Nhiều đêm ở Tokyo, tôi xuống ga điện ngầm Senkawa, nhấn nút mua cái vé 190 yen ở máy bán vé tự động, đi qua cái máy soát vé cũng tự động bằng cách nhét vé vào khe trên thân máy. Cầm tấm vé đã được soát vừa bật ra còn ấm, tôi thất thểu đi về phía nơi tàu đỗ, chân mỏi nhừ vì không quen đi bộ. Quanh tôi, nhiều người rảo bước qua lại.
Những ông trung niên đeo kính, vẻ mặt điềm đạm và mệt mỏi. Những cô gái trẻ mắt mí lót không buồn nhìn ai. Họ sắp tới nhà hay sẽ tiếp tục cuộc hành trình trên một con tàu nào đó. Để sau một đêm ngủ vùi, sáng hôm sau lại dậy thật sớm, lại xuống ga điện ngầm, sử dụng vé tháng hay mua vé lẻ, lại ngủ gật trên ghế và cố bước hàng mấy chục bậc thang để lên mặt đất.
/ShutterstockCó một Tokyo ngầm dưới mặt đất, nơi dọc ngang của những chuyến tàu điện ngầm trên 220 cây số đường sắt và của hàng triệu lượt người qua lại mỗi ngày như những đàn kiến trong các đường ống rộng thênh. Có lúc tôi như quên mình đang ở dưới lòng đất khi đứng giữa hàng ngàn người ở ga Shinjuku, khu vực có nhiều cao ốc văn phòng. Đời sống ở đây không thể thiếu những con tàu điện và tôi nghĩ biết đâu người Nhật đã có sẵn một câu thành ngữ nào đó nói về đời sống lặp đi lặp lại hàng ngày bên chiếc tàu điện như người Pháp đã có (Metro, boulot, dodo – tàu điện, đi làm và về nhà ngủ). Dường như nhiều dịch vụ đã cố thích nghi với thói quen và phương tiện này. Dễ nhận ra điều đó ở cách thiết kế những cái túi đựng hàng ở Nhật. Túi bằng giấy hay bằng plastic, thẳng nếp khi mở ra và gọn ghẽ khi xếp lại, dẻo dai và luôn có những sợi dây quai chắc chắn. Với loại túi đó, khách mua hàng thấy thoải mái hơn khi dọc ngang dưới ga, có thể mang sát vào người khi chen chúc trên tàu và nếu có đặt xuống sàn xe hay lên ghế nó vẫn đứng thẳng băng. Những quyển manga (truyện tranh) dành cho người lớn giá vài trăm yen, xem xong có thể vứt lại trên giá để đồ. Những lon nước giải khát gọn nhỏ mua ở máy tự động dường như chỉ dành cho người đi bộ, tức là những người di chuyển khắp nơi chủ yếu bằng tàu điện. Sân ga đặt nhiều thùng đựng rác có phân loại: thùng đựng thuỷ tinh, thùng đựng lon nhôm và thùng đựng báo chí … Tất cả là những sản phẩm người đi tàu dùng vội vã để giết thời giờ nhàm chán trên tàu.
Mỗi toa tàu điện là một khoảng không gian chật hẹp mà người ta phải sống vài giờ mỗi ngày, phải cùng lắc lư khi tàu chuyển bánh, hít thở chung với những người xa lạ một bầu không khí hạn hẹp, có mùi hăng hăng từ sự cọ xát giữa bánh xe và đường sắt, mùi nước hoa, mùi sáp bôi đầu … từ những người đứng sát với mình. Mỗi người cố chiếm hữu một chỗ tựa là một cái cột thép sáng loáng, một tay vịn hay một vòng nhựa trắng thòng xuống từ trên nóc. Hầu hết họ phải đứng như thế đến khi có một người nào đó đang ngồi trước mặt bỗng đứng dậy. Rất khẽ khàng nhưng cũng nhanh chóng, người đối diện đặt mình ngay vào vị trí trống và một lúc sau đã bắt đầu giấc ngủ của mình. Những người khác âm thầm đợi giọng nói của nhân viên đường sắt báo tên ga sắp đến và cố di chuyển chật vật đến cửa ra.
Đi tàu điện ngầm ở Tokyo, trong tôi xuất hiện những điều ngạc nhiên và luôn tự lý giải. Vì sao với số lượng người đón tàu rất đông (đến nỗi ở một số ga trong giờ cao điểm có những nhân viên được bố trí để đầy người lên tàu. Người Nhật gọi đó là Tsukin Jigoku – địa ngục của việc đi làm hàng ngày) nhưng lại không thể hiện sự ồn ào quá đáng như ở nhiều nơi khác. Hiếm khi nghe ai gọi nhau lớn tiếng. Tất cả đều điềm tĩnh, rất điềm tĩnh trong sự vội vã tất bật. và từ chỗ luôn phải tìm một không gian cho riêng mình trên tàu điện, hình như không thấy có những cử chỉ “ga-lăng” như một người đàn ông đứng dậy nhường chỗ cho một cô gái hay một cụ già. Sau khi đọc một bài viết về Nhật Bản của James Kirkup, một nhà thơ người Anh, tôi khả dĩ hiểu được phần nào điều này khi tác giả thuật lại thật sinh động sự bối rối cực kỳ của một thanh niên sau khi nhường chỗ cho một cụ già trên xe điện. Anh ta đã động chạm tới sự lễ độ và hàm ơn sâu sắc của dân tộc Nhật. Bà kia đã cám ơn bằng nhiều từ ngữ rất trịnh trọng cùng những cử chỉ ân cần đến mức độ anh kia phải cố gắng lảng đi thật xa trong toa tàu chật ních.
/ShutterstockChỉ khi một mình đi tàu điện ngầm cả tháng trường, tôi mới cảm thấy mình có chút hòa nhập vào xã hội xa lạ này. Trên con tàu đang chạy, khuôn mặt Châu Á của tôi hoà lẫn với những khuôn mặt khác phản chiếu trên những tấm kính loang loáng ngăn cách toa tàu với đường hầm tối đen ngoài kia. Cái vòng nhựa người thanh niên tóc dài vừa buông ra, tay tôi vội nắm lấy vẫn còn hơi ấm. Nhiều lần tôi ngủ mơ màng trên đoạn đường từ ga Senkawa, nơi có ngôi nhà người bạn thân, đến ga Iidabashi. Ngủ nhưng vẫn nghe rõ giọng nói trầm ấm trên loa báo tên ga sắp đến. Những cái tên quá quen thuộc mà tôi muốn ghi lại: Senkawa - Kanamacho - Ikebukuro - Higashi Ikebukuro - Edogawabashi và Iidabashi. Tàu đêm đoạn đường này thường vắng. Lúc đó tôi mới có thể quan sát kỹ bên trong toa tàu. Ghế dài bọc nệm nhung rất êm đặt dọc hai bên thành toa, màu đỏ hoặc xanh lục. Trên trần treo nhiều biển quảng cáo. Các toa tàu vắng sạch sẽ đến vô lý sau một ngày đưa đón hàng trăm lượt người qua lại. Cửa tự động luôn mở ra nhanh chóng và khi đóng lại luôn theo hai nhịp: hai cánh cửa khép lại giữa chừng rồi khựng lại (để khách kịp lách vào hoặc ra) rồi mới đóng hẳn.
Khi viết những dòng này, đêm ở Sài Gòn đã khuya lắm. Có tiếng còi tàu từ phía ga Phú Nhuận vọng lại. Hồi ức đưa tôi quay về ga Senkawa một đêm tháng mười mùa thu. Dựa lưng vào cái cột tròn đợi tàu đến, tôi nhìn quanh quất và thấy còn mỗi mình tôi đứng trên sân ga. Đèn chung quanh rất sáng. Chiếc thang cuốn đằng xa vẫn di chuyển một cách chăm chỉ dù không có ai đứng trên nó. Gió từ đường hầm lùa ra khá lạnh và cảm giác cô đơn đến rất rõ lúc ấy trong đêm Tokyo.
Tôi tiếc đã không bắt chước một vị hoàng đế Nhật lưu giữ một vé tàu điện ngầm Paris suốt gần sáu mươi năm. Chiếc vé tàu 190 yên của tôi đã bị máy soát vé nuốt mất rồi khi rời khỏi sân ga.
Phạm Công Luận