Vlogger Giang Vũ: Tâm sự học ngành Business Marketing ở Nhật
Bài: Phương Anh
Apr 19, 2019
Ảnh: NVCC
“Ôi đến giờ thực sự mình vẫn không nghĩ là mình nổi tiếng đâu ấy. Mình vẫn đi học, đi làm bình thường, ra ngoài cũng ít ai nhận ra mình lắm!” Một trong những điều ấn tượng về Vlogger Giang Vũ (SV năm 3 ĐH Quốc tế Josai) chính là cách nói chuyện đem đến cho người nghe một cảm giác thân thiện, gần gũi. Cô nàng chia sẻ, châm ngôn sống của mình là “Everything you’ve ever wanted is on the other side of fear” (Mọi thứ mà bạn muốn đều nằm ở phía bên kia của sự sợ hãi) – George Addair
Học Business Marketing ở Nhật có gì thú vị?
Bén duyên với nước Nhật từ năm lớp 8 khi được chọn làm thành viên của Chương trình Giao lưu văn hóa JENESYS, Giang đã “phải lòng” xứ Phù Tang và quyết tâm học tiếng Nhật, tìm học bổng du học. Giang chia sẻ: “Mình chọn Business Marketing vì mình là người thích suy nghĩ, thích sắp xếp những suy nghĩ của mình để làm ra điều gì đó. Các đề tài trong chương trình học tại Nhật được đưa ra cũng không phải các câu hỏi khô khan về lí thuyết mà thường là các đề bài mang tính thực tế cao nên bọn mình có thể áp dụng kiến thức được học để phân tích, suy nghĩ và trao đổi ý kiến. Mình thấy điều này giúp mình rất nhiều trong việc phát triển tư duy cũng như là kĩ năng giải quyết vấn đề.Trong chương trình học, Giang thích nhất là môn Chiến lược phát triển kinh doanh, Luận về quản trị Kinh doanh, Quản trị Nhân sự trong doanh nghiệp, và đặc biệt là Zemi (Seminar – một lớp thu nhỏ khoảng 20-30 học sinh, các bạn chọn chung một thầy, sau khi phỏng vấn được thầy nhận sẽ vào chung một lớp. Ở đây thì bạn sẽ học chuyên sâu về chuyên môn của thầy phụ trách mà mình đã chọn. Thầy zemi cũng sẽ đồng thời là thầy phụ trách hướng dẫn bài luận tốt nghiệp của bạn)
Nhiều bạn cho rằng học truyền thông, Marketing ở Nhật sẽ vô cùng khó áp dụng ở Việt Nam, bản thân người Nhật nhìn chung cũng khá khép kín nên truyền thông khó phát triển. Giang cho biết: “Về Marketing thì đúng thật là mỗi một thị trường mỗi khác, ngay cả trong nước Nhật thì cách nghĩ, sở thích nhìn chung của người sống ở Tokyo và ở Osaka đã có sự khác nhau rồi nên đương nhiên giữa Việt Nam và Nhật thì sự khác biệt đấy còn lớn hơn nữa. Hơn nữa thì mỗi một sản phẩm với một target người dùng khác nhau thì kế hoạch marketing cũng khác nhau, thế nên về chi tiết thì khá khó áp dụng. Tuy nhiên, học ở đây không chỉ là học về một chiến lược marketing rõ ràng cụ thể, mà bạn còn học được cách nhìn nhận, phân tích và hướng suy nghĩ, lên kế hoạch sao bản thân có thể “nhạy cảm” với thị trường nhất có thể. Thế nên với mình thì việc học Marketing dù là ở đâu đi nữa thì vẫn sẽ có một ý nghĩa nhất định.”
“Mình bị bệnh coi trọng thành tích”
Sau khi đạt học bổng toàn phần tại ĐH Quốc tế Josai, Giang không ngừng nỗ lực để đạt được điểm trung bình ấn tượng 4,6/5, lấy được bằng N1, J1 tiếng Nhật và nhận được thêm học bổng cho hai năm đầu tiên. Dù tự nhận mình khá “coi trọng thành tích”, nhưng Giang vẫn luôn có những hoạt động giúp cân bằng việc học và tham gia các hoạt động xã hội.Những lần khóc ở Nhật Bản
Vốn là một cô gái lạc quan, thế nhưng không ít lần Giang đã phải khóc ở Nhật Bản:
Lần đầu mình nhớ là sau khi mình sang Nhật được hơn một tháng, ở chỗ làm thêm đầu tiên của mình. Áp lực về tốc độ làm việc trong quán rượu, cùng với việc không giỏi tiếng khiến mình bị chỉ trích, rồi hai bạn làm cùng hướng dẫn mình cũng bị liên lụy nữa. Đấy là lần đầu tiên mình biết được cảm giác khi bản thân mình đã nỗ lực hết sức nhưng không được công nhận, không được đứng trên vị trí của mình để được cảm thông nó như thế nào. Sau lần đó mình đã nhận ra sống và làm việc ở Nhật thực sự khó khăn và vất vả rất nhiều.
Lần thứ hai là Tết Âm lịch năm 2017 – Tết đầu tiên mình không ở nhà. Hôm đó mình xin nghỉ làm để ở nhà gọi điện cho gia đình, cùng xem Táo quân qua điện thoại xong cùng hai chị người Việt cũng thân trong kí túc ăn uống đón Tết. Xong cuối cùng thì hai chị đi làm tới muộn mới về, cả nhà mình về quê, không có wifi, kết nối 3G thì kém, mình không nhìn mà cũng không nghe được gì cả, tự nhiên lúc đấy thấy tủi thân quá, tắt máy nằm ở nhà khóc ngon lành nguyên một tối. Giờ thì mình cũng quen rồi, Tết thì đăng kí đi làm như bình thường, ông bà ở nhà cũng lắp wifi để tiện nói chuyện với cháu gái, mình cũng suy nghĩ mọi thứ một cách nhẹ nhàng hơn.
Lần thứ ba là lúc mình có xích mích, hiểu lầm với đứa bạn thân của mình khi mà hai đứa ở xa, mỗi đứa bận mỗi việc nên dành ít thời gian cho nhau hơn.
Lần thứ tư là tầm khoảng cuối năm 2017, lúc mình bị mất xe đạp trước cửa siêu thị, mình đi báo khắp nơi từ quản lí tòa nhà đến cảnh sát mà gần như không ai hỗ trợ mình hết. Trên đường đi bộ về nhà lấy giấy tờ, vào khoảnh khắc mình đang buồn nhất thì mình nhận được tin nhắn của bố mẹ, chỉ đọc đúng một câu “Không sao đâu con gái” xong là nước mắt nước mũi mình cứ tự động tuôn rơi vậy đó. Cảm giác sau bao nhiêu khó khăn vất vả kìm nén, nhận được một lời an ủi làm mình không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Sau đó thì ai đó đã tốt bụng trả lại xe cho mình và mọi chuyện đều bình thường trở lại nhưng mà mỗi lần nhớ lại thì cảm xúc ngày hôm đó mình vẫn không thể nào quên được.
Lần gần đây nhất thì chắc là cách đây khoảng 1 tháng, lúc mình đọc lại bài viết mình chúc mừng sinh nhật em gái trên Facebook
Thần tượng bố mẹ
Khi kể về thần tượng của mình, Giang hào hứng: “Mỗi một lĩnh vực mình lại thần tượng một người khác nhau. Ví dụ như Barack Obama là mẫu lãnh đạo mà mình hướng đến, trong lĩnh vực Kinh doanh thì mình lại rất thích cách suy nghĩ của Jack Ma, Youtuber thì mình ngưỡng mộ chị Giang Ơi, người nổi tiếng ở Việt Nam thì mình rất nể MC Trấn Thành và chị Đông Nhi, trong cuộc sống hàng ngày thì mình lại thần tượng bố mẹ mình,… Không chỉ ủng hộ và động viên, bố mẹ còn đầu tư camera cho mình “tác nghiệp” nữa.
kilala.vn