Ứng dụng leo núi Yamap và câu chuyện tái kết nối con người với tự nhiên
Bài: Rin
Sep 6, 2022
Nguồn: Asahi
Tính đến tháng 07/2022, 9 năm kể
từ khi Yamap được Yoshihiko Haruyama phát triển và ra mắt, số lượt tải ứng dụng đã đạt tổng cộng 3,2
triệu người, chiếm khoảng 2/3 số lượng người leo núi ở Nhật.
Từ sự mất kết nối giữa con người với thiên nhiên
Khi còn là sinh viên năm nhất ngành luật tại Đại học Doshisha, Kyoto, cảm thấy buồn chán với giảng đường, Haruyama đã quyết định thực hiện một chuyến du lịch bằng xe đạp vòng quanh Kyushu vào mùa xuân năm 2000.
Khi ấy anh đã ghé thăm hòn đảo Yakushima, nằm cách mũi phía Nam của Kyushu khoảng 60km về phía Tây Nam. Vào thời gian này, Haruyama đến làm việc cho một quán trọ và sống tại đây. Anh được chủ nhà trọ hướng dẫn nhiều kỹ năng, từ lái xe đến câu cá.
Yoshihiko Haruyama, hiện ở tuổi 41, hồi tưởng: “Có lẽ tôi vẫn không thể nhận ra sức hấp dẫn của thiên nhiên nếu không trải qua khoảng thời gian du hí ở Yakushima”. “Đứng giữa núi rừng, bạn sẽ nhận ra thế giới này rộng và sâu hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ, rằng nó chứa đầy những thứ mà bạn chưa biết. Chính nó sẽ khơi dậy sự tò mò học hỏi về thế giới xung quanh của bạn”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Haruyama không chọn đi làm mà đã chuyển đến sinh sống ở Alaska, theo dấu chân của nhiếp ảnh gia quá cố Michio Hoshino (1952 – 1996), người anh ngưỡng mộ và kính trọng.
Tại đây, anh chọn học ở Đại học Alaska Fairbanks và có những trải nghiệm khó quên trong đời. Trong một lần đi săn hải cẩu cùng với người Inuit bản địa, anh hoàn toàn ngạc nhiên khi biết họ sử dụng các thiết bị GPS vô cùng tân tiến. Haruyama chia sẻ: “Họ chẳng phân biệt truyền thống với những công nghệ tiên tiến miễn sao chúng hữu ích cho cuộc sống của họ. Tôi bị ấn tượng trước cách họ tiếp cận các công cụ”.
Vào tháng 03/2011, ở tuổi 30, Haruyama đã rất bàng hoàng khi thảm họa kép động đất, sóng thần ập tới Nhật, kéo theo sự cố hạt nhân. “Tôi cảm thấy thảm họa chính là hệ quả của việc mất kết nối giữa con người với tự nhiên. Tôi đã nghĩ mình sẽ hối hận suốt phần đời còn lại nếu bản thân không thể làm điều gì đó mang lại tác động tích cực cho xã hội”, anh bày tỏ.
Nhưng ngay lúc ấy, Haruyama vẫn chưa biết phải làm gì để hiện thực hóa lý tưởng cá nhân.
Đến ứng dụng leo núi vì cộng đồng
Một ngày mùa xuân năm 2011, Haruyama đã đi bộ đường dài lên núi Kuju tại tỉnh Oita. Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra khi anh mở điện thoại để định vị. Không có tín hiệu điện thoại di động nên màn hình hoàn toàn trống trơn. Lúc này, anh thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng vì đã từng bị lạc trong rừng. Haruyama hồi tưởng: “Đó là thời điểm mà tất cả trải nghiệm trong suốt những năm tuổi 20 đồng loạt ùa về”.
Nhờ trải nghiệm trên mà Haruyama đã nảy ra ý tưởng về ứng dụng Yamap: “Tôi đã nghĩ nếu điện thoại thông minh có thể được sử dụng như thiết bị GPS dành cho leo núi thì sẽ giúp giảm số lượng người leo núi bị mắc kẹt trong rừng, đồng thời tái kết nối con người đô thị với thiên nhiên. Đây cũng là lý do tôi nảy ra sáng kiến thành lập doanh nghiệp”.
Tuy vậy, kế hoạch kinh doanh của Haruyama phải đối mặt với sự phản đối từ các nhà đầu tư. Một trong số họ cho rằng bản đồ giấy và một chiếc la bàn là đã đủ rồi, người khác cảnh báo rằng tiềm năng của ứng dụng quá nhỏ để ra mắt thị trường.
Bất chấp những định kiến, Haruyama kiên định ra mắt Yamap vào tháng 03/2013, nhờ vào một phần vốn do cha anh ứng trước và phần còn lại là tiền tiết kiệm cá nhân.
Hiện tại, Yamap Inc., đặt trụ sở tại quận Hakata, tỉnh Fukuoka đang có khoảng 90 nhân viên. Sinh ra và lớn lên ở Kasuga, tỉnh Fukuoka, nhà sáng lập Haruyama chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ ôm khát vọng trở thành một chủ tịch công ty hoặc kiếm được tỷ yên."
Với Yamap, người dùng khá yêu thích các tính năng cộng đồng của ứng ụng, nơi họ có thể tải lên những ghi chép hành trình leo núi và chia sẻ nhiều mẹo hay khác. Các nhà điều hành ứng dụng Yamap mang đến một hệ thống điểm hiển thị vị trí, rất hữu ích trong việc sửa chữa kịp thời các tuyến đường mòn.
Công ty còn thực hiện nhiều chương trình hợp tác với những doanh nghiệp, chính quyền địa phương để phát triển các cộng đồng theo khu vực. Nhiều đội cứu hộ cũng đã sử dụng dữ liệu vị trí của Yamap và giải cứu thành công nhiều trường hợp người leo núi bị lạc đường.
Nói về động lực thúc đẩy xây dựng Yamap, Haruyama nhắc đến lời của Kazuo Inamori, người sáng lập Kyocera (tiền thân của hãng viễn thông KDDI): “Tôi tự hỏi bản thân liệu động lực của mình có phải đến từ sự thiện chí và lòng vị tha hay không?” Haruyama nhấn mạnh: “Tôi luôn luôn giữ câu hỏi này trong tâm trí mình và sẽ làm hết sức để xây dựng các dự án kết nối con người với núi rừng”.
kilala.vn