Theo đuổi tiếng Nhật từ lớp 6, đến cuối lớp 9, nhờ thành tích tiếng Nhật xuất sắc mà Vũ Hồ Như Khoa (sinh năm 2000) đã được chọn làm đại diện học sinh TP.HCM để tham gia chương trình “SAKURA Exchange Program in Science” tại Hokkaido, Nhật Bản. Hiện em là một trong 3 du học sinh Việt Nam hiếm hoi đang theo học tại trường THPT Quốc tế OISCA, tỉnh Shizuoka.
16 tuổi và tấm thẻ "Cư dân đặc biệt"
Ngay từ nhỏ Như Khoa đã có niềm đam mê với văn hóa Nhật Bản. Thông qua phim ảnh Nhật, em đã có ấn tượng đặc biệt trước cung cách ứng xử cũng như các lễ hội, nền ẩm thực... của con người xứ Phù Tang. Trong 4 năm học tập tại trường THCS Lê Quý Đôn, thành tích tiếng Nhật của em luôn đạt kết quả cao. Khoảng tháng 9/2015, em được chọn làm đại diện học sinh TP.HCM tham gia chương trình “SAKURA Exchange Program in Science” – chương trình trao đổi thanh niên ngắn hạn giữa châu Á và Nhật Bản do chính phủ Nhật phối hợp với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm của thanh niên châu Á đối với lĩnh vực khoa học – công nghệ Nhật Bản.
Sau 10 ngày theo chân đoàn Việt Nam kiến tập tại Hokkaido, cô bé Như Khoa – vốn đã sớm nung nấu ý định sang Nhật học tập – càng củng cố thêm quyết tâm của mình. 16 tuổi, trong khi có những bạn trẻ cùng trang lứa với em chưa biết định hướng tương lai của mình thế nào, em đã tự tìm hiểu các trường cấp 3 tại Nhật, hỏi thăm bạn bè, chọn trường và tham dự phỏng vấn. Trình độ tiếng Nhật N3 cùng với tấm thẻ chứng nhận “Cư dân đặc biệt” mà em vinh dự nhận được sau chuyến đi Hokkaido đã giúp em dễ dàng giành một suất học tại ngôi trường đặc biệt này.
Sợ nhất môn... Giáo dục công dân
Như mọi nữ sinh mới lớn khác, thời gian đầu rời xa gia đình để sang xứ lạ học tập, cô bé Như Khoa 16 tuổi cũng cảm thấy buồn vì nhớ nhà, cũng như chưa thể hiểu hết lời của thầy cô và các bạn. Nhưng em may mắn vì được những người bạn tốt bụng xung quanh giúp đỡ tận tình. “Khi em không hiểu vấn đề gì, các bạn đều hướng dẫn em. Ngoài ra, hôm sinh nhật đầu tiên của em tại Nhật Bản, các bạn không nói gì cả mà cùng nhau tổ chức tiệc và tặng em quà. Người Nhật không ăn Tết ta nên Tết rồi em không về Việt Nam với gia đình được, nhưng hôm đó ai gặp em cũng đều nói “Chúc mừng năm mới” khiến em rất vui và bất ngờ”.
Lúc được hỏi về những khó khăn khi phải “nuốt” khối kiến thức mới mẻ bằng tiếng Nhật, Như Khoa nhận xét: “Với em thì giờ học nào cũng đều vui. Tuy nhiên cũng có những môn em rất “sợ” như môn “Hoken” (giống như môn “Giáo dục công dân” trong chương trình phổ thông Việt Nam), vì trong bài thường xuất hiện nhiều Hán tự khó, hơn nữa em cũng không hiểu rõ các vấn đề trong xã hội Nhật Bản như luật giao thông, bệnh tinh thần… nên trước khi có tiết em đều dành thời gian đọc sách để nắm bài. Thông thường sau khi tan học ở trường và về đến kí túc xá là khoảng 3h, thì từ 3h30 hoặc 4h em sẽ ngồi vào bàn học cho tới khoảng 6h mới đi ăn tối”.
Những giá trị học được tại trường Nhật
Sau hơn 1 năm du học tại Nhật, cô bé Như Khoa – nay đã 17 tuổi – nhận thấy mình đã học được nhiều điều từ tính cách của bạn bè ở đây: “Họ luôn tôn trọng nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau, có bánh kẹo đều chia sẻ với những bạn khác... Còn với thầy cô và học sinh khóa trên, họ luôn lễ phép chào hỏi mỗi khi gặp ở trong lẫn ngoài trường”.
Ngoài ra, giống như các trường học tại Nhật khác, ngôi trường mà em đang theo học cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích để học sinh tham gia như hoạt động từ thiện, trải nghiệm thực tế,… Thông qua đó, em được nâng cao kiến thức xã hội, rèn luyện tính cộng đồng và biết trân trọng hơn giá trị của thành quả lao động – điều mà nếu chỉ miệt mài ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ ở tuổi em ít ai có cơ hội để trải nghiệm và nhận ra được.
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Như Khoa chia sẻ: “Sau 3 năm học tập tại đây, em dự định sẽ thi vào chuyên ngành quản trị kinh doanh tại đại học Nhật Bản. Mong muốn của em sau khi tốt nghiệp đại học là quản lí – kinh doanh lĩnh vực khách sạn, nhà hàng”.
Lê L. Ngọc/ kilala.vn