Nhật Bản chống lại sự phụ thuộc kinh tế vào nước ngoài như thế nào?
Bài: HT
Sep 30, 2020
Nguồn tham khảo: Grapee JP
Sự can thiệp của chính phủ Nhật Bản
Dịch bệnh xảy ra và kéo dài khiến cho kinh tế lâm vào trì trệ. Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến nguy cơ phá sản ngày càng cao. Cách ly xã hội cộng với tâm lý lo lắng của người tiêu dùng khiến cho các ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Trong thời điểm này, khoản vay từ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) dành cho các công ty có nguy cơ phá sản chính là một cứu cánh.
Tuy nhiên, các chương trình cho vay dường như luôn mang theo những hậu quả không mong muốn. Theo các nhà kinh tế học, cho vay quá nhiều có thể dẫn đến việc hình thành các “công ty xác sống” (*). Các công ty mắc nợ và không sinh lời nếu lệ thuộc quá nhiều các khoản vay trong thời kỳ kinh tế suy thoái sẽ bắt đầu phụ thuộc vào sự trợ giúp của chính phủ.
Tuy nhiên, những tình huống như vậy không có gì đáng ngạc nhiên ở Nhật. Kể từ thời Minh Trị, chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo kinh tế có tác động lớn đến sự phát triển của các ngành công nghiệp trên cả nước. Mặc dù tác động từ chính phủ thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng và được xem là “phép màu kinh tế Nhật Bản”, nhưng sự can thiệp quá mức dưới hình thức cho vay bắt buộc đã góp phần tạo ra hiện tượng “bong bóng kinh tế” và tình trạng kinh tế bất ổn trong những năm 1990. Điều này có sự tác động qua lại giữa chính phủ và ngành công nghiệp cho đến ngày nay.
(*) Công ty xác sống: các doanh nghiệp mắc nợ. Mặc dù doanh nghiệp có thể có doanh thu, sau khi trang trải chi phí hoạt động, chi phí cố định, doanh nghiệp chỉ có đủ tiền để trả lãi cho các khoản vay, nhưng không đủ để trả nợ. Công ty này thường phụ thuộc vào các ngân hàng (chủ nợ) để tiếp tục tồn tại, hỗ trợ họ một cách có hiệu quả vô hạn.
Sự tồn tại của các Zaibatsu trong lịch sử
Cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868 đã tạo nên những tác động sâu sắc đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản sau này. Vào khoảng thời gian đó, giới cầm quyền ở Nhật Bản lo sợ sự vượt trội về công nghệ của các nước phương Tây nên đã tìm cách công nghiệp hóa nhanh chóng. Hướng tới mục tiêu này, Nhật Bản đã củng cố quyền lực của chính phủ và đặt nền móng thiết lập nền kinh tế tư bản phát triển.
Với hy vọng có thể bắt kịp sự phát triển ở phương Tây, chính quyền Minh Trị đã thành lập các Zaibatsu (財閥), hay còn gọi là "tài phiệt". Zaibatsu là các tập đoàn độc quyền gia đình trị gồm một công ty mẹ đứng đầu và những công ty con chi phối những mảng quan trọng của thị trường một cách đơn lẻ hoặc thông qua nhiều công ty con cấp dưới. Sức ảnh hưởng và quy mô của các Zaibatsu có thể kiểm soát các phần quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản tính từ thời Minh Trị cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ 2.
Trước khi Thế chiến thứ 2 xảy ra, Zaibatsu đã phát triển trở thành những thực thể khổng lồ: mở rộng phát triển theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang trong nhiều ngành công nghiệp, kiểm soát chuỗi cung ứng và nguyên liệu thô. Tứ Đại Tài Phiệt khi ấy bao gồm: Sumitomo, Mitsui, Mitsubishi và Yasuda.
Mối quan hệ mật thiết của các Zaibatsu với chính phủ đã khiến cho Nhật Bản công nghiệp hóa nhanh chóng trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, cũng vì mối quan hệ chặt chẽ này mà sau Thế chiến thứ hai các Zaibatsu cũng tan rã. Với những gì còn sót lại, những Zaibatsu đã cải tổ thành Keiretsu.
Các Keiretsu ra đời
Ở Nhật Bản thời hiện đại, giữa các lĩnh vực công nghiệp và tài chính cũng như chính phủ vẫn có mối quan hệ chặt chẽ. Với xu hướng hướng tới hợp tác, các doanh nghiệp và các thực thể kinh tế khác hợp tác liên kết với nhau, thường bao gồm các nhóm doanh nghiệp được gọi là Keiretsu.
Keiretsu (系列) có nghĩa đen là hệ thống dây chuyền hoặc chuỗi, là một phương thức hợp tác kinh doanh mang đậm nét đặc trưng kiểu Nhật. Một Keiretsu gồm nhiều công ty thành viên xoay quanh một định chế tài chính (thường là một ngân hàng). Định chế tài chính vừa là cổ đông lớn của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn, vừa đóng vai trò tài trợ hoặc đảm bảo thanh khoản cho các công ty thành viên. Các Keiretsu nhận được sự trọng đãi từ chính phủ Nhật Bản.
Hiện Nhật Bản có 6 tập đoàn Keiretsu công nghiệp lớn và 11 tập đoàn quy mô nhỏ hơn. Doanh số của các Keiretsu chiếm khoảng 25% doanh số của tất cả các công ty Nhật Bản nhưng chiếm khoảng 78% tổng giá trị vốn hóa của Thị trường chứng khoán Tokyo. Giống như Zaibatsu, Keiretsu cũng kết hợp phát triển theo chiều ngang và chiều dọc trên các chuỗi cung ứng. Họ cũng kết hợp các công ty thương mại tổng hợp được gọi là "Sogo shousha - 総合商社".
Do có cấu trúc liên kết chặt chẽ nên các tập đoàn kinh tế này có ảnh hưởng và mang lại sự ổn định kinh tế đáng kể, đồng thời giúp phổ biến kiến thức và bí quyết trong các ngành công nghiệp của Nhật Bản. Nhiều nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Nhật trong suốt thế kỷ 20 là do năng suất của các tập đoàn này.
Cổ phần chéo giữa các công ty
Một số quốc gia như Mỹ cho rằng các tập đoàn Keiretsu thực hiện hoạt động kinh doanh không công bằng nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh nước ngoài. Cùng với xu hướng độc quyền, cấu trúc Keiretsu có thể hạn chế khả năng phát triển và đổi mới của nền kinh tế Nhật Bản.
Ra đời trong những năm 1960 - 1970, khi một số công ty Mỹ phát triển mạnh mẽ và trở thành những gã khổng lồ trong lĩnh vực kinh tế, các Keiretsu đã ngăn kinh tế Nhật Bản khỏi sự tiến công mạnh mẽ của nước ngoài bằng cách sáp nhập và mua lại. Các Keiretsu cho phép sở hữu cổ phần chéo với nhau, các công ty cấu thành nắm giữ cổ phần của nhau, làm tăng khả năng lưu động vốn trong các tập đoàn và tách ra khỏi các nhà đầu tư bên ngoài.
Ngay cả trong thế kỷ 21, cấu trúc cơ bản này vẫn được duy trì, hạn chế tính rủi ro của Keiretsu đối với ảnh hưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, mặc dù kinh tế Nhật Bản tiếp tục mở cửa nhiều hơn nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không thể chiếm lĩnh hoàn toàn kinh tế Nhật Bản.
kilala.vn