Nhật Bản phát triển công nghệ theo dõi cảm xúc và sức khỏe thú cưng

Bài: Happy
Aug 17, 2022

Nguồn: The Mainichi
Ảnh: The Mainichi

Hiện nay ở Nhật Bản, các công ty đang tiến hành phát triển những thiết bị tiên tiến để đọc cảm xúc của động vật và nắm bắt trạng thái sức khỏe của chúng.

Vào tháng 4 năm nay, Unicharm, tập đoàn sản xuất sản phẩm vệ sinh hàng đầu có trụ sở tại Tokyo đã tuyên bố thiết lập liên minh về vốn và kinh doanh với công ty khởi nghiệp công nghệ  Rabo Inc., cũng ở Tokyo.

chăm sóc chó mèo
Ảnh: ASPCA

Unicharm là nhà sản xuất đồ dùng cho thú cưng chiếm thị phần lớn nhất tại Nhật Bản. Ông Takahisa Takahara, chủ tịch Unicharm, bộc bạch: "Sự hợp tác sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số về lĩnh vực chăm sóc thú cưng. Chúng tôi cũng muốn đóng góp vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Rabo."

chủ tịch unicharm
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Unicharm. Ảnh: unicharm.co.jp

Công ty Rabo được thành lập vào năm 2018 bởi Yukiko Iyo, 41 tuổi, người đã nghiên cứu sinh thái động vật, chương trình sau đại học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hàng hải Tokyo. 

Năm 2019, Rabo đã ra mắt "Catlog", một thiết bị đeo cho phép chủ nuôi theo dõi chuyển động của mèo trên điện thoại thông minh thông qua trình ghi dữ liệu gắn trên thiết bị. Thiết bị này trực quan hóa tình trạng sức khỏe của mèo bằng cách thu thập dữ liệu về bảy loại hoạt động của chúng, bao gồm chạy, ăn và ngủ.

thiết bị theo dõi chuyển động của mèo
"Catlog", một thiết bị đeo theo dõi chuyển động của mèo

Tháng 8 năm 2021, Rabo từng tung ra "Catlog Board", được đặt dưới hộp vệ sinh của mèo để ghi lại số lần chúng sử dụng hộp vệ sinh và số lượng chất thải. 

Công ty này cũng tiến hành chiến dịch Catlog Board phối hợp với hộp vệ sinh hai tầng "Deo Toilet" của Unicharm vào tháng 11 năm ngoái, tiền đề cho sự liên minh vốn và kinh doanh gần đây giữa đôi bên. 

Takeshi Ikegami (46 tuổi), quản lý cấp cao của Unicharm, người đã tham gia phát triển Deo Toilet cho biết, Unicharm muốn sử dụng công nghệ để phát triển các sản phẩm mới liên quan đến thực phẩm và kiểm tra sức khỏe..

Tháng 1 vừa qua, Rabo lần đầu tiên có gian hàng tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (một trong những hội chợ thương mại công nghệ tiêu dùng lớn nhất thế giới) được tổ chức hàng năm tại Las Vegas. 

Ở đó, Rabo đã được các công ty công nghệ địa phương tiếp cận. Họ đã nhận được khoản tài trợ trị giá 1,32 tỷ yên (gần 10 triệu USD) sau một thỏa thuận cổ phần với bên thứ ba, trong đó cổ phiếu Rabo được phân bổ cho Unicharm và năm công ty liên doanh.

Iyo, nhà sáng lập Rabo nói: “Trên thế giới, có khoảng 600 triệu con mèo sống chung với con người. Chúng tôi muốn mở rộng sản phẩm của mình trên toàn cầu bằng cách cung cấp ứng dụng với nhiều ngôn ngữ và thông qua các phương tiện khác để mèo trên toàn thế giới có thể sống khỏe mạnh".

người sáng lập rabo
Yukiko Iyo, nhà sáng lập Rabo.

Năm 2017, Langualess, một công ty khác cũng có trụ sở tại Tokyo đã phát hành sản phẩm "Inupathy". Sản phẩm này dùng để đeo cho chó và có thể phân tích nhịp tim của chúng để chỉ ra năm cảm xúc theo màu sắc, bao gồm hạnh phúc và lo lắng. 

inupathy thiết bị theo dõi cảm xúc của chó
"Inupathy" - thiết bị theo dõi cảm xúc của chó.

Nhịp tim của chó có thể đo chính xác ngay cả khi thiết bị được gắn trên lông, nhờ vào công nghệ kỹ thuật số và chiếc mic đặc biệt. Thuật toán phân tích tức thời cảm xúc của chó từ sóng điện tâm đồ là công nghệ đầu tiên trên thế giới được cấp bằng sáng chế.

Kana Yamairibata (37 tuổi), Chủ tịch Langualess chia sẻ: "Vì chúng ta không thể trò chuyện với thú cưng, nên rất khó để hiểu được chúng trong khi thú nuôi cũng có những tính cách khác nhau. Thấu hiểu được cảm xúc và cung cấp dữ liệu, góp phần vào chăm sóc sức khỏe của chúng là một niềm vui”.

chủ tịch kana yamairibata
Kana Yamairibata, Chủ tịch Langualess 

Theo ước tính được công bố vào năm 2019 bởi Yano Research Institute Ltd., thị trường công nghệ về vật nuôi nội địa đứng ở mức 230 triệu yên (khoảng 1,7 triệu USD) trong năm tài chính 2017, đã tăng lên 740 triệu yên (5,6 triệu USD) chỉ trong một năm. 

Sau khi Luật phúc lợi và quản lý động vật được sửa đổi có hiệu lực vào tháng 6 năm nay, bắt buộc chủ sở hữu vật nuôi phải cấy vi mạch vào chó, mèo, quy mô thị trường ước tính sẽ tăng lên 5,03 tỷ yên (khoảng 38 triệu USD) vào năm tài chính 2023.

Xem thêm: Bắt buộc cấy vi mạch cho chó mèo tại Nhật từ ngày 1/6

Nhận xét xu hướng công nghệ dành cho thú nuôi, Yamairibata nói rằng, ở Hoa Kỳ, chó thường có kích thước lớn nhưng ở đây cũng có sân vườn rộng, điều quan trọng là nhờ vào sức mạnh của công nghệ , vật nuôi được sống một cuộc sống tự do và hợp lí. 

Trong khi đó, ở Nhật, những vật nuôi nhỏ có xu hướng được nuôi trong nhà. Do tác động của COVID-19, người ta bắt đầu chú trọng đến công nghệ cho vật nuôi trong gia đình. Cô nhận định công nghệ cho vật nuôi vẫn đang ở thời kỳ bình minh, lĩnh vực này vẫn còn là “đại dương xanh” còn nhiều chỗ để khai thác và phát triển”.

Xem thêm: Nhật ra mắt thức ăn làm từ đậu nành dành cho thú cưng

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU