Sự thay đổi diện mạo bất ngờ của "phố hàng hiệu" Ginza
Bài: Rin
Jun 22, 2022
Nguồn: Mainichi
Khu phố mua sắm Ginza của Tokyo là nơi có giá đất đắt đỏ nhất cả nước, gắn liền với hình ảnh những cửa hàng của các thương hiệu cao cấp nằm san sát. Tuy nhiên, trái ngược với vẻ hào nhoáng và sang trọng này, các cửa hàng giá rẻ cũng bắt đầu mọc lên, khiến nhiều người tự hỏi điều gì đang xảy ra với Ginza, vốn được mệnh danh là "phố hàng hiệu" của xứ sở Phù Tang.
Nguồn gốc cái tên Ginza
Ginza (銀座) được tạo thành từ chữ “銀 – Ngân – Bạc” và “座 – Tọa – Chỗ ngồi”, bắt nguồn từ xưởng đúc tiền bạc gọi là “Văn phòng Ginza”, do chính quyền Edo (1603 – 1867) lập ra. Kể từ thời Minh Trị (1868 – 1912), Ginza trở nên nổi tiếng là khu phố thời thượng và hiện đại.
Đến năm 1924, một năm sau trận Đại động đất Kanto, cửa hàng bách hóa Matsuzakaya đã mở cửa tại đây, theo sau là hàng loạt cửa hàng bách hóa khác như Matsuya vào năm 1925 và Mitsukoshi vào năm 1930. Kể từ đó, phố Ginza thời thượng dần phát triển với hàng loạt thương hiệu như vậy.
Ngày nay, với sự có mặt của hàng loạt thương hiệu và cửa hàng cao cấp của Louis Vuitton, Chanel, Mitsukoshi, Wako..., Đại lộ Ginza-dori trở nên nổi tiếng là một trong những con đường mua sắm hàng đầu thế giới, cùng với Đại lộ 15 của New York, con phố Oxford của London.
Sự chuyển mình của phố Ginza
Vào ngày 28/04 vừa qua, phố Ginza ghi nhận sự góp mặt của cửa hàng thời trang nữ Workman Girl. Công ty chủ quản Workman Co., thường được biết đến với trang phục thể thao và lao động, nhưng gần đây, họ quyết định mở rộng thêm dòng trang phục thường ngày được đầu tư thiết kế với thương hiệu Workman Girl. Cửa hàng mới này nằm trong một trung tâm thương mại ở Ginza, đối diện với Prada.
Tetsuo Tsuchiya, giám đốc điều hành cấp cao của công ty cho biết: “Trước kia, phái nữ hầu như ai cũng mang giày cao gót, nhưng ngày nay không còn nhiều người như vậy nữa. Trang phục thường ngày đang ngày càng phát triển, do vậy chúng tôi nghĩ Ginza là một địa điểm phù hợp."
Được biết, Workman kỳ vọng có được doanh thu từ 500 – 600 triệu yên mỗi năm từ cửa hàng ở Ginza.
Một ngày trước khi Workman được khai trương, cửa hàng 300 yên 3Coins+plus cũng “debut” tại Ginza. Diện tích mua sắm tại cửa hàng vào khoảng 460m2, là chi nhánh lớn nhất của chuỗi tại vùng Kanto và cung cấp 2.000 sản phẩm khác nhau. Nhân viên quan hệ công chúng của Pal Co., nhà điều hành chuỗi 3Coins+plus chia sẻ: “Chúng tôi đã nghĩ đến việc mở một cửa hàng lớn tại trung tâm Tokyo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm”.
Xem thêm: Đèn đường ở Ginza được lựa chọn để tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ
Daiso cũng khai trương chi nhánh đầu tiên ở Ginza vào ngày 15/04/2022. Đây là cửa hàng Flagship toàn cầu cung cấp sản phẩm đến từ ba thương hiệu: Daiso, Standard Products và Threeppy. Tổng diện tích sàn của chi nhánh này là khoảng 1.645m2. Daiso cũng xem chi nhánh này như một trung tâm bền vững, và so với các chi nhánh khác, nơi đây sở hữu lượng sản phẩm bền vững phong phú hơn cả, bao gồm ống hút tre, thìa gỗ.
Uniqlo Co., thương hiệu thời trang có giá cạnh tranh tại Nhật đã mở một cửa hàng tại Ginza vào năm 2001. Sau đó, đến năm 2005, Uniqlo cũng khai trương thêm cửa hàng Flagship. Ngay sau đó, những cửa hàng thời trang nhanh nước ngoài phổ biến với giới trẻ từ H&M đến Zara cũng xuất hiện.
Mặt khác, những cái tên lâu đời được xem là bộ mặt của Ginza đã dần mất vị thế. Vào năm 2013, Matsuzakaya, cửa hàng bách hóa lâu đời nhất tại Ginza đã đóng cửa và thay vào đó là khu phức hợp thương mại Ginza Six. Đến năm 2017, cửa hàng tạp hóa Printemps Ginza bị thay thế bởi trung tâm mua sắm 12 tầng Marronnier Gate Ginza.
Vì sao có sự “thay da đổi thịt” tại Ginza?
Công ty nghiên cứu Video Research đã tiến hành một cuộc khảo sát về phần trăm khách hàng theo giới tính và độ tuổi ghé đến Ginza ít nhất một lần/tuần. Kết quả, nam giới ở độ tuổi 60 chiếm 17% lượng khách vào năm 2014, nhưng trong năm 2021, con số này đã giảm xuống chỉ còn 5,1%. Trong khi đó, phụ nữ ở độ tuổi 20 chiếm 5,9% lượng khách vào năm 2014 thì trong năm 2021, con số này đã tăng lên 11%.
Một đại diện của công ty nhận xét: “Sự chuyển đổi các cửa hàng bách hóa lâu đời thành những khu phức hợp thương mại đã mang đến thay đổi trong xu hướng khách hàng thường xuyên lui tới Ginza”.
Trước sự xuất hiện của các cửa hàng giá rẻ, bà Eriko Takizawa thuộc Hiệp hội phố Ginza thừa nhận: “Không thể nói rằng chúng tôi không khó chịu”. Cư dân địa phương vẫn luôn coi trọng "chất Ginza" của khu vực này.
Vào năm 2006, quận Chuo, Tokyo đã đưa ra quy định rằng bất kỳ tòa nhà hay bảng hiệu mới nào vượt quá kích thước quy định đều phải nhận được sự đồng ý từ Hội thiết kế Ginza, bao gồm những thành viên đại diện cho Hiệp hội phố Ginza.
Khi Daiso mở cửa hàng ở đây, công ty đã có buổi thảo luận với Hội thiết kế Ginza. Hội yêu cầu chuỗi cửa hàng 100 yên thiết kế phù hợp với màu sắc và tông của Ginza, trong đó bao gồm việc thay đổi màu nền của các bảng hiệu sang màu trắng.
“Tôi nghĩ khách hàng đến Ginza cũng tìm kiếm chất Ginza. Tôi mong muốn các cửa hàng sẽ đáp ứng được mong đợi của khách hàng", bà Takizawa nói.
Xu hướng nào cho thời hậu đại dịch?
Tại phố Ginza, những
thương hiệu điện tử và dược phẩm đã mở các cửa hàng miễn thuế lớn để đáp
ứng số lượng du khách quốc tế tăng trước khi đại dịch diễn ra. Nhưng
COVID-19 đã khiến mọi hoạt động du lịch của du khách nước ngoài đến Nhật
(inbound tourism) đều bị tạm dừng. Trong tháng 09/2021, thương hiệu bán
lẻ đồ điện tử Laox Co. đã đóng cửa hàng tại Ginza, tiếp đến là Sundrug
vào tháng 03/2022.
Phong cách mua sắm và nhận định về giá trị của nhiều người đã có sự thay đổi đáng kể do tác động của đại dịch. Vậy tương lai Ginza sẽ trở thành khu vực như thế nào?
Shinji Oda, nhân viên giám định bất động sản của Viện bất động sản Nhật Bản cho biết: “Các cửa hàng giá rẻ đang rất phù hợp với nhu cầu của mọi người hiện nay. Không nghi ngờ rằng, Ginza sẽ tiếp tục phát triển như một khu phố đại diện cho Nhật Bản theo hướng đáp ứng nhu cầu của thời đại."
kilala.vn