Đừng chỉ học, có hẳn 101 câu lạc bộ tại Nhật dành cho bạn
Bài: Ngân Hà/ Cover: Flickr/keiwacollegeAug 22, 2017
Nếu như bạn từng nghĩ sinh viên Nhật chỉ chăm chú dành toàn bộ thời gian cho việc học tập và nghiên cứu mà không có những sở thích riêng, thì có lẽ bạn đã nhầm. Trên thực tế, sinh viên Nhật cũng rất chú trọng mảng hoạt động ngoại khóa trong đời sống đại học.
Sự khác biệt giữa Câu lạc bộ và hội nhóm
Tại môi trường đại học ở Nhật, có sự khác nhau giữa kurabu/bukatsudo (câu lạc bộ) và saakuru (hội nhóm). Các câu lạc bộ thường đại diện cho trường để thi đấu bên ngoài, đặc biệt là các câu lạc bộ thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, tennis, võ thuật… nên lịch luyện tập khá dày quanh năm, kể cả không phải trong mùa thi đấu. Những thành viên trong câu lạc bộ thường được yêu cầu phải dành thời gian và công sức cho câu lạc bộ bằng cách tham gia luyện tập đầy đủ và nghiêm túc với cường độ cao. Trong khi đó, hoạt động của hội nhóm thì có phần thoải mái tự do, thiên về sở thích cá nhân và giao lưu kết bạn nhiều hơn. Tuy cũng có những buổi luyện tập hay hội họp cùng nhau, các thành viên không bắt buộc phải tham dự tất cả các buổi.
(Ảnh: Flickr/ Aj_kendo_f)
Đối với nhiều tân sinh viên, sau lễ nhập học thì một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất khi mới vào trường có lẽ là sự kiện thu hút sinh viên mới của các câu lạc bộ và hội nhóm vào đầu tháng Tư. Các thành viên hiện tại của các câu lạc bộ sẽ đứng dọc hai bên đường và phân phát tờ rơi cho tân sinh viên. Trong khuôn viên trường, quầy và lán trại của các hội sẽ được dựng lên để tân sinh viên có thể ghé vào hỏi thăm thông tin và đăng ký tập thử. Trong dịp này, những buổi hòa nhạc hay biểu diễn cũng được tổ chức ở sân khấu chính ở giữa trường hay trong các phòng học để tân sinh viên có thể tận mắt “mục sở thị” hoạt động của các CLB/ Hội nhóm.
Kinh ngạc về tài năng của sinh viên Nhật
Tuy hoạt động ngoại khóa của sinh viên Nhật, nổi bật là thể thao và âm nhạc, không phải là để theo đuổi con đường chuyên nghiệp, nhưng khả năng của nhiều thành viên câu lạc bộ cao đến mức ngạc nhiên. Hiện tại, tôi đang tham gia hội Piano ở trường và lần nào tôi đi biểu diễn hay đi nghe các buổi hòa nhạc giữa trường tôi và các trường khác ở Tokyo, tôi cũng đều cảm thấy cực kỳ thán phục trước tài năng của các tiền bối. Nhiều người duy trì việc chơi piano từ năm 4, 5 tuổi và có thể biểu diễn thuần thục những tác phẩm cổ điển đòi hỏi kỹ thuật và khả năng cảm thụ cao.
(Ảnh: Flickr/ einharch)
Không chỉ về âm nhạc, những trận đấu giữa các câu lạc bộ thể thao ở trường đại học cũng thường được nhiều người biết đến như những trận chuyên nghiệp. Điển hình như mùa giải thi đấu thể thao, đặc biệt là bóng chày, giữa hai trường Waseda và Keio ở Tokyo được nhiều người Nhật biết đến và quan tâm. Sự nổi tiếng của những trận đấu này phần nào tạo nên linh hồn và tên tuổi của các trường đại học.
(Ảnh: Flickr/ ling_Japan)
Từ những sinh viên năm nhất rụt rè và ngại thử thách bản thân trước cái mới, có những người đã trở thành những thành viên cốt cán của câu lạc bộ. Tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết của họ được thể hiện từ việc chuẩn bị cho các sự kiện của câu lạc bộ từ trước cả nửa năm cho tới việc hướng dẫn tận tình tân sinh viên mới vào hội. Câu lạc bộ cũng có quy tắc giống như một xã hội thu nhỏ vậy. Khi đã quen với nề nếp và phân công trách nhiệm khi tham gia hoạt động thời đại học, những ngày đầu đi làm của bạn có thể trở nên thuận lợi và công việc trôi chảy hơn nhiều.
Với nhiều người khác, việc được gặp gỡ và giao lưu với các thành viên khác với nhiều lứa tuổi khác nhau và xuất thân từ nhiều vùng miền ở Nhật cũng giúp cho họ được va chạm với thế giới bên ngoài mở rộng tầm mắt. Qua việc cọ xát trong câu lạc bộ, họ cảm thấy gắn bó với những người xung quanh hơn và nhận thấy được tầm quan trọng của việc đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong tập thể
“Một mảnh ghép không thể thiếu của tuổi thanh xuân”
Nhờ những trải nghiệm thú vị và bổ ích của hoạt động ngoại khóa, nhiều sinh viên coi câu lạc bộ như một mảnh ghép không thể thiếu trong đời sống sinh viên của mình. Khi tham gia hoạt động ngoại khóa, khá nhiều sinh viên cho rằng họ cảm thấy thân thiết với bạn bè trong câu lạc bộ hơn bạn bè trên lớp. Trên lớp học, sinh viên Nhật thường tập trung nghe giảng và ghi chép bài hơn là phát biểu ý kiến hay thảo luận với bạn học nên có lẽ với một số người, cơ hội kết bạn trên lớp không phải là chủ yếu. Trong khi đó, khi tham gia câu lạc bộ, tần suất gặp mặt các thành viên khác tương đối nhiều. Mọi người cùng nhau luyện tập, đi liên hoan và thậm chí là đi du lịch xa với nhau như leo núi, tắm biển, trượt tuyết,... Do đó, có thể lý giải được vì sao thông qua câu lạc bộ, việc kết bạn và giao lưu trở nên dễ dàng hơn nhiều.
(Ảnh: Flickr/ masa5901)
Quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong hoạt động ngoại khóa ở Nhật cũng thể hiện mối quan hệ bề trên - bề dưới vốn thường thấy trong mọi mặt của xã hội Nhật. Từ năm này sang năm khác, những kinh nghiệm được truyền lại từ các anh chị đi trước cho các đàn em khóa sau giúp cho hoạt động câu lạc bộ được duy trì rất quy củ. Chủ tịch câu lạc bộ cũng thường là sinh viên năm ba, quán xuyến mọi việc trong một năm rồi từ chức để tập trung vào tìm kiếm việc làm khi lên năm tư và nhường lại công việc cho các sinh viên khóa sau. Thậm chí, kể cả khi ra trường rồi, những sinh viên đã tốt nghiệp (gọi là OBOG từ viết tắt của old boys old girls) vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt với các thành viên khác. Trong hội học Aikido của tôi đang tham gia, hàng năm có buổi luyện tập OBOG để các cựu sinh viên có thể quay lại trường để tập và tiện thể gặp gỡ bạn bè cũ.
Thật ngạc nhiên là có những người đáng tuổi chú, tuổi bác, đã tốt nghiệp từ cách đây 30, 40 năm nhưng dù bận đến đâu cũng gắng sắp xếp tham gia buổi tập để ôn lại kỹ thuật và hàn huyên với những bạn đồng môn thuở trước. Thì ra, tình bạn từ những năm tháng sinh viên có thể để lại dấu ấn sâu đậm và lâu dài đến thế nhờ sợi dây liên kết cũng từ hoạt động ngoại khóa mà ra!
Ngân Hà/ kilala.vn