Nhật Bản phát triển trang phục robot cho người hành hương
Bài: Rin
Jan 11, 2022
Nguồn: asahi.com
Nhằm hỗ trợ những người hành hương di chuyển trên các địa hình khắc nghiệt dễ dàng hơn, một bộ quần áo robot mang tên Walk Mate đã được phát triển và đưa vào thử nghiệm.
Từ năm 2018, bộ trang phục do Viện Công nghệ Tokyo phát triển này từng được sử dụng tại các trung tâm y tế và một số cơ sở khác để phục vụ việc trị liệu vật lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nó được thử nghiệm ở ngoài trời, dành cho những người hành hương.
Vào giữa tháng 12/2021, cuộc thử nghiệm trang phục robot Walk Mate đã được tiến hành bởi những người hành hương trên con đường dốc nối chùa Mandaraji và chùa Shusshakaji, thuộc thành phố Zentsuji, tỉnh Kagawa. Đây lần lượt là địa điểm linh thiêng thứ 72 và 73 thuộc tuyến đường hành hương “Shikoku Henro” (四国遍路) ở vùng Shikoku.
Chuyến hành hương theo chân nhà sư Kukai (774 – 835), hay còn được biết đến với tên gọi Koubou Daishi, người sáng lập ra môn phái Phật giáo Shingon (Chân Ngôn Tông) ở Nhật Bản. Tuyến hành hương nổi tiếng này dài khoảng 1.400km, đi qua 88 ngôi chùa. Sau khi hoàn thành, du khách sẽ đi qua được 4 tỉnh của vùng Shikoku là Tokushima, Kochi, Ehime và Kagawa.
Tham gia thử nghiệm là một cặp vợ chồng, người chồng ở độ tuổi 60 và người vợ ở độ tuổi 50, cả hai đã cùng mặc trang phục robot Walk Mate để leo lên con đường dốc cao 500m. Họ được gắn một thiết bị điều khiển ở lưng cùng động cơ ở vai và eo. Cùng với bộ đồ robot hiện đại, cả hai đã không quên đội chiếc nón rơm truyền thống.
Nhờ vào Walk Mate, người chồng đã leo dốc một cách dễ dàng trong tiếng động cơ mượt mà, thu hút sự chú ý lẫn ngạc nhiên từ đoàn quay phim đi cùng. Một nhân viên quay phim đã cảm thán rằng: “Cảnh quay thật tuyệt và trông giống như một cảnh trong bộ phim RoboCop (Cảnh sát người máy) năm 2014 của Mỹ".
Sau khi kết thúc thử nghiệm, người vợ đã gọi Walk Mate là công nghệ của sự diệu kỳ: “Tôi đã rất lo lắng về việc đầu gối chân phải của mình bị yếu, nhưng tôi đã có thể đi bộ giống như những người khỏe mạnh khác”.
Người chồng cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và cảm phục công nghệ đỉnh cao này: “Tôi có thể bước từng bước nhịp nhàng mà không bị hụt hơi nhờ vào năng lượng của máy”.
Theo Yoshihiro Miyake, Giáo sư Vật lý sinh học tại Viện Công nghệ Tokyo, nơi đã phát triển nên Walk Mate, cho biết nó có thể đồng bộ với tốc độ di chuyển và tư thế vận động của người mặc, tăng sức mạnh cho tay chân của họ.
Miyake cho biết thêm: “Khi đi cùng với những người khác, chúng ta vô tình cố gắng bước đi với tốc độ của người bạn đồng hành. Đây cũng là ý tưởng làm nên bộ đồ robot Walk Mate”.
Nói về việc tuyến đường hành hương Shikoku Henro được chọn làm địa điểm thử nghiệm đầu tiên, ông Miyake bật mí rằng nó liên quan đến từ “同行二人 – Dogyo Ninin”, nghĩa là “đồng hành cùng nhau”. Đây là triết lý, câu thần chú của chuyến hành hương Shikoku Henro, mang ý nghĩa là nhà sư Kukai sẽ đồng hành cùng người hành hương đến bất kỳ ngôi chùa nào mà họ viếng thăm.
Ông Miyake cho biết: “Bộ đồ robot giúp cho người dùng tiến về phía trước theo tốc độ của họ. Tôi hy vọng người mặc cảm thấy như họ đang đồng hành cùng vị sư đáng kính Kukai trên tuyến Shikoku Henro."
Theo truyền thống, những người hành hương sẽ mặc áo choàng trắng, đội nón lá và chống một chiếc gậy trắng. Do vậy, có thể một số tín đồ Phật giáo sẽ lo lắng liệu các ngôi đền có chấp nhận một bộ đồ robot như vậy không. Tuy nhiên, chúng đã được Zentsuji, ngôi chùa do nhà sư Kukai lập nên, công nhận là “robot Dogyo Ninin” chính thức.
Chijun Suga, trụ trì chùa Zentsuji chia sẻ: “Nhà sư Kukai được cho là trú ngụ bên trong cây gậy của những người hành hương trên tuyến đường Henro. Trang phục robot này cũng chỉ là phiên bản công nghệ hiện đại của cây gậy chống mà thôi”.
Sau khi cuộc thử nghiệm Walk Mate kết thúc, ông Suga đã dán dòng chữ “Dogyo Ninin” lên bộ trang phục, giống với truyền thống viết cụm từ này lên khăn đội đầu hay các vật dụng khác của người hành hương trên tuyến đường Shikoku Henro.
Xem thêm: Kumano Kodo: Di sản văn hóa linh thiêng trên núi Kii
Tham gia đồng hành hỗ trợ thiết kế và thử nghiệm Walk Mate còn có sự góp mặt của hãng hàng không All Nippon Airways. Hãng cũng đang xem xét quảng bá các tour du lịch trên tuyến Shikoku Henro có sự hỗ trợ của các bộ đồ robot như Walk Mate nhằm giúp người có chân yếu dễ dàng đi du lịch trong tương lai.
kilala.vn