Sáng kiến tái chế cặn bia thủ công thành giấy tại Nhật

Bài: Rin
Feb 21, 2023

Nguồn: Kyodo

Bằng sự sáng tạo theo đúng tinh thần “Mottainai” (tránh lãng phí) của Nhật Bản, một công ty start-up đã biến lượng lớn cặn mạch nha bỏ đi sau quá trình sản xuất bia thủ công thành loại giấy tái chế đặc biệt. 

Trong bối cảnh có đa dạng các loại bia larger để lựa chọn, các tín đồ bia tại Nhật lại đang dần chuyển sang bia thủ công để tìm kiếm hương vị mới. Và nhu cầu về loại bia này tăng lên lại trở thành thách thức cho các nhà sản xuất bia quy mô nhỏ khi phải bỏ đi một lượng lớn cặn mạch nha sau quá trình làm bia.

Để giải quyết vấn đề này, start-up kitafuku tại Yokohama đã bắt đầu quy trình upcycling* bằng cách sử dụng cặn bia để làm ra giấy. Loại giấy mới lạ này đã được sử dụng ở nhiều hình thức khác nhau như in thực đơn, làm đế lót ly hay hộp đựng ly nước.

Cách đây 3 năm, khi nhu cầu về bia thủ công bắt đầu bùng nổ tại đất nước mặt trời mọc, Shoki Matsuzaka, 33 tuổi, Giám đốc điều hành của công ty kitafuku đã có cuộc gặp gỡ với một nhà sản xuất bia địa phương và nghe người này chia sẻ về nỗi lo lắng trước lượng lớn mạch nha dư thừa được tạo ra sau quá trình làm bia. Được thành lập vào năm 2019, kitafuku chuyên cung cấp giải pháp cho các vấn đề ở địa phương.

Shoki Matsuzaka
Shoki Matsuzaka (bên trái) đang cầm vé làm từ giấy tái chế và Kengo Saito (bên phải), thợ ủ bia trưởng của nhà sản xuất bia Number Nine. Ảnh: Kyodo

Trong khi nhiều nhà sản xuất bia lớn đã có sẵn thiết bị để sấy khô cặn bia làm thành thức ăn chăn nuôi, thì những nhà sản xuất bia nhỏ lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài và vất vả tìm kiếm các nông trại chấp nhận cặn bia làm thực phẩm hay phân bón. 

cặn bia
Cặn bia còn lại sau quá trình làm bia thủ công. Ảnh: Kyodo

Trong quá trình đi tìm giải pháp, Matsuzaka đã nghĩ ra ý tưởng biến cặn bia thành giấy khi thấy một đơn vị bán sỉ giấy tại tỉnh Nara nổi tiếng với việc sản xuất giấy tái chế từ lúa và cỏ. Do vậy, anh cho rằng quy trình cũng có thể áp dụng cho cặn bia. 

Kể từ tháng 12/2020, kitafuku đã thu thập khoảng 1.500kg cặn mạch nha miễn phí từ 8 nhà sản xuất bia và chế tạo thành hộp bìa cứng cùng các sản phẩm khác nhờ vào kỹ thuật cung cấp bởi đơn vị sản xuất giấy trên. 

Xem thêm: Lạc vào thế giới hương vị của bia Nhật

Hãng bia Number Nine tại Yokohama tạo ra hơn 200kg cặn mạch nha mỗi tuần, trung bình họ tiêu tốn khoảng 150.000 yên/tháng để xử lý cặn bia. Một nhân viên đảm trách công việc này chia sẻ rằng: “Thật là một khoản chi tiêu lãng phí”. 

Biết được quy trình cải tiến của kitafuku từ các nhà sản xuất bia khác, Number Nine hiện đang cung cấp cặn bia miễn phí cho kitafuku. Khoảng 300kg cặn bia đã được tái chế thành giấy làm thực đơn và nhiều vật dụng khác tại chuỗi cửa hàng của Number Nine. 

Kengo Saito
Kengo Saito đang cầm các sản phẩm giấy tái chế từ cặn bia thủ công. Ảnh: Kyodo 

Kengo Saito, 49 tuổi, thợ ủ bia trưởng tại Number Nine cũng đang sử dụng danh thiếp làm từ giấy bia và xem nó là “khởi đầu cho câu chuyện với khách hàng và đối tác kinh doanh”. 
Saito chia sẻ: “Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu sáng kiến đột phá này được lan tỏa khắp thế giới, giúp thành lập hệ thống ngăn cặn mạch nha bị lãng phí”. 

Một hiệp hội các nhà sản xuất bia thủ công tại tỉnh Shizuoka cũng đang lên kế hoạch vận chuyển bia đựng trong hộp bìa cứng làm từ loại giấy tái chế trên. Mặc dù giá cả của chúng đắt hơn hộp bìa cứng thông thường, nhưng hội trưởng Tetsuya Kataoka, 38 tuổi, cho biết: “Chúng tôi hy vọng nó sẽ mở đường cho việc sử dụng rộng rãi giấy làm từ bia thủ công”.

Tuy nhiên do khoảng cách địa lý giữa Yokohama với tỉnh Shizuoka nên hoạt động thu gom cặn bia của công ty kitafuku vẫn chưa được lan tỏa đến Shizuoka. “Chúng tôi sẽ rất vui nếu việc thu gom cặn bia này trở nên thường xuyên hơn thông qua sự gia tăng sử dụng các sản phẩm làm từ giấy bia thủ công”, Kataoka bộc bạch. 

*Upcycling được hiểu là giải pháp tái chế sáng tạo, biến rác thải thành vật liệu mới rồi từ đó chế tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn và thân thiện với môi trường.  

kilala.vn

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
SDGs

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU