Quán ăn tại Nhật lao đao vì giá nguyên liệu tăng chóng mặt
Bài: Rin
Oct 12, 2021
Ảnh bìa: eatprayjade
Sau khi dỡ bỏ lệnh khẩn cấp và bán khẩn cấp tại toàn bộ 47 tỉnh thành trên cả nước, nhiều nhà hàng, quán ăn tại Nhật được mở cửa trở lại nhưng tiếp tục đối mặt với tình trạng giá nguyên liệu tăng cao.
Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, nhóm ngành nhà hàng, quán ăn tại Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Những tưởng sẽ "thấy được ánh sáng cuối con đườn hầm" sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ vào ngày 01/10, họ vẫn tiếp tục phải vật lộn với tình trạng giá nguyên liệu tăng chóng mặt nhưng lại không thể tăng giá bán vì khách hàng đã quen với mức giá hiện tại.
Hàng loạt nhà hàng, quán ăn lao đao
Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chuỗi nhà hàng bò cốt lết Gyukatsu Motomura thuộc công ty Five Group, có trụ sở ở Tokyo đã phải giảm số lượng chi nhánh hoạt động trong và ngoài nước từ 30 xuống còn 19. Không dừng lại ở đó, họ tiếp tục đối mặt với giá nguyên liệu tăng sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ. Anh Jun Sakaguchi, 41 tuổi, quản lý của chuỗi Gyukatsu Motomura ngậm ngùi chia sẻ: “Vậy là giá nguyên liệu sẽ tăng trở lại”. Kể từ khoảng tháng 2 năm nay, giá lưỡi bò hầu như đã luôn tăng, đến tháng 7, giá mua vào đã tăng gấp 1,8 lần so với tháng 2. Anh Sakaguchi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng giá món cốt lết lưỡi bò rất được yêu thích từ 1.600 yên (khoảng 322.000 VND) lên 1.800 yên (363.000 VND).
Mặc dù đã cố gắng xoay sở bằng cách tăng giá món ăn nhưng giá nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng thêm. Anh cho biết: “Chúng tôi không thể tăng giá thêm nữa”. Do vậy, công ty đã quyết định tạm ngưng phục vụ món cốt lết lưỡi bò. Anh Sakugachi chia sẻ: “Tôi hy vọng khách hàng quay lại với chuỗi nhà hàng vào khoảng tháng 12 nhưng thật khó khăn khi vấp phải sự tăng mạnh của giá nguyên liệu”.
Shinsui Furuya, 49 tuổi, quản lý một chi nhánh của cửa hàng gà rán karaage Torisho ở thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa chia sẻ họ cũng đang đối mặt với tình trạng giá đầu vào tăng vọt. Số lượng khách đã giảm từ 20% đến 30% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và để bù lại phần lợi nhuận bị mất, chi nhánh tập trung toàn lực vào dịch vụ giao hàng tận nhà. May mắn đã mỉm cười với cửa hàng khi doanh số gần như được khôi phục như bình thường. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu tăng nên tổng lợi nhuận được cho là đã giảm 10-20%.
Dầu ăn cũng có sự tăng giá khủng khiếp khi một
thùng 18 lít có giá khoảng 3.000 yên (600.000 VND) vào đầu năm thì giá
mới nhất đã cao hơn gấp 1,5 lần, dự kiến tiếp tục tăng cao hơn nữa trong
tháng 11. Không chỉ vậy, anh Furuya cho biết: “Sốt Mayonnaise, hộp đựng
thức ăn để mang đi, trứng, rau, tất cả mọi thứ đang tăng giá và tôi
thấy mệt mỏi vì điều đó”. Một thực tế phũ phàng đang diễn ra là các nhà
hàng, quán ăn lại không thể tăng giá bán mặc dù giá nguyên liệu tăng.
“Khách hàng đến với cửa hàng của chúng tôi vì mức giá hiện tại. Nếu tăng
giá, tôi e rằng cửa hàng sẽ trở lại tình trạng khách giảm đột ngột như
trong đại dịch COVID-19 thời gian trước đây”, anh cho hay.
Vì sao giá nguyên liệu đầu vào lại tăng?
Không chỉ nhóm ngành nhà hàng, quán ăn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng. Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, chỉ số giá hàng hoá doanh nghiệp (CGPI) dùng để đo lường về mức tăng, giảm giá cả của hàng hoá giữa các công ty, đã tăng khoảng 5% trong vài tháng qua so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng giá cả gia tăng diễn ra ở các mặt hàng khác nhau như thực phẩm (dầu ăn, thịt bò), các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ và than, nhựa, các sản phẩm hoá chất khác, kim loại, gỗ. Nhà máy hoá chất Sugino-gomu ở quận Katsushika, Tokyo, chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và cao su giảm rung cũng chịu ảnh hưởng khi giá cao su thô tăng mạnh. Ông Yukio Sugino, Chủ tịch của nhà máy nhận xét: “Phần lớn khách hàng không phản hồi lại đàm phán tăng giá”.
Nói về nguyên nhân của việc giá nguyên liệu tăng mạnh, ông Hideo Kumano, Trưởng Ban Kinh tế của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: “Trung Quốc, nơi dẫn đầu nguồn cung nguyên liệu đầu vào trên thế giới, đang chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, kéo theo giá nguyên liệu đầu vào nhìn chung cũng tăng ở Mỹ và các quốc gia khác”. Những nguyên nhân khác là do điều kiện khí hậu thất thường làm cho sản lượng thu hoạch giảm, cản trở nhiều hoạt động sản xuất trên khắp thế giới, cũng như khó khăn trong việc tiếp nhận nguồn lao động nước ngoài do đại dịch COVID-19.
Ông Tsuyoshi Ueno, chuyên viên kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI cho biết: “Ở Nhật Bản, tình trạng giảm phát đã diễn ra không ngừng trong một thời gian dài nên người tiêu dùng phản đối mạnh việc tăng giá. Do vậy, các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự nhận phần thua lỗ do giá nguyên liệu tăng mà không thể tăng giá bán”.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 27/9, Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nói rằng: “Dịch COVID-19 dự báo sẽ vượt qua đỉnh dịch sớm nhất trong năm nay và chậm nhất là đầu năm sau, từ đó sẽ dẫn tới việc gia tăng các hoạt động như vui chơi, giải trí, ăn uống. Khi đó, người tiêu dùng sẽ dễ chấp nhận việc tăng giá hơn”. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 9 bởi công ty Teikoku Databank Ltd., chỉ có 40% doanh nghiệp nhận định sẽ có sự tăng giá bán nhưng có tới khoảng 70% cho rằng một năm nữa, giá mua nguyên liệu đầu vào vẫn sẽ tăng. Đơn vị nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp rất thận trọng trong việc tăng giá trong bối cảnh không biết khi nào dịch COVID-19 mới được kiểm soát hoàn toàn.
kilala.vn