Nhật Bản nghiên cứu trà bền vững từ phân của sâu bướm

Bài: Rin
Feb 15, 2022

Nguồn: mainichi.jp

Nhóm sinh viên cao học tại Đại học Kyoto, Nhật Bản đã nghiên cứu ra loại trà mới từ phân của ấu trùng (sâu bướm), mang đến một bước tiến mới cho ngành trà của Nhật, vốn được ưa chuộng trên thế giới. 

Takeshi Maruoka, học viên cao học năm 2 khóa Thạc sĩ về Nông nghiệp tại Đại học Kyoto đã cùng nhóm của mình thử nghiệm và tạo ra loại trà Chongshima mới từ các loại côn trùng và lá cây bản địa.

Chongshicha nghĩa đen là “trà phân côn trùng”, là loại trà truyền thống được tiêu thụ ở một số khu vực của Trung Quốc. Trong đó, trà làm từ phân của ấu trùng bướm đêm được cho ăn một số loại lá cây nhất định là loại được đánh giá rất cao.

Nhiều lần thử nghiệm

Vì hương vị và mùi thơm của Chongshicha thay đổi tùy theo loại côn trùng và loại lá dùng làm thức ăn, nên Takeshi Maruoka cùng nhóm của mình đã thử 40 cách kết hợp khác nhau và phân tích kết quả thu được để tìm ra loại có hương vị thơm ngon nhất.
trà chongshicha từ phân của côn trùng
Trà Chongshicha của nhóm Maruoka được làm ra bằng cách cho ấu trùng ăn lá cây. Ảnh: mainichi.jp

Nhóm đã thử nghiệm với khoảng 20 loài côn trùng, gồm cả bướm Papilio xuthus và hạt từ 17 loại thực vật, bao gồm ngô, cam Mikan của Nhật Bản.

Khoảng nửa năm sau, họ đã tìm ra được 2 loại trà Chongshicha cho hương vị thơm ngon nhất. Đầu tiên là loại trà từ phân của ấu trùng sâu bướm đêm gypsy ăn lá táo, cho hương vị khá dễ chịu. 

Loại trà thứ hai được tạo ra bằng cách cho bướm đêm Lobster ăn lá cây sồi xanh Nhật Bản, kết quả thu được rất khả quan khi loại trà thứ hai này có mùi vị giống với loại trà Chongshicha cao cấp của Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, Maruoka cũng cho biết trà Chongshicha kết hợp ấu trùng bướm đêm gypsy và lá cây hoa anh đào cũng cho mùi thơm và hương vị tựa như trà đen.

Anh chia sẻ: “Trà Chongshicha từ lá cây anh đào hoặc lá cây táo có mùi thơm của trái cây. Chúng cũng tốt cho sức khỏe, và vì không cần phải sử dụng nhiệt trong quá trình sản xuất nên chúng cũng tốt cho môi trường”.

Loại trà bền vững với hương vị hảo hạng

Theo phân tích hóa học về trà Chongshicha, tùy vào sự kết hợp giữa côn trùng với các loại lá mà trà mang một lượng lớn các thành phần như coumarin, geraniol và theanine có trong các hương liệu hóa học giúp mang đến hương vị đậm đà, cùng chất polyphenol với đặc tính chống oxy hóa.

Thêm vào đó, quá trình tiêu hóa lá cây của ấu trùng cũng giúp tăng hương vị và tạo ra lợi khuẩn. 

takeshi maruoka
Anh Maruoka cùng nhóm đã tiến hành 40 cách kết hợp để tìm ra loại trà Chongshicha ngon nhất. Ảnh: mainichi.jp

Quá trình sản xuất trà Sencha đang được tiêu thụ rộng rãi tại Nhật Bản gồm bước hấp và sấy khô lá trà bằng khí nóng. Nhưng với Chongshicha, phân của ấu trùng được làm khô tự nhiên và để uống được loại trà này, tất cả những gì cần làm là loại bỏ bớt các tạp chất và cho nước nóng vào là đã có thể thưởng thức. 

Lá của cây hoa anh đào và cây táo về cơ bản không chứa chất caffein, do vậy, loại trà Chongshicha làm từ hai loại lá này có thể trở thành trà decaf không caffein. 

17 mục tiêu SDGs 4
Bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs. 

Tìm đầu ra cho loại trà đặc biệt

Maruoka chia sẻ quan điểm: “Tôi nghĩ nhiều người sẽ tránh xa và nghĩ rằng thật “thô thiển” khi nói đến trà làm từ phân côn trùng, nhưng chúng tôi sử dụng các loại thực vật và côn trùng không có tiền sử gây độc cho con người và chúng cũng chỉ ăn lá nên phân không hề bẩn”. 

Anh Maruoka nói thêm: “Chúng cũng rất phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững SDGs của Liên Hiệp quốc vì tất cả đều chỉ dựa vào sự kết hợp giữa côn trùng với lá cây, điều này cũng đồng nghĩa với tiềm năng phát triển vô tận. Tôi mong rằng mọi người có thể thử nó ít nhất một lần trong đời”. 

Hiện tại, Maruoka và nhóm đang tìm kiếm đối tác doanh nghiệp để biến loại trà này thành sản phẩm thương mại. Nếu doanh nghiệp quan tâm đến loại trà này có thể liên hệ với anh Maruoka qua địa chỉ email maruoka.tsuyoshi.82n@st.kyoto-u.ac.jp (tiếng Nhật).

kilala.vn

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.

SDGs

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU