Thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng đang dịch chuyển các cơ sở sản xuất về lại Nhật Bản để thu hút khách hàng.
Việc đồng yên liên tục giảm cùng với hạn chế đi lại do dịch bệnh đã thúc đẩy Shiseido tăng cường xuất khẩu sản phẩm của mình từ Nhật Bản, hay còn gọi là sản phẩm “made in Japan”*, đến các khu vực khác nhau trên thế giới.
*"Made in" được hiểu là nơi mà sản phẩm đó được sản xuất nhưng vẫn tuân theo quy chuẩn khắt khe của doanh nghiệp. Ví dụ: Shiseido là Tập đoàn Nhật Bản nhưng sẽ có những sản phẩm dán mác “Made in Vietnam” hoặc “Made in China”, thường các sản phẩm này không có sự khác biệt về mặt chất lượng.
Vào ngày 26/05, Shiseido thông báo nhà máy Fukuoka Kurume ở tỉnh Fukuoka đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 04/2022. Công suất của nhà máy có thể sản xuất 140 triệu sản phẩm chăm sóc da dòng Elixir và các dòng khác mỗi năm.
Các sản phẩm này không chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa mà sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác từ cảng Hakata gần nhà máy. Lợi nhuận dự kiến sẽ tăng do đồng yên đang giảm.
Trước đó, vào tháng 12/2019, Shiseido đã khai trương nhà máy Nasu tại Otawara, tỉnh Tochigi – nhà máy đầu tiên của hãng tại Nhật Bản sau 36 năm. Nhà máy Osaka Ibaraki tiếp theo được thành lập tại Ibaraki, tỉnh Osaka vào tháng 12/2020, trước khi nhà máy Fukuoka Kurume đi vào hoạt động.
Đây là ba nhà máy đã được thành lập trong vòng ba năm, nâng số lượng nhà máy trong nước của tập đoàn lên con số sáu, với tổng số tiền đầu tư vào các cơ sở này là 140 tỷ yên.
Kể từ nay, hầu hết tất cả sản phẩm chăm sóc da hàng đầu từ các dòng chính của công ty, bao gồm Shiseido và Elixir, sẽ được sản xuất tại Nhật Bản. Sản phẩm của Shiseido đã có mặt trên 120 quốc gia và khu vực.
Chủ tịch Shiseido - Masahiko Uotani cho biết: “Điều quan trọng đối với doanh nghiệp là giá trị thương hiệu. Chúng tôi tự tin trong việc vận hành các cơ sở sản xuất của mình tại Nhật Bản.” Cũng theo ông Uotani, kế hoạch xây dựng các nhà máy mới đã được đề xuất vào khoảng năm 2015, khi chứng kiến một lượng lớn du khách nước ngoài mua hàng hóa do Nhật Bản sản xuất.
Doanh thu của Shiseido đạt kỷ lục 1 nghìn tỷ yên vào năm 2017, nhưng vẫn không theo kịp với nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Hàng loạt sản phẩm cháy hàng, khiến doanh nghiệp phải chịu áp lực đẩy mạnh khả năng sản xuất của mình.
Tuy nhiên, đại dịch đã chấm dứt sự bùng nổ về nhu cầu ngay sau khi nhà máy Nasu bắt đầu đi vào hoạt động, khiến Shiseido rơi vào cảnh khốn đốn khi ghi nhận khoản lỗ ròng 11,6 tỷ yên trong năm 2020.
Tuy nhiên, Shiseido vẫn quyết định tiếp tục tiến hành dự án lắp đặt nhà máy nội địa theo kế hoạch ban đầu vì họ tin rằng việc sản xuất các sản phẩm tại Nhật Bản tạo nên “giá trị thương hiệu” của mình.
Việc công ty chú trọng đến sự an toàn và chất lượng của mỹ phẩm bôi trực tiếp lên da được coi là có ý nghĩa đặc biệt. Các sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản đang có danh tiếng và sự phổ biến rộng rãi hơn trên toàn cầu, sau khi nhiều du khách nước ngoài đến du lịch với mục đích mua những sản phẩm “made in Japan”.
Xu hướng chuyển sang sản xuất trong nước này hoàn toàn trái ngược với chính sách chuyển giao khả năng sản xuất ra nước ngoài trước đây của Shiseido. Những năm 2000 và 2010, hãng đã giảm một nửa số lượng nhà máy trong nước xuống còn ba. Một nhà máy Shiseido đã được thành lập tại KCN Amata, Đồng Nai vào năm 2010 để tạo ra các sản phẩm rẻ hơn hướng đến khách hàng ở các quốc gia châu Á khác.
Tuy nhiên theo thời gian, họ nhận thấy rằng chiến lược này không hiệu quả trong việc cải thiện lợi nhuận của công ty, với khoản lỗ ròng 14,6 tỷ yên được báo cáo cho năm tài chính kết thúc vào tháng 03/2013. Shiseido đã bổ nhiệm Masahiko Uotani làm chủ tịch vào năm 2014 để tái thiết công ty.
Uotani đặt mục tiêu đưa Shiseido trở thành “thương hiệu toàn cầu” và bắt đầu loại bỏ những mảng có lợi nhuận thấp. Các dòng sản phẩm hàng ngày, chẳng hạn như Tsubaki và Uno, đã được bán cho một doanh nghiệp mỹ phẩm ở Mỹ vào năm 2021. Điều này đã làm rõ quan điểm của Shiseido trong việc tập trung vào các sản phẩm chăm sóc da giá tầm trung đến cao, lĩnh vực mà công ty có chuyên môn sâu.
Mặc dù việc chuyển nhà máy về Nhật Bản tiềm ẩn rủi ro biến động tỷ giá và chi phí giao hàng đắt đỏ, Uotani nhấn mạnh rằng ông không thay đổi quyết định của mình.
Xem thêm: 8 sao nữ góp mặt trong TVC kỷ niệm 150 năm của Shiseido
kilala.vn