3 giờ đúc kết kinh nghiệm của những quái kiệt phiên dịch

Bài, ảnh: Ngô Phương ThảoOct 25, 2017

Hội thảo Con đường phiên dịch trong khuôn khổ cuộc thi Học viện J-Debate  do Câu lạc bộ Tranh luận bằng tiếng Nhật tổ chức đã khiến cho tất cả người tham dự  hiểu thêm về phiên dịch, biên dịch, đặc biệt là dịch cabin – lĩnh vực được xem là đỉnh cao trong ngành phiên dịch. Sau 3 tiếng tham dự hội thảo, tôi đã đúc kết được những kiến thức vô cùng mới lạ và bổ ích.
IMG_3450.JPG

Ba vị diễn giả tại hội thảo: Thầy Đỗ Đắc Hiển: Giáo viên thỉnh giảng khoa Pháp ĐH Sư Phạm TP.HCM, chuyên phiên dịch Pháp Việt; anh Nguyễn Anh Phong: Thạc sĩ ngành phát triển quốc tế, Đại học Nagoya, chuyên phiên dịch Anh – Nhật – Việt; anh Nguyễn Chí Cường: Cử nhân ngành kinh tế ĐH Hitotsu Bashi, chuyên phiên dịch Nhật - Việt. (Ảnh: Ngô Phương Thảo)

Dịch Cabin là gì?

Khuôn mẫu “chuẩn” về dịch cabin trong các hội nghị quốc tế: người phiên dịch cabin sẽ ngồi trong một cabin rộng có ốp kính trong để nhìn và lắng nghe lời diễn giả nói thông qua headphone. Chỉ sau vài giây, họ phải dịch lại bằng ngôn ngữ khác vào micro. Thầy Đỗ Đắc Hiển (giáo viên thỉnh giảng khoa Pháp ĐH Sư Phạm TP.HCM, chuyên phiên dịch Pháp Việt) chia sẻ thêm, không nhiều những cabin được thiết kế chuyên biệt, những cabin thông thường đều khá chật và có hai người ngồi. Đã dịch cabin là bạn phải chịu... nóng! Bởi không thể mở cửa cabin cho gió lùa vào, hoặc mở quạt (nếu cabin được thiết kế có quạt) vì sẽ vọng vào micro, gây nhiễu âm.
phiendichcabin.jpg
(Ảnh: Saigon Interpreting)
Anh Nguyễn Anh Phong: Thạc sĩ ngành phát triển quốc tế, Đại học Nagoya, chuyên phiên dịch Anh – Nhật – Việt) bật mí, giai đoạn tháng 10, 11, 12 hàng năm là “mùa cao điểm”, hội thảo hội nghị diễn ra liên tục nên đây cũng là lúc các phiên dịch viên dịch cabin đốt rất nhiều chất xám!  Phiên dịch cabin chuẩn tại Nhật gồm 3 người, người A dịch, người B ngồi bên cạnh để ghi chú lại thông tin bị thiếu, người C ở ngoài chờ, lần lượt thay phiên nhau. Ở những khu vực chính trị đa ngôn ngữ như Liên minh châu Âu, số lượng phiên dịch biên dịch làm việc lên tới hàng nghìn người.
Ngoài ra, khi đi dịch cabin, kỹ năng “đoán ý đồng đội”rất cần thiết. Khi bạn của mình ra dấu muốn ho, bạn phải ngay lập tức tắt âm để bạn... ho và chia ca cho phù hợp. Điều “nhỏ nhưng có võ” khi dịch cabin là bạn phải... thơm. Sẽ ra sao nếu bạn không chú ý vệ sinh thân thể và ngồi trong một cabin chập hẹp cùng bạn đồng hành?  
phien-dich-cabin (1).jpg
Tại Việt Nam, một phiên dịch cabin chủ yếu là 2 người hoặc rất nhiều lần, anh Phong “đơn thương độc mã” thực hiện dịch cabin vài ba tiếng là chuyện bình thường vì... khách hàng muốn tiết kiệm chi phí. 100% các phiên dịch viên cabin Nhật – Việt tại Việt Nam đều không được đào tạo qua trường lớp và chỉ “nghề dạy nghề”. (Ảnh: Thầy Đỗ Đức Thọ đang phiên dịch/ thegioidichthuat.com)

Kinh nghiệm dành riêng cho phiên dịch viên tương lai

Đừng bỏ qua tiếng Việt, tiếng Anh: Trong suy nghĩ của người sử dụng lao động, nếu tiếng Anh, tiếng Việt của bạn tốt, dịch trôi chảy bên cạnh ngôn ngữ phiên dịch, rõ ràng bạn sẽ có nhiều lợi thế và cơ hội hơn hẳn những phiên dịch khác.  
Rèn kĩ năng đọc nhanh: Trước mỗi phiên dịch, đối tác sẽ gửi tài liệu trước cho bạn để tham khảo từ vựng chuyên ngành, đòi hỏi bạn phải có kĩ năng đọc hiểu nhanh. Hãy tập thói quen đọc nhiều, đọc đa dạng các chủ đề (tập trung nhiều hơn vào chủ đề Kinh tế, Pháp luật) để rèn luyện kĩ năng lọc thông tin, tìm keyword. Nếu bạn chỉ quen đọc 2,3 trang và đọc lướt như lướt Facebook thì kỹ năng đọc của bạn sẽ khó cải thiện.
IMGanh.jpg
Anh Nguyễn Anh Phong với 20 năm trong nghề phiên dịch chia sẻ về kĩ năng đọc nhanh - kĩ năng quan trọng đối với ngành phiên dịch. (Ảnh: Ngô Phương Thảo)
Định hướng linh hoạt: Khi đã dấn thân vào ngành phiên dịch, bạn có thể lựa chọn: Một là trở thành phiên dịch viên đa năng, hai là trở thành phiên dịch viên chuyên hẳn về một lĩnh vực nào đó (IT, dược phẩm, dịch nghiên cứu thị trường – người dịch nhìn qua tấm kính 1 chiều để dịch từ ngữ, biểu hiện trên gương mặt của từng khách hàng khi họ nhận xét về sản phẩm cho nhà sản xuất). Đừng quá lo lắng về trí tuệ nhân tạo (sự xuất hiện của máy dịch, google dịch…) mà hãy tập trung học cho tốt. Bởi chỉ có phiên dịch mới có thể diễn giải cảm xúc, cử chỉ, ánh mắt và cả những “từ lóng” thú vị của mỗi vùng miền. 

Học ngoại ngữ sao cho tốt?

Muốn làm phiên dịch viên, đương nhiên ngoại ngữ phải tốt. Dưới đây là bí quyết học tiếng Nhật, Anh, Pháp từ ba vị diễn giả:
-Trau dồi việc học mỗi ngày.  Khi học từ, đừng học từ đơn mà học cả câu hoàn chỉnh
-Áp dụng triệt để phương pháp Shadowing: Bật TV, Youtube, phim ảnh... hễ diễn viên nói gì thì mình tập nói theo. (Tuy đã là phiên dịch viên lành nghề nhưng hàng ngày, anh Phong vẫn bật kênh CNN để shadowing tiếng Anh và dịch sang tiếng Nhật để rèn luyện đó)
-Cấu trúc câu tiếng Nhật ngược so với tiếng Việt hoặc tiếng Anh, động từ chính nằm cuối câu nên thường người Nhật sẽ nói đoạn giữa rất nhanh và buộc bạn phải tập trung nghe đến hết câu. Nhưng càng rèn luyện nhiều bạn sẽ càng đúc kết được vốn từ cho mình, động từ A bắt buộc phải đi với danh từ B. Đây là biện pháp hữu hiệu để giải trừ căn bệnh “Nghe đến cuối câu lại quên mất ý ở giữa câu”.
-Học đọc và viết trước vì khi dịch giỏi, bạn sẽ có nhiều từ vựng để nói tốt hơn. 
simultaneous.jpg
Không bao giờ được sợ sai. Đừng bao giờ giả vờ biết, không biết thì hỏi ngay và người Nhật đánh giá cao thái độ này của bạn. (Ảnh: Flickr)
-Đừng bao giờ thắc mắc tại sao động từ này phải đi với giới từ này vì “NÓ LÀ NHƯ THẾ”. Bạn phải học nhiều để hình thành trong não cơ chế tự động của từ ngữ, “nhấn nút là từ ra ngay”. 
-Tập đọc báoNhật. Báo Nhật sẽ là bể kiến thức tuyệt vời để bạn luyện khả năng viết luận. 
-Sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia mà bạn đang học tiếng sẽ là một lợi thế rất lớn. Nhưng nếu bạn không có điều kiện để du học/ đi làm thì cũng đừng vội nản chí, hãy nỗ lực học ngoại ngữ mỗi ngày.
-     Cũng đừng kì vọng quá cao mình sẽ nói y hệt người bản ngữ vì chuyện đó là... không thể, đặc biệt là tiếng Nhật. Bởi lẽ, nếu bạn không được học tập tại Nhật cho đến trước năm 7 tuổi, bạn sẽ không thể xoá ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ trong mình.
Ngô Phương Thảo/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU