Cảm nhận từ Phú Sĩ

PHẠM CÔNG LUẬN. ẢNH: m-louis .®/FLICKR.COM Jul 31, 2017

Lần đầu tiên tôi thấy tận mắt núi Phú Sĩ (Fuji) khi đang đứng trong một khu rừng tỉnh Yamanashi. Buổi mai hôm ấy, trời sáng trưng nên rừng càng ửng lên. Qua chiếc cầu đúc nhỏ rụng đầy lá vàng, anh bạn Nhật bỗng dừng lại, chỉ tay lên trời xa phía trên những ngọn cây.

- Núi Phú Sĩ kia!

Một luồng hơi lạnh chạy dọc theo sống lưng tôi. Hùng vĩ quá. Trên nền trời sáng trắng như nền một bức tranh khổng lồ, dáng sừng sững của ngọn núi gần như che lấp cả khoảng trời ấy. Lúc đó, cứ ngỡ như ngọn núi là một vật linh thiêng, một vị thần to lớn đang soi mình xuống đồng bằng của đảo quốc này.

Từ nhỏ, hình dáng ngọn núi này xuất hiện khá nhiều trên các ấn phẩm khiến tôi cứ ngỡ ngọn núi nào cũng có hình dạng như chiếc nón úp đúng như vậy. Phú Sĩ trở thành một chuẩn mực về vẻ đẹp của núi. Nó mọc vút lên như từ đồng bằng, cô độc và kiêu hãnh, đứng một góc trời. Nhật Bản là một đất nước của núi non, nhưng quanh đó lại không thấy một ngọn núi nào dám xâm phạm vào thế đứng độc lập đó. Phải chăng đó là ấn tượng đẹp nhất về núi Phú Sĩ khiến cho nó trở nên độc nhất vô nhị? Dáng thoai thoải của sườn núi toát lên một khí phách mà người ta nói tượng trưng cho khí phách Nhật Bản từ nghìn đời. Có lẽ vì vậy, mái của tòa nhà Nippon Budokan là trung tâm võ thuật lớn nhất của Nhật Bản được cấu trúc y hệt hình dáng ngọn núi huyền thoại này.

fuji_cover.jpg

Hằng năm có 5 triệu khách tham quan đến chân núi Phú Sĩ và có 1/20 số người ấy đã leo tới đỉnh núi. Họ muốn tìm thấy điều gì trên ngọn núi lửa hình nón cao nhất Nhật Bản (3.776 mét) ấy?

Anh bạn Việt kiều khuyên: “Nếu đến Nhật vào mùa hè, hãy gọi điện cho tôi! Từ Tokyo ta sẽ xuất phát từ 4, 5 giờ chiều thứ bảy. Tới chân núi độ 11 giờ khuya. Từ đó leo lên núi, 3,4 giờ sáng đã tới đỉnh núi. Nhớ mang theo cây đèn pin để soi đường …”

- Anh đã leo lên đó mấy lần?

- Hai lần, lúc còn là sinh viên có nhiều thì giờ rảnh …

Sau đó tôi cùng anh cười xòa khi nhắc lại câu tục ngữ Nhật cả hai cùng biết: “Ai chưa một lần leo núi Phú Sĩ là ngu, nhưng ai định làm điều đó hai lần người đó còn ngu hơn nữa”.

Núi Phú Sĩ đối với người Nhật tuy không phải là thánh địa Mecca của người Hồi giao đến đỗi cả đời phải xoay sở dù nghèo đến đâu cũng phải đến một lần. Nhưng hầu như ai cũng có tâm niệm cố gắng đi thử cho biết, vì chưa hiểu núi Phú Sĩ thì không phải là người Nhật. Có người đã từng leo hàng chục lần, trên 60 tuổi vẫn còn tiếp tục leo. Đối với anh bạn tôi từ khi nhập quốc tịch cái tên của anh cũng là tên Nhật. Dù gì anh cũng phải lên tới đó…

fuji_go_to_cloud.jpg

Tất nhiên người ta dễ nghĩ rằng leo núi Phú Sĩ là phải leo với móc sắt, dây như dân chuyên nghiệp. Thật ra, khách leo núi thường ngồi xe hơi để lên tới trạm số 5 ở độ cao khoảng 2000 mét rồi. Từ đó tiếp tục đi bộ lên tới đỉnh giữa những sườn núi trơ trọi theo các con đường mòn căng dây sẵn. Đông nhất là thanh niên, nhưng vẫn có cả những em nhỏ 15, 16 tuổi tới cụ già gần 80. Lên độ một giờ đồng hồ đã thấy mây. Mây đậm đặc như bông gòn dưới chân mình, cúi xuống có thể vốc vào lòng bàn tay được. Người ta đi đông tới mức không cần phải dẫn đường nữa… Đi tiếp hai giờ đã lên tới gần đỉnh. Lúc đó cần đi tìm chỗ ngủ đợi sáng … Mỗi chỗ dài 2 mét, ngang nửa mét. Cứ thế mà nằm khít rịt bên nhau dù quen hay lạ, đợi khoảnh khắc mặt trời mọc.

fuji_station.jpgfuji_night_station.jpg

Theo anh D.T.M, một Việt kiều ở Nhật: “Đối với người mạnh khỏe có thể đến đỉnh trong 5 giờ đồng hồ. Còn người thường là 6, 7 giờ. Có người bỏ cuộc nửa chừng. Có người sau khi lên tới đỉnh mệt quá không xuống nổi nữa, phải nhờ người cõng xuống với giá tùy đoạn đường ngắn dài sẽ bị "chặt" từ 300 đến 1000 đô la”.

Hình ảnh rất đáng nhớ lúc leo núi Phú Sĩ trong đêm là nhìn một con rắn ngoằn ngoèo trên núi tạo hình từ những người cầm đèn đuốc đi trên các sườn núi. Từ đó phát ra tiếng chân người, tiếng lộp cộp của gậy, tiếng loa phóng thanh của các nhóm nhắc nhở nhau. Có những đoàn học sinh đi theo thầy cô giáo, có cả gia đình đi cùng người già, những cặp vợ chồng mới cưới và cả những người đến từ đảo Hokkaido xa xôi. Mùa leo núi chỉ kéo dài hai tháng (tháng 7 và tháng 8) mà số người chưa leo hoặc muốn leo nữa vẫn còn nhiều nên hầu như trên núi luôn đông người suốt thời gian này.

fuji_climbing_at_night.jpg

Sau một giấc ngủ tạm bợ trên núi, mọi người lục tục ngồi dậy đón mặt trời lúc 3 giờ. Khoảng độ 4 giờ, mặt trời từ hướng đông phía bên kia quả đất rất chậm rãi ló lên. Hào quang thật rực rõ và lúc đó những ý nghĩ thanh cao không ngờ tới chợt đến. Đó là phần thưởng tinh thần dành cho người vất cả leo núi. Cảnh mặt trời mọc diễn ra cả giờ đồng hồ, và khi chiêm ngưỡng, người Nhật mới thấy hết cái đẹp rực rỡ của mặt trời, có thể lúc đó họ mới hiểu tại sao tổ tiên đã nhận mình là con cháu của Thái Dương thần nữ…

fuji_hiker_frog.jpg
fuji_at_dawn.jpg

Một quyển sách viết về Nhật Bản cho biết, mặc dù từ năm 1707 không còn phun lửa nữa, núi Phú Sĩ vẫn được xem là một trong 77 núi lửa còn hoạt động. Ở Nhật Bản vẫn còn dấu tích hai lần phun lửa của ngọn núi này. Từ Tokyo những hôm trời quang đãng người ta có thể dẽ dàng thấy nó hiện lên ở lưng chừng trời xanh. Đây là một biểu tượng của dân tộc rất đẹp mà người Nhật may mắn có được...

Phạm Công Luận/kilala.vn
(Trích sách Những sắc màu Nhật Bản)

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU