Nuôi côn trùng ăn được sẽ trở thành giải pháp tương lai cho vấn đề khủng hoảng lương thực khi dân số thế giới ngày càng gia tăng?
Ban đầu, côn trùng được nuôi để trở thành một món ăn độc lạ trên bàn ăn, nhưng hiện nay, tại Nhật Bản, ngành chăn nuôi côn trùng đang dần có sự chuyển mình, thu hút nhiều doanh nghiệp nhảy vào khi xã hội đang tìm kiếm một nguồn thực phẩm bền vững.
Ngành chăn nuôi nuôi côn trùng mới nổi ở Nhật
Với
công ty Taiyo Green Energy Co. chuyên sản xuất điện từ năng lượng mặt
trời và trồng rau nhà kính, nuôi dế là dự án tương đối mới nhưng không
nằm ngoài chuyên môn của họ. Công ty đã bắt đầu nuôi dế ăn được vào năm
2017 và bán ra thị trường vào năm 2018.
Fumihiko Kojin, Chủ tịch của Taiyo Green Energy Co. cho biết: “Chúng tôi đang tìm cách sản xuất nguồn lương thực bền vững tại Nhật Bản”.
Một trong những lý do đằng sau sự gia tăng số lượng doanh nghiệp Nhật tham gia vào thị trường nuôi côn trùng ăn được là vì các loài bọ đang ngày càng được quan tâm như một nguồn thực phẩm bền vững.
Xu hướng
nuôi côn trùng ăn được có xuất phát điểm là “món ăn đặc biệt” trên bàn
ăn, nhưng hiện đang thú hút sự chú ý bởi chi phí môi trường (các chi phí
gắn với thiệt hại môi trường và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp)
thấp hơn so với các ngành chăn nuôi hiện tại.
Chúng phù hợp
với 3 mục tiêu phát triển bền vững SDGs của Liên Hợp Quốc, gồm mục tiêu
số 2 “Xóa đói”, mục tiêu số 12 “Tiêu dùng và Sản xuất có trách nhiệm”
và mục tiêu số 13 “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Theo Ryota Mitsuhashi, nhân viên phát triển sản phẩm của nhà bán lẻ côn trùng ăn được Takeo có trụ sở tại Tokyo, gần đây có rất nhiều công ty Nhật Bản gia nhập vào lĩnh vực nuôi côn trùng: “Theo như tôi được biết, có ít nhất 26 doanh nghiệp, bao gồm cả những đơn vị đang lên kế hoạch triển khai, hoạt động trong ngành chăn nuôi dế. Ngoài ra một số doanh nghiệp khác cũng đang nuôi tằm và ấu trùng ruồi”.
Takeo đã bắt đầu bán côn trùng được chăn nuôi nội địa vào năm 2019 và hiện tại, các sản phẩm côn trùng từ 9 nông trại của doanh nghiệp đã có mặt trên thị trường. Trong năm 2019, đơn vị này cũng đã bắt đầu nuôi châu chấu và tham gia vào một chương trình nghiên cứu hợp tác với Đại học Hirosaki vào năm 2020.
Ấu trùng dế, tằm và ruồi lính đen đang dần trở thành món ăn được ưa chuộng ngày nay. Côn trùng giờ có thể thay thế thịt bò, thịt heo và các loại thịt khác, mà dự kiến sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung trong tương lai do sự gia tăng dân số.
Ưu điểm chính của việc nuôi côn trùng ăn được là chúng tác động rất nhỏ đến môi trường xung quanh. Côn trùng có thể được nuôi một cách hiệu quả trong khi sử dụng lượng thức ăn, nước uống và năng lượng ít hơn so với các gia súc như trâu, bò và lợn. Hơn nữa, hàm lượng protein của côn trùng cũng tương đương với thịt động vật.
Tại Nhật Bản, côn trùng được nuôi đa số là dế. Nông dân sẽ đông lạnh dế rồi cung cấp cho các nhà bán lẻ để họ tiến hành luộc, sấy khô làm thức ăn nhẹ. Đôi khi, các nhà sản xuất côn trùng còn tự mình làm tất cả các công đoạn chế biến từ sấy khô đến nghiền bột. Do vậy, họ có thể sử dụng các nguyên liệu thô này để làm đồ ăn nhẹ cho thương hiệu của họ.
Xem thêm: Nước tương làm từ loài dế độc đáo tại tỉnh Aichi
Takahito Watanabe, trợ lý giáo sư về phát triển sinh học chuyên nghiên cứu về dế ở Đại học Tokushima cũng đã thành lập một công ty start-up mang tên Gryllus Inc. tại tỉnh Tokushima vào năm 2019. Gryllus tiến hành nuôi dế ở xưởng trong các hộp đựng quần áo bằng nhựa và việc nuôi dế mất khoảng 1 tháng.
Công
ty start-up này cũng đã tự trang bị một hệ thống sản xuất tích hợp để
có thể tự sấy khô dế và tán thành bột. Cuối năm 2020, Gryllus còn phát
triển một phương pháp chăn nuôi tự động cung cấp thức ăn và nước, giúp
cho việc nuôi dế ít tốn công sức hơn.
Vào cuối mùa hè năm 2021, Gryllus đã thay thế toàn bộ thức ăn dành cho dế bằng cám lúa mì và thực phẩm dư thừa bị bỏ đi trong nước.
Ông Watanabe chia sẻ: “Côn trùng không chỉ là thức ăn được tiêu thụ bởi một nhóm thực khách nhất định, mà còn là nguồn protein mới thân thiện với môi trường. Sử dụng thực phẩm nội địa bị bỏ đi làm thức ăn chăn nuôi là điều cực kỳ quan trọng vì nó tạo ra một vòng tròn tái sử dụng”.
Cần thiết lập quy chuẩn an toàn trong ngành nuôi côn trùng
Trong khi ngành nuôi côn trùng ngày càng phổ biến tại Nhật Bản, các quy chuẩn về vệ sinh an toàn vẫn chưa được đưa ra một cách rõ ràng. Hiện tại, quan chức và các chuyên gia rất khó để nắm được tổng thể ngành kinh doanh mới nổi này, chẳng hạn như người nông dân cho côn trùng ăn trong điều kiện nào và loại thức ăn là gì.
Một nhóm từ Hội đồng Đối tác Công – Tư về Công nghệ thực phẩm do Bộ Nông nghiệp Nhật Bản thành lập vào năm 2020 đang lên kế hoạch đưa ra các quy định cho ngành nông nghiệp còn non trẻ này.
Khi các quy tắc được đưa ra, chúng sẽ đóng vai trò dẫn đường cho cả khu vực công và tư nhân đang phát triển trong lĩnh vực nuôi côn trùng. Mặc dù không bị ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng điều này phần nào giúp người tiêu dùng an tâm khi tiêu thụ côn trùng.
Yasuhiro Fujitani, người đứng đầu nhóm, cũng là nhân viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Môi trường, Nông nghiệp và Thủy sản tỉnh Osaka cho biết: “Vấn đề an toàn sẽ được đảm bảo bằng phương pháp chăn nuôi côn trùng thích hợp dựa trên các nghiên cứu khoa học. Chúng tôi sẽ xác định rõ các thách thức cần phải vượt qua”.
Nhóm trên bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và cả chuyên gia của các tập đoàn liên quan đến việc chăn nuôi và
kinh doanh côn trùng.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp cũng sẽ xác nhận lại bộ quy tắc mà nhóm đề xuất để xem xét có phù hợp với luật hiện hành hay không.
Yoshiki Matsumoto, Phó giáo sư về Kỹ thuật chăn nuôi tại
Đại học Kagawa, một thành viên của nhóm cho biết: “Các biện pháp để
đối phó với bệnh truyền nhiễm ở côn trùng cũng sẽ được đưa ra giống như
các biện pháp phòng ngừa được thực hiện trong chăn nuôi gia súc."
"Đảm bảo an toàn về nguồn thức ăn cho côn trùng là rất quan trọng. Văn hóa ăn côn trùng đã được hình thành ở Nhật Bản từ lâu, vì vậy những kiến thức đã có sẽ rất có ích”.
Dân số thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7,7 tỷ người hiện nay lên 9,1 - 9,7 tỷ người vào năm 2050. Đảm bảo lương thực cho thêm 2 tỷ người trong 30 năm nữa là một vấn đề nan giải; nghiên cứu cho thấy tổng sản lượng lương thực cần phải tăng hơn 70%.
Rõ ràng cần phải có một sự thay đổi sáng tạo trong sản xuất thực phẩm hoặc mô hình tiêu thụ thực phẩm, hoặc thậm chí cả hai. Vì vậy, dường như không có trở ngại nào có thể ngăn chặn sự lan rộng của mô hình chăn nuôi côn trùng trên toàn thế giới, và côn trùng sẽ thành một xu hướng thực phẩm tiếp theo.
Với
việc phát triển mạnh mẽ ngành chăn nuôi côn trùng ăn được tại Nhật Bản, loại
thực phẩm bền vững mới đang dần hiện diện trong đời sống của người dân
Nhật, hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững SDGs mà Liên Hiệp Quốc
đưa ra.
Xem thêm: SDGs: “Kim chỉ nam” cho sự phát triển bền vững trong tương lai của Nhật Bản
kilala.vn