Vũ Triệu Đức: Trải nghiệm nghiên cứu khoa học tại Học viện Tokyo

Bài: Phương AnhAug 5, 2020

Những tố chất cần có và khó khăn nào mà một nhà nghiên cứu khoa học phải vượt qua? Kilala đã có một cuộc phỏng vấn với anh Vũ Triệu Đức, nghiên cứu sinh ngành Công nghệ sinh học tại Học viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology) về chủ đề này.

Profile Vũ Triệu Đức

vũ triệu đức
Nghiên cứu sinh Vũ Triệu Đức.

- Kỹ thuật viên phụ trách về ứng dụng công nghệ sinh học trong thủy sản ở Nam Phi (2012 - 2014).
- Học thạc sỹ ở trường đại học Thành Công, Đài Loan và làm kỹ thuật viên ở Viện nghiên cứu Sinica, Đài Loan (2015-2017).
- Hiện đang là nghiên cứu sinh tại Học viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology) ngành Công Nghệ Sinh Học, cụ thể là Sinh Học Phân Tử (Molecular biology). Tìm hiểu mối liên hệ giữa hoạt động của gien, não bộ, và hành vi.

1. Điều gì khiến anh ấn tượng về Nhật Bản nhất?

Mình đến Nhật làm nghiên cứu sinh tới nay là được 2 năm rưỡi. Điều mình ấn tượng về Nhật Bản bên cạnh thiên nhiên, điều kiện làm việc, học tập, giao thông thì còn yếu tố rất quan trọng: văn hoá. Mọi người hết sức tôn trọng lẫn nhau (văn hóa xếp hàng hay giữ trật tự nơi công cộng). Mọi công việc được sắp xếp rất đơn giản và rất hiệu quả. Do vậy, đây là môi trường tốt cho một cá nhân tối ưu hóa học tập, nghiên cứu, và phát triển bản thân. 

2. Khi đến Nhật Bản, anh có gặp phải cú sốc văn hoá nào hay không và cách để anh giải quyết nó như thế nào?

Khi mới đến Nhật, chưa kịp làm thẻ sim cho điện thoại để tìm kiếm thông tin, khiến mình thường xuyên đi nhầm tàu, đi lac đường, hay mua nhầm đồ ăn. Thậm chí việc phân loại rác cũng khiến mình bối rối. Chỗ phòng thí nghiệm của mình có tới 4 - 5 thùng rác và người dùng cần phải phân loại rác trước khi bỏ rác vào từng thùng. Ban đầu do không biết đọc tiếng Nhật nên mình không biết thùng nào thì bỏ rác gì nên mình đã không dám bỏ rác vào các thùng rác này, thay vào đó mình phải tự bỏ rác vào túi nilon riêng rồi mang về phòng trọ để vứt (vì phân loại rác ở phòng trọ đơn giản hơn).

cú sốc văn hoá và cách giải quyết
Hội trường chính của học viện Công nghệ Tokyo. Ảnh được chụp bởi bạn cùng phòng thí nghiệm Hoshyar Zangana

Có một chuyện mà mình nhớ mãi đó là việc mặc đồng phục trong những dịp quan trọng khi mình mới qua Nhật. Vào ngày khai giảng năm đầu khi mình nhập học, trong khi cả hội trường mấy trăm người cả thầy cô và sinh viên đều mặc đồng bộ com-lê thì chỉ duy nhất một mình mình là không mặc. May thay mình có mặc áo sơ mi trắng nên mặc dù trời rất lạnh mình đã phải cố xoay xở để không mặc áo khoác vào để trông đỡ “lạc loài”.

Chương trình học tập và nghiên cứu của mình hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mặc dù mình có học tiếng Nhật một thời gian khi mới qua Nhật nhưng trình độ tiếng Nhật của mình vẫn còn cực kỳ hạn chế. Trong phòng thí nghiệm của mình thì chỉ có 2 sinh viên quốc tế là mình là người Việt và một bạn nữa người Afghanistan, còn lại là các bạn người Nhật.

3. Là tác giả thứ nhất của bài báo khoa học* được đăng trên tạp chí uy tín PLOS Gientics vào ngày 17/6 vừa qua, vì sao anh và đồng nghiệp lại quan tâm đến mối quan hệ giữa gien và hành vi tương tác của cá chọi? Nó có gì khác so với các sinh vật khác?

