Yoshiko Mori – "Nàng dâu tỷ phú" đầy bản lĩnh và tài năng
Bài: Ngọc Chân/ Cover:Flickr/ Mikuriya ShinichiroSep 8, 2017
Là một trong những nữ tỷ phú hiếm hoi của Nhật Bản với tài sản 2,6 tỷ USD, bà Yoshiko Mori thường được nhắc đến như một người “bỗng dưng giàu có” khi thừa kế tài sản của chồng - ông Minoru Mori, một ông trùm trong lĩnh vực bất động sản ở Nhật (đã qua đời vào năm 2012). Thế nhưng, khi tìm hiểu kĩ, rất nhiều người đã vô cùng bất ngờ trước tài năng và bản lĩnh của nữ tỷ phú 76 tuổi này.
“Phận làm dâu” trong gia đình tỷ phú
Nói đến nhà Mori, người ta nghĩ ngay đến một gia đình có truyền thống trưởng giả kinh doanh bất động sản và có nhiều cống hiến tại thủ đô Tokyo. Cha chồng của bà Yoshiko, ông Taikichiro Mori là người đã đặt nền móng cho công ty vào năm 1959. Năm 1991 và 1992 ông từng được Tạp chí Forbes bầu chọn là công dân giàu có nhất thế giới. Thông qua Mori Building, ông đã sở hữu nhiều tòa nhà trong trung tâm Tokyo và góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo của Thủ đô. Ngoài hoạt động với tư cách là nhà kinh doanh, ông còn là một học giả về ngành lịch sử kinh doanh và phụ trách giảng dạy lý thuyết thương mại tại Viện công nghệ Kyoto và Đại học Yokohama. Với hình ảnh một ông chủ thân thiện, ông thường xuất hiện với bộ đồ kimono màu đen, kiêng rượu và không hút thuốc lá.
Toà nhà Toranomon Hills nổi tiếng là sở hữu của Mori Building. (Ảnh: Tokyo Guide)
Tiếp nối cơ nghiệp của cha mình, Mori Minoru – chồng bà Yoshiko, được xem như ông trùm bất động sản có ảnh hưởng và quyền lực nhất Nhật Bản. Dù trước khi tiếp quản công ty, ông từng mơ ước trở thành một nhà văn. Cũng như anh trai – Akira, ông được Forbes nêu tên trong danh sách tỷ phú thế giới. Ông được Tạp chí Fortune bình chọn là nhà kinh doanh Châu Á năm 2007. Năm 2009, ông vinh hạnh được Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị phong tặng tước hiệu Hiệp sĩ Hoàng gia Anh (KBE).
Sự nghiệp của chồng bà Yoshiko nổi bật với dự án Roppongi Hills, khi ông biến nơi đây từ một nơi hẻo lảnh, những con đường nhỏ hẹp thành một trung tâm thương mai được yêu thích nhất Nhật Bản. (Ảnh: Tokyo Guide)
“Nàng dâu” kết nối văn hoá Pháp – Nhật
Xứng danh là con dâu nhà Mori, bà Yoshiko vẫn đang không ngừng lao động để giữ vững phong độ phát triển công ty, cũng như duy trì và tiếp nối những truyền thống quý báu của gia đình. Mori Building được cho là đã tạo ra các bước tiến đột phá cho cuộc sống đô thị trên khắp Nhật Bản và phần còn lại của châu Á.
Bà Mori trong một sự kiện tại bảo tàng Mori (Ảnh: Flickr/ Mikuriya Shinichiro)
Hiện nay, Mori Building là một trong những công ty phát triển cảnh quan đô thị hàng đầu của Nhật Bản tham gia vào việc tái phát triển đô thị, cho thuê, quản lý và tư vấn bất động sản bao gồm các khu vui chơi giải trí, văn phòng và nhà ở cao cấp. Công ty cũng tham gia vào các hoạt động văn hoá, nghệ thuật và quản lý khu vực cũng như lập kế hoạch và vận hành các viện bảo tàng, phòng trưng bày, đài quan sát, các cơ sở giáo dục và cả các câu lạc bộ tư nhân.
Bên cạnh bản lĩnh kinh doanh, bà còn có niềm đam mê nghệ thuật, bà Yoshiko hiện là:
- Chủ tịch của Bảo tàng Nghệ thuật Mori (Bảo tàng do vợ chồng ông bà thành lập vào năm 2003 ở tầng cao nhất của Roppongi Hills Mori Tower - một nơi có thể nhìn ngắm Tokyo hoa lệ.)
Bảo tàng nghệ thuật Mori. (Ảnh: Wikipedia)
- Thành viên Ban cố vấn quốc tế tại Bảo tàng Nga
- Thành viên của Hội đồng Nghệ thuật Tokyo
- Ủy viên quản trị tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia ở London và Odawara Art Foundation
- Cố vấn của La Maison Franco-Japonaise.
Năm 2013, bà vinh dự được Đại sứ quán Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ cho những hoạt động cống hiến của Bảo tàng Nghệ thuật Mori vì sự phát triển trao đổi văn hóa Nhật – Pháp.
Trong thời gian phục vụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori, bà đã giúp tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân của các nghệ sỹ đương đại Pháp như Annette Messager (2008) và các chương trình nhóm như "Cửa sổ Pháp: Nhìn nghệ thuật đương đại thông qua giải thưởng Marcel Duchamp" ( 2011). (Ảnh: www.mori.art.museum)
Một tác phẩm trưng bày trong bảo tàng (Ảnh: Watanabe Osamu/ The New York Times)
Bà phát biểu rằng: “Bảo tàng Nghệ thuật Mori luôn cố gắng để trở thành nơi để thưởng thức, phát khởi và thảo luận - nơi mà những gì quan trọng trong văn hoá và xã hội của chúng ta được tranh luận công khai, không chỉ thông qua các triển lãm được thể hiện ở đây mà còn thông qua một loạt các chương trình học tập. Chương trình này thu hút được lượng khán giả từ trẻ em đến học sinh và người cao tuổi từ những người sống trong cộng đồng địa phương đến toàn khu vực và trên toàn thế giới.”
Ngọc Chân/ kilala.vn