Cá nóc đốm trắng tạo ra “vòng tròn bí ẩn” vào mùa sinh sản

Bài: NatsumeMay 24, 2022

Những vòng tròn bí ẩn đã được phát hiện dưới đáy biển ở eo biển Oshima, tỉnh Kagoshima và được các nhà khoa học xác định là ổ của cá nóc đốm trắng.

Cá nóc đốm trắng - Torquigener albomaculosus (Amami Hoshizorafugu theo tiếng Nhật) , được phát hiện ở vùng biển xung quanh quần đảo Ryukyu, Nhật Bản, cụ thể là quanh các đảo Amami Oshima và Okinawa cách đây 14 năm. Đầu và thân cá có màu nâu với những đốm trắng ở lưng, phần bụng có màu trắng với những đốm trắng bạc. Chiều dài của cá khoảng 15cm.

cá nóc

Cá nóc đốm trắng. Ảnh: en.kohollo.jp

Mùa sinh sản của cá nóc đốm trắng thường bắt đầu giữa tháng 03 - tháng 07, đạt đến cao điểm vào tháng 06 – đầu tháng 07.

Điều đặc biệt của loài cá này là một hành động thường được gọi là “nghi thức sinh sản”. Theo đó, những con cá đực sẽ nhận trách nhiệm tạo ra chiếc ổ tròn đường kính khoảng 2m với cấu trúc phức tạp, đầy mê hoặc trên cát ở dưới đáy đại dương (độ sâu khoảng 10m – 30m) và được so sánh với “vòng tròn đồng ruộng - crop circles”.

tổ của cá nóc

Một ổ sinh sản của cá nóc đốm trắng gần Amami Oshima. Ảnh chụp vào khoảng 8h30 ngày 11/05. Ảnh: Nippon

Thiết kế của chiếc ổ bao gồm các rãnh sâu được bố trí xuyên tâm ở khu vực vòng ngoài và các rãnh nông giống như mê cung ở khu vực trung tâm.

Con đực sẽ nhận trách nhiệm chuẩn bị ổ và đợi con cái, trước khi cặp đôi giao phối. Khi “ổ đẻ” được hoàn thành, con cái sẽ vào khu vực đó để đẻ trứng. Trong quá trình sinh sản, con đực được nhìn thấy cắn vào đỉnh đầu của con cái.

cá nóc đốm trắng

Ảnh: Nippon

Vào sáng ngày 11 và 12/05, Oki Katsuki, chủ tịch Nhóm nghiên cứu sinh vật biển Amami, đã chụp ảnh một bãi đẻ trứng và một cặp cá nóc ở vùng biển gần thị trấn Setouchi Seisui trên bờ biển phía nam của Amami Oshima (ở độ sâu 27m). Katsuki cũng phát hiện ra tàn tích của 9 luống sinh sản khác trong khu vực.

Trước đó, ông Katsuki đã bày tỏ sự lo lắng vì đã lâu không thấy những chiếc ổ, nhưng cảm thấy nhẹ nhõm khi chúng xuất hiện trở lại vào những ngày lễ của Tuần lễ Vàng năm 2022.

Nhưng địa điểm lý tưởng để quan sát ổ và quá trình sinh sản của cá nóc đốm trắng là ngoài khơi bờ biển Katetsu, nơi nước tương đối nông, chỉ khoảng 10m. Và ngày càng nhiều thợ lặn và những người đam mê chụp ảnh đến nơi đây để khám phá quang cảnh tuyệt diệu này.

cá nóc đào tổ

Hình ảnh một con cá nóc đực đang đào ổ. Ảnh: en.kohollo.jp

Những thiết kế tổ như vậy đã được chú ý từ năm 1995, nhưng việc tạo ra chúng vẫn còn là một bí ẩn cho đến khi loài cá nóc đốm trắng được phát hiện. Cấu hình hình học của nó được gọi là "vòng tròn bí ẩn dưới đáy biển", đã thu hút được một số sự chú ý. Sau đó vào năm 2011, người ta phát hiện ra rằng cấu trúc hình học này là một bãi đẻ để thu hút bạn tình và được tạo ra bởi loài cá nóc đốm trắng.

Ổ được tạo ra để thu hút bạn tình thông qua thiết kế ấn tượng và khả năng thu thập các hạt cát mịn, điều này ảnh hưởng đến lựa chọn bạn đời của con cái. Con đực không bao giờ sử dụng lại ổ. Tính đến năm 2014, cá nóc đốm trắng được cho là loài duy nhất tạo ra những hình dạng này.

ổ sinh sản của cá nóc

Ảnh: Kimiaki Itoh

Một đội nghiên cứu, do Nhà nghiên cứu cấp cao Kawase đứng đầu, đã tạo ra các mô phỏng máy tính dựa trên các đoạn băng ghi hình xung quanh đảo Amami-Oshima và phân tích hành vi của cá nóc. Họ tập trung vào các rãnh hướng tâm ở khu vực vòng ngoài. Theo ghi hình, hướng đi của rãnh khá ngẫu nhiên trong giai đoạn đầu. Cá nóc đào theo đường thẳng bằng cách phá bỏ các rãnh đã hình thành trước, một cấu trúc xuyên tâm dần xuất hiện.

Họ ghi lại các thông tin như “vị trí”, “hướng đào”, “độ dài đào” và các biến thể trong dữ liệu này, xây dựng chương trình mô phỏng dựa trên dữ liệu và cố gắng xem liệu mô phỏng máy tính có thể tái tạo sự hình thành tổ chính xác hay không. Kết quả là, cá nóc ưa thích chọn nơi thấp hơn để đào rãnh, một cấu trúc xuyên tâm chính xác đã được tạo ra ngay cả thông qua hành vi đào ngẫu nhiên.

Nhà nghiên cứu cấp cao Hiroshi Kawase cho biết: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ tạo ra các mô phỏng trên máy tính, nhưng chúng tôi hi vọng tạo nên được một con cá nóc robot để xây dựng các vòng tròn trong môi trường tự nhiên trong tương lai.”

Xem thêm: Vũ Thuỳ Linh: Tiến sĩ cá nóc người Việt đầu tiên chinh phục món ăn “tử thần” của Nhật

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU