Doanh nghiệp Nhật sáng tạo túi xách từ lưới đánh cá bỏ đi
Bài: Rin
Jan 25, 2022
Nguồn: nippon.com
Toyooka Kaban, một thương hiệu túi xách đến từ thành phố Toyooka, tỉnh Hyogo đã cho ra đời những chiếc túi làm bằng lưới đánh cá bỏ đi như một nỗ lực giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.
Loại túi xách đặc biệt làm từ lưới đánh cá hiện được bày bán tại “Kaban Street”, nơi hội tụ rất nhiều cửa hàng bán túi xách ở thành phố Toyooka. Tại Artisan Avenue, một cửa hàng thuộc hệ thống thương hiệu Toyooka Kaban, người quản lý hào hứng giới thiệu: “Chiếc túi này được làm từ lưới đánh cá bỏ đi”.
Trên kệ của cửa hàng trưng bày đầy những túi đeo vai và túi tote với mức giá từ 23.000 yên (khoảng 4.500.000 VND) đến 80.000 yên (khoảng 15.000.000 VND). Được biết, doanh số trung bình tại đây vào khoảng 70 chiếc/tháng. Phía trước cửa hàng, một lưới đánh cá màu xanh dương được trưng bày để quảng bá cho sản phẩm của Toyooka Kaban.
Sự ra đời của túi xách làm bằng lưới đánh cá
Toyooka là một thành phố giáp biển thuộc tỉnh Hyogo. Người dân ở đây phát triển ngành thủ công đan lát các hộp đựng bằng cây Koriyanagi, một loài cây thuộc chi Liễu. Đến năm 1881, họ bắt đầu sản xuất túi xách hiện đại, phát triển thành một ngành công nghiệp địa phương, biến nơi đây trở thành một trong những khu vực sản xuất túi lâu đời và lớn nhất Nhật Bản.
Vào năm 2006, thành phố Toyooka đã thành lập Hiệp hội Ngành túi xách tỉnh Hyogo, đưa ra các quy chuẩn nghiêm ngặt: chỉ những sản phẩm túi đạt chất lượng quy định mới được sử dụng tên thương hiệu Toyooka Kaban. Hiện tại, thương hiệu này gồm có 11 thành viên và sản xuất nhiều mẫu mã đa dạng, từ túi tote đến túi Boston.
Khi đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc cũng như các mặt hàng nhập khẩu khác, Toyooka Kaban tin tưởng vào sản phẩm mà họ làm ra tại quê nhà.
Vào năm 2020, Nippon Foundation đã thành lập “ALLIANCE FOR THE BLUE - Liên minh vì màu xanh” có trụ sở tại Tokyo. Liên minh đã thực hiện nghiên cứu về các sản phẩm làm từ lưới tái chế để hướng tới đạt được mục tiêu bền vững SDGs số 12 "Tiêu dùng và Sản xuất có trách nhiệm", số 13 "Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu", số 14 "Tài nguyên nước" và số 17 "Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu".
Là một khu vực phát triển nghề đánh cá, nhất là cua tuyết, thành phố Toyooka có một lượng lớn lưới đánh cá bỏ đi. Do vậy, ngay lập tức Toyooka Kaban đã ủng hộ sáng kiến trên và quyết định tham gia vào nghiên cứu.
Ước tính có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra trên toàn cầu và riêng tại Nhật Bản, con số này vào khoảng 20.000 đến 60.000 tấn. Trong đó, lưới đánh cá và dây thừng chiếm 20% đến 30% các rác thải trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản, theo số liệu khảo sát tại 10 điểm từ Bộ Môi trường Nhật Bản vào năm 2016.
Các loại rác thải nhựa này khi tràn ra biển gây tác động rất lớn, không chỉ làm ô nhiễm biển mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái đại dương. Nếu tình trạng rác nhựa trên biển vẫn tiếp diễn thì sự gắn kết lâu dài giữa con người với môi trường biển sẽ sụp đổ.
Toyooka Kaban hiểu rõ vấn đề nghiêm trọng và nhức nhối trên. Sinh ra từ thành phố Toyooka, nơi nhận được ân huệ của biển cả, họ quyết định tái chế lưới đánh cá thành túi xách vì một tương lai bền vững và tươi đẹp cho thế hệ con cháu mai sau.
Bước đầu tiên của quy trình, một thương nhân chuyên buôn bán lưới đánh cá ở Hokkaido sẽ tiến hành thu thập lưới đã qua sử dụng, sau đó chuyển chúng đến một công ty tái chế vật liệu ở Tokyo để tái chế thành hạt nhựa. Sau đó, chúng được kéo thành sợi và dệt thành vải REAMIDE bởi công ty dệt Morito tại Osaka. Có thể thấy đây là một dự án ý nghĩa với sự hợp tác của nhiều đơn vị trên khắp Nhật Bản.
Bản thân công ty Morito cũng tìm cách tái chế lưới đánh cá ở địa phương thành vải và bắt tay với Hợp tác xã Thủy sản Tajima chuyên đánh bắt cua tuyết. Tuy nhiên, lưới đánh bắt cua tuyết lại cứng nên chi phí tái chế sẽ cao và cũng khó biến chúng thành vải được.
Do vậy, công ty Morito đã chọn một số loại lưới đánh cá dễ tái chế hơn và đang lên kế hoạch sản xuất các phụ kiện nhỏ làm từ vật liệu tái chế này cho ngư dân ở Osaka sử dụng.
Ngoài các loại túi thông dụng từ lưới đánh cá tái chế, Naoto, một trong những nhà sản xuất thuộc Toyooka Kaban hiện đang nghiên cứu sử dụng loại vải này để làm cặp đi học cho học sinh. Miyashita Eiji, chủ tịch của Naoto mong đợi những điều tuyệt vời khi thế hế trẻ được tiếp xúc sớm với túi tái chế: “Sẽ thật tốt nếu những vật dụng bọn trẻ dùng hằng ngày giúp chúng có thêm nhận thức về môi trường”.
Túi Toyooka Kaban được làm từ lưới đánh cá gồm đa dạng các mức giá với một số gam màu trang nhã như đen, xanh nước biển đậm, xanh nước biển nhạt.
Một chiếc túi Boston có quai xách dùng mang đi du lịch có giá 55.800 yên (khoảng 11.000.000 VND) đối với size L, còn size M có giá 49.800 yên (khoảng 9.900.000 VND). Loại túi nhỏ đựng bút thì có giá khoảng 15.000 yên (khoảng 3.900.000).
Bạn có thể tham khảo và đặt mua túi Toyooka Kaban làm từ lưới đánh cá tại website shop.artisan-atelier.net của cửa hàng Toyooka Kaban Artisan Avenue.
Tận dụng da và vải thừa để sản xuất phụ kiện
Ngoài tái chế túi từ lưới đánh cá bỏ đi, các nhà sản xuất của Toyooka Kaban còn phát triển thêm dòng ví và phụ kiện nhỏ từ da và vải thừa trong quá trình sản xuất để tạo ra túi đựng, hộp đựng chìa khóa đến ví đựng tiền xu. Dòng ví này được bắt đầu sản xuất từ năm 2018 còn các phụ kiện được ra mắt vào năm 2019.
Da bị cắt thừa luôn phát sinh trong quá trình sản xuất túi. Sử dụng lượng da bỏ đi này để làm ra các sản phẩm túi khác, Toyooka Kaban không chỉ giúp làm giảm lượng rác thải, mà còn tạo ra những sản phẩm có một không hai để làm quà tặng.
Đặc biệt, một số nhà sản xuất của thương hiệu Toyooka Kaban còn nghiên cứu làm ra sản phẩm túi nhựa sinh học từ bã nho trong quá trình sản xuất rượu vang. Mục đích của thương hiệu là giảm tác động đến môi trường thông qua việc tránh sử dụng vật liệu hóa học.
kilala.vn
Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.