Thương hiệu làm đẹp BOTANIST triển khai dự án trồng rừng

Bài: NatsumeNov 27, 2021

Trong năm 2021, thương hiệu này đã triển khai dự án “phủ xanh” rừng ở thị trấn Bihoro, Hokkaido.

Khoảng 70% diện tích đất của Nhật Bản là rừng, nhưng khoảng 40% trong số đó là rừng nhân tạo để sản xuất gỗ, đồng thời diện tích rừng bị bỏ hoang cũng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Chính vì thế, với mong muốn bảo vệ mảng xanh của Nhật Bản, kể từ năm 2017, thương hiệu chăm sóc cơ thể và làm đẹp BOTANIST đã dành một phần doanh thu cho các hoạt động tái trồng rừng và bảo tồn rừng tại đất nước mặt trời mọc. Dựa trên định hướng của những người sáng lập: “Sống hòa hợp với thiên nhiên sẽ mang lại thịnh vượng”, BOTANIST luôn cam kết và phấn đấu trở thành một thương hiệu phát triển bền vững, tích cực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững – SDGs. 

SGDs

Ảnh: grapee

Một trong những hướng đi mạnh mẽ nhất của thương hiệu là việc triển khai tái trồng rừng thông qua dự án “BOTANIST Forest”, bắt đầu tại thị trấn Bihoro, Hokkaido với 3 mục tiêu chính:

- Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm

- Hành động về khí hậu

- Tài nguyên và môi trường trên đất liền

SDGs

Ba mục tiêu của SDGs mà BOTANIST hướng đến trong dự án "BOTANIST Forest". Ảnh: Vietnam UN

Kế hoạch là trồng lại nhiều loại cây bản địa bị mất trong khu vực khai thác và khôi phục lại sự đa dạng vốn có của khu rừng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hiệp hội lâm nghiệp Bihoro, bảng gỗ có tên của dự án đã được dựng ở khu vực tái trồng rừng.

Dự án đã bắt đầu với việc trồng các cây bạch dương trắng và các loại cây lá rộng như cây trăn, có tính chất di truyền tương tự với thảm thực vật nguyên thủy của thị trấn Bihoro. Tuy nhiên, đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán ở Hokkaido trong năm qua đã khiến 1.500 cây ban đầu trồng đều không thể sống sót. Không bỏ cuộc, BOTANIST bắt đầu trồng lại với 1.000 cây mới.

SDGs

Đại diện BOTANIST và Bihoro cùng tấm bảng của dự án. Ảnh: grapee

Kể từ khi bắt đầu dự án vào đầu năm nay, BOTANIST đã trồng 1.000 cây xanh trên 0,5ha đất (5.000m²). Trong tương lai, thương hiệu này hy vọng sẽ mở rộng khu rừng ít nhất 1ha với 2.000 cây mỗi năm. Con số này có tính đến thiệt hại ước tính khi trở thành thức ăn cho động vật hoang dã địa phương như thỏ và hươu.

Chia sẻ về việc lựa chọn Bihoro để thực hiện dự án này, giám đốc thương hiệu Asami Kobayashi cho biết: “Ý tưởng của chúng tôi là tạo ra một thế giới bền vững, nơi thương hiệu có thể tạo ra sản phẩm từ thiên nhiên và hoàn trả lại cho thiên nhiên”. Nước bạch dương là thành phần thiết yếu để điều chế dầu gội thực vật của BOTANIST. Bằng cách trồng và phục hồi những cây bạch dương của Bihoro, một ngày nào đó BOTANIST sẽ có thể sử dụng những cây của “BOTANIST Forest” để sản xuất hàng hóa, đồng thời duy trì một chu kỳ bền vững”.

SDGs

Ảnh: grapee

Những cây bạch dương cần 30 – 40 năm để trưởng thành và 60 năm mới có thể sử dụng, nghĩa là có thể Kobayashi và những cộng sự tại BOTANIST sẽ không thể nhìn thấy một rừng cây hoàn chỉnh do chính họ vun trồng, nhưng họ cũng hài lòng vì biết hành động này hỗ trợ xây dựng một xã hội bền vững trong tương lai.

BOTANIST – thương hiệu chăm sóc sắc đẹp hướng về môi trường

Hiện nay, xu hướng của người tiêu dùng là tìm đến những sản phẩm thuần tự nhiên, hạn chế hóa chất tác động lên cơ thể. Chính vì thế, năm 2015, thương hiệu chuyên về các sản phẩm chăm sóc tóc và cơ thể với tên gọi BOTANIST đã ra đời. BOTANIST hợp tác cùng các chuyên gia: Nhà thực vật học Jennifer Hirsch, Nhà nghiên cứu tóc Komuro Yuhei, Nhà nghiên cứu chăm sóc da Tosa Hideki và Chuyên gia nước hoa Kobayashi Hiroharu nhằm mục tiêu phát triển một công thức cân bằng giữa các thành phần từ thực vật và công nghệ.
SDGs
Ảnh: botanist

Bao bì thân thiện

Giống như hầu hết các thương hiệu Nhật Bản hiện nay, bao bì của BOTANIST hướng đến sự tối giản. Chai hoàn toàn trong suốt để khách hàng có thể nhìn thấy được sản phẩm bên trong, tên thương hiệu sử dụng màu đen, nổi bật trên nền của sản phẩm.
Một số sản phẩm BOTANIST sử dụng thùng làm từ PET sinh khối thay vì nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ. Vì là loại nhựa được làm từ cây mía nên có thể sử dụng lâu bền mà vẫn giữ được chất lượng như các loại thùng thông thường về độ an toàn.
SDGs
Ảnh: Japankura
Ngoài ra, BOTANIST cũng cung cấp những túi dầu gội, sữa tắm để khách hàng tự refill sản phẩm tại nhà, qua đó có thể tiết kiệm một khoản tiền so với việc mua một sản phẩm mới, đồng thời giảm thiểu lượng chai nhựa thải ra môi trường.

Nguyên liệu thiên nhiên

Hương thơm kép của BOTANIST dựa trên mùi hương của hai loại thực vật như hoa, trái cây và một số loài khác được pha trộn với nhau. Những thành phần đưa vào sử dụng được thương hiệu lựa chọn cẩn thận từ 300.000 loại thực vật khác nhau. Bằng cách tận dụng những nguyên liệu đến từ “mẹ thiên nhiên”, sản phẩm của BOTANIST đảm bảo sự an toàn cho người dùng và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, BOTANIST cũng đã đề ra chiến lược lâu dài cho các hoạt động của mình. Trong tương lai, thương hiệu này sẽ thay thế những nhãn dán, bao bì, ấn phẩm quảng cáo... bằng nguyên liệu giấy thân thiện với môi trường, được chứng nhận FSC...
kilala.vn

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.

SDGs

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU