Phỏng vấn: Tương lai rộng mở sau du học Nhật

Phỏng vấn: Mayu Senda/ Ảnh: Nhân vật tự cung cấp/ Bìa: PIXTA/ Biên dịch: Lê MaiMay 26, 2018

Tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Đại học Tokyo

Trần Thị Thu Hương (29t)
Hiện đang làm việc tại Bộ phận bán lẻ, Phòng phát triển công nghiệp và hạ tầng đô thị nước ngoài, Nhóm phát triển 1, Công ty cổ phần Sojitz

Chị Trần Thị Thu Hương

Q. Cơ duyên nào dẫn dắt bạn đến Nhật Bản?

A. Quê nhà tôi ở Nam Định. Trước khi vào đại học, tôi chủ yếu học tập trung vào môn toán. Khi nhìn những đàn anh đàn chị cùng học chuyên toán như tôi đi du học nước ngoài, bản thân cũng bắt đầu có ao ước “Mình muốn đi du học” ở bất kì quốc gia nào kể cả Nhật Bản. Để lấy được học bổng chính phủ, trước tiên tôi phải đậu đại học ở Việt Nam, do đó tôi đã nhập học trường Đại học thông tin. Trước khi du học, tôi có nộp đơn ứng cử 2 nước là Nhật Bản và Singapore. Phía Nhật Bản thông báo kết quả sớm hơn, và cũng do một phần tôi đã có hứng thú với sự phát triển kinh tế cũng như văn hóa của đất nước này từ lâu nên tôi đã chọn Nhật Bản. Khi còn ở Việt Nam, chuyên ngành của tôi là kỹ thuật điện tử nhưng do mong muốn được học nhiều hơn về những mảng gần gũi với đời sống và xã hội nên tôi đã quyết định chọn Khoa Kỹ thuật môi trường đô thị để học tiếp tại Đại học Tokyo.

Q. Bạn đã học tiếng Nhật như thế nào?

A. Trước khi đi du học, tôi hoàn toàn không biết một chữ tiếng Nhật nào. Nhờ vào chương trình học bổng chính phủ, trước khi nhập học 1 năm, tôi được học tiếng Nhật tại Đại học ngoại ngữ Osaka (hiện nay là trường Đại học Osaka), sau đó tham gia kì thi lên Đại học.

Q. Ngay cả với người Nhật Bản, khoa Kỹ thuật của trường Đại học Tokyo cũng được xem là một trong những khoa khó vào nhất. Bạn đã học những gì ở Khoa chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đô thị?

A. Tôi được học tất cả những vấn đề liên quan đến môi trường. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất khi đến Nhật Bản đó chính là môi trường sống thật sự trong lành, sạch đẹp. Không khí không bị ô nhiễm, chất lượng nước máy và hệ thống xử lý nước thải rất tuyệt vời. Do ảnh hưởng của thảm họa động đất, sóng thần vào năm 2011, một nhà máy xử lý nước thải đã bị phá hủy và phải mất đến 2 năm mới có thể phục hồi. Trong thời gian đó, chúng tôi tổ chức những buổi thuyết trình và nghiên cứu các phương pháp xử lý nước thải sao cho đơn giản và hiệu quả nhất. Tôi đã phải đến thành phố Ishinomaki khoảng 8 lần cho các đợt nghiên cứu này.

Q. Cuộc sống sinh viên trên đất Nhật của bạn như thế nào?

A. Tôi sống tại một khu nhà tập thể dành cho nữ cách trường học chỉ có 3 phút đi bộ. Ngoài tôi ra hầu hết đều là người Nhật và có nhiều thành phần từ sinh viên đến công nhân viên nên môi trường sống khá thú vị. Những người tôi may mắn gặp gỡ tại đó giúp đỡ tôi rất nhiều và hiện tại chúng tôi vẫn rất thân thiết. Về khoản ăn uống, tôi rất thích món cơm Natto với trứng sống nên mỗi sáng tôi đều ăn sáng bằng món này. Mặc dù ban đầu, tôi không quen với cách nêm nếm món ăn của người Nhật Bản và cảm thấy nhớ hương vị Việt Nam da diết, tuy nhiên về sau tôi bắt đầu yêu thích ẩm thực Nhật, đặc biệt là cá sống rất ngon. Tôi cũng từng làm thêm tại một nhà hàng Sushi. Ở nhà, tôi tự nấu ăn và rất hay chế biến các món Việt Nam nên thường “bị” bạn bè thân trong khu nhà tập thể nài nỉ xin… ăn ké!

Q. Gần đến ngày tốt nghiệp, nhiều người sẽ đứng trước ngả rẽ giữa 2 con đường: trở về Việt Nam hay ở lại Nhật Bản lập nghiệp. Lí do gì đã khiến bạn lựa chọn con đường thứ 2?

A. Ban đầu, vì muốn học thêm nên tôi dự định sang Mỹ học lên cao học nhưng càng gần tốt nghiệp, tôi càng có suy nghĩ muốn làm việc gì đó gắn kết giữa Việt Nam và Nhật Bản như một người lao động chứ không phải với tư cách du học sinh nữa. Năm 3 đại học, tôi có dịp đi làm thêm trong một dự án của JICA tại Cục quản lý nước máy Tokyo. Những kinh nghiệm tích lũy được khi làm việc trong thời gian này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ sâu hơn về mối quan hệ 2 nước Nhật-Việt. Tôi muốn có thêm nhiều góc nhìn về kinh tế cũng như mối quan hệ 2 nước nên đã chọn con đường ở lại Nhật Bản lập nghiệp.

Q. Lí do nào khiến Hương “đầu quân” vào công ty hiện tại? Bạn có thể chia sẻ cảm nghĩ đối với công việc hiện tại và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai không?

A. Mặc dù chọn học khối tự nhiên, nhưng tôi mong muốn làm những công việc liên quan đến kinh doanh thay vì kỹ thuật. “Mở rộng kinh doanh nước ngoài”, “Việt Nam” hay “Ngành công nghiệp nước máy” là những từ khóa tôi hướng đến trong các buổi hướng nghiệp và cuối cùng quyết định chọn một công ty thương mại tổng hợp có lĩnh vực kinh doanh đa dạng. Sojitz là một trong những công ty nước ngoài lâu đời nhất ở Việt Nam nên tôi cũng cảm nhận được phần nào có cái duyên với công ty này. Hiện tại, tôi đang đảm nhiệm việc phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có khu công nghiệp Long Đức đã khánh thành vừa qua. Trong công ty Sojitz có rất nhiều người nhạy bén với thị trường nước ngoài nên môi trường làm việc khá cạnh tranh. Bên cạnh đó, tôi là người Việt Nam duy nhất trong công ty nên phải luôn cố gắng phấn đấu để làm rạng danh đất nước. Trong tương lai gần, tôi sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm ở các nước khác. Nếu có thể về Việt Nam làm việc như một nhân viên thuộc công ty Nhật, với lợi thế không bị rào cản về ngôn ngữ, lại thông thuộc thị trường Việt Nam, hi vọng rằng tôi sẽ có cách làm việc với những nhân viên người Nhật tạm trú tại Việt Nam theo một cách khác với trước nay.

Q. Bạn có nhắn nhủ gì đến các bạn đang ấp ủ ước mơ du học Nhật Bản không?

A. Trong lúc còn trẻ, các bạn hãy đi đây đó để mở rộng tầm mắt và tích lũy thật nhiều kinh nghiệm. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời trong khoảng thời gian du học. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, mối quan hệ giữa 2 nước Nhật-Việt sẽ ngày càng khắng khít hơn nên cơ hội dành cho các bạn cũng nhiều hơn. Đừng ngại thử sức mình các bạn nhé!

Tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh Đại học Châu Á Thái Bình Dương APU

Lê Vũ Mỹ Linh (24t)
Hiện đang làm việc tại Tổ kinh doanh, Bộ phận phát triển thị trường, Phòng triển khai kinh doanh, Công ty cổ phần KOKUYO Furniture

Chị Lê Vũ Mỹ Linh

Q. Bạn đã tốt nghiệp trường APU - một trường đại học Nhật Bản có nhiều du học sinh Việt Nam theo học nhất. Lí do gì khiến bạn chọn ngôi trường này?

A. Em gái tôi từng đến Nhật theo diện trao đổi du học sinh tại một trường đại học ở Tokyo trong vòng 1 năm. Sau khi nghe những câu chuyện thú vị từ em gái, tôi cũng bắt đầu có mong muốn được đến Nhật Bản du học. Tôi biết đến trường APU qua các anh chị khóa trên. Đây là một ngôi trường có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, hơn nữa có rất nhiều người ngoại quốc theo học trường này nên có nhiều cơ hội giao lưu văn hóa giữa các nước. Những điểm đó đã thu hút tôi và là lí do khiến tôi chọn ngôi trường này.

Q. Trường APU thuộc tỉnh Oita. Khu vực này có khác với một nước Nhật mà bạn đã hình dung qua những câu chuyện du học Tokyo của em gái bạn không?

A. Trước khi du học, tôi chưa từng nghe qua địa phương này. Từ sân bay Fukuoka, đi xe buýt mất 2 tiếng, và càng đi thì càng thấy mình đang tiến sâu vào khu vực núi non, lại còn có sương mù, thật sự khác với hình dung về một Nhật Bản phồn hoa với những thành phố tấp nập như Tokyo nên khiến tôi có một chút bất ngờ. Ở Oita có rất nhiều suối nước nóng và việc mọi người không mặc gì khi ngâm mình chính là “cú shock văn hóa” đầu tiên của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng quen dần và thường xuyên đến suối nước nóng.

Q. Có phải bạn đã tự chọn chương trình học bằng tiếng Anh tại đây?

A. Vì đã học tiếng Anh một thời gian dài khi còn ở Việt Nam, nên khi biết trường có chương trình giảng dạy bằng Anh ngữ, tôi đã rất an tâm. Tại khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, tôi được học về các mảng như marketing và quản trị kinh doanh. Đến khi làm luận văn, tôi nghiên cứu quy chế lương thưởng và chế độ đãi ngộ trong các công ty của Mỹ và Nhật Bản, từ đó thảo luận những phương án thiết thực cho tầng lớp công sở ở Việt Nam. Về tiếng Nhật thì do ban đầu tôi hoàn toàn không biết một chữ nào nên phải học từ sơ cấp. Tôi rất yêu thích việc học ngoại ngữ nên không cảm thấy khó khăn lắm, trừ chữ Katakana. Hán tự thì có quá nhiều nên hầu như học hoài vẫn chưa hết!

Q. Bên cạnh việc học, bạn có tham gia hoạt động trường nào không?

A. Tôi đặc biệt có hứng thú với văn hóa truyền thống của Nhật Bản nên từng tham gia vào CLB Trà đạo. Có lẽ do ảnh hưởng từ cách dùng từ và cử chỉ trong Trà đạo mà thỉnh thoảng tôi vẫn bị nhầm là người Nhật. Tôi cũng đã có dịp được mặc Kimono. Hằng năm, ở trường APU đều tổ chức sự kiện có tên “Vietnam Week” với các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, và tôi đã được vinh dự làm trưởng ban tổ chức đợt năm 2011. Điều hành đội ngũ gồm 200 thành viên và tổ chức sự kiện thành công tốt đẹp chính là những trải nghiệm khiến tôi nhớ mãi. 

Q. Lí do nào khiến bạn ở lại Nhật Bản và làm việc tại công ty KOKUYO Furniture?

A. Cũng vì may mắn được đi du học, trau dồi thêm nhiều kiến thức về ngôn ngữ lẫn văn hóa Nhật Bản nên nếu về Việt Nam, tôi muốn được làm việc trong một công ty Nhật để làm cầu nối giữa 2 nước. Công việc hiện tại của tôi đáp ứng mong muốn ấy của bản thân, chỉ khác là tôi đang làm việc tại trụ sở chính tại Nhật Bản chứ không phải chi nhánh tại Việt Nam. Công ty nhật Bản có những đặc trưng rất riêng biệt nên tôi muốn trải nghiệm nét văn hóa ấy. Tôi gặp nhà tuyển dụng của Công ty cổ phần KOKUYO Furniture tại buổi giới thiệu doanh nghiệp do trường APU tổ chức. Dù không hướng đến mảng kinh doanh nhưng do công ty có bộ phận phát triển ra nước ngoài và công việc tại đây có vẻ phong phú, không phân biệt nam hay nữ, nên tôi đã nộp đơn ứng tuyển. Trường APU đã hỗ trợ tôi rất nhiều, như hướng dẫn cách viết hồ sơ xin việc hay luyện tập phỏng vấn.

Q. Làm việc tại Nhật Bản đã được 2 năm, bạn có hài lòng với công việc không? Trong tương lai, bạn có dự định nào không?

A. Do tính chất công việc, tôi được gặp gỡ nhiều người từ nhiều công ty khác nhau nên rất vui. Tuy nhiên, người Nhật thường không nói thẳng suy nghĩ của mình nên đôi khi tôi cũng gặp rắc rối trong việc đoán ý đối tác. Về công việc thì tất nhiên có những lúc vất vả, nhưng cứ đến cuối tuần tôi lại cùng với các bạn người Việt và người Thái đi chơi đâu đó để thư giãn. Mấy ngày trước, tôi đến đảo Mikurajima, vừa lặn biển vừa xem cá heo, vô cùng thú vị! Về dự định tương lai, mục tiêu cuối cùng của tôi là trở về Việt Nam, tuy nhiên trước đó, tôi muốn được làm việc tại các quốc gia khác ngoài Việt Nam và Nhật Bản. KOKUYO cũng có kế hoạch nghiêm túc về việc phát triển tại các quốc gia Châu Á khác, nên tôi nghĩ mình sẽ có cơ hội được mở mang tầm mắt và trau dồi thêm kinh nghiệm.

Q. Cuối cùng, bạn có chia sẻ gì với những bạn đang có dự định du học Nhật Bản không?

Nhiều bạn chỉ biết đến nước Nhật qua truyện tranh hay phim ảnh, do đó tôi rất mong muốn ngày càng có nhiều người được tận mắt nhìn thấy một Nhật Bản ngoài đời thật. Chắc chắn rằng các bạn cũng sẽ như tôi, những hình dung về nước Nhật trước khi du học sẽ hoàn toàn thay đổi khi bạn đặt chân đến đất nước này. Hãy đi du học để trải nghiệm điều tuyệt vời đó các bạn nhé!

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU