Học cách… chơi Lego tại Đại học Osaka

Bài, Ảnh: An ThuỷNov 15, 2017

Có lẽ chúng ta ai cũng từng nghe nói đến lego, những mảnh ghép đầy sắc màu khơi dậy sự sáng tạo và trí tưởng tượng đã đi cùng với tuổi thơ của rất nhiều người. Nhưng có bao giờ các bạn nghĩ những mảnh ghép sắc màu ấy được sử dụng làm công cụ dạy học? Tại đại học Osaka, chúng tôi đã được tham gia một giờ học như thế, dành hai tiếng chỉ để chơi Lego, và ngạc nhiên nhận ra nó mang lại nhiều lợi ích hơn chúng ta tưởng tượng.

Chơi Lego Serious Play để hiểu người, hiểu mình

Lego Serious Play là tên dự án nghiên cứu dùng lego để dạy học của giáo sư Mark Sheerhan đại học Osaka. Đề án nghiên cứu này của ông đã được tài trợ 300 ngàn yên làm kinh phí thu thập hàng tá bộ lego khác nhau và tổ chức các buổi workshop trao đổi. Là du học sinh, chúng tôi đã được trải nghiệm một buổi học hết sức đặc biệt: hai tiếng chơi lego và bộc bạch suy nghĩ của mình, học mà như chơi, và tưởng là chơi nhưng thực chất là đang học.
Chơi Lego tại Đại học Osaka
Phương châm tối thượng của Lego Serious Play là để giúp người học cảm thấy mình không phải một “lonely guy”, không phải một cá thể tách biệt và bị cô lập với tập thể mà là một bản sắc đáng được tôn trọng và phát triển. (Ảnh: An Thuỷ)

Đầu tiên, giáo sư yêu cầu sinh viên tập trung với lắp ráp lego, không chủ ý suy nghĩ điều gì cả. Yêu cầu đầu tiên: Lắp ráp một ngọn tháp cao nhất. Mọi người chăm chú lắp ráp, có người chỉ chú ý đến độ cao, còn có người chú ý đến độ vững vàng của tháp. Sau khi hoàn thành, giáo sư yêu cầu mỗi người nói một điều về ngọn tháp của mình, và những suy nghĩ được chia sẻ đầy bất ngờ.
- “Khi lắp ráp, tôi không nghĩ đến điều gì đặc biệt, chỉ muốn làm sao cho nó cao nhất có thể. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi chợt nhận ra tháp của mình không có thang, không vững vàng, cũng như con người, tiến len vị trí càng cao càng dễ ngã, và cuộc đời… không phải lúc nào cũng có đường lui. When you get higher, you fell easier.”
- “Khi lắp ráp, tôi chợt nghĩ đến những casino ở Macau thành phố quê hương tôi…”
- “Tôi không chỉ muốn làm nó cao, mà còn muốn thể hiện sự đối xứng, như thế sẽ vững vàng hơn và mang tính thẩm mĩ cao hơn.” 
Chơi Lego tại Đại học Osaka
(Ảnh: An Thuỷ)
Chơi Lego tại Đại học Osaka
Sau mô hình đầu tiên, chúng tôi được yêu cầu chọn lắp ráp một trong sáu mẫu lego đơn giản và nói cho mọi người tại sao mình chọn mẫu đó. Không ai chọn mẫu góc dưới bên trái, chứng tỏ mọi người thường có xu hướng chọn những điều giảm thiểu sự phức tạp. (Ảnh: An Thuỷ)
Chơi Lego tại Đại học Osaka
Khi nhìn mẫu thứ hai, tôi nhìn nó và nghĩ đến một chú rùa. Một chú rùa có thể gánh vác nhiều thứ và có tư thế vững vàng. (Ảnh: An Thuỷ)
Chơi Lego tại Đại học Osaka
Mẫu cuối cùng là mẫu nhiều bạn chọn nhất, vì “Tôi không muốn một mình, tôi luôn muốn bên cạnh có người để nói chuyện, tâm sự và chia sẻ.” (Ảnh: An Thuỷ)
Như thế, từ những mảnh lego rất đỗi bình thường, chúng tôi hiểu thêm vài nét tính cách của nhau, thêm một chút mong ước của nhau. Mục đích của việc chơi lego chính là để mọi người ai nấy đều có cơ hội nói lên suy nghĩ của mình,để mọi người hiểu nhau hơn. Những suy nghĩ đó và cách họ dựng nên mô hình lego phản ánh tính cách mỗi cá nhân. 

Lego phản ánh suy nghĩ tầm vĩ mô

Yêu cầu cuối cùng của thầy chính là: Lắp ráp một mô hình trả lời câu hỏi “Tại sao thế giới này cần những nhà khoa học?”
Chơi Lego tại Đại học Osaka
“Thế giới hiện đang đối mặt với rất nhiều thiên tai, hạn hán, lũ lụt, sóng thần, dịch bệnh… Nhiều người đang chết, cho nên chúng ta cần tìm ra những phương án giảm thiểu tối đa tác hại của thiên tai, mà nhận trách nhiệm đó, không ai khác hơn các nhà khoa học.” (Ảnh: An Thuỷ) 
Chơi Lego tại Đại học Osaka
“Mọi thứ xung quanh chúng ta, thành phố của chúng ta, nhà ga, đèn hiệu, … tất thảy đều có bàn tay của khoa học. Không có khoa học, chúng ta không có gì cả. Cho nên thế giới này luôn cần những nhà khoa học.” (Ảnh: An Thuỷ)
Chơi Lego tại Đại học Osaka
“Nhà khoa học – một nhà khoa học đích thực, là một người không màng danh lợi và lợi ích bản thân, chỉ luôn tiến về phía trước. Con đường một nhà khoa học đi không hề dễ dàng, nó chông chênh, và bức tường kiến thức cao vời vợi con người không bao giờ vượt qua được, nhưng những nhà khoa học chân chính vẫn sẽ luôn tiến đến, luôn trông đợi tìm thấy thứ bên kia bức tường.”
Chơi Lego tại Đại học Osaka
Lúc bắt đầu, chúng tôi đều không rõ lắm mục đích của việc “học như chơi” này, nhưng sau hai tiếng đặc biệt ấy, tôi cảm giác khoảng cách giữa chúng tôi ít nhiều đã gần lại, cảm thấy bản thân tự tin hơn một chút, hiểu người khác hơn một chút. Có lẽ bên cạnh cách học truyền thống, những buổi học đặc biệt như thế này là cần thiết để nuôi dưỡng nền tảng cảm xúc, suy nghĩ cùng sự hợp tác trong vô thức của những người tham gia. (Ảnh: An Thuỷ)

Trong thời đại tiên tiến hiện nay, học thôi là không đủ. Quan trọng hơn cả chính là khơi dậy tiềm năng sáng tạo và tư duy trong mỗi cá nhân. Đã qua rồi thời đại chỉ có giáo viên đứng trên bục giảng và sinh viên thụ giảng, ngày nay càng nhiều phương pháp lấy sinh viên làm trung tâm ra đời, cùng hướng đến mục tiêu phát triển một thế hệ sáng tạo và năng động trong suy nghĩ chứ không chỉ là những con ong chăm chỉ gặt kiến thức lấy thành công!
An Thuỷ/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU