Học Thạc sĩ Toán tại Kyoto có gì vui?

Bài: Phương Anh/ Ảnh: NVCCMay 11, 2018

Chia sẻ của bạn Mai Công Hưng (sinh năm1991) - Thạc sĩ năm 2 ngành Toán học đại học Kyoto, sống ở Nhật 6 năm sẽ cho bạn biết việc học ngành Toán học tại Nhật có thật sự “chán” như nhiều người vẫn tưởng?

Đưa anime, manga, Murakami Haruki vào lí do xin học bổng

Vốn có năng khiếu về Toán học (từng đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn toán khi học lớp 12), Hưng luôn mong ước sẽ có cơ hội được trực tiếp học hỏi các nhà khoa học hàng đầu. Nhận thấy Nhật Bản là một trong những nước phát triển nhất thế giới về toán học. Đặc biệt trường đại học Kyoto có tới 2 giáo sư đạt giải thưởng Fields và nhiều giáo sư nhận các giải thưởng Toán học danh giá khác trên thế giới, Hưng quyết tâm sẽ giành học bổng để vào trường. 

hung (4).jpg

Hưng (áo khoác đỏ) cùng bạn bè tham gia giải bóng đá dành cho sinh viên. (Ảnh: NVCC)

Sau quá trình tìm học bổng từ nhiều nguồn (Hưng thường tìm ở website của Bộ Giáo dục, của trường và các diễn dàn cho giới săn học bổng ở Việt Nam như http://portal.vietabroader.org/...), Hưng đã giành được học bổng MEXT cho bậc đại học (120000 JPY/tháng) và gia hạn lên bậc thạc sĩ (147000 JPY/tháng). 
“Học bổng của mình không có phần viết luận mà đặt nặng vào bài thi viết cùng phỏng vấn, chỉ có khi gia hạn lên thạc sĩ thì mới cần viết research plan. Phần này thì nên trình bày xu hướng nghiên cứu của mình một cách đơn giản để sao cho những người không thuộc chuyên ngành cũng có thể nắm bắt được việc mình muốn làm và cảm thấy việc cấp học bổng cho mình là hợp lý.
Khi phỏng vấn và viết lý do du học thì mình đưa ra khá nhiều thông tin về Nhật Bản và văn hóa Nhật như anime, manga hay nhà văn Murakami Haruki. Mình nghĩ những hiểu biết về nước Nhật sẽ chứng minh được rằng bạn thực sự nghiêm túc và tôn trọng việc du học tại Nhật, sẵn sàng hòa nhập khi sinh sống tại Nhật thay vì chỉ coi đó là việc xin học bổng đơn thuần.” – Hưng chia sẻ về bí quyết phỏng vấn xin học bổng.

Thạc sĩ Toán kiêm… nhạc công

Sinh sống và học tập ở Nhật 6 năm, Hưng chia sẻ cảm nhận của riêng mình: “Người Nhật làm du lịch rất giỏi. Địa điểm du lịch ở Nhật Bản chưa hẳn đã đẹp hơn Việt Nam nhưng cách họ làm dịch vụ thì rất đáng học hỏi. Ở mỗi địa phương họ đều biết cách tạo điểm nhấn du lịch (dùng linh vật, huyền thoại, món ăn đặc sản,...) và các dịch vụ đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ đều có thái độ phục vụ tốt, không có tình trạng chặt chém giá ở các khu du lịch. Nhà vệ sinh công cộng và tàu xe cũng rất sạch sẽ tạo cảm giác dễ chịu cho du khách.”

Tuy nhiên, Người Nhật khá kiệm lời và không hay chủ động bắt chuyện, đó là khó khăn lớn nhất với Hưng khi mới sang Nhật học. “Sinh viên Nhật hơi lười đưa ra ý kiến. Khi đi học thì các bạn Nhật trong lớp không hay chủ động đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến nếu so với sinh viên quốc tế. Lúc thảo luận thì các bạn Nhật có xu hướng tổng hợp ý kiến của mọi người hơn là việc tranh luận để bảo vệ ý kiến riêng. Để trau dồi khả năng tiếng Nhật, mình phải tìm cơ hội giao tiếp với người Nhật thật nhiều. 

Điều thú vị là các bạn trẻ Nhật rất giỏi chơi nhạc cụ. Có một tỷ lệ khá lớn bạn bè người Nhật của mình chơi được ít nhất một loại nhạc cụ và ở trình độ rất cao. Các câu lạc bộ âm nhạc trong trường mình có khá đông thành viên và có khả năng biểu diễn rất ấn tượng và chuyên nghiệp.” Việc tham gia chơi nhạc trong một câu lạc bộ ở trường đại học cũng là bí quyết giúp Hưng có thể dễ hoà nhập với môi trường mới. 

hung (2).jpg

“Nhiều người nghĩ rằng để cân bằng việc học và tham gia những hoạt động ngoại khoá rất khó và dễ khiến bạn căng thẳng. Thế nhưng đối với mình, chính việc tham gia đa dạng hoạt động là bí quyết giúp mình không bao giờ bị stress cả!” – Hưng bật mí

Trong chương trình học, bên cạnh các môn tự nhiên, Hưng cũng cần học các môn đại cương ngành xã hội. “Mình chọn một số môn như Lịch sử Anh, Lý thuyết âm nhạc, Lịch sử đại học Kyoto, Nghệ thuật và Khoa học, Tôn giáo Nhật,... Các môn chuyên ngành của mình xếp vào Toán lý thuyết nhưng bản chất của Toán lý thuyết cũng là để xây dựng hệ thống lý luận cho Toán ứng dụng và các môn khoa học ứng dụng khác như Khoa học máy tính hay Vật lý. Ngoài ra còn có một số môn học do giáo sư không thuộc trường đến dạy, trong đó có môn Đồng hóa dữ liệu liên quan trực tiếp đến các mô hình dự báo thời tiết hiện nay khá thú vị và có ứng dụng thấy ngay được.” – Hưng chia sẻ.

hung (5).jpg

Ngoài thời gian học tập và nghiên cứu Toán học, Hưng còn chơi đàn và làm admin cho trang iSenpai chuyên cung cấp thông tin cho cộng đồng người Việt ở Nhật. Đừng tưởng người học Toán sẽ khô khan hay “đáng chán”.
hoa mong ao Keigo Higashino .jpg
Hưng là dịch giả của tác phẩm Hoa mộng ảo (tác giả Keigo Higashino).

Chia sẻ về dự định sắp tới, Hưng cho biết sẽ tiếp tục học lên bậc tiến sĩ ở đại học Kyoto. “Đừng tưởng Toán học là khô khan, càng khám phá, mình càng cảm thấy Toán học rất thú vị và có tính ứng dụng cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau” – Hưng cười tâm sự. 

Phương Anh/kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU