắm trại tại khuôn viên lâu đài. Đây là dịch vụ đang được triển khai ở lâu đài Shimabara, Shimabara, tỉnh Nagasaki, với giá 8.800 yên/đêm (khoảng 1.500.000đ) cho 2 người bao gồm chỗ ở trong xe cắm trại. Buổi tối, lâu đài được thắp sáng mang đến khung cảnh đẹp như tranh vẽ cho những người cắm trại.

Xe van có hai giường, máy lạnh và tủ lạnh cùng với các thiết bị cắm trại khác có sẵn để thuê. Khách nhận phòng từ 02h00 chiều và nghỉ ngơi cho đến 11h00 sáng hôm sau mới trả phòng. Ngoài ra còn có một bãi đậu xe giải trí, với giá 4.000 yên/đêm (khoảng 712.000đ), dành cho khách có phương tiện riêng.

cắm trại

Cắm trại trong khuôn viên lâu đài. Ảnh: Cục du lịch Shimabara

JTA hiện đặt mục tiêu thành lập các lâu đài lưu trú trên khắp Nhật Bản và đang khuyến khích tham gia bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp lên tới 10 triệu yên. Đến nay, các doanh nghiệp đã tham gia vào việc vận hành các chương trình lưu trú tại: Lâu đài Fukuyama (Fukuyama, tỉnh Hiroshima); Lâu đài Tsuyama (Tsuyama, tỉnh Okayama); Lâu đài Marugame (Marugame, tỉnh Kagawa); Lâu đài Nakatsu (Nakatsu, tỉnh Oita) và Lâu đài Usuki (Usuki, tỉnh Ōita), ngoài các lâu đài ở Ozu và Hirado.

Xem thêm: Độc lạ Nhật Bản: ngôi chùa bên trong khách sạn

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU