"Gon, chú cáo nhỏ" - Câu chuyện cổ tích không có hậu

Bài: Nguyễn Thị Thu / Ảnh: PIXTANov 6, 2017

“Gon, chú cáo nhỏ” của tác giả Niimi Nankechi (nguyên gốc「ごんぎつね」,新美南吉 là một câu chuyện đồng thoại dành cho thiếu nhi rất quen thuôc với tất cả người Nhật vì được đưa vào giảng dạy trong sách văn học dành cho học sinh lớp 4. Và câu chuyện ấy còn in dấu sâu đậm trong lòng nhiều người Nhật khi họ lớn lên. 

gon chú cáo nhỏ

Bức tranh về chú cáo Gon.

"Gon là chú cáo nhỏ mồ côi cha mẹ, sống cô độc trong khu rừng gần một ngôi làng nọ. Vì cô đơn nên chú thường hay vào làng để trêu chọc con người. Một ngày nọ, trên đường vào làng, chú bắt gặp anh chàng tên Hyoju đang giăng lưới bắt cá ở dòng sông. Vốn tính tinh nghịch nên thừa lúc Hyoju không để ý chú lén thả hết cá và lươn ra khỏi giỏ. 

Chừng 10 ngày sau, khi nhìn thấy đám ma đưa tiễn mẹ của Hyoju, Gon mới hiểu những con lươn mà Hyoju bắt là để dành cho người mẹ đang bị bệnh, nên chú thấy hối hận vô cùng về trò đùa của mình. Để chuộc tội với Hyoju, Gon đã lén ăn trộm cá từ nhà người bán cá rồi ném vào nhà cho Hyoju. Không ngờ việc làm ấy lại khiến Hyoju bị một trận đòn oan. 

Gon đã rất dằn vặt nên sau đó quyết định sẽ chuộc tội với Hyoju bằng chính công sức của mình. Thế nhưng Hyoju không hề nghĩ có ai đó hàng ngày mang nấm hương, hạt dẻ để trước cửa nhà mình, mà anh nhủ thầm chắc là do ông Trời thương tình đem đến. Nghe được điều ấy Gon rất buồn. Dù vậy, cậu vẫn muốn tiếp tục hành động chuộc lỗi với Hyoju. 

Ngày hôm sau khi Gon lén đột nhập vào nhà Hyoju để bỏ đồ như mọi khi thì bị Hyoju phát hiện. Anh cho rằng Gon đến phá phách nên đã lấy súng bắn Gon. Chỉ khi nhìn thấy những hạt dẻ và nấm hương trong tay Gon thì Hyoju mới chợt nhận ra mọi chuyện “Gon, là mày sao? Chính mày đã đem nấm hương và hạt dẻ cho ta phải không?” Gon chỉ kịp gật đầu trong khi mắt từ từ khép lại. Ngòi súng rơi khỏi tay Hyoju, một làn khói xanh nhẹ bốc lên là lúc câu chuyện kết thúc."

chuyện Gon chú cáo nhỏ

Chú cáo Gon và Hyoju.

Tại sao các nhà giáo dục Nhật lại đưa vào sách văn học thiếu nhi một câu chuyện có cái kết buồn đến thế? Sự tiếc nuối, hối hận, đau buồn hoàn toàn không mới đối với người lớn chúng ta, nhưng những đứa trẻ chừng 8 - 9 tuổi, trải nghiệm cảm xúc mà câu chuyện đem đến thực sự là một điều mới mẻ. Thực tế đã cho thấy câu chuyện về chú cáo Gon đã là một trong những những tác phẩm văn học tạo nên sự tranh luận sôi nổi nhất ở học sinh Nhật. 

Hầu hết các em đều cảm thấy “chú cáo Gon thật đáng thương, tội nghiệp, tiếc nuối cho cái kết của câu chuyện, mong trả lại sự sống cho Gon…” Nhưng cũng có những học sinh khác cho rằng “Gon nhận kết cục như vậy là điều tất yếu vì những gì chú đã làm trong quá khứ. Việc chuộc lỗi lại với Hyoju chỉ xuất phát từ ý chí của bản thân Gon, Hyoju không hề biết việc chuộc lỗi của Gon nên anh ta bắn cũng không có lỗi”. Hay bài học tự các em rút ra là “không nên vội vã kết tội một ai đó, bình tĩnh để tránh một kết cục đáng tiếc”. 

“Gon, chú cáo nhỏ” có thể không phải là câu chuyện hấp dẫn với người lớn, nhưng nó có thể là tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi rất hay để cha mẹ và con cái có thể cùng nhau tranh luận, bày tỏ ý kiến cá nhân. 

Để trẻ trải nghiệm thế nào là cảm giác tiếc nuối, mất mát, đau thương từ cái chết của Gon, cũng là cách làm phong phú thêm cảm xúc, tính cảm thụ và nhân sinh quan của các em. Cái kết của câu chuyện khiến các em phải suy nghĩ, phải tư duy, tranh luận với chính mình là một dụng ý của những nhà giáo dục khi chọn câu chuyện này. 

Nguyễn Thị Thu / kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU