Mua bán hàng xách tay Nhật: Cái giá của sự dễ dàng?
Bài: L.L.Ngọc/ Ảnh: flickr, Tâm Lê Oct 30, 2017
Những năm gần đây, khái niệm “hàng xách tay” không còn xa lạ gì với người yêu chuộng hàng Nhật tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến những rủi ro cho cả người mua lẫn người bán khi giao dịch sản phẩm hàng xách tay khi trong đó đa phần là hàng trốn thuế, hàng giả, kém chất lượng…
“Thiên đường” hàng xách tay Nhật
Như tên gọi, hàng xách tay thường là những sản phẩm do tu nghiệp sinh, du học sinh, những người đi du lịch, công tác, phi công hoặc tiếp viên hàng không… mua từ các cửa hàng Nhật về để bán lại tại Việt Nam. Do hàng xách tay không phải chịu thuế khóa nên giá thành có thể “mềm” hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Đó là lí do vì sao chúng lại khiến những tín đồ hàng ngoại “phát cuồng” khi chỉ cần bỏ ra một khoản vừa túi tiền đã có thể sở hữu những món đồ gắn mác “made in Japan” một cách dễ dàng.
Trước món lợi “béo bở” từ hàng xách tay, hiện nay việc buôn bán các mặt hàng này không còn được khoanh vùng trong phạm vi chuyền tay nhau nữa, mà đã trở thành một hoạt động kinh doanh sôi nổi. Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi ở nhà và gõ một dòng từ khóa “Hàng xách tay Nhật”, bạn đã có trong tay một dọc những “đầu mối” phân phối hàng xách tay từ quy mô nhỏ đến lớn, từ shop online đến các cửa hàng lớn quy tụ nhiều mặt hàng đa dạng như laptop, điện thoại, mỹ phẩm, quần áo, giày dép… để tha hồ chọn lựa.
Rủi ro cho cả người mua lẫn người bán
Có một vấn đề mà không phải người mua hàng xách tay nào cũng đều biết, đó là chất lượng của hàng hóa không phải lúc nào cũng như lời rao bán. Do không được thông qua khâu kiểm định của các cơ quan liên quan nên xuất xứ, chất lượng thật sự của sản phẩm vẫn luôn là một vấn đề bỏ ngỏ. Ngay cả khi trên nhãn hàng ghi toàn chữ tiếng Nhật, bạn cũng không tránh khỏi trường hợp gặp phải hàng nhái, hàng giả, nếu không sử dụng công cụ để check mã vạch sản phẩm kĩ lượng sẽ dẫn đến tiền mất tật mang.
Bên cạnh đó, hàng xách tay cũng không có chính sách bảo hành như hàng chính hãng, không có chế độ hậu mãi, gây thiệt thòi cho người mua nếu mua phải hàng bị lỗi, muốn thay linh kiện… Trước sự xuất hiện tràn lan của hàng xách tay, không ít “gian thương” còn tráo đổi linh kiện để ngụy trang thương hiệu nổi tiếng, trộn vào cả hàng kém chất lượng…
Về phía người bán, kinh doanh hàng xách tay được coi là hành vi phạm pháp. Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của pháp luật Việt Nam, tất cả những hàng hóa không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật đều bị coi là hàng hóa trốn thuế, nhập lậu. Đồng thời, những người cố ý vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu đều sẽ đứng trước nguy cơ bị xử phạt hành chính.
Tại Nhật Bản, nhiều vụ việc người Việt Nam buôn bán hàng hóa bất hợp pháp cũng đã bị phanh phui và gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Đơn cử như vào tháng 8 vừa qua, cảnh sát thành phố Ogi, tỉnh Saga đã bắt giữ một tu nghiệp sinh người Việt có hành vi buôn bán trên 100 chiếc smartphone và tablet trái phép trên mạng xã hội suốt trong giai đoạn từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 5 năm nay.
Lối đi nào cho hàng xách tay Nhật tại Việt Nam?
Về phía người tiêu dùng, khi muốn mua hàng xách tay, cần “chọn mặt gửi vàng” những địa điểm thật sự uy tín, tra kĩ xuất xứ của sản phẩm, tránh tiếp tay cho hoạt động phi pháp. Bên cạnh đó, hiện nay cơ hội để các thương hiệu Nhật hiện diện chính thức tại thị trường Việt Nam đang ngày càng gia tăng, việc người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm chính hãng, chất lượng, có chế độ bảo hành, hậu mãi tốt vẫn được khuyến khích hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của chính bản thân mình.