Độc lạ dịch vụ mai táng ngoài vũ trụ của Nhật

Bài: Rin
Mar 30, 2023

Nguồn: Kyodo

Việc rải tro người đã khuất xuống biển, chôn cất trong các khu nghĩa trang hoặc bên dưới những gốc cây (Mộc thụ táng) có lẽ không còn là điều xa lạ. Nhưng hiện nay, người mất còn có thể được đưa tiễn như một ngôi sao băng với hành trình bay lên mặt trăng hay thậm chí là chuyến du hành vĩnh cửu đến nơi sâu thẳm ngoài vũ trụ.

Nhờ vào sự phát triển của các loại hình chôn cất ngoài không gian, việc tiễn đưa con người ở chặng cuối cuộc đời khi rời khỏi thế gian đã không còn là chuyện khoa học viễn tưởng. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực mai táng hơn hai thập kỷ, Tomoko Kasai, nhà điều hành một công ty Nhật cung cấp dịch vụ hiếm có này, đã biến chuyện không tưởng thành hiện thực. 

hộp Magokoro
Hộp Magokoro của công ty Space NTK mang theo tro cốt, DNA và lời nhắn gửi ra ngoài không gian. 

Mai táng ngoài không gian 

Bà Kasai, 62 tuổi, chia sẻ: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tang lễ 20 năm nhưng vẫn còn thấy thiếu điều gì đó. Rồi tôi nhớ rằng khi còn bé, tôi từng muốn trở thành một ngôi sao sau khi qua đời và từ đó, tôi nảy ra ý định về dịch vụ chôn cất ngoài vũ trụ. Nhưng tôi biết bắt đầu thực hiện ý tưởng này ở Nhật là điều không thể”. 

Kasai đã sáng lập nên công ty Space NTK vào năm 2017, rồi tìm cách để hiện thực hóa ước mơ của mình bằng chuyến du lịch đến Hoa Kỳ, cũng như mang đến một bài thuyết trình ấn tượng tại một hội nghị ngành hàng không vũ trụ. Tại đây, bà có cơ duyên gặp gỡ một kỹ sư Nhật Bản làm việc ở SpaceX, đơn vị sản xuất tên lửa và tàu vũ trụ sáng lập bởi Elon Musk. Cuộc hội ngộ này đã mở đường cho kế hoạch táo bạo của bà. 

Vào mùa hè năm 2020, Kasai đã nhận được một cuộc điện thoại từ Elon Musk thông qua người đại diện Nhật Bản của ông tại SpaceX. 

Tomoko Kasai
Tomoko Kasai, người sáng lập công ty Space NTK. 

Kasai chia sẻ: “Tôi được bảo rằng 'Ông Elon đang ngồi cạnh tôi lúc này và muốn được giúp bà rải tro cốt ra không gian'. Tôi đã bày tỏ mình rất vui khi có thể gửi một phần tro cốt của người đã khuất, nhưng ông Elon nói rằng tro của toàn bộ cơ thể cũng được bởi tên lửa của SpaceX đủ lớn. Ngay khi ông Elon đề nghị, tôi đã quyết định thực hiện”. 

Sau đó, bà Kasai đã ký kết một hợp đồng để đặt gói hàng lên con tàu Falcon 9 thuộc chương trình SmallSat Rideshare của SpaceX. Vào tháng 04/2022, Space NTK lần đầu tiên thành công phóng vệ tinh Magokoro và rải tro cốt của 5 người cùng 5 vật nuôi, cũng như DNA và các lời nhắn nhủ ở khoảng cách từ 500-600km so với bề mặt Trái Đất, nơi Magokoro được giữ trong quỹ đạo. 

Việc chôn cất ở ngoài không gian tại Space NTK có giá khởi điểm là 550.000 yên cho 50 gram tro cốt, còn nếu tro cốt của toàn bộ thi thể nặng khoảng 2kg thì có giá khởi điểm là 7,7 triệu yên. Công ty cũng cung cấp dịch vụ tương tự cho thú cưng. 

Maki Tamura, chủ nhân của chú chó cứu hộ Isshin cũng đã rải tro của Isshin trong chuyến bay lên không gian vào tháng 4/2022 của Space NTK. Cô bày tỏ rằng muốn sử dụng cách mai táng ngoài không gian khác thường này để nâng cao nhận thức về việc nhận nuôi chó vô gia cư. 

tên lửa falcon 9
Tomoko Kasai đứng trước tên lửa Falcon 9 của Space X.

Tamura cho biết: “Bằng việc mang Isshin trở về với thiên nhiên hùng vĩ chính là vũ trụ, tôi cảm thấy chúng tôi sẽ gặp lại lần nữa sau khi mình qua đời. Hiện giờ, tôi cảm giác như mình luôn được dõi theo bởi một thành viên thân yêu của gia đình mỗi khi ngước nhìn lên bầu trời đêm”.

Với kế hoạch tiến ra ngoài không gian lần hai của Space NTK vào cuối năm 2023, Kasai cho biết cô sẽ đảm bảo tự tay mang tro cốt của khách hàng đến Hoa Kỳ, ở lại đến giây phút cuối cùng để bảo đảm mọi thứ đâu vào đó. 

Kasai bộc bạch: “Dĩ nhiên đây là trách nhiệm lớn nên tôi không thể giao phó cho bất kỳ ai. Miễn là còn sống, tôi sẽ tự mang tro cốt của khách hàng lên không gian”. 

Sau khi tên lửa phóng đi và ở giai đoạn thứ 2, nó đi vào quỹ đạo của Trái Đất cùng vệ tinh được gắn vào, khách hàng có thể thấy được vị trí của người thân yêu đã khuất bằng cách dùng mã QR do công ty cung cấp. Sau đó, hộp đựng tro cốt sẽ quay trở lại bầu khí quyển và rực cháy như ngôi sao băng. Hành trình này mất khoảng từ 5-7 năm.

Mặc dù hình thức chôn cất ngoài vũ trụ được cho là không tạo thêm rác cho không gian bên ngoài Trái Đất nhưng nó vẫn có thể gây ra các vấn đề vì nhu cầu về những trải nghiệm độc lạ vào giai đoạn cuối đời vẫn đang tiếp tục tăng. 

Alexander Wagner, Phó giáo sư về Vật lý học thiên thể ở Trung tâm Khoa học điện toán của Đại học Tsukuba cho biết: "Dù tro cốt không ở lâu trong quỹ đạo, nhưng nếu có hằng trăm hoặc hàng ngàn ca chôn cất ngoài không gian trong một năm, những tro cốt này có thể tạo thành các mảnh vụn không gian nguy hiểm”. 

Ông nói thêm: “Một hậu quả nữa có thể xảy ra khi gia tăng mảnh vụn không gian là đẩy nhanh quá trình xuống cấp của kính viễn vọng không gian James Webb, vốn thường xuyên bị các thiên thạch siêu nhỏ tấn công”. 

Seizensou, tang lễ dành cho người sống 

Việc đưa tro cốt vào quỹ đạo bên ngoài Trái Đất không chỉ là dịch vụ duy nhất được cung cấp cho khách hàng, mà Space NTK còn hợp tác với công ty Space Perspective của Hoa Kỳ để tổ chức tang lễ cho người sống, gọi là “生前葬 – Seizensou”. 

Hình thức tang lễ này được tổ chức cho một cá nhân khi họ vẫn còn sống, thường được chọn lựa bởi một số người cao tuổi Nhật Bản với mong muốn trút bỏ gánh nặng trên vai con cháu về việc tổ chức hậu sự sau khi họ qua đời. 

nội thất của tàu không gian
Phối cảnh bên trong tàu không gian của công ty Space Perspective.

Kasai cho biết công ty Space NTK của cô đã đặt hàng 64 chỗ với Space Perspective cho các chuyến đi trong năm 2026 và năm 2027 để tổ chức những đám tang như trên. Khởi điểm 175.000 USD/người, gói dịch vụ tang lễ này bao gồm chuyến bay khứ hồi từ Nhật đến Hoa Kỳ để cất cánh tại Florida, cư trú tại khách sạn hạng sang và gói hỗ trợ toàn diện bằng tiếng Nhật. 

Khác với tên lửa, du khách không cần phải trải qua khóa huấn luận đặc biệt để di chuyển bằng khinh khí cầu tầng bình lưu có dạng hình con nhộng. Lúc này, khinh khí cầu sẽ đưa hành khách bước vào chuyến hành trình kéo dài 6 tiếng đến rìa không gian nằm trên 99% bầu khí quyển, rồi quay trở lại Trái Đất. 

Kasai bật mí: “Bất kỳ ai có đủ sức khỏe để bay đến Hoa Kỳ đều có thể thực hiện hành trình này. Mọi người có thể đi cùng cả gia đình, hoặc thậm chí tổ chức một lễ cưới trên khinh khí cầu”. 

Xem thêm: Góc tối phía sau ngành kinh doanh khách sạn tử thi tại Nhật

Space NTK hiện đang mở đặt trước dịch vụ chôn cất ở Mặt Trăng sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023, hợp tác với công ty Nhật Bản phát triển xe thám hiểm Mặt Trăng. Đây là loại phương tiện mà đến nay chỉ có công ty Celestis Inc., chế tạo thành công. 

Celestis đã hoàn thành các chuyến bay không gian tưởng niệm cho hơn 1.000 gia đình trên khắp 20 quốc gia từ khi giới thiệu dịch vụ vào năm 1997, họ cũng lên kế hoạch ra mắt chuyến bay không gian tưởng niệm đầu tiên đến vùng không gian xa nhất, dự kiến vào tháng 05/2023, cùng với tên lửa Vulcan mới của United Launch Alliance (ULA). 

Về phần Kasai, sức quyến rũ của không gian đã không hề giảm nhiệt trong bà kể từ khi còn là một đứa trẻ. Giấc mơ mang tro cốt của chính mình vào vũ trụ bao la sau khi qua đời của bà vẫn không thay đổi. Kasai trải lòng: “Sau cùng, tôi muốn trở về nơi xuất phát của mình. Và tôi tin rằng nơi đó chẳng phải mặt đất hay biển cả, mà chính là vũ trụ”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU