Học võ Aikido ở Nhật Bản có gì hay?

Bài: Ngân Hà/ Cover: Flickr/ Sigurd RageJan 17, 2018

Aikido (合気道/ Hiệp khí đạo) là môn võ có nguồn gốc từ Nhật Bản do võ sư Morihei Ueshiba (1883 - 1969) sáng tạo ra vào đầu thế kỷ 20. Bản thân tên gọi đã phản ánh đặc trưng của môn võ này, một môn võ đạo linh hoạt và ôn hoà kì lạ. Môn võ này khá phổ biến tại Việt Nam, thế nhưng bạn có tò mò rằng: Du học sinh người Việt luyện tập Aikido như thế nào tại Nhật Bản?

Chúng tôi luyện tập Aikido như thế nào?

Aikido giúp các võ sinh rèn luyện kỷ luật cũng như tính kiên nhẫn và sự hòa hợp trong một tập thể. Vì Aikido đòi hỏi các môn sinh luyện tập theo cặp, việc phối hợp với đối phương một cách ăn ý cũng rất quan trọng nhằm đạt hiệu quả. Với đặc tính thiên về hòa bình và tính nhân bản cao, Aikido được ưa chuộng ở nhiều lứa tuổi.

Hầu hết các thành viên trong CLB của tôi đều bắt đầu tham gia luyện tập khi bước chân vào đại học. Các tân sinh viên đều được các sempai hướng dẫn chu đáo từ những động tác cơ bản như cách ngồi quỳ, cúi chào, tập ngã, nhào lộn,... 

Luyện tập võ Aikido tại Nhật Bản

Tại võ đường của Hiệp hội Aikikai tại Tokyo (合気会本部道場). Được chính thức công nhận bởi chính phủ Nhật vào năm 1940, Hiệp hội Aikikai là đầu não hướng tới việc phát triển và quảng bá Aikido trên toàn thế giới. (Ảnh: Flickr/ Claudio Higa) 

- Khi bước vào Dojo (sân tập), môn sinh cần quỳ gối, gập mình trước ảnh của tổ sư Ueshiba Morihei rồi cúi chào các sempai và đồng môn và nói “Yoroshiku onegaishimasu” (Rất mong được anh/chị/bạn giúp đỡ). 

- Tiếp theo, môn sinh quỳ gối thành hai hàng ngang ngay ngắn, cúi chào sensei rồi bắt đầu khởi động.

- Sensei hoặc sempai sẽ biểu diễn mẫu một kỹ thuật bốn lần để mọi người quan sát rồi ghép cặp làm theo, rồi sensei sẽ ra hiệu kết thúc để tuần tự chuyển sang kỹ thuật mới. 

flickr Hitoshi Watanabe (2).jpg

flickr Hitoshi Watanabe.jpg

Đòn ném đối phương điển hình của Aikido. (Ảnh: Flickr/ Hitoshi Watanabe) 

Trước đây tôi từng nghĩ nếu là người Nhật thì kể cả không tập võ cũng sẽ thuộc nằm lòng các quy tắc ứng xử. Thực ra, bạn bè người Nhật của tôi chia sẻ rằng họ học được cách nói năng lễ độ và sử dụng keigo (kính ngữ) thông qua việc học Aikido mà hàng ngày có lẽ họ thường không để ý. Ví dụ, vào cuối buổi tập, tuy có thể nói với các đồng môn hay sempai là “Otsukaresama(deshita)” (Anh/chị/bạn vất vả nhiều rồi), nhưng với người trên như sensei thì không được sử dụng mẫu câu này mà phải là “Arigatou gozaimashita” và “Shitsureishimasu” (Xin thất lễ) trước khi ra về. 

Thi lên cấp 

Ở CLB đại học tôi đang theo tập, kỳ thi lên cấp được tổ chức bốn năm một lần vào các tháng 2, 6, 8 và 12. Các cấp bậc của Aikido được phân ra là kyu (cấp) và dan (đẳng). Các kyu gồm có từ 5-kyu (go-kyu) đến 1-kyu (ichi-kyu), sau 1-kyu đến các dan gồm 1-dan (sho-dan) đến 4-dan (yon-dan) theo thứ tự từ thấp đến cao. Trong kỳ thi lên đai, uke (đối phương đỡ đòn) ít nhất phải cùng cấp bậc hoặc hơn. Nội dung của mỗi kỳ thi bao gồm cả các kỳ thi trước và ngày càng trở nên phức tạp với thời gian thi dài hơn. Kỳ thi lên đai sẽ được giám sát, ra hiệu và xét duyệt bởi sensei tại võ đường.
flickr Hitoshi Watanabe (3).jpg

(Ảnh: Flickr/ Hitoshi Watanabe) 

Khi đạt đến 3-kyu thì môn sinh nữ sẽ bắt đầu được mặc hakama (quần ống rộng của trang phục võ sĩ đạo truyền thống) có thêu tên của bản thân, còn môn sinh nam thì cần đạt đến 1-dan. Từ bậc 1-dan thì cả nam và nữ sẽ được cấp đai đen, còn trước đó từ 5-kyu đến 1-kyu đều mang đai trắng.

Để có thể thi lên cấp, môn sinh cần hoàn thiện số lượng buổi tập yêu cầu tối thiểu. Ví dụ, để có thể thi 5-kyu, môn sinh cần đi tập 30 buổi trở lên. Sau một kỳ thi lên cấp, số buổi tập sẽ trở về 0 và môn sinh cần tiếp tục tham gia luyện tập để tham dự kỳ thi tiếp theo. Với cấp bậc cao, để thi lên đai cần phải đạt độ tuổi nhất định và viết bài luận liên quan đến chủ đề Aikido.

Giao lưu Aikido

Ngoài những buổi tập nội bộ, trong một năm cũng có godo keiko (buổi luyện tập chung) với sinh viên  trường khác. Tôi từng tham dự một buổi tập đáng nhớ với trường Nippon Taiiku (日本体育大学/ 日体大 Nittaidai), chuyên đào tạo thể thao và là nơi sinh ra nhiều vận động viên lừng danh Nhật Bản và trên thế giới. Được trực tiếp luyện tập và trò chuyện với các sinh viên đến từ cái nôi của thể thao và võ đạo, tôi học được từ họ sự nghiêm túc và bền bỉ đáng kinh ngạc. Họ có thể dành ra cả ngày đến trường để miệt mài bồi dưỡng và mài giũa tư thế và kỹ thuật. Võ đạo không chỉ đơn thuần là thuộc động tác và tập theo mẫu mà được nâng lên một tầm cao mới của sự chính xác, tỉ mỉ và tinh giản gần như tuyệt đối toát lên ngay từ tác phong và cách thức ra đòn. 
Ngan Ha (3).jpg

Ngan Ha (4).jpg

Đại hội biểu diễn Aikido toàn nước Nhật lần thứ 56 (第55回全日本演武大会) (Ảnh: Ngân Hà)

Ngoài ra, CLB của tôi sẽ tham dự hội diễn Aikido hai lần một năm vào tháng 5 và tháng 11 ở Nippon Budokan. Vì đây là sự kiện lớn quy tụ nhiều trường đại học, công ty và các đoàn thể, các sinh viên năm nhất và năm hai được khuyến khích đi xem các sempai và sensei biểu diễn như một chuẩn mực để học theo. Chính vì thế, từ Aikido tôi luôn được tiếp thêm tinh thần cầu tiến từ những người xung quanh, mỗi ngày tự xem lại mình và học thêm một chút.

Nhìn lại chặng đường từ khi tôi bắt đầu luyện tập môn võ này, tôi càng cảm thấy thấm nhuần một triết lý giản đơn: luyện tập võ không chỉ là rèn luyện thể chất hay thu nạp các kỹ thuật ra đòn mà điều cốt yếu là rèn luyện nhân cách và tinh thần bền bỉ, nhẫn nại trong sự ôn nhu và hài hòa tuyệt đối. 

Ngân Hà/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU