Hành trình người Nhật trồng dâu "siêu sạch" tại Đà Lạt

Bài: Kento; Inako / Hình ảnh: Inako; Thảo LêJul 20, 2018

Đà Lạt vốn là xứ dâu của Việt Nam, ấy vậy mà so với dâu Nhật thì vị ngon vẫn cách xa "một trời một vực". Nhưng, sau một hành trình gian nan thử thách, ông Kuniharu Takebe đã trồng được dâu chuẩn Nhật trên vùng đất cao nguyên này.

Cuối năm 2016, lần đầu tiên người Việt Nam đã được nếm thử những quả dâu Nhật “siêu sạch” được trồng bằng công nghệ cao trên đất Đà Lạt. Xin ông cho biết, mối duyên nào khiến người Nhật quyết định trồng dâu tại vùng đất này? 

Hoshina Group của chúng tôi tại Nhật là một tập đoàn gồm có 3 công ty con, tổng số nhân viên là 600 người, trong đó có 50 thực tập sinh người Việt Nam. Trong quá trình làm việc, các bạn thực tập sinh người Việt đã hết mình cống hiến cho sự phát triển của tập đoàn chúng tôi. Do đó, để đền đáp thịnh tình này, năm 2013, tập đoàn chúng tôi quyết định sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, cụ thể là ngành trồng dâu theo nguyện vọng của các bạn.

Hinh_4.JPG
Những "hàng dâu xanh ngắt một màu" ở trang trang trại của ông Kuniharu Takebe.

Từ năm 2014, chúng tôi bắt đầu xây dựng cơ sở, năm 2015 thì thử nghiệm gieo trồng dâu Nhật và đến tháng 11/2016 thì thu hoạch được những quả dâu “chuẩn Nhật” đầu tiên.        

Được biết, để triển khai kinh doanh một loại cây trồng, sự khác biệt về thổ nhưỡng luôn là một thử thách lớn cho bất kỳ công ty nông nghiệp nào muốn thử nghiệm giống mới trên một vùng đất lạ. Có phải việc đưa giống dâu Nhật sang Việt Nam và áp dụng công nghệ Nhật cũng không nằm ngoài những thử thách đó thưa ông?

Tất nhiên rồi! Chúng tôi đã phải học cách làm quen với những điều kiện bất lợi và giải quyết vấn đề của mình để thử nghiệm trồng thành công. Ví dụ, trong một năm đầu tiên, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn để có thể đưa ra được kết luận môi trường Đà Lạt từ nhiệt độ, độ ẩm, lượng gió… thích hợp để gieo trồng dâu Nhật.    

Hinh.jpg
Ông Kuniharu Takebe chia sẻ về trang trại của mình.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác là tại Nhật, việc quản lí nhiệt độ và tính toán lượng nước tưới, phân bón đều được thực hiện tự động bằng công nghệ vi tính nên quá trình trồng trọt đơn giản hơn. Tuy nhiên, ở Đà Lạt, do nhiều nguyên do như việc phân phối điện khó khăn nên toàn bộ các thông số cơ bản như nồng độ phân bón, lượng nước tưới, thành phần dinh dưỡng trong đất trồng… đều do nhân viên quản lý và xử lý dựa trên kết quả tính toán của máy tính (công nghệ cao).

Hiện tại chúng tôi đang dự định áp dụng công nghệ tự động hóa hoàn toàn vào giai đoạn ổn định điện áp.       

Chúng ta đã nói về khó khăn, vậy còn điều thuận lợi nào khiến tập đoàn Hoshina Group quyết định đầu tư trồng dâu tại Đà Lạt thưa ông? 

Dĩ nhiên động lực của chúng tôi là những điều kiện thuận lợi mà vùng đất Đà Lạt đã mang lại. Khí hậu Đà Lạt hoàn toàn phù hợp để gieo trồng tất cả các loại rau quả, không chỉ riêng dâu tây. Dựa trên điều kiện khí hậu tuyệt vời đó cùng các dữ liệu cơ bản do máy tính tính toán, chúng tôi đã điều chỉnh từng bước nhỏ một để có thể áp dụng kỹ thuật gieo trồng dâu tây công nghệ cao tại đây.

Cuối năm 2016, lần đầu tiên người Việt Nam đã được nếm thử những quả dâu Nhật “siêu sạch” được trồng bằng công nghệ cao trên đất Đà Lạt, đó là niềm vui rất lớn cho chúng tôi.

Hinh_3.JPG
Những trái dâu đỏ mọng và siêu sạch.

Theo thông tin chúng tôi được biết, những giống dâu trong trang trại của ông được nhập về trực tiếp từ Nhật Bản. Xin ông cho biết, dâu trồng tại Đà Lạt và Nhật Bản chất lượng có khác nhau không?

Một thông tin rất vui là: về độ lớn và màu sắc thì hoàn toàn giống dâu Nhật. Về hương vị, cây trồng tại đây có thể cho ra những quả dâu ngon hơn cả dâu Nhật. 

Hinh_5.jpg
Dâu ở trang trại này được đánh giá là ngon hơn dâu Nhật.

Đã có thời gian gắn bó với vùng đất này, hẳn là ông có nhiều điều muốn kể với bạn đọc Kilala về công việc đầy thú vị của một người trồng loại quả ngọt ngào này phải không ạ? 

(Cười) Phải chắc chắn một điều là tôi đã bắt đầu thấy lưu luyến và yêu mến vùng đất này. Trong thời gian tới, trước hết tôi muốn truyền dạy cho người Việt Nam kỹ thuật trồng dâu tây Nhật, để người Việt cũng có thể thưởng thức giống dâu tươi ngon của Nhật. Dâu Nhật có đặc trưng là rất mềm, do đó chúng tôi sẽ thử nghiệm những phương thức vận chuyển có thể mang những quả dâu này đến các vùng xa hơn. Dựa trên giống dâu sẵn có, chúng tôi còn mong muốn nghiên cứu ra các giống dâu mới có thể phát triển tại Việt Nam. Người quản lý trang trại và cũng là học trò của tôi – cậu Đình Duy sẽ là người hỗ trợ tôi chia sẻ kỹ thuật trồng dâu cho người Việt. Tôi mong rằng trong tương lai, tự các nhân viên người Việt cũng có thể trồng được dâu tây Nhật Bản trên chính quê hương thân yêu của họ.      

Hinh_1.JPG

BTV Kilala và ông Kuniharu Takebe tại trang trại dâu tây Create Star.

Trang trại dâu tây Create Star nằm ở thôn Măng Lin, phường 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là trang trại sản xuất dâu tây Nhật Bản theo hướng công nghệ cao đầu tiên tại Đà Lạt. Mỗi tháng vườn dâu Nhật Bản này cung cấp cho thị trường từ 100 - 200 kg/1.000 m2. Giá bán loại dâu này là 400.000Đ ~ 500.000Đ/kg. Hiện trang trại đã đón khách du lịch, bạn có thể đến đây vừa mua dâu vừa tham quan miễn phí.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU