Cảnh báo khi trượt tuyết ở vùng hẻo lánh tại Nhật Bản

Bài: Rin
Feb 10, 2023

Nguồn: Asahi

Vụ việc VĐV trượt tuyết vô địch thế giới người Mỹ tử nạn do gặp phải tuyết lở khi thử sức ở núi Hakuba-Norikuradake, tỉnh Nagano đã làm dấy lên nhiều lo ngại với những người đam mê trải nghiệm bộ môn này ở những vùng hẻo lánh. 

Hakuba-Norikuradake là một trong số những ngọn núi lý tưởng để thử cảm giác trượt tuyết và trượt ván tuyết mạo hiểm. Tuy nhiên, địa điểm hấp dẫn người đam mê bộ môn thể thao mùa đông đến từ khắp nơi trên thế giới này lại nằm ngoài vùng tuần tra và tiềm ẩn nguy cơ tử nạn.

trượt tuyết ở núi Hakkodasan
Trượt tuyết tại khu vực hẻo lánh ở núi Hakkodasan, tỉnh Aomori. Ảnh: Asahi 

Vào ngày 29/01, một trận tuyết lở đã diễn ra ở con dốc phía Đông của vùng Tenguhara trên núi Hakuba-Norikuradake, làng Otari, tỉnh Nagano. Theo đó, 5 công dân nước ngoài đã bị cuốn đi trong trận tuyết lở bắt đầu từ độ cao 2.100m so với mực nước biển, một công dân người Mỹ và một công dân người Áo được xác nhận đã tử vong. 

Danh tính của công dân người Mỹ được xác định là nhà vô địch trượt tuyết hình chữ U (Halfpipe skier) Kyle Smaine, 31 tuổi. Trước đó, anh đã giành chức vô địch thế giới ở môn trượt tuyết Halfpipe vào năm 2015. Đến tháng 01/2018, Kyle Smaine tiếp tục giành được cúp thế giới tại cuộc thi ở núi Mammoth, California. 

Kyle Smaine
Nhà trượt tuyết vô địch thế giới Kyle Smaine. Ảnh: Asahi 

Để phòng ngừa những tai nạn thương tâm do tuyết lở gây ra như trên, một số khu nghỉ mát trượt tuyết ở Nhật đã và đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trên tuyến đường từ khu nghỉ dưỡng núi Tsugaike đến địa điểm xảy ra vụ việc trên, nhiều biển báo đã được dựng lên với nội dung bằng tiếng Nhật lẫn tiếng Anh: “Cấm vào khu vực từ điểm đánh dấu này. Xin hãy cẩn trọng”. 

Yoshikazu Ito, hướng dẫn viên du lịch vùng núi cho biết khu vực Hakuba-Norikuradake, tỉnh Nagano thu hút nhiều người đam mê trượt tuyết và trượt ván tuyết bởi tuyết tại đây rơi nhanh, bao phủ lấy các sườn núi với lớp tuyết đặc biệt dày. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết ở khu vực này lại dễ gây ra “tuyết lở trên bề mặt” với một lớp tuyết mới trượt xuống lớp tuyết cứng hơn ở bên dưới. 

Ito chia sẻ: “Hướng dẫn viên địa phương biết rõ nguy cơ về tuyết lở do vậy họ không dẫn đoàn khách trong ngày có dấu hiệu xảy ra tuyết lở”. 

trượt tuyết ở vùng hẻo lánh tại nhật
Thử thách trượt tuyết ở vùng hẻo lánh tại Nhật thu hút nhiều nhà thám hiểm. Ảnh: backcountryskijapan.com

Tại làng suối nước nóng Nozawa, tỉnh Nagano, một người đàn ông 38 tuổi sống tại Uonuma, tỉnh Niigata cũng đã không may bị cuốn đi trong trận tuyết lở diễn ra vào ngày 28/01. Thi thể nạn nhân được phát hiện hai ngày sau đó. 

Vào ngày 30/01, bốn người đàn ông đến từ Phần Lan được trình báo mất tích ở vùng quê hẻo lánh tại Myoko, tỉnh Niigata, nhưng sau đó họ đã tự đi bộ xuống đồi và may mắn không bị thương, theo thông báo từ Cảnh sát tỉnh Niigata vào ngày 31/01.

Còn tại tỉnh Tottori, một trận tuyết lở vào ngày 31/01 đã tấn công ba người Nhật trượt tuyết ở núi Daisen, trong đó hai người bị thương nhưng vẫn tỉnh táo và một người may mắn không bị thương. 

Xem thêm: Trượt tuyết: Môn thể thao yêu thích của người Nhật với hơn 100 năm lịch sử

Trên trang web của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (bằng tiếng Anh) có giới thiệu núi Niseko ở Hokkaido và núi Hakkodasan tại tỉnh Aomori là những địa điểm trượt tuyết mạo hiểm danh tiếng. 

Niseko - khu trượt tuyết đẳng cấp thế giới có sáu quy tắc khi trượt tuyết tại các vùng hẻo lánh, chẳng hạn chỉ được phép tiến vào khu vực từ 12 cổng được chỉ định, chúng sẽ bị đóng khi điều kiện thời tiết trở nên xấu hoặc có nguy cơ xảy ra tuyết lở. Luật cũng cấm mọi người băng qua những sợi dây đánh dấu điểm bắt đầu khu vực cấm trượt tuyết. 

niseko hokkaido
Vùng Niseko, Hokkaido. Ảnh: cntraveler.com

Theo đồn cảnh sát Kutchan tại vùng Niseko, chỉ có 3 vụ tai nạn khi trượt tuyết mạo hiểm xảy ra quanh các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trong địa phận quản lý của họ vào mùa đông năm nay. Những trường hợp này thường là người gặp nạn bị lạc đường hoặc đâm phải cây. Một nhân viên cảnh sát chia sẻ: “Số vụ tai nạn thấp như vậy một phần là nhờ các quy định trên”. 

Tuy nhiên, những quy định như vậy lại không được áp dụng ở vùng núi Yoteizan, nơi một công dân người Đức đã tử nạn trong tháng 1 này sau khi gặp phải một trận tuyết lở. 

Xem thêm: Tanigawadake, ngọn núi tử thần

Naoyuki Sato, 50 tuổi, Chủ tịch của Hiệp hội Hướng dẫn trượt tuyết Nhật Bản cho biết, với những người muốn khám phá vùng núi, điều cần thiết là gửi kế hoạch trượt tuyết của họ cho chính quyền địa phương và mang theo thiết bị hỗ trợ thích hợp, chẳng hạn như đèn tín hiệu và xẻng: “Mọi người nên đi cùng một hướng dẫn viên tin cậy biết rõ về vùng núi sẽ trượt tuyết”. 

Ông Sato cũng giới thiệu những hướng dẫn viên được cấp giấy chứng nhận bởi Hiệp hội hướng dẫn leo núi Nhật Bản tại Tokyo. Họ đã phải vượt qua một số bài kiểm tra, bao gồm cách đối phó với tuyết lở và thiết lập các tuyến đường trong điều kiện tuyết rơi dày.

“Các hướng dẫn viên không chỉ có kỹ năng trượt tuyết mà còn phải là chuyên gia để đảm bảo an toàn cho những người tham gia”, ông Sato nhấn mạnh. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU