Lê Vân Mây - "Nữ tướng" lãng mạn của Marukame Udon

Bài và ảnh: Nguyễn ĐìnhMay 30, 2018

Sau hơn 20 năm chinh phục lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm sang Nhật Bản, Lê Vân Mây hiện đang nắm giữ tập đoàn Lotus Group có hơn 1.000 nhân viên với 5 công ty chuyên ngành chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B), xuất – nhập khẩu, phân phối sản phẩm từ Nhật Bản... Thế nhưng chị lại chia sẻ một điều đáng ngạc nhiên về bản thân: “Tôi nghĩ rằng tôi không phải là người kinh doanh giỏi, khách hàng và đồng nghiệp hay gọi tôi là "người kinh doanh lãng mạn” vì tôi làm kinh doanh với cả tâm hồn và tấm lòng yêu thương.

người kinh doanh lãng mạn - Lê Vân Mây

Chân dung CEO Lê Vân Mây/ Ảnh: Nguyễn Đình

Kinh doanh ngành chế biến thực phẩm, lại chinh phục một thị trường khó tính như Nhật, dưới góc độ quản lý, thách thức lớn nhất đối với chị là gì?

Là độ an toàn. Ở Việt Nam, phải đến gần đây người tiêu dùng mới quan tâm nhiều đến các chất phụ gia, hóa chất dùng trong thực phẩm, do người Việt mình quan niệm món ăn trước hết phải ngon đã, còn với người Nhật, an toàn là quan trọng nhất. Càng ngày tôi càng thấy họ đúng. 

Trên thực tế, điều kiện để nhập khẩu vào thị trường Nhật mỗi năm một khó hơn, chẳng hạn tiêu chuẩn an toàn năm trước là 4 sao, bây giờ lên 5 sao, đồng nghĩa với việc chúng tôi phải liên tục đào tạo lại nhân viên. Bản thân tôi cũng luôn học hỏi và lắng nghe ý kiến từ đồng nghiệp Nhật, từ các xu hướng tiêu dùng của người Nhật hiện đại.

Những đối tác Nhật Bản đóng góp như thế nào cho sự thành công của Lotus Food?

Người Nhật rất kỹ tính. Yêu cầu sản xuất cũng ngày càng khó khăn hơn. Trước đây, nhà máy chỉ cần trang bị áo bảo hộ, khẩu trang, và lăn tóc để không dính vào đồ ăn,... giờ có cả máy dò kim loại, sau mỗi giờ phải sát trùng phân xưởng một lần. Trước khi được nhận vào làm việc, công nhân phải qua kiểm tra sức khoẻ, hoặc là chỉ đứt tay chút thôi cũng không được vào dây chuyền sản xuất.

Việc vệ sinh nhà máy cũng vậy, phải tuyệt đối sạch sẽ, đặc biệt là những chỗ khuất. Nếu đối tác kiểm tra mà phát hiện lượng vi khuẩn cao hơn mức cho phép ở bất kỳ góc nào trong nhà máy thì đều không đạt chuẩn, uy tín của mình sẽ sụt giảm. Nhưng nếu mình đáp ứng tốt cái khó của người Nhật thì đó là mấu chốt để làm ăn lâu dài với họ.

Các công ty Nhật thường tạo nên nét văn hoá riêng trong ứng xử, làm việc, kỷ luật... Ở Lotus Food, nét văn hoá nổi trội mà chị cùng tập thể hướng đến là gì?

Tôi gọi đó là “Happy Lotus”. Tôi quan niệm công ty này là của mọi người, ngoài vấn đề kỷ luật thì công ty là một gia đình lớn, nếu nhân viên đi làm trong trạng thái vui thích, họ sẽ tạo ra sản phẩm tốt, kết quả tốt. Vì vậy mà tôi luôn đặt hạnh phúc của nhân viên là điều quan trọng nhất. Ngoài việc liên tục huấn luyện, giám sát nhân viên, điều tôi chú ý nhất là mình phải truyền đạt được điều mà người ta có thể hiểu và có khả năng thực hiện theo năng lực của họ. 

Nếu yêu cầu nhân viên điều họ không thể làm được thì đó là lỗi của người quản lý. Tôi sẵn sàng lắng nghe chứ không áp đặt, nhân viên của tôi có quyền sửa đổi ý kiến lãnh đạo miễn sao công việc đạt kết quả tốt nhất.

Lợi nhuận – uy tín – phong độ ổn định, bền vững... đều là những yếu tố quan trọng và cần thiết để doanh nghiệp tồn tại. Nếu phải hy sinh một trong ba yếu tố ấy, chị sẽ chọn điểm nào?

Đây là một câu hỏi khó, bởi ai kinh doanh cũng phải tính đến lợi nhuận, nhưng nếu phải nói thật thì bản thân tôi không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Tất nhiên nếu việc kinh doanh không phát triển, công ty thua lỗ thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân viên. Thế nên tôi chọn kinh doanh theo kiểu... đa đoan, làm nhiều mảng cùng lúc để tránh bỏ trứng vào một giỏ, từ sản xuất đến phân phối, nhập khẩu, và gần đây là nhà hàng... 

Tôi coi đó là cách kinh doanh an toàn, bởi vì trong một năm nếu nhà hàng không có lời thì các mảng còn lại sẽ hỗ trợ, đợi khi uy tín và phong độ ổn định, lợi nhuận sẽ đến. Khi bán một sản phẩm, với tôi đó không chỉ là mua bán đơn thuần. Ví dụ mặt hàng tã giấy, tôi là mẹ của bốn đứa con nên rất hiểu tâm lý phụ nữ, ai cũng muốn tiết kiệm, nhưng trước hết, bà mẹ nào cũng muốn điều tốt cho con, nếu xài tã không tốt sẽ ảnh hưởng nhiều thứ khác. 

Vì vậy tôi tập trung khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tốt, xứng với đồng tiền bỏ ra, đó cũng là cách tôi định hướng tiêu dùng cho khách hàng. Tôi không đặt yêu cầu có lợi nhuận ngay, mà suy tính rất kỹ trong việc ra giá để sản phẩm có thể đến được với thị trường.

Thực phẩm Nhật đang được thị trường Việt Nam tôn vinh nhờ vào chất lượng và sự an toàn. Là nhà cung cấp thâm niên cho thị trường Nhật, giờ lại trở về “sân nhà” (cung cấp thực phẩm chế biến sẵn cho chuỗi siêu thị AEON, chuỗi nhà hàng Marukame Udon...), chắc hẳn Lotus Food có nhiều thuận lợi?

Khi khâu sản xuất của chúng tôi đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật, tôi lại có mong muốn góp phần nâng cao chất lượng sống của người Việt. Đó là thuận lợi nhưng cũng là gánh nặng, bởi vì đối tượng khách hàng mà tôi nhắm đến là phân khúc trung và cao cấp, những người có hiểu biết và sẵn sàng trả tiền cao hơn để nhận được dịch vụ tốt, sản phẩm chất lượng. 

Riêng trong lĩnh vực nhà hàng, bên cạnh thương hiệu Nhật Bản có bề dày lịch sử, chúng tôi có lợi thế về cạnh tranh giá nhờ sở hữu nguồn nguyên liệu tốt, giá ưu đãi. Chẳng hạn, nguyên liệu tôm trước đây tôi xuất hết đi Nhật, nay tôi giữ lại một phần cho nhà hàng. Đây là hình thức xuất khẩu không qua biên giới và vẫn đảm bảo chất lượng Nhật Bản.

người kinh doanh lãng mạn - tập đoàn thực phẩm hoa sen (lotus group)

Chị Lê Vân Mây chụp tại một trong những chi nhánh của chuỗi nhà hàng Marukame Udon/ Ảnh: Nguyễn Đình

Sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bây giờ lại vận hành chuỗi nhà hàng nhượng quyền Marukame Udon tại Việt Nam, chị thấy ngành F&B có gì thú vị? Chị có thể chia sẻ mục tiêu phát triển của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam?

Tôi thích nấu ăn và ẩm thực Nhật, nên khi đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, có dịp nghe ý kiến từ khách hàng, với tôi đó là niềm vui. Các ngành hàng kinh doanh của tôi đều liên kết với nhau, chúng tôi chủ động từ khâu nguyên liệu, sản xuất, và đưa đến tận bàn ăn. 

Tất nhiên, chế biến luôn là công đoạn khó kiểm soát nhất nên tôi thường dành hơn 50% thời gian ở nhà máy để quản lý chất lượng sản phẩm. Khi quyết định tham gia ngành F&B, tôi cho rằng đây là sự hợp tác 2 bên cùng có lợi, vì chúng tôi có dây chuyền sản xuất, có công ty nhập khẩu, có kiến thức về mảng phân phối thị trường nội địa và nhân tố con người. 

Mục tiêu của tôi trong 5 năm tới là có 30 nhà hàng, có thể không chỉ Udon mà sẽ mở rộng ra các dòng sản phẩm khác. Hiện Marukame Udon có 1.000 nhà hàng toàn cầu, nhưng giá bán ở Việt Nam là rẻ nhất thế giới, và nằm trong top 10 về lượng khách tiêu thụ.

Theo chị thì lợi thế của một “nữ tướng” trong kinh doanh là gì?

Điểm mạnh của tôi là sự kiên nhẫn, quyết đoán, 50% cơ hội đến là phải biết nắm bắt, 50% còn lại là uyển chuyển. Khi làm việc cùng đối tác không bao giờ đặt mình ở vị trí cao nhất mà cần hợp tác đôi bên, lắng nghe và thuyết phục để chứng minh những luận cứ của mình đúng, nếu sai khách hàng thuyết phục lại hợp lý thì tôi nghe theo. Tôi làm việc theo công thức Win – Win, và biết cương – nhu hợp lý.

Xin cảm ơn chị!

Nguyễn Đình/kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU