Uniqlo sử dụng kỹ thuật Sashiko truyền thống để sửa chữa quần áo

Bài: Happy
Oct 8, 2022

Nguồn: Asahi

Kỹ thuật khâu truyền thống của người Nhật được Uniqlo sử dụng để sửa chữa quần áo cũ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Gần đây, Uniqlo nhận được nhiều sự quan tâm khi thương hiệu trang phục hàng ngày này cung cấp cho khách hàng tại cửa hàng flagship ở London dịch vụ sửa chữa các sản phẩm cũ bằng kỹ thuật “Sashiko”.

kỹ thuật sashiko
Sashiko là kỹ thuật khâu vá có từ lâu đời của người Nhật. Ảnh: matadornetwork.com 

“Sashiko” là một quy trình may thủ công tỉ mỉ, thêm những đoạn chỉ mỏng, tương phản kéo dài lên bề mặt quần áo, tạo ra nhiều loại hoa văn khác nhau. Kỹ thuật này bắt đầu từ những thường dân dưới thời Edo (1603 – 1867) khi họ gia cố và vá quần áo lại với nhau bằng cách tái sử dụng những mảnh vải cũ, sờn rách. 

Sashiko giúp kéo dài tuổi thọ đồng thời mang lại vẻ ngoài tươi mới bởi cho quần áo đã mặc bởi những họa tiết truyền thống Nhật Bản được thêm thắt vào.

Xem thêm: Sashiko: kỹ thuật may vá truyền thống của Nhật Bản

Theo đó, nhân viên Uniqlo tại cửa hàng sửa chữa quần jean và áo sơ mi sờn rách bằng cách thêm các mũi khâu Sashiko trang trí quần áo với họa tiết chấm bi và hoa.

nhân viên uniqlo
Nhân viên Uniqlo sửa chữa đồ jean bằng kỹ thuật khâu Sashiko truyền thống. Ảnh: Asahi

Thương hiệu cũng cho biết, nhân viên của cửa hàng Uniqlo Regent Street đã học kỹ thuật Sashiko từ Masahiko Morikawa, người điều hành xưởng may của riêng mình ở London.

Morikawa chia sẻ: “Những thiết kế với họa tiết đặc trưng của Nhật Bản đã thu hút rất nhiều sự chú ý của khách hàng châu Âu và tôi đang nhận được lời đề nghị từ nhiều người ở những nhóm tuổi khác nhau”.

Dịch vụ đặc biệt trên hiện được nhiều khách hàng quan tâm đến tính bền vững của môi trường ở Châu Âu “phải lòng”. 

Dự án Sashiko ban đầu được thực hiện trên cơ sở thử nghiệm tại một góc của cửa hàng Uniqlo's Regent Street ở London, mở cửa vào mùa xuân năm nay. Nó trở nên phổ biến ngoài mong đợi, nên thương hiệu quyết định mở rộng thành một dịch vụ đầy đủ với việc ra mắt Re.Uniqlo Studio tại tầng hầm của cửa hàng vào đầu tháng 9. 

uniqlo regent street
Uniqlo's Regent Street ở London, cửa hàng đầu tiên Uniqlo thí điểm dự án này. Ảnh: Asahi

Uniqlo cũng có kế hoạch triển khai chương trình tương tự tại các cửa hàng khác của mình ở châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới.

Xu hướng thời trang nhanh giúp những thương hiệu thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán quần áo với giá rẻ khi người tiêu dùng mua các mặt hàng mới thường xuyên hơn. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự chỉ trích vì được xem là sản xuất không bền vững.

Trong bối cảnh xu hướng “sống xanh, sống bền vững” ngày càng được quan tâm, nhiều thương hiệu đã và đang tìm lối đi mới, chuyển sang các phương pháp sản xuất bền vững để phù hợp với nhu cầu mua sắm thân thiện với môi trường của khách hàng.

Tương tự Uniqlo, nhà bán lẻ H&M đã lắp đặt một thiết bị đặc biệt tại cửa hàng flagship của mình ở Stockholm, Thụy Điển để tái chế quần áo cũ. Chiếc máy này có thể xử lý quần áo cũ bằng ozone, sau đó cắt chúng thành những mảnh nhỏ dùng để đan áo len và quần áo mới.

Xem thêm: Chiến dịch Re.UNIQLO: Khi quần áo cũ được trao cuộc đời mới

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU