Thu nhập ổn định từ nghề hái lá rừng

Nguồn: NipponOct 13, 2023

Ẩm thực truyền thống Nhật Bản thường lấy lá rừng làm vật trang trí. Một doanh nghiệp ở Shikoku đang tập trung vào những điều này như một giải pháp xanh, bền vững để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế địa phương. 

Các loại lá và hoa trang trí theo mùa tô điểm cho ẩm thực Nhật Bản được gọi là Tsumamono và theo truyền thống bao gồm lá phong, lá tre và lá nandina (nam thiên trúc). Và có một nơi tại Nhật Bản nhờ việc cung cấp lá trang trí đã vực dậy nền kinh tế địa phương. 

Thị trấn Kamikatsu có dân số chỉ 1.415 người, hơn một nửa trong số đó là người già. Trong khi vào năm 1950, thị trấn có dân số 6.356 người, sự sụp đổ của ngành khai thác gỗ, từng là ngành sử dụng lao động lớn nhất thị trấn, đã khiến dân số giảm.

Tsumamono

Các loại lá dùng để trang trí. Ảnh: Nippon

Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang khai thác lá cây đã giúp cho đời sống nơi đây dần hồi sinh. Tsumamono được sản xuất dưới thương hiệu Irodori từ năm 1987, đạt doanh thu hàng năm lên tới 260 triệu yên. Hầu hết 145 người đang làm công việc này là phụ nữ trên 70 tuổi. Một số người thậm chí còn có thể dùng thu nhập của mình để xây cất lại nhà cửa. 

Thành công của ngành này đã nhận được sự chú ý rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, họ đưa tin rằng những người phụ nữ lớn tuổi ở thị trấn nông thôn có thể kiếm được 10 triệu yên mỗi năm bằng cách hái lá. Ngành công nghiệp này thậm chí còn được các tạp chí nước ngoài như Time và Forbes đưa tin, và vào năm 2012 bộ phim “It's a Beautiful Life – Irodori” lấy ý tưởng từ công việc này đã được ra mắt.

Irodori

Bộ phim It's a Beautiful Life – Irodori. Ảnh: My Drama List

Yokoishi Tomoji - Giám đốc điều hành của Irodori Corporation, cho rằng sự khác biệt không chỉ nằm ở thảm thực vật sẵn có mà còn ở con người. Vị trí của Kamikatsu trên núi có nghĩa là nơi đây có nhiều người trồng cây hoa, do đó tạo tiền đề tốt cho việc trồng các loại cây Tsumamono. 

Hơn hết, thói quen đi bộ trên đường núi hàng ngày để cắt cỏ và thực hiện các công việc cần thiết khác của người dân đã khiến khu vực này trở nên phù hợp với ngành công nghiệp lá hơn bất cứ nơi nào.

Việc kinh doanh lá ở địa phương bắt đầu sau một đợt rét đậm bất thường vào năm 1981, đã xóa sổ hoàn toàn những cây quýt vốn là sản phẩm nông nghiệp duy nhất của khu vực. Yokoishi lúc đó đã đề xuất nông dân địa phương trồng nấm hương thay vì quýt. Tuy nhiên, công việc này không phù hợp với những người nông dân lớn tuổi và những người có thể chất yếu.

thu thập lá

Công việc thu thập lá cây mang đến thu nhập ổn định. Ảnh: Nippon

Sau 5 năm tìm kiếm phương án thay thế phù hợp, Yokoishi lúc đó đã gặp được một người phụ nữ có sở thích thu thập những chiếc lá để trang trí bàn ăn tại gia, trông giống như nhà hàng. Từ đó Yokoishi đã nảy ra ý tưởng kinh doanh lá, nhưng những người nông dân ở đây không nghĩ rằng điều này sẽ khả thi.

Mở đầu thất bại, Yokoishi bắt đầu đến các nhà hàng để nghiên cứu xem họ sử dụng cách trang trí nào và cách họ sắp xếp những loại lá. Ông tự bỏ tiền túi trả cho các bữa ăn, đến thăm nhiều nhà hàng ở Tokushima và những nơi xa hơn, tiêu tốn phần lớn tiền lương của mình trong quá trình này. 

lá cây

Một loại lá dùng để trang trí được đóng gói đến tay khách hàng. Ảnh: Nippon

Ông yêu cầu nông dân gói những chiếc lá có kích thước tương tự lại với nhau để phù hợp với kích thước món ăn hơn, tập trung vào những chiếc lá có màu sắc và hình dạng nổi bật thay vì chỉ hái bất cứ thứ gì có sẵn. Ông cũng cho họ những lời khuyên khác để làm cho sản phẩm có nhiều khả năng được các nhà hàng lựa chọn hơn.

Một yếu tố dẫn đến thành công của Yokoishi là việc áp dụng hệ thống CNTT tiên tiến. Năm 1999, khi Irodori được thành lập, Yokoishi đã lập ra một hệ thống điểm bán lẻ và bắt đầu chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp của mình qua máy tính. 

Mặc dù đây là khoản đầu tư hơn 100 triệu yên nhưng dự án của ông đã được chọn làm dự án thử nghiệm để nhận tài trợ từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (khi đó là Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp).

CNTT

Những người nông dân lớn tuổi giờ đây đã thành thạo sử dụng công nghệ. Ảnh: Nippon

Vào năm 2018, Irodori đã mở một khu vườn để hoạt động như một trung tâm đào tạo các nhà sản xuất Tsumamono. Ngoài việc cho phép những người đã chuyển đến khu vực này trải nghiệm công việc nông nghiệp, khu vườn còn đóng vai trò như một phòng trưng bày sản phẩm. 

Cây cầu treo bắc qua khe núi chạy qua những ngọn đồi đầy màu sắc là một địa điểm chụp ảnh nổi tiếng, cùng với các suối nước nóng và khu cắm trại gần đó, đóng vai trò là một địa điểm nổi tiếng, thu hút khách du lịch.

hẻm núi

Cầu Irodori bắc qua sông Katsuura. Ảnh: Nippon

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU