Rượu gỗ: Hương vị núi rừng được kỳ vọng hồi sinh ngành lâm nghiệp
Bài: kirin
Jul 27, 2023
Nguồn: japan-forward.com
Đây là lần đầu tiên, gỗ từ những cây cổ thụ có tuổi thọ 100 năm được làm thành rượu. Loại đồ uống mới này được kỳ vọng sẽ trở thành chìa khóa để hồi sinh các làng lâm nghiệp và vùng núi của Nhật Bản.
Lịch sử của rượu bắt đầu từ 13.000 năm trước, và ngày nay, chúng ta chào đón một trang mới với sự xuất hiện của một loại rượu không được làm từ trái cây như vang, hay ngũ cốc như sake. Thành phần chính của nó tuy quen thuộc nhưng chưa bao giờ được sử dụng làm rượu, đó là cây gỗ lâu năm.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Rừng và Lâm sản (FFPRI) ở Tsukuba, tỉnh Ibaraki đã dành 6 năm thử nghiệm lên men rượu từ gỗ và hiện họ đã sẵn sàng để thương mại hóa.Tổng cộng, nhóm đã sản xuất bốn loại rượu từ gỗ tuyết tùng, bạch dương, sồi mizunara và kuromoji (một loài cây thuộc họ Nguyệt quế). Mỗi loại rượu gỗ lại có một mùi thơm và hương vị riêng biệt. Nhâm nhi từng ngụm rượu, có cảm giác như thể bên tai bạn là tiếng xào xạc của lá cây trong gió.
Mùi thơm và hương vị êm dịu của gỗ
Một bài báo về quá trình nghiên cứu và phát triển rượu gỗ đã được xuất bản vào năm 2020 trên một tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia, có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Nhóm nghiên cứu không gặp phải vấn đề gì đối với tất cả các loại rượu khi thử nghiệm tính an toàn. Tác giả bài báo, người đã có dịp nếm thử sản phẩm trên cho biết, rượu tuyết tùng mang lại cảm giác của cây lá kim, trong khi bạch dương có vị ngọt tinh tế. Rượu gỗ sồi có đặc tính tương tự như whisky còn rượu cây kuromoji lại sở hữu hương vị phong phú, khác biệt.
Tiến sĩ Yuichiro Otsuka, nhà nghiên cứu cấp cao của FFPRI cho biết: "Nếu phải mô tả rượu gỗ chỉ bằng một vài từ, tôi sẽ nói nó giống như thời gian thưởng rượu vậy".
Trong suốt hơn 100 năm sinh trưởng của cây, từ khi còn non cho đến khi bị đốn hạ, những cây cổ thụ tích lũy glucose dưới dạng cellulose trong các vòng sinh trưởng. Glucose được tổng hợp từ CO2 trong không khí và nước do rễ cây hấp thụ, thông qua quá trình quang hợp kéo dài hơn một thế kỷ.
Không giống như rượu vang truyền thống, càng để lâu giá trị càng tăng lên, rượu gỗ đã "già" ngay từ thời điểm nó được làm ra, nhờ vào tuổi của cây.
Cuộc trò chuyện với lịch sử
Tiến sĩ Otsuka cũng đề cập đến việc "giao tiếp với lịch sử thông qua rượu gỗ".
Không chỉ đơn giản là cảm nhận thời gian đã qua, không khí, nước đã ngấm sâu vào từng vòng tăng trưởng của gỗ từ cuối Mạc phủ cho đến thời Reiwa ở hiện tại. Có lẽ khi thưởng thức loại rượu gỗ này, người uống sẽ cảm thấy được gắn kết với những nhân vật lịch sử thời bấy giờ như Sakamoto Ryoma hay Saigo Takamori.
Rượu gỗ được tạo ra như thế nào?
Đáp án là bằng công nghệ nano.
Thành của các tế bào riêng lẻ tạo thành gỗ có chứa cellulose, và glucose được gắn vào đó ở trạng thái giống như chuỗi. Tuy nhiên, những thành tế bào này được hóa gỗ bởi một loại polymer cực kỳ cứng có tên là lignin.
Bước đầu tiên trong quá trình sản xuất là thêm nước vào gỗ đã được nghiền thành bột. Sau đó, tất cả được khuấy đều cùng với các hạt gốm được sử dụng trong công nghệ nano. Quá trình này được gọi là nghiền hạt kiểu ướt (WBM). Bột gỗ biến đổi thành các hạt mịn, mỏng hơn thành tế bào và giải phóng cellulose khỏi lignin.
Sau đó, cellulose được chuyển hóa thành glucose bằng cách sử dụng một loại enzyme. Kế tiếp, men sẽ kích hoạt quá trình lên men rượu, tạo ra rượu gỗ. Cuối cùng, phương pháp chưng cất chân không được áp dụng để tạo ra rượu gỗ chưng cất.
Từ một tấm gỗ tuyết tùng dày 10cm, dài 35cm sẽ có thể tạo ra 750ml rượu chưng cất có nồng độ cồn 35%.
Hồi sinh những ngôi làng miền núi
Mặc dù có nhiều lời chào mua kỹ thuật này từ nước ngoài, nhóm đã lịch sự từ chối tất cả. Họ đang nỗ lực nghiên cứu với niềm tin rằng sản phẩm rượu gỗ đầu tiên trên thế giới phải được sản xuất tại Nhật Bản, từ gỗ Nhật Bản.
FFPRI đã cống hiến hết mình để hoàn thiện công nghệ, nhưng sẽ không tham gia vào hoạt động kinh doanh. Thay vào đó, họ hy vọng các nhà máy rượu trong nước sẽ nỗ lực để đáp ứng những kỳ vọng đó.
Tiến sĩ Otsuka hình dung việc thành lập một doanh nghiệp mới về rượu gỗ sẽ kích thích nhu cầu về gỗ trong nước, thúc đẩy tăng trưởng trong ngành lâm nghiệp và hồi sinh các ngôi làng miền núi. Nó cũng mang đến một phương pháp mới để tiêu thụ lượng gỗ lớn bị chặt bỏ từ việc tỉa thưa rừng.
Một cơ sở thử nghiệm để sản xuất rượu gỗ hiện đang được xây dựng. Việc hoàn thành nó sẽ cho phép nghiên cứu hiệu quả hơn và đa dạng hóa các loại gỗ được sử dụng.
Các loại rượu với đa dạng nguồn gốc xuất xứ, thành phần sẽ được sinh ra từ sự kết hợp giữa những cánh rừng và nguồn nước của Nhật Bản.
kilala.vn
Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.