Hành vi gây hấn (aggressive behavior), mà cụ thể là giao đấu giữa hai con cá chọi, là một trong số hành vi được bảo tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cùng một loài hoặc chúng song song tồn tại ở nhiều loài khác nhau. Hành vi này được sinh vật sử dụng khi chúng tìm kiếm thức ăn, tìm kiếm bạn đời hay bảo vệ con cái, do đó nó đóng vai trò quan trọng trong sự tồn vong của chúng. Trung bình thời gian giao đấu ở các loài cá khác như cá ngựa vằn hay cá rô phi, hai đối tượng nghiên cứu phổ biến hiện nay, khá là ngắn, thường là dưới 30 phút. Vì vậy thông tin về hoạt động của những nhóm gien tương thích với hành vi gây hấn trong khoảng thời gian dài hơn (chẳng hạn như 1 giờ) vẫn còn hạn chế.

Riêng cá chọi, thời gian giao đấu giữa hai con cá đực ở loài cá này là rất dài (trung bình là 82 phút) mà ở các loài cá khác không có. Với thời gian này chúng tôi có thể quan sát và theo dõi chúng liên tục trong thời gian dài, cũng như chủ động hơn trong việc đặt ra các mốc thời gian để đánh giá hoạt động của các gien.

Từ nghiên cứu sự tương tác giữa gien và hành vi của hai con cá chọi sẽ mở ra hướng nghiên cứu về hoạt động đồng bộ của gien trên bộ não của hai cá thể riêng biệt ở động vật bậc cao, thậm chí là ở người. Chẳng hạn, một nghiên cứu từ những năm 1980 cho thấy các đặc điểm trên khuôn mặt của những cặp vợ chồng đã sống với nhau trong một thời gian dài có xu hướng trông ngày càng giống nhau. Điều này có thể báo hiệu sự hội tụ của hoạt động gien, và nghiên cứu của chúng mình được dự đoán sẽ góp phần lý giải nó. Mục đích nghiên cứu là để tiệm cận đến việc hiểu về con người hơn, chứ không chỉ dừng lại ở cá chọi hay bất kể là loài cá gì khác.

(*Tên bài báo: "Behavioral and brain- transcriptomic synchronization between the two opponents of a fighting pair of the fish Betta splendens". Có thể tham khảo bài viết tiếng Việt ở đây.)

bài nghiên cứu trên web
Ảnh chụp bài nghiên cứu của Vũ Triệu Đức được đăng tải trên trang PLOS GENETICS.

4. Việc tham gia thực hiện nghiên cứu này giúp anh rút ra được điều gì?

Một trong những may mắn của mình là được làm việc ở một phòng thí nghiệm lớn, nhân lực quốc tế với trình độ chuyên môn cao. Mình được tiếp xúc với công nghệ RNA-Seq khá là mới mẻ và tốn kém, từ đó rút ra được một số kỹ năng quan trọng. 

Mình học hỏi được rất nhiều điều từ giáo sư phụ trách lab Norihiro Okada. Ông là một người có tình yêu lớn lao đối với khoa học, dù đã cao tuổi (73 tuổi) nhưng mỗi sáng không kể nắng-mưa-bão-tuyết, khi tôi bước chân vào phòng thí nghiệm thì đã thấy ông cặm cụi làm việc từ lúc nào. Khi ba tiến sỹ trước bỏ cuộc, ông vẫn kiên trì theo đuổi dự án và động viên tôi tiếp tục nghiên cứu. Sự định hướng của ông đến từ nhiều khía cạnh, về cả chuyên môn lẫn tinh thần.

Mình còn học hỏi được rất nhiều từ các cộng sự trong phòng thí nghiệm, nhất là từ bạn đồng tác giả thứ nhất của bài báo. Bạn ấy luôn biết cách đơn giản hóa vấn đề từ phức tạp để làm sao cho dễ hiểu nhất. Nhờ việc này mà mình đã nghĩ đến việc sử dụng các công thức toán học cơ bản để chuyển thể hàng trăm hay hàng nghìn chữ phức tạp trở thành một trang A4 vỏn vẹn ở phần phương pháp. Điều này được đánh giá rất cao từ các phản biện.

nghiên cứu giúp ta rút được gì
Quá trình nghiên cứu của Vũ Triệu Đức.

Mình nghĩ bản chất của việc làm khoa học đã đòi hỏi tính tỉ mỉ nhưng người Nhật họ còn nâng tầm tính tỉ mỉ đó lên thành một thứ văn hóa. Nó giúp tôi rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả của việc bố trí thí nghiệm, phân tích-quản lý dữ liệu và thiết kế hình ảnh.

5. Theo anh, những khó khăn nào một nhà nghiên cứu cần phải vượt qua?

- Tự chủ và độc lập trong suy nghĩ: Khi bắt đầu một dư án thì vấn đề nghiên cứu đều rất mới đối với cả thầy và trò. Do đó, người nghiên cứu cần phải phát huy tính độc lập và tự chủ trong tư duy, trong thực thi công việc, và trong thảo luận. Những điều này thường thiếu ở hầu hết các nghiên cứu sinh trong những năm đầu, nhưng nếu họ ý thức được tầm quan trọng của nó ngay từ đầu thì họ sẽ biết tìm cách để hoàn thiện nó sớm hơn.
- Cân bằng tâm lý: Dù là người lạc quan đến mấy thì cũng sẽ có lúc người nghiên cứu bị rơi vào trạng thái tâm lý bất lực trong quá trình nghiên cứu. Chẳng hạn như có rất nhiều khoảng thời gian người nghiên cứu phải tiến hành những thí nghiệm kéo dài tới 2 ngày đêm liên tục, và cuối cùng kết quả vẫn không ra như mong đợi. Sau một vài lần như thế họ sẽ bị stress, trầm cảm, và chán nản.
- Sự nghiệp và gia đình: Việc học tập và nghiên cứu sẽ chiếm hết phần lớn thời gian của người nghiên cứu nên để cân bằng được giữa công việc và gia đình là một điều hết sức khó khăn. Tất cả các giai đoạn nghiên cứu đều đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhưng việc giành thời gian cho gia đình cũng quan trọng không kém. Nên sự cân bằng giữa công việc và gia đinh mình cho rằng là một khó khăn cực kỳ lớn đối với người làm nghiên cứu.

6. Anh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ muốn theo nghề nghiên cứu và đến Nhật du học?

Theo mình, những bạn đang có nguyện vọng theo nghề nghiên cứu cần xác định rõ các điều sau đây:

- Động cơ: Mình nghĩ động cơ để một cá nhân làm một việc gì đó là cực kỳ quan trọng vì nó giống như ngọn hải đăng dẫn đường cho họ vậy. Vì thế, các bạn trẻ nên bỏ thời gian để đào sâu suy nghĩ một cách thận trọng và nghiêm túc về động cơ du học của mình là gì, là để trải nghiệm, để mở mang tri thức, hay là điều gì khác.
- Sự chuẩn bị: Du học ở môi trường nước ngoài là lúc chúng ta phải xa rời các lề lối hoặc thói quen cũ để hòa nhập và học hỏi những cái mới. Chúng ta sẽ phải đối mặt với ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hay khó khăn này đến khó khăn khác. Do vậy sự chuẩn bị kỹ càng trước khi đi du học là hết sức cần thiết. 

+ Chuẩn bị kinh phí: Việc du học là rất dài và hết sức tốn kém nên bạn cần cân nhắc hết sức cẩn thận vấn đề kinh phí trước khi đi học. Có thể bạn du học tự túc, có học bổng bán phần, hay có học bổng toàn phần, dù trường hợp nào thì việc dự trù kinh phí và có kế hoạch tài chính trước sẽ giúp bạn bớt hoang mang khi có vấn đề không may phát sinh như ốm đau, bệnh tật, hay ra trường không đúng hạn.
+ Chuẩn bị ngôn ngữ: Tiếng Anh đóng vai trò then chốt trong việc học tập và nghiên cứu do đó việc bạn giao tiếp tiếng anh thành thạo, phát âm rõ ràng, câu cú mạch lạc sẽ gây được thiện cảm rất lớn đối với thầy cô và bạn bè xung quanh. Vì bản thân người Nhật cũng phải vật lộn rất nhiều để học thứ ngoại ngữ này nên họ có sự đồng cảm. Và nếu bạn làm như thế thì bạn sẽ cảm thấy tự tin với bản thân mình hơn.

Ngoài ra các bạn cũng nên học tiếng Nhật để có thể sử dụng được ở mức độ cơ bản để tiện cho việc giao tiếp hàng ngày như đi chợ, hỏi đường, hay chào hỏi. Vì người Nhật cảm thấy thoải mái và cởi mở hơn khi được giao tiếp bằng chính ngôn ngữ của họ.

định hướng tương lai
Cần có động cơ, sự chuẩn bị và định hướng cho tương lai khi đến Nhật du học.

- Định hướng cho tương lai: Trước khi đi và trong quá trình học chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về định hướng nghề nghiệp trong tương lai để xây dựng những bộ kỹ năng cần thiết trong quá trình học. Ví dụ bạn muốn làm cho các công ty sau khi ra trường thì kỹ năng làm việc nhóm sẽ hết sức cần thiết, nhưng nếu bạn muốn làm giáo sư giảng dạy ở các trường đại học thì kỹ năng truyền đạt là tối quan trọng. Việc đinh hướng nghề nghiệp sớm cho tương lai sẽ giúp bạn xây dựng được những bộ kỹ năng cần thiết này một cách tốt hơn. 

Xin cảm ơn anh và chúc cho các dự án nghiên cứu của anh thành công tốt đẹp!

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU