Osamu Matsuda: người lãnh đạo "huyền thoại" của hãng xe Suzuki

Bài: An ThủyMar 17, 2021

Osamu Suzuki chính là lãnh đạo nắm quyền dài nhất trong lịch sử ngành ô tô thế giới cho đến nay với hơn 60 găn bó với thương hiệu Suzuki Motor Corporation.

Suzuki Motor Corporation (Suzuki) là một tập đoàn cơ khí hàng đầu Nhật Bản với lịch sử hình thành hơn một trăm năm và nổi tiếng toàn thế giới với các dòng xe gắn máy, xe ô tô chất lượng. Góp công lớn vào sự bành trướng của hãng xe này chính là chủ tịch đương nhiệm Osamu Suzuki (鈴木 修), người đã 91 tuổi và sẽ chính thức rời ghế chủ tịch vào tháng 6/2021 tới đây. Trong suốt hơn 60 năm gắn bó đời mình với Suzuki, trong đó có hơn 40 năm làm lãnh đạo, những chính sách của ông đã đưa Suzuki trở thành một thương hiệu toàn cầu được nhiều người biết đến. 

Cuộc hôn nhân bước ngoặt và khởi đầu của một chuyên gia kinh doanh

Osamu Suzuki có tên khai sinh là Osamu Matsuda, sinh ngày 30/1/2930 ở tỉnh Gifu, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp đại học Chuo năm 1953, ông vào làm việc ở một ngân hàng địa phương. Về sau, ông cho rằng ngay từ thời này mình đã có phong cách làm việc của một “chủ nợ” chứ không phải nhân viên ngân hàng bình thường, bởi ông tạo những khoản vay với lãi suất lên đến 30%. Osamu Matsuda chính thức dấn thân vào giới kinh doanh sau cuộc hôn nhân sắp xếp với Shoko Suzuki – cháu gái người sáng lập Suzuki, ông Suzuki Michio. Gia đình Suzuki lúc này không có người thừa kế nam, nên ông Osamu đã đổi sang họ nhà vợ, trở thành Osamu Suzuki. 

osamu matsuda người lãnh đạo huyền thoại của hãng xe suzuki
Chủ tịch Osamu Suzuki hiện nay (Ảnh: Diamond.com)

Bắt đầu làm việc cho hãng Suzuki từ năm 1958, Osamu Suzuki trải qua nhiều vị trí quản lý các cấp rồi trở thành giám đốc vào năm 1963. Năm 1978, ông trở thành chủ tịch đời thứ tư của tập đoàn Suzuki và bắt đầu công cuộc biến Suzuki trở thành một hãng xe toàn cầu. Ngay từ thời điểm trở thành lãnh đạo, ông đã quyết chí phải đưa Suzuki lên vị trí số một. Osamu Suzuki quan điểm thay vì cạnh tranh với những ông lớn trong ngành ô tô ở Nhật, công ty sẽ tập trung sản xuất các loại xe cỡ nhỏ giá thành bình dân để nhắm vào thị trường các nước đang phát triển và đông dân. Chiến lược này thành công rực rỡ và đưa cái tên Suzuki vượt tầm quy mô thị trường nội địa để trở thành một thương hiệu toàn cầu. 

Sự bành trướng mạnh mẽ của Suzuki dưới thời Osamu Suzuki

Suzuki có khả năng ngoại giao tốt và chú trọng đến xây dựng nhiều mối quan hệ quốc tế, bao gồm cả với các cơ quan chính phủ. Ông di chuyển đến khắp các quốc gia Đông Dương và vùng lân cận để củng cố quan hệ và thành lập các nhà máy vệ tinh. Năm 1967, nhà máy tại Thái Lan được khánh thành, theo sau là nhà máy ở Indonesia (1974), Philippines (1975), Australia (1980) và Pakistan (1982). 

Một trong những dấu mốc quan trọng nhất là dự án hợp tác với Maruti Udyog thuộc quyền quản lý của chính phủ Ấn Độ vào năm 1982 để cho ra đời dòng xe Maruti Suzuki. Tính từ năm 1983 cho đến năm 1994, chỉ trong vòng 11 năm, dòng xe này đã đạt ngưỡng sản xuất ra 1.000.000 chiếc, và 11 năm tiếp theo đó, con số này đã tăng gấp 5 lần. Maruti Suzuki được xuất khẩu đi nhiều quốc gia Âu lẫn Á. Việc đầu tư vào Ấn Độ được đánh giá là một trong những thương vụ thành công nhất trong lịch sử hãng Suzuki. 

Osamu Matsuda: người lãnh đạo
Đoàn Suzuki đến Ấn Độ vào năm 1982, đánh dấu một thương vụ lịch sử. Ảnh: Global Suzuki.
Osamu Matsuda: người lãnh đạo
Ông Osamu Suzuki và Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi bên cạnh chiếc Maruti Suzuki. Ảnh: financialexpress.

Trong những năm đầu thập niên 80, thương hiệu Suzuki tiến vào châu Âu và Bắc Mỹ nhờ thành lập liên minh với hãng xe Mỹ General Motors. Trước khi bước vào thập niên 90, nó đã “vươn tay” đến New Zealand và Canada và trong những năm cuối thế kỷ XX bành trướng sang Hàn Quốc, Ai Cập, Hungary và Việt Nam. Bước vào những năm đầu thập niên 2000, Suzuki đã mở 60 cơ sở sản xuất ở 31 quốc gia và xe của hãng đã xuất đến 190 quốc gia trên thế giới. Năm 2004, Suzuki chính thức vươn lên vị trí đứng đầu trong mảng sản xuất ô tô cỡ nhỏ, còn trong lĩnh vực xe máy cũng chỉ đứng thứ 3 sau Honda và Yamaha. Năm 2016, thương hiệu này đứng thứ 10 toàn thế giới về sản lượng xe bán ra.

Osamu Matsuda: người lãnh đạo
Suzuki trong buổi ký kết hợp tác với General Motors. Ảnh: Chunichi. 
Osamu Matsuda: người lãnh đạo
Năm 1990, Suzuki Motor Co., Ltd. đổi tên thành Suzuki Motor Corporation. Ảnh: Global Suzuki.

Những chiếc xe cỡ nhỏ với giá bình dân của Suzuki bán chạy ở các khu vực mục tiêu vì chúng không chỉ có giá phải chăng mà còn tiết kiệm nhiên liệu. Ở những nơi mà thu nhập bình quân chỉ tính bằng vài trăm USD, xe của Suzuki là lựa chọn phù hợp nhất. Nhờ tầm nhìn độc đáo, Suzuki đã đi trước nhiều hãng xe, và khi các ông lớn khác cũng thử chen chân vào thị trường các nước đang phát triển, xe của họ khó mà cạnh tranh với thương hiệu này. “Tôi không nghĩ có hãng nào giỏi sản xuất xe giá rẻ bằng Suzuki, và mọi thứ khởi đầu nhờ sự lãnh đạo của Osamu” là lời nhận xét của chủ tịch Wagoner từ General Motors - hãng liên minh giúp Suzuki tiến vào Bắc Mỹ - dành cho nhà kinh doanh thông minh từ Nhật Bản. 

Osamu Matsuda: người lãnh đạo
“Nhỏ hơn, ít hơn, nhẹ hơn, ngắn hơn, gọn hơn” là tôn chỉ sản xuất của Suzuki. Ảnh: Global Suzuki.

Trong thời đại toàn cầu hoá mạnh mẽ, Osamu Suzuki dẫn dắt Suzuki tham gia liên minh với nhiều hãng xe toàn cầu, đơn cử có General Motors, Volkswagen (2009-2011), Chongqing Changan (từ 1995) và trong năm 2016 thì ký thỏa thuận góp vốn với Toyota. Các xe Suzuki được sản xuất tại nhà máy Derbyshire của Toyota, ngoài ra Toyota còn sản xuất các dòng xe lai gắn mác Suzuki. Việc hợp tác giúp cả hai bên cùng tiết kiệm chi phí và kết hợp công nghệ mà vẫn cạnh tranh công bằng. 

Osamu Matsuda: người lãnh đạo
Năm Suzuki 2016, tuyên bố hợp tác với Toyota, khiến thị trường ô tô Nhật Bản "dậy sóng". Ảnh: Forbes.

Phương châm tiết kiệm tuyệt đối và làm việc không ngừng nghỉ

Tập trung sản xuất xe giá thành bình dân nhưng Suzuki vẫn có lãi nhờ vào chính sách tiết kiệm và quản lý tài chính gắt gao của Suzuki Osamu. Ông luôn luôn nghiên cứu mọi cách để giảm chi phí sản xuất tới mức tối đa. Ông đích thân thăm các nhà máy mỗi năm để kiểm tra và đề xuất các phương án tiết kiệm. Một ví dụ nổi tiếng là Osamu Suzuki từng đến thăm một nhà máy trong 3 ngày và đưa ra 215 phương án tiết kiệm, trong đó có tắt đi 1.900 bóng đèn trong tổng số 18.000 bóng và tiết kiệm được 40.000 USD mỗi năm, giảm tải cả bộ phận tiếp tân vì cho rằng không quá cần thiết và thay vào đó là các bảng chỉ dẫn rất chi tiết để khách đến có thể tự tìm người mình muốn gặp. 

Suzuki Osamu khắt khe cả trong việc quản lý hoạt động của nhân viên. Nhân viên của Suzuki đi từ các nhà máy địa phương đến Tokyo được yêu cầu không mua vé Shinkansen một chặng mà phải mua vé dừng nghỉ ở các trạm địa phương, tiết kiệm 2 USD trên tổng 60 USD kinh phí. Còn trong sản xuất, ông điều chỉnh thiết kế phụ tùng ô tô sao cho giống với các hãng đối thủ để có thể dễ mua phụ tùng từ các nhà cung cấp. “Tiết kiệm đến từng yên” là phương châm sản xuất và quản lý của Osamu Suzuki. 

Osamu Matsuda: người lãnh đạo
Osamu Suzuki và phương châm tiết kiệm đến từng yên. Ảnh: Newswitch.jp.

Sau khoảng 2 thập kỷ ngồi ghế CEO kiêm chủ tịch, Osamu Suzuki thôi làm CEO vào năm 2000 nhưng vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị đến nay. Nhiều người đã khuyên ông nghỉ hưu, nhưng ông luôn từ chối vì với ông làm việc là chiến đấu, và ông muốn chết trong cuộc chiến ấy bởi “con người sẽ chết vào lúc từ bỏ công việc”. Cuối cùng, Osamu Suzuki cũng quyết định “nghỉ hưu” ở tuổi 91 vào tháng 6/2021. Ông phủ nhận các suy đoán về sức khoẻ và cho biết mình đánh gôn những 47 lần trong năm qua, thể trạng vẫn rất ổn định. Với hơn 40 năm dẫn dắt Suzuki, Osamu Suzuki trở thành lãnh đạo nắm quyền dài nhất trong lịch sử ngành ô tô thế giới đến nay. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU