Kế hoạch dài hạn khi đi du học, bạn đã có chưa?

MINH NHẬT
Sep 15, 2017

Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ...

So với khoảng mười năm trước, việc đi du học đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi thông tin nở rộ khắp nơi và Nhật Bản cũng đang mở rộng cánh cửa hơn để chào đón những loạt du học sinh các nước đổ về.

Khác với thời các anh chị đi trước đến Nhật rồi mới biết miếng sushi có vị như thế nào, thì ngày nay chưa đi đến nơi các bạn du học sinh thậm chí còn biết được thời tiết hôm nay ở chỗ mình đến nắng hay mưa, thậm chí, cái... toilet ngôi trường mình học trông như thế nào. Có vẻ hơi quá, nhưng phải nói vậy để thấy mọi thứ đã sẵn sàng cho các bạn du học sinh thế nào. Đầu vào thì dễ dàng vậy, còn đầu ra thì sao?

Một số bạn chỉ nghĩ đơn giản, nhà nhà du học, người người du học, thì mình cũng đi nhưng học cái gì, tốt nghiệp xong, làm gì tiếp theo? Thì câu trả lời hầu hết sẽ là “Đến đâu hay đến đó.” 

kế hoạch dài hạn khi đi du học

Kế hoạch dài hạn khi đi du học.

Thực ra, trước khi lên đường đi, các bạn nên có một định hướng rõ ràng, không phải chỉ cho việc học gì mà là định hướng việc mình muốn và sẽ làm gì sau khi học xong. 

Hãy tự hỏi mình, mình muốn tốt nghiệp xong đi làm ngay, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế hay muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học hay làm các công việc giảng dạy chuyên môn?

Nếu không muốn hoặc biết bản thân mình không thích hợp với nghiên cứu thì tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng xong hãy đi làm ngay, đừng học tiếp lên cao học hoặc tiến sĩ. Nước Nhật không phải là nơi chuộng bằng cấp nếu bạn sử dụng bằng cấp ấy chỉ để tô đẹp cho lý lịch xin việc của mình. Lấy ví dụ, hiếm có công ty nào muốn tuyển một anh tiến sĩ chỉ để làm nhân viên kinh doanh. Không phải vì họ phải trả bậc lương cao hơn khi tuyển dụng một anh cử nhân, mà đối với họ, đó là sự phí phạm nhân tài, một sự lãng phí lớn cho xã hội về nhiều mặt. Nếu ngay từ đầu đã muốn làm một anh nhân viên bộ phận kinh doanh hay tiếp xúc với thị trường thì đi làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn thay vì tốn thêm chừng đó thời gian 4, 5 năm nữa cho học vị tiến sĩ. Nói tóm lại, xã hội Nhật đã quá phát triển để ai làm việc nấy, người nào vị trí nấy. 

tốt nghiệp xong, bạn có thể ở lại Nhật làm việc vài năm

Ảnh minh họa: Pixabay

Tốt nghiệp xong, các bạn có thể ở lại Nhật làm việc thêm một vài năm lấy kinh nghiệm, sau đó theo điều phối của công ty về Việt Nam tiếp tục làm việc. Hoặc có thể trở về Việt Nam ngay.  

Thị trường Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng. Những năm trước kia, khi thị trường nhân sự biết tiếng Nhật và biết thêm chuyên môn còn khá khan hiếm thì ngày nay, ngoài lượng du học sinh trở về nước còn một lượng nhân lực khá dồi dào từ các khoa tiếng Nhật của các trường đại học trong nước. Nhiều bạn ở lại Nhật làm thêm một vài năm, hoặc lấy thêm bằng cao học (cần 2 năm)  cho “chắc ăn” để trở về nước, nhưng cũng cùng thời gian đó, một bạn khác đã bắt đầu làm việc tại Việt Nam được hai năm, hai năm kinh nghiệm quý giá. Giữa một bên bằng cấp và phải học lại kinh nghiệm thực tiễn từ đầu, một bên kinh nghiệm thực tiễn hai năm, khó có thể nói bạn có bằng cấp sẽ có lợi thế hơn ngày nay. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào yếu tố ngành nghề rất nhiều, và vị trí đó của bạn đòi hỏi sự am hiểu thị trường sâu rộng tới mức nào.

Đi du học là một quyết định lớn làm thay đổi cuộc đời bạn, vì vậy nó cần cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Chúc các bạn có một chiến lược rõ ràng để thành công!

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU