Từ A đến Z về cách làm SIM điện thoại ở Nhật

Bài: Ngô Phương Thảo / Ảnh: PIXTAJul 17, 2019

Làm SIM điện thoại ở Nhật là điều cần thiết nếu bạn có ý định lưu lại trên 3 tháng. Nhưng quá trình có được chiếc SIM lại không dễ dàng như ở Việt Nam.
làm SIM điện thoại ở Nhật

“Làm SIM khó lắm, không phải chuyện đùa”

Docomo – Au – Softbank là ba “ông lớn” trong thị trường viễn thông ở Nhật vì đường truyền mạnh, ổn định và độ phủ sóng cao. Nhưng đi kèm theo đó là nhiều thủ tục rắc rối khi đăng kí làm SIM khiến cho du học sinh nào cũng phải đau đầu.

Ví dụ, cước phí sử dụng hàng tháng khá cao và phải kí hợp đồng sử dụng hai năm. Nếu bạn chỉ ở Nhật một năm thì phải thanh toán phí huỷ hợp đồng trước khi về nước. Ngoài ra SIM Nhật kén điện thoại, không phải điện thoại nào bạn mang từ Việt Nam sang cũng có thể dùng được SIM của ba hãng này.

Nhà mạng giá rẻ - giải pháp tháo gỡ rắc rối

Nhà mạng giá rẻ những năm gần đây được du học sinh ưa chuộng khi giải quyết được các khuyết điểm của nhà mạng lớn như: phí hàng tháng rẻ, cho phép kí hợp đồng một năm hoặc không giới hạn thời gian sử dụng hợp đồng, điện thoại mang từ Việt Nam có thể sử dụng được…

Một số nhà mạng giá rẻ bạn có thể tham khảo như Rakuten, Mineo, Line Mobile, UQ Mobile…

Ba hình thức SIM bạn cần cân nhắc trước khi chọn loại phù hợp:
- SIM Data: Chỉ truy cập Internet, không nghe gọi và nhắn tin được. Dung lượng gói cước tuỳ bạn chọn.
- SIM Data + SMS: Chỉ truy cập Internet và nhắn tin, không nghe gọi được.
- SIM Thông Thoại (通話SIM): Truy cập Internet, nghe gọi và nhắn tin được.

nhà mạng giá rẻ ở Nhật
Quy trình đăng kí mua SIM

Bước 1: Tham khảo nhiều nhà mạng khác nhau
Việc tham khảo sẽ giúp bạn so sánh giá từng gói cước của mỗi nhà mạng. Bạn có thể xem trên website hoặc trực tiếp đến cửa hàng để được nhân viên hướng dẫn. Các siêu thị, trung tâm điện máy cũng có các quầy đăng ký SIM.

Nếu tiếng Nhật của bạn chưa giỏi, bạn có thể nhờ thầy cô hoặc người giỏi tiếng hỗ trợ.

Bước 2: Nắm chắc nội dung trước khi chọn gói cước
Dưới đây là một số điều bạn cần nắm rõ trước khi quyết định chọn gói cước:
- Bạn đã đủ 20 tuổi chưa? Nhà mạng chỉ làm SIM cho người trên 20 tuổi nên bạn cần người bảo lãnh nếu chưa đủ 20 tuổi.
- Muốn đăng kí SIM, bạn cần có những giấy tờ gì? (Ví dụ thẻ lưu trú có thời hạn bao lâu – một số nhà mạng sẽ không cho đăng kí SIM nếu thẻ lưu trú của bạn có thời hạn ngắn).
- Phí kí hợp đồng là bao nhiêu?
- Thời hạn hợp đồng kéo dài bao lâu?
- Với gói cước này, một tháng bạn được truy cập bao nhiêu GB? Nếu hết số dung lượng đó, bạn có thể tiếp tục truy cập mạng được không và nếu có thì tốc độ như thế nào? Nếu bạn muốn mua thêm dung lượng cho một tháng thì có được không?
- Gói cước này đã bao gồm chi phí gọi điện thoại, nhắn tin không? Nếu không, cước phí cho mỗi tin nhắn hay cuộc gọi nội địa/ quốc tế là bao nhiêu? Nếu có, bạn được gọi tối đa bao nhiêu phút?
- Sau khi chọn gói cước này, tháng sau bạn muốn thay đổi sang gói cước khác của cùng mạng đó thì thủ tục thế nào?
- Thanh toán chi phí hàng tháng như thế nào? (Qua thẻ ngân hàng nội địa Nhật, qua thẻ VISA…)
- Khi thanh toán có phải tốn chi phí nào khác không? (Ở một số nhà mạng, bạn sẽ tốn thêm phí khi thanh toán qua cửa hàng tiện lợi)
- Nếu kết thúc hợp đồng trước thời hạn, bạn có phải thanh toán phí huỷ hợp đồng không? Nếu có thì bao nhiêu?
- Gói cước có tích hợp thêm các dịch vụ khác không? (nghe nhạc, đọc báo…). Nếu có, hãy hỏi kĩ đó là gì và huỷ ngay nếu không cần thiết trước khi bạn nhận hoá đơn thanh toán vào tháng sau với số tiền tăng vọt mà không hiểu lý do.
- Tổng chi phí bạn cần thanh toán hàng tháng là bao nhiêu? Đã bao gồm thuế chưa?

Bước 3: Xác định sự tương thích của điện thoại với SIM

sự tương thích của điện thoại với SIM

Hãy cho nhân viên nhà mạng biết thông tin về điện thoại của bạn. Nếu điện thoại của bạn không tương thích thì bạn phải đổi sang nhà mạng khác hoặc mua điện thoại mới tại Nhật. Tránh trường hợp bạn chưa rõ lắp được hay không mà đã kí hợp đồng thì dù sau đó điện thoại không lắp được SIM, bạn cũng không thể huỷ ngay hợp đồng đã kí và buộc lòng phải mua điện thoại mới.

Tips:

# Bạn có thể cân nhắc mua điện thoại cũ để tiết kiệm chi phí tại các cửa hàng chuyên bán đồ cũ như Hard Off, Second Street… hoặc các trang mua hàng online. Nhưng bạn cần kiểm tra kỹ tình trạng điện thoại trước khi mua và nhớ hỏi nhân viên nhà mạng rằng điện thoại cũ bạn định mua có tương thích với SIM của nhà mạng đó không.

# Nếu bạn vẫn muốn sử dụng SIM điện thoại Việt Nam mặc dù đang ở Nhật (chẳng hạn cần nhận tin nhắn OTP khi bạn chuyển tiền bằng tài khoản ngân hàng Việt Nam) thì nhớ đăng kí dịch vụ chuyển vùng quốc tế của Viettel/ Mobiphone/ Vinaphone trước khi đến Nhật. Thông thường, phí nhận tin nhắn là miễn phí, còn nhắn tin hay gọi điện thoại có cước phí khá cao. Nhưng hãy phòng hờ trong trường hợp khẩn cấp cần gọi về nhà thì bạn vẫn có thể sử dụng SIM Việt ở Nhật.

Lưu ý: năm 2018, theo một thống kê từ Cục Cảnh sát Nhật Bản, 30% số điện thoại dùng cho các vụ lừa đảo được đăng kí dưới tên người Việt. Vì vậy, bạn tuyệt đối không đưa các thông tin cá nhân của mình như thẻ lưu trú, hộ chiếu, sổ ngân hàng… cho người khác để nhờ đăng kí giùm SIM điện thoại, tránh những rắc rối không đáng có.

sim nhật

Bạn nên trực tiếp đến cửa hàng điện thoại di động để làm SIM. Nhân viên sẽ tận tình giải thích nên bạn đừng lo lắng mà hãy cố gắng dùng nhiều cách khác nhau để giao tiếp với họ. Nếu chưa tự tin về tiếng Nhật, bạn có thể đi với thầy cô hoặc người mà bạn tin tưởng.

Có thể bạn sẽ nhận được lời khuyên là đăng ký SIM của một hãng và sử dụng trong thời gian ngắn, sau đó huỷ rồi chuyển sang nhà mạng khác để hưởng khuyến mại của nhà mạng mới. Hình thức này có tồn tại ở Nhật nhưng Kilala khuyên là bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định, vì chưa chắc khuyến mại của nhà mạng sau đủ “bù lỗ” được phí huỷ hợp đồng của nhà mạng trước.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU