Đế chế Nintendo: Từ lá bài hoa đến huyền thoại Super Mario

Bài: Rin Jul 14, 2021

Trước khi trở thành một đế chế hùng mạnh thuộc top 3 trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử thế giới, Nintendo có xuất phát điểm là một công ty sản xuất bài hoa Hanafuda thủ công tại Kyoto. Nhờ bộ óc kinh doanh nhạy bén, người sáng lập Fusajiro Yamauchi và người thừa kế đời thứ 3 Hiroshi Yamauchi đã đưa Nintendo cùng những sản phẩm trò chơi điện tử của công ty vươn tầm thế giới. 

Khởi đầu với bộ bài hoa Hanafuda 

Vào ngày 23/09/1889, Yamauchi Fusajiro thành lập công ty Yamauchi Nintendo (山内任天堂) trên phố Shomen Dori, gần sông Kamo, phía Đông Kyoto. Lúc này, công ty chuyên sản xuất bộ bài hoa Hanafuda* thủ công với các thẻ bài làm bằng bột gỗ dâu tằm được vẽ tay tỉ mỉ, chi tiết. Vào năm 2017, chính quyền thành phố Kyoto đã tìm thấy một bức ảnh cũ trong kho lưu trữ về trụ sở đầu tiên này của Nintendo. Bên phải là tấm biển màu trắng hiện đại ghi tên "Marufuku Nintendo Card Co." – thương hiệu của Nintendo chuyên về bài lá, còn bên trái là một tấm biển cũ bằng gỗ đã phai màu có chữ “Karuta”.

*Cùng với bài Uta Garuta, Iroha Karuta, bài hoa Hanafuda thuộc bộ bài Karuta truyền thống của Nhật Bản. Hanafuda gồm 48 lá được chia thành 12 tháng trong năm, mỗi tháng có 4 lá bài vẽ hình ảnh hoa lá, chim muông, thời tiết đặc trưng của tháng đó.

tru-so-dau-tien-nitendo
Trụ sở đầu tiên của Nintendo tại Kyoto. Ảnh: wikipedia

Yamauchi quyết định thành lập Yamauchi Nintendo khi nhìn thấy cơ hội rất lớn từ lệnh dỡ bỏ quy định hạn chế chơi bài vốn tồn tại từ thời Edo. Đây thuộc một trong nhiều chính sách cải cách Nhật Bản do Thiên hoàng Minh Trị đề ra vào cuối những năm 1800. Nhờ đó, Hanafuda nổi lên và trở thành trò chơi phổ biến được người Nhật hết mực ưa chuộng. Mặc dù nhiều người cho rằng cái tên Nintendo (任天堂) có ý nghĩa rằng hãy để vận may cho trời quyết định, thực chất có thể hiểu rộng hơn là hãy làm hết sức những việc mình nghĩ là bản thân nên làm, rồi sau đó, để cho số phận định đoạt. 

hanafuda-nintendo
Poster quảng bá các loại bài của công ty Nintendo vào đầu thời kỳ Minh Trị. Ảnh: wikipedia 

Nhà sáng lập Yamauchi Fusajiro sinh năm 1859 tại Kyoto, họ khai sinh là Fukui và từng có thời gian làm việc tại công ty xi măng Haiko trước khi thành lập Nintendo. Lúc bấy giờ, ông tham gia vào dự án cung cấp xi măng cho công trình xây dựng kênh đào Hồ Biwa tầm cỡ bắt đầu từ năm 1885. Sớm bộc lộ tài năng kinh doanh và đầu óc nhạy bén, Fukui đã được chủ tịch công ty – Yamauchi Naoshiki nhận làm con nuôi vào năm 1872, đổi thành họ Yamauchi và bắt đầu bước chân vào hàng ngũ lãnh đạo của công ty Haiko. Bằng nguồn vốn của gia đình, ông Fusajiro đã quyết định kinh doanh thêm lĩnh vực bài hoa Hanafuda và lập công ty Yamauchi Nintendo. Trong nhiều năm liền, ông điều hành song song cả hai công ty này. Đặc biệt, công việc kinh doanh bài Hanafuda phát triển mạnh nên ông phải thuê thêm trợ lý hỗ trợ sản xuất số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh, đưa Nintendo trở thành công ty sản xuất bài Hanafuda lớn nhất nước Nhật. 

Sản xuất bài Tây và sự chuyển đổi người điều hành 

Bên cạnh Hanafuda, ông Fusajiro còn mở rộng danh mục sản phẩm sang nhiều trò chơi bài khác và cả bài Tây. Được biết, Nintendo bắt đầu sản xuất bài Tây phục vụ nhu cầu giải trí cho các tù nhân Nga trong chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905), nhưng tại một bảo tàng ở Hoa Kỳ, các lá bài Tây do Nintendo sản xuất ghi mốc thời gian năm 1903. Đặc biệt, để đảm bảo những lá bài Hanafuda vẫn giữ được sức hút, Fusajiro đã hợp tác với công ty sản xuất thuốc lá Murai Bros. của “Vua thuốc lá” Murai Kichibe. Mỗi gói thuốc sẽ đính kèm theo một lá bài trong bộ Hanafuda và những người yêu thích Nintendo sẽ cố gắng thu thập đủ 48 lá bài. 

Đến năm 1929, sau 40 năm điều hành, ông Fusajiro đã nghỉ hưu và giao quyền thừa kế cho con rể Sekiryo Kaneda. Ông Kaneda đã kết hôn với con gái của Fusajiro và theo truyền thống nhận con nuôi tại Nhật, Kaneda đổi họ thành Yamauchi vào cùng ngày thừa kế Nintendo. Năm 1933, Nintendo đã liên doanh với một công ty khác và đổi tên thành Yamauchi Nintendo & Co. Tiếp đó, Sekiryo cũng thành lập thêm một công ty phân phối các loại bài có tên là Marufuku Co., Ltd. Thời gian này, căn nhà gỗ cũ ở Shomen Dori đã được xây dựng lại bằng bê tông và vẫn còn được giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Sảnh đợi bên trong toà nhà mang nét kiến trúc phổ biến của thời kỳ đầu Showa. 

tru-so-nintendo-1933
Trụ sở của Nintendo được xây dựng lại trên tòa nhà gỗ ban đầu. Ảnh: tokyoweekender

Lịch sử lặp lại khi Sekiryo không có con trai mà chỉ có một cô con gái nên con rể Shikanojo Inaba được nhận làm con nuôi và tiếp quản Nintendo. Thế nhưng, người con rể đã rời bỏ gia đình khi cậu con trai Yamauchi Hiroshi chỉ mới 5 tuổi. Ông Sekiryo Kaneda đã nuôi dưỡng cháu trai và truyền dạy để Hiroshi trở thành thế hệ thừa kế Nintento thứ ba thay cho cha mình. Trước khi qua đời, ông đã gọi Hiroshi lúc này 21 tuổi đang học Luật tại Đại học Waseda, Tokyo trở về Kyoto để kế nghiệp gia đình vào tháng 9/1949. 

Sự chuyển mình của Nintendo dưới thời Yamauchi Hiroshi

Sau khi ông nội qua đời năm 1949, Yamauchi Hiroshi tiếp quản vị trí chủ tịch của Nintendo. Điều đặc biệt là Hiroshi đã đưa ra yêu cầu sa thải tất cả các thành viên trong gia đình đang làm việc tại Nintendo khi trở thành người thừa kế. Trong thời gian đầu tiếp quản công ty, Hiroshi gặp muôn vàn khó khăn bởi cuộc đình công của công nhân vì cho rằng tuổi đời của ông còn quá trẻ cho vị trí Chủ tịch. Đứng trước tình thế này, Hiroshi đã cho sa thải những người làm việc lâu năm và quyết định tuyển dụng các tài năng trẻ tuổi. 

Vào năm 1950, ông đã đổi tên công ty Marufuku thành Nintendo Karuta. Năm 1953, Nintendo trở thành công ty đầu tiên tại Nhật sản xuất thẻ bài nhựa. Vào năm 1956, Hiroshi đã có chuyến công tác đến Hoa Kỳ để đàm phán với công ty sản xuất bài nổi tiếng USPCC có trụ sở tại Cincinnati. Nhưng khi chứng kiến một công ty bài lớn nhất thế giới hoạt động trong một văn phòng nhỏ, ông Hiroshi nhận ra những hạn chế của ngành kinh doanh và sản xuất bài. 

yamauchi-fusajiro-yamauchi-hiroshi
Chân dung ông Yamauchi Fusajiro (hình trái); Yamauchi Hiroshi gặp gỡ Roy Disney (hình phải). Ảnh: nitendo fandom, tofugu 

Vào năm 1959, nhận thấy các nhân vật hoạt hình Disney đang rất phổ biến, Hiroshi đã đàm phán và ký thoả thuận với Roy Disney để đưa các nhân vật này lên thẻ bài của Nintendo. Bằng việc sản xuất các thẻ bài Disney kèm sách hướng dẫn cách chơi, Nintendo nhanh chóng chuyển mình và dễ dàng bán sản phẩm mới này cho các gia đình tại Nhật Bản. Trong một năm, họ đã bán được ít nhất 600.000 bộ bài Disney và thành công đưa Nintendo lên Sàn giao dịch chứng khoán Osaka vào năm 1962. 

Một năm sau, tức năm 1963, công ty Nintendo Playing Card Co., Ltd được chính thức đổi tên thành Nintendo Co., Ltd. Bằng việc sử dụng các nguồn vốn mới được rót vào, công ty Nintendo đã thử nghiệm nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Điều này thể hiện tư duy cầu tiến và nhạy bén của Chủ tịch Hiroshi. Từ năm 1963 đến năm 1968, Nintendo thành lập công ty taxi, công ty thực phẩm chuyên bán cơm ăn liền, chuỗi khách sạn tình yêu, máy hút bụi và sản xuất đồ chơi. Tuy nhiên, ngoại trừ sản xuất đồ chơi với kinh nghiệm từ kinh doanh thẻ bài Disney trước đó, các loại hình khác đều gặp phải thất bại. Đặc biệt, năm 1964, Nhật Bản trải qua thời kỳ bong bóng kinh tế bởi Thế vận hội Tokyo nên ngành kinh doanh thẻ bài đã đi đến bão hoà, các gia đình ở Nhật ngừng mua thẻ trò chơi làm cho giá cổ phiếu của Nintendo lao dốc từ 900 yên xuống còn 60 yên. 

Trở thành công ty sản xuất đồ chơi 

Năm 1966, trong một lần Chủ tịch Hiroshi đến kiểm tra tình hình sản xuất của một trong những nhà máy Hanafuda, ông vô tình phát hiện món đồ chơi cánh tay máy nối dài được chế tạo bởi kỹ sư bảo trì Gunpei Yokoi.

Nhận thấy tài năng của người kỹ sư này, Hiroshi đã đưa ra kế hoạch phát triển nó thành một sản phẩm đồ chơi phù hợp cho lễ Giáng sinh tháng 12/1966. Sau cùng, sản phẩm đã được ra mắt với tên gọi là Ultra Hand và nhanh chóng bán được hơn một triệu chiếc. Yokoi được chuyển từ bộ phận kỹ sư sang bộ phận phát triển sản phẩm. 

ultra-hand
Sản phẩm Ultra Hand của Nintendo ra mắt vào năm 1966. Ảnh: gbttf.com, famitsu.com

Với nền tảng kỹ thuật và sự sáng tạo của bản thân, Yokoi tiếp tục phát triển nhiều món đồ chơi khác cho Nintendo dưới sự điều hành của Hiroshi như trò xếp hình Ten Billion Barrel, máy ném bóng chày Ultra Machine và cả máy kiểm tra tình yêu. 

Đến năm 1970, Nintendo ra mắt sản phẩm súng chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên tên là Nintendo Beam Gun, hợp tác với thương hiệu đồ điện tử Sharp. Tiếp đó, năm 1972, Nintendo lại làm công chúng bất ngờ bằng việc sáng tạo máy đánh trống Ele-Conga có thể chơi các bài trống được lập trình sẵn và người dùng có thể thay đổi chúng để tạo ra nhiều bài trống khác nhau. 

Trò chơi điện tử và sự ra đời của Super Mario

Năm 1972, Nintendo hợp tác với công ty Mỹ Maganavox để sản xuất súng quang điện tử. Hai năm sau, công ty phân phối độc quyền bảng điều khiển trò chơi điện tử Magnavox Odyssey kèm theo phụ kiện là súng quang điện tử đến các gia đình ở Nhật Bản. Những năm sau đó, Nintendo tiếp tục phát hành hàng loạt trò chơi điện tử như EVR Race năm 1975, Donkey Kong năm 1981. Từ năm 1980 đến năm 1991, Nintendo cho ra mắt trò chơi điện tử cầm tay Game & Watch với đa dạng các chủ đề như: Ball, Chef, Dong Key và thành công lớn khi bán được 43,4 triệu chiếc trên toàn thế giới. Cùng với kỹ sư Gunpei Yokoi, Shigeru Miyamoto - người sáng tạo ra trò chơi Mario được Chủ tịch Hiroshi trọng dụng bất chấp tính cách mơ mộng và không có tư duy về kinh doanh, biến Nintendo trở thành thiên đường dành cho "nghệ sĩ" sáng tạo trò chơi điện tử, chứ không phải đơn thuần chỉ là kỹ sư. 

game-and-watch-nintendo
Các trò chơi Game and Watch do Nintendo phát hành. Ảnh: wikipedia

Vào năm 1983, Nintendo phát hành máy chơi game gia đình Famicom và chỉ trong vòng 2 tháng đã bán được hơn 500.000 chiếc với giá 100 USD/cái, tuy nhiên, thành công lại không dễ dàng khi người dùng phàn nàn máy bị đóng băng. Nintendo nhanh chóng xác nhận và tìm thấy lỗi do một con chip bên trong máy nên đã quyết định thu hồi toàn bộ sản phẩm, dẫn đến thiệt hại khoảng 500.000 USD. Không dừng lại trước khó khăn, năm 1985, trò chơi Super Mario Bros. đầu tiên đã được phát hành cho máy Famicom tại thị trường Nhật và thu về thành công vang dội. Cùng năm này, Nintendo bắt đầu tiếp thị máy Famicom ra thị trường quốc tế như Mỹ, Canada. Đặc biệt, để quảng bá các trò chơi mới của hãng mỗi tháng, chi nhánh Nintento tại Mỹ đã ra mắt tạp chí Nintendo Power. Phiên bản trò chơi Super Mario Bros.3 được phát hành tại Bắc Mỹ đầu năm 1990 đã nhanh chóng bán được hơn 18 triệu bản và được chuyển thể thành phim truyền hình The Super Mario Bros. Super Show! bởi DIC Entertainment và Viacom Enterprises.  

super-mario-bros-3-nintendo
Nintendo phát hành trò chơi Super Mario Bros 3 vào đầu năm 1990. Ảnh: classicnes

Trong game Super Mario, nhân vật Mario – một anh chàng thợ sửa ống nước người Ý sống ở vương quốc Nấm, có nhiệm vụ giải cứu công chúa Peach khỏi tay của nhân vật phản diện Bowser. Mario được sáng tạo bởi nhà thiết kế Shigeru Miyamoto, xuất hiện trong hơn 200 trò chơi, trở thành linh vật của công ty Nintendo cũng như biểu tượng văn hoá đại chúng.

Đến tháng 5/1993, Nintendo được xếp vào top 10 công ty sản xuất trò chơi điện tử hàng đầu thế giới. Qua quá trình dài phát triển, vào giai đoạn 2019 – 2020, Nintendo là công ty trò chơi điện tử xếp thứ 3 với doanh thu khoảng 12 tỉ USD.

Chủ tịch Hiroshi Yamauchi đã từ chức vào ngày 24/05/2002 sau 53 năm tiếp quản, và trong thời gian điều hành, ông đã biến Nintendo từ công ty sản xuất bài Hanafuda chỉ hoạt động tại Nhật Bản trở thành tập đoàn phát hành trò chơi điện tử có giá trị hàng tỷ USD. Ông Hiroshi đã bổ nhiệm Satoru Iwata – Trưởng bộ phận Kế hoạch Doanh nghiệp của Nintendo trở thành người kế nhiệm đời thứ 4 của tập đoàn vào năm 2002. 

yamauchi-hiroshi-satoru-iwata
Chủ tịch Yamauchi Hiroshi (trái) và Satoru Iwata – thế hệ thừa kế thứ 4 của tập đoàn Nintendo (phải). Ảnh: toyokeizai

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU