Xưởng rượu Sake Nhật tự trồng lúa để tạo dấu ấn thương hiệu
Bài: Happy
Sep 29, 2022
Nguồn: Kyodo News
Trong bối cảnh rượu Sake ngày càng phổ biến ở quốc tế, những nhà sản xuất rượu ở Nhật Bản đã tự trồng lúa để tạo nên dấu ấn riêng biệt cho sản phẩm của mình, đồng thời hướng tới quảng bá thương hiệu địa phương.
Đối với rượu vang Pháp – một thương hiệu quốc gia nổi tiếng thế giới, luôn có hệ thống quản lý, quy định chặt chẽ cách sản phẩm được sản xuất tại một địa phương, chẳng hạn như phải sử dụng một loại nho chỉ định.
Trong khi đó, các nhà sản xuất rượu Sake Nhật Bản thường mua nguyên liệu gạo từ các trang trại trên khắp đất nước. Những nhãn hiệu gạo phổ biến như "Yamadanishiki" của tỉnh Hyogo và "Omachi" thuộc tỉnh Okayama thường được lựa chọn.
Hiện nay, rượu Sake Nhật Bản ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài. Do đó, các nhà sản xuất rượu trở nên kỹ tính hơn và bắt đầu trồng lúa của riêng họ để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Năm ngoái, nhà máy rượu Shibata có tuổi đời hơn 190 năm, đặt trụ sở tại thành phố Okazaki, tỉnh Aichi và nổi tiếng với nhãn hiệu rượu Sake "Ko no Tsukasa", đã bắt đầu canh tác trên những cánh đồng lúa ở vùng lân cận. Tại đây họ đã trồng "Yumesansui", một loại gạo để nấu rượu Sake do tỉnh Aichi đặc biệt phát triển.
Người phụ trách trồng lúa của nhà máy, anh Akihiro Ikeru (31 tuổi) cho biết: “Thách thức với chúng tôi là sản xuất ra một loại cây trồng hoàn toàn hữu cơ không sử dụng hóa chất nông nghiệp”.
Anh cũng chia sẻ thêm, vì vụ lúa năm ngoái bị ảnh hưởng bởi bọ xít và cỏ dại nên vụ mùa này, Ikeru bắt đầu ươm cây trong vườn ươm, cẩn thận điều chỉnh thời gian cấy với hy vọng giảm thiệt hại đồng thời tăng năng suất lúa. Công việc đồng áng cũng được nhà máy tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh gặp phải các loài côn trùng và sinh vật lưỡng cư phá hoại.
Sử dụng gạo Yumesansui thu hoạch lần đầu vào mùa thu năm ngoái, nhà máy Shibata đã sản xuất một loại rượu Sake thử nghiệm có hương vị sâu lắng, đầy phức tạp nhưng cũng mang lại cảm giác sảng khoái, thanh khiết như vang trắng.
Người chịu trách sản xuất dòng sản phẩm Shibata Brewery, giám đốc Shizuka Ito (43 tuổi) tâm sự rằng, cô muốn tạo ra loại rượu Sake tốt nhất phù hợp với đặc tính của gạo.
Nhà sản xuất Shibata cũng có kế hoạch tăng sản lượng gạo hợp tác với nông dân địa phương trong năm nay và dự định tung khoảng 2.000 chai Sake với dung tích 720ml ra thị trường vào năm 2023.
Sản xuất ra một loại rượu Sake độc nhất vô nhị cũng là tâm nguyện của nhà máy rượu Shibata, điều này được Yuki Shibata (32 tuổi), Phó chủ tịch công ty chia sẻ.
Mô hình tự trồng lúa này từng được nhà máy rượu Sake Watanabe (thành lập vào năm 1868) tọa lạc ở quận Nechidami, thành phố Itoigawa, tỉnh Niigata thực hiện vào năm 2003. Những thương hiệu Sake "Nechi Otokoyama" và "Nechi" của nhà máy gây được tiếng vang không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Năm 2010, nhà sản xuất này đã nhận được giải quán quân ở hạng mục “Rượu Sake” tại cuộc thi rượu lớn nhất thế giới. Được biết, một chai Sake thương hiệu Nechi với dung tích 720ml từng có giá 120.000 yên (xấp xỉ 20 triệu đồng).
Sự cạnh tranh trong công nghệ sản xuất bia rượu đã lên đến mức độ cao, khiến việc thể hiện dấu ấn thương hiệu ngày càng khó khăn hơn, đó là điều được Yoshiki Watanabe (61 tuổi), chủ tịch nhà máy Watanabe chia sẻ.
Xem thêm:Sake - Sợi dây liên kết người Nhật với thần linh
kilala.vn