SDGs: “Kim chỉ nam” cho sự phát triển bền vững trong tương lai của Nhật Bản

Bài: NatsumeDec 21, 2021

Nhật Bản hiện đang đứng vị trí 18/165 quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu bền vững, đồng thời cũng xếp hạng cao nhất trong số các nước châu Á trên bảng xếp hạng (BXH) này.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) hay nói ngắn gọn là Mục tiêu Toàn cầu được Đại hội đồng Liên hợp quốc (UN-GA) thiết lập vào năm 2015 và dự kiến đạt được vào năm 2030, nên còn có tên gọi là “Chương trình nghị sự 2030”. Dự án này tập hợp 17 mục tiêu được liên kết với nhau để trở thành "kế hoạch chi tiết nhằm đạt được một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người". 

17-muc-tieu-SDGs
Bộ 17 mục tiêu SDGs

Nhằm đánh giá tính hiệu quả trong hành động của các quốc gia, trang web Sustainable Development Report đã công khai BXH (thay đổi liên tục theo thời gian) cũng như điểm số mà mỗi quốc gia đã đạt được. “Điểm tổng thể đo lường tổng tiến trình của một quốc gia đối với việc đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững. Điểm số có thể được hiểu là tỷ lệ phần trăm của thành tích SDGs. Điểm 100 cho thấy rằng tất cả các SDG đã đạt được”, theo chú thích của BXH. 

SDGs

Thông tin chi tiết về kết quả Nhật Bản đạt được sau 6 năm (tạm tính đến tháng 12/2021). Ảnh: dashboards.sdgindex

Có thể thấy, đa phần các quốc gia xếp hạng cao đều là các nước châu Âu. Nhật Bản xếp hạng cao nhất châu Á ở vị trí thứ 18, với số điểm là 79,97, trong khi đó Việt Nam xếp hạng cao nhất Đông Nam Á ở vị trí 51 với số điểm là 72,85. Vậy Nhật Bản đã, đang và sẽ có chiến lược như thế nào để hoàn thành mục tiêu vào năm 2030?

SDGs

BXH các quốc gia triển khai SDGs. Ảnh: dashboards.sdgindex

Tính bền vững bắt rễ trong văn hóa Nhật Bản

Ngược dòng lịch sử quay trở về thời kỳ Edo (1603 – 1868), Nhật Bản là một đất nước khép kín do áp dụng chính sách đối ngoại biệt lập, không giao thương với nước ngoài. Bên cạnh đó, là một quốc gia ít tài nguyên, người dân nơi đây buộc phải tiết kiệm, tận dụng những thứ sẵn có để tạo ra các sản phẩm khác nhau nhằm tránh lãng phí.
SDGS
Nghệ thuật Kintsugi. Ảnh: Dig-it

Điều này đã hình thành nên một số công việc đặc thù như: sửa chữa, tái chế đồ cũ (ô; đèn lồng giấy; đồ gốm sứ - nổi tiếng nhất là phong cách Kintsugi, dùng vàng bạc hàn gắn đồ gốm...), đặc biệt có một ngành nghề gọi là thu gom phân người để bán lại cho nông dân làm phân bón. Nhiều nguồn tư liệu cho thấy người Nhật xưa còn tận dụng những bộ Kimono cũ để làm khăn trải sàn.

Trong ngôn ngữ cũng có nhiều từ mang ý nghĩa nhắc nhở đến sự bền vững: "Mottainai" có nghĩa là "Thật lãng phí!"; “Osusowake” là chia sẻ một số mặt hàng, thực phẩm và lợi nhuận với bạn bè và hàng xóm; “Sanpo yoshi” chỉ các hoạt động kinh doanh nên cân nhắc lợi ích cho thương nhân, khách hàng và xã hội.

Nỗ lực từ Chính phủ Nhật Bản

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã có tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc. Mặt khác, ô nhiễm từ các ngành công nghiệp nặng đã gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và môi trường. Khi trải qua tình trạng ô nhiễm quy mô lớn, người Nhật bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường. Sau kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức năm 1992, Đạo luật Môi trường Cơ bản được ban hành và Kế hoạch Môi trường Cơ bản được xây dựng nhằm mục đích cải thiện tổng hợp môi trường, kinh tế và xã hội.
SDGs
Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm của mình trong hoạt động SDGs ở cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban Chỉ đạo SDG-Giáo dục 2030 tại Trụ sở UNESCO. Ảnh: sdg4education2030

Ngay khi SDGs được đưa ra vào năm 2015, Nhật Bản đã thành lập Trụ sở Xúc tiến SDGs vào tháng 05/2016, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và đưa ra quy định về “Các nguyên tắc hướng dẫn thực hiện SDGs” vào tháng 12 cùng năm. Tại Hội nghị lần thứ 9 của Trụ sở Xúc tiến SDGs được tổ chức vào tháng 12/2020, “Kế hoạch hành động SDGs năm 2021” đã được thông qua, trong đó nêu chi tiết những nỗ lực khác nhau của Chính phủ Nhật Bản nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Các chính sách liên quan đến thiên tai cũng rất quan trọng vì Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như động đất và bão. Để chuẩn bị cho các thảm họa thiên nhiên quy mô lớn, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập Đạo luật về khả năng chống chịu của quốc gia.

SDGs

Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa (trái) và Giám đốc Trung tâm Thông tin Liên hợp quốc Kaoru Nemoto (phải). Ảnh: JapanTimes

Hơn nữa, Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu tạo ra một xã hội hòa nhập, trong đó mọi cá nhân đều có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Phù hợp với ý tưởng này, Nhật Bản đã cải cách các hệ thống liên quan để thực thi Đạo luật cơ bản cho xã hội bình đẳng giới, Đạo luật khuyến khích sự tham gia và tiến bộ của phụ nữ tại nơi làm việc và Đạo luật cơ bản dành cho người khuyết tật.

Ngoài các chính sách trên, Chính phủ cũng đã đưa ra tám lĩnh vực ưu tiên trong số các mục tiêu và chỉ tiêu của SDGs. Chúng có thể được gọi tắt là “5P”: People – Prosperity – Planet –  Peace – Partnership (Con người – Thịnh vượng – Hành tinh – Hòa Bình – Đối tác).

Hành động của các doanh nghiệp

Keidanren - Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản đã tạo ra một khái niệm mới là “Xã hội 5.0” để đạt được SDGs. Mục đích là tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách ứng dụng tối đa các công nghệ mới nhất, xem công nghệ đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy hoạt động SDGs giữa các doanh nghiệp Nhật Bản.
Về tài chính, Nhật Bản đã đạt được một bước tiến lớn đối với các khoản đầu tư bền vững. Đầu tư bền vững xem xét các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty (Environmental, Social and corporate Governance, gọi tắt là ESG) trong việc lựa chọn và quản lý danh mục đầu tư.

Theo Đánh giá đầu tư bền vững toàn cầu 2018 (Global Sustainable Investment Review 2018) của tổ chức Global Sustainable Investment Alliance (GSIA), tài sản đầu tư bền vững của Nhật Bản tăng gấp 4 lần từ năm 2016 – 2018 (3% lên 18%). Sự tăng trưởng này được kích hoạt bởi các hoạt động của Quỹ đầu tư hưu trí của Chính phủ (Government Pension Investment Fund – GPIF), một trong những tổ chức đầu tư lớn nhất trên thế giới. Kể từ khi ký kết Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm do Liên hợp quốc hỗ trợ vào năm 2015, GPIF đã đẩy mạnh đầu tư ESG.

SDGs

Tài sản bền vững của Nhật Bản tăng gấp 4 lần từ năm 2016 - 2018. Ảnh: Asia Nikkei

Hình trên là một số sản phẩm của các doanh nghiệp đã chuyển đổi để góp phần vào nỗ lực hoàn thiện mục tiêu SDGs, từ trái qua:

- Sumitomo Chemical đã chứng nhận thiết bị phân tách cho pin lithium-ion là sản phẩm góp phần vào nỗ lực đạt được mục tiêu số 7 và 13.

- Các chất phụ gia cho thức ăn chăn nuôi để giảm nitơ trong phân đã được chứng nhận là sản phẩm giúp đạt được mục tiêu 12 và 13.

- Hệ thống tái chế của Fuji Xerox cho các sản phẩm như máy đa chức năng được thiết kế để hỗ trợ các nỗ lực đạt được mục tiêu 12.

Vào năm 2018, DJSI (Chỉ số Bền vững Dow Jones) đã công bố danh sách những doanh nghiệp Nhật Bản đáp ứng đủ những chỉ số bền vững. Cụ thể trong danh sách bao gồm những cái tên “kì cựu”: Bridgestone Corp, Honda Motor Co Ltd, Mazda Motor Corp, ITOCHU Corp, Komatsu Ltd, Marubeni Corp, Mitsui & Co Ltd, Nabtesco Corp, Sojitz Corp, TOTO Ltd, Ajinomoto Co Inc, Fujitsu Ltd...

SDGs

Đoàn tàu Welcome to SDGs Train của Tập đoàn Tokyu với thông điệp "Future Dream Town" nhằm quảng bá chiến dịch SDGs với công chúng. Ảnh: tetsudo-shimbun

Ngoài ra có một số công ty khởi nghiệp cũng được đánh giá cao: MUSCA (sản xuất phân bón hữu cơ tái chế và thức ăn chăn nuôi bằng cách sử dụng một loại ruồi); Euglena phát triển, bán và nghiên cứu các loại thực phẩm và mỹ phẩm tốt cho sức khỏe; TBM đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng vật liệu mới làm từ đá vôi; Botanist với các sản phẩm thuần tự nhiên và dự án trồng rừng... Kể cả các "ông lớn" toàn cầu như Starbucks tại Nhật Bản cũng bắt đầu triển khai chiến dịch cửa hàng xanh, bán bánh còn dư vào cuối buổi với giá giảm, cho thuê ly sử dụng nhiều lần... 

ESD – Giáo dục vì sự phát triển bền vững

ESD là tên viết tắt của Education for Sustainable Development, bao gồm các hoạt động học tập nhằm giáo dục, nuôi dưỡng nên một thế hệ bền vững. ESD là khái niệm được Nhật Bản đề xuất lần đầu tiên với UNESCO và tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững năm 2002.

ESD được định vị như Mục tiêu 4.7 của SDGs với cam kết “Đến năm 2030, đảm bảo rằng tất cả người học có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững, bình đẳng giới, vì hòa bình, quyền công dân toàn cầu... thông qua giáo dục phát triển bền vững”. Có thể nói, ESD không chỉ là một phần của SDGs mà còn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của SDGs, vì cốt lõi của sự thay đổi nằm ở giáo dục con người. 

Để hiện thực hóa mục tiêu 2030 của SDGs, Chính phủ Nhật đã kết hợp cùng các trường học tạo nên những khóa học nhưng cũng là sân chơi giúp học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, có cái nhìn đúng đắn, thực tế và khách quan về SDGs. Điển hình như trường trung học Seisoku Gakuen. Vào tháng 04 năm nay, nhà trường đã phối hợp cùng họa sĩ manga Yoshiaki Shimojo tổ chức khóa học “SDGs Learned from Manga”. Thông qua buổi học, những học sinh được thử sức với bài vẽ tranh minh họa 4 khung hình để kể lại một câu chuyện nhằm lan tỏa thông điệp của SDGs. 

SDGs

Học sinh trường trung học Seisoku Gakuen tham gia khóa học "SDGs Learned from Manga" của họa sĩ manga Yoshiaki Shimojo. Ảnh: Seisokugakuen

Những thách thức cần vượt qua

Bất chấp những nỗ lực từ Chính phủ, các tập đoàn và cá nhân, vẫn còn 3 vấn đề Nhật Bản cần giải quyết để có thể hoàn thành các chỉ tiêu trong SDGs.

Lãng phí thực phẩm (mục tiêu số 12)

Như ở trên đã đề cập, dù Nhật Bản có truyền thống tiết kiệm nhưng điều này đã dần thay đổi trong thời đại hiện nay, khi mọi người có nhiều sự lựa chọn và dễ dàng mua được thực phẩm. Trung bình trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ, chiếm 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất, thì tại Nhật mỗi năm có khoảng 6,5 triệu tấn thức ăn vẫn còn ăn được nhưng bị vứt bỏ vì chúng đã quá hạn sử dụng hoặc là thức ăn thừa. 
SDGs
Ít nhất 6 triệu tấn thực phẩm bị loại bỏ mỗi năm từ các cửa hàng thực phẩm ăn liền, siêu thị, nhà hàng và hộ gia đình tại Nhật. Ảnh: Asianews

Hơn một nửa trong số đó, khoảng 3,5 triệu tấn, là từ phía doanh nghiệp. Thực phẩm đó là sản phẩm không đúng quy cách, sản phẩm thừa hoặc sản phẩm chưa bán được. Khoảng 2,9 triệu tấn đến từ các hộ gia đình, phần lớn là thức ăn thừa, thức ăn ôi thiu...

Để giải quyết vấn đề thất thoát và lãng phí lương thực, nhiều công ty và tổ chức đã thể hiện những nỗ lực của mình. Một số ứng dụng điện thoại thông minh như Reduce Go, TABETE và FOODPASSPORT ra đời, kết nối các nhà hàng và quán cà phê không muốn lãng phí thức ăn và những khách hàng hài lòng khi có thức ăn rẻ hơn nhưng vẫn ngon.

Xem thêm: Top 7 ứng dụng của Nhật giúp bạn có lối sống “xanh” hơn

Bình đẳng giới (mục tiêu số 5)

Trong buổi hội nghị của Diễn đàn kinh tế thế giới, một công ty chuyên cung cấp số liệu về bình đẳng giới đã công bố báo cáo năm 2018 của họ. Theo đó, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 110 trong số 149 quốc gia về bình đẳng giới. Thứ hạng này kém nhất trong các nước G7.
SDGs
Nhật Bản đang bị mất cân bằng giới tính. Ảnh: zenbird

Chỉ số phân tích dữ liệu từ các lĩnh vực sau: kinh doanh, giáo dục, y tế và chính trị. 0 có nghĩa là bất bình đẳng hoàn toàn và 1 là bình đẳng hoàn toàn. Tổng điểm của Nhật Bản là 0,662. Hạng mục dành cho nữ lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh vẫn đang được cải thiện, đạt lần lượt là 0,081 và 0,595.

Xem thêm:  “Trần nhà thủy tinh”: rào cản thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ Nhật

Nghèo đói ở trẻ em (mục tiêu số 2)

Nhật Bản có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo thống kê, cứ 7 trẻ em (0 – 17 tuổi) sẽ có 1 trẻ sống trong tình trạng đói nghèo. Tỷ lệ nghèo tương đối được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm trẻ em sống trong gia đình (hoặc mồ côi) có thu nhập hộ gia đình thấp hơn 1/2 thu nhập khả dụng trung bình của cả nước. 
SDGs
Trẻ em mồ côi và nghèo đói ở trẻ là một vấn đề nhức nhối tại Nhật. Ảnh: Shutterstock

Một trong những giải pháp đang được Chính phủ đưa ra là Kodomo Shokudou (nhà ăn cho trẻ em). Đây là sáng kiến cung cấp các bữa ăn được chế biến từ nguyên liệu do những người ủng hộ đóng góp miễn phí hoặc với giá rất thấp. Dự án này không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm cung cấp cho trẻ em mà còn giúp các em không phải dùng bữa một mình.

Xem thêmBò Wagyu Ô liu quý hiếm được tạo ra nhờ triết lý Mottainai

kilala.vn

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
SDGs

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